After Dark - Ánh neon sặc sỡ và sự cô đơn chốn thị thành
Gợi lên cảm giác về cuộc hành trình trong đêm của một tâm trí mất ngủ, After Dark (tạm dịch: Phía sau màn đêm) của nhiếp ảnh gia Liam Wong như bức tranh chốn đô thị được dệt bằng các mảng đa sắc, nhưng lại là sắc màu khi màn đêm buông xuống. Ánh đèn neon, ga xe lửa, tòa cao ốc và cả con người đều mang dáng vẻ đối lập với khi mặt còn ló dạng. Cô đơn và vắng lặng. Với gam màu điện ảnh kịch tích đậm chất Liam Wong, bộ ảnh mang hiệu ứng thị giác mạnh mẽ nhưng cũng đầy ảm đạm, lãng mạn nhưng lại u buồn.
Có lẽ vì vốn là nhà thiết kế trò chơi điện tử, Liam Wong có góc nhìn và cách truyền đạt độc đáo qua ngôn ngữ nhiếp ảnh, khác biệt, bay bổng và đôi khi là “siêu thực”. Qua lăng kính của anh, nơi hiện thực nhất dường như cũng khoác lên một màu rất khác, như cảnh tượng ta có thể thấy trong trò chơi, cái cảm giác vừa xa lạ vừa thân quen cứ thế len lỏi vào tâm trí.
Bắt đầu từ Tokyo, thành phố được anh xem là nàng thơ, Liam Wong mở rộng ống kính của mình đến Osaka, Kyoto, Luân Đôn, Seoul, Paris và Rome. Không dừng ở đó, hành trình tìm kiếm khung ảnh phong phú của cuộc sống về đêm vẫn tiếp tục, anh đến với những con phố lịch sử đầy sương mù của Edinburgh quê hương mình, khám phá dáng vẻ hậu trường của siêu đô thị Trùng Khánh và ngắm nhìn Hồng Kông qua những tòa nhà thẳng đứng.
Tuy vị trí địa lý khác nhau nhưng có lẽ màn đêm luôn khoác lên mình những dáng vẻ đặc trưng nào đó mà đôi khi ta vô tình không nhận ra sự tương đồng ấy. Đèn neon sáng rực, ga xe lửa vắng lặng, tòa nhà yên tĩnh và cả những bóng lưng lẻ loi trên phố, người đi bộ lững thững từng bước chân, người tài xế ngồi trong chiếc xe taxi với vẻ nhìn xa xăm… đều là những mảnh ghép dệt nên bức tranh phía sau bóng tối của nhiếp ảnh gia người Scotland.
Với Liam Wong, cuộc sống thực ra cũng mang những gam màu mạnh mẽ, kỳ lạ và thú vị như những điều chúng ta có thể tưởng tượng. Trên hành trình mất ngủ và đơn độc, After Dark (tạm dịch: Phía sau màn đêm) khám phá nỗi cô đơn ngay trong cuộc sống thị thành nhộn nhịp, ngay tại khoảng thời gian giao thoa giữa hoàng hôn và bình minh: sự trống trải kỳ lạ của rạp xiếc Piccadilly ở London lúc 4 giờ sáng, những người lái xe taxi lúc đêm khuya của Seoul di chuyển dọc theo những con đường kín gió, hai chú chim nhỏ cùng chia sẻ hơi ấm của biển hiệu đèn neon ở khu Tsim Sha Tsui của Hồng Kông, một người làm công ăn lương đang đợi chuyến tàu điện ngầm, sân ga trống trãi ở quận Akihabara của Tokyo hay hình ảnh trước cửa hàng điện tử lớn nhất thế giới. Những hình bóng bí ẩn đại diện cho cuộc sống khi bóng tối bao trùm được miêu tả như thước phim điện ảnh, ma mị và đôi chút ngổn ngang. Tất cả khiến ta ngỡ ngàng rằng, hóa ra thành phố nhộn nhịp quen thuộc lại trông như thế trước khi mặt trời mọc.
Mọi góc nhìn của người nghệ sĩ mất ngủ đã được lưu lại trong quyển sách ảnh After Dark (tạm dịch: Phía sau màn đêm). Với kích thước được mô phỏng theo khung tỷ lệ của phim – 2.39:1, 1.85:1, 16:9 và 4:3 – đến định dạng toàn cảnh, mỗi bức hình dường như chân thật và sống động hơn. Các Hán tự của bộ ảnh cũng được thiết kế riêng bởi Toshi Omagari với nét dày, mảnh tương phản và có thể chuyển động trên bản digital.
Các yếu tố tạo nên quyển sách đều được đầu tư và chăm chút tỉ mỉ, từ khung hình điện ảnh trải dài mang lại trải nghiệm hiển thị hấp dẫn nhất, đồng thời cũng gợi nhớ về những cuộn giấy châu Á thời xưa, đến kỹ thuật đóng gáy của Thụy Sĩ với băng vải liên kết cho toàn bộ khối sách và dán vào mặt sau của hộp sách. Ảnh được in bằng công nghệ Chroma Centric, cho phép sự đa sắc vượt ra ngoài gam màu điển hình của kỹ thuật in thạch bản. Tất cả tạo nên một tác phẩm mà có lẽ các tín đồ nhiếp ảnh và trái tim say mê nghệ thuật đều sẽ muốn sưu tầm. Bộ sách còn phát hành ấn bản đặc biệt với chữ ký của tác giả.
Với Liam Wong và có lẽ với nhiều nghệ sĩ, sự cô đơn đôi khi mang đến linh cảm và cả sự ủi an trong phút giây nào đó, bình yên và tĩnh lặng để trí tưởng tượng được thả lỏng và bay xa. Và buổi đêm muộn đôi khi lại là thời gian những cảm xúc và suy nghĩ sâu kín nhất được bộc lộ, khi ta không thể chìm vào giấc ngủ hay chọn cách thức để tận hưởng. Trong cái không gian và thời gian ấy, khi mọi thứ được nhuốm một màu tối hơn, thành phố không chỉ mang đến cảm nhận về sự cô đơn, mà còn là khung cảnh về chính nó – đơn thuần chỉ là dáng vẻ buổi đêm của một nơi nhộn nhịp ban ngày. Một cửa sổ đơn độc được chiếu sáng trong một dãy nhà, sự ấm áp được tạo nên từ ánh đèn công nghiệp trong khung cửa sổ của một cửa hàng đã đóng cửa. Ở một mình, có lẽ là điều chúng ta vừa sợ hãi lại vừa khao khát – sự im lặng của một nơi vốn thường tràn đầy sức sống có vẻ vừa không quen, cứ ngỡ như đang ốm, nhưng lại vừa đáng quý vì đôi khi lại hiếm hoi. Những cảm xúc đối lập này và có lẽ là hơn thế nữa đã được Liam Wong tinh tế gửi vào bộ ảnh của mình, chân thật và cảm xúc.
Dịch và biên tập: Mamminus