Tận dụng thiên nhiên để phân tách vải hỗn hợp trong quy trình tái chế vải
Sinh viên tốt nghiệp trường Central Saint Martins Chiara Tommencioni Pisapia đã đề xuất một phương án để nâng cấp quy trình tái chế vải bằng cách sử dụng loài nhậy để phân huỷ những loại sợi tự nhiên trong quần áo bị bỏ đi.
Pisapia, người kể rằng mình “hứng thú với sự bền vững trong ngành thời trang, tái chế vải vóc, thiết kế sinh học và kinh tế tuần hoàn*”, muốn tìm ra một cách hữu hiệu hơn để giải quyết những loại vải hỗn hợp, thường rất khó để tái chế.
(*) Kinh tế tuần hoàn (tiếng Anh: circular economy) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường (Nguồn: Wikipedia).
Những loại vải này, chưa hỗn hợp các sợi tự nhiên và nhân tạo như len và polyester, thường kết thúc trong bãi rác hoặc lò thiêu vì khó để phân tách các loại sợi trong vải để tái chế.
“Tái chế vải hiện nay sử dụng chủ yếu các loại chất hoá học và phương pháp cơ học”, nhà thiết kế kể.
“Do chúng ta đang trong thời kỳ mà sinh học và thiết kế dần đan xen, tôi nghĩ rằng sẽ thú vị hơn khi khám phá cách thiên nhiên tái chế và phân tách sợi, điều này dẫn tôi đến việc quan sát các loài nhậy cắn quần áo”, cô nói.
Pisapia ban đầu đề xuất sử dụng loài nhậy này để tách sợi động vật từ vải, chỉ để lại sợi tổng hợp để chúng có thể được tái chế riêng rẽ.
Loài nhậy này đặc biệt chỉ ăn những chất liệu tự nhiên như len, lông, lụa, nỉ và da vì chúng chứa protein dạng sợi mang tên keratin mà ấu trùng có thể hấp thu được.
Pisapia đã phát triển dự án Made by Moths trong những nghiên cứu vào năm cuối của cô cho bằng Thạc sỹ về Chất liệu tương lai tại trường nghệ thuật Central Saint Martins ở London.
Kết quả của dự án sẽ là những amino axít có thể ứng dụng lần nữa vào những tạp phẩm sinh học sản xuất bởi các ấu trùng. Theo nhà thiết kế, quy trình này có thể bắt đầu trong phòng thí nghiệm, và có tiềm năng mở rộng ra ở mức công nghiệp.
“Để có thể tạo ra thành công lớn hơn cần phải có sự hợp lực giữa các nhà thiết kế, nhà sinh học, hoá học và các nhà đầu tư”, cô khẳng định.
Pisapia đang tiếp tục thảo luận với các đối tác tại CNAP về tiềm năng phát triển dự án và mong rằng có thể gây quỹ để mở rộng nghiên cứu sâu hơn việc sử dụng enzim của loài nhậy để phát triển quy trình tái chế vải.
Nguồn: Dezeen