Richard Dadd - Họa sĩ vẽ tranh tiên nữ từ nhà thương điên
Nghệ sĩ thời Victoria, Richard Dadd, đã vẽ nên những bức canvas thanh tú và vô cùng chi tiết với vô vàn tiên nữ và những con vật thần tiên.
Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, The Fairy Feller’s Master-Stroke (ca. 1855–64), hoa cỏ và lá cây đều nhường chỗ cho thế giới thần tiên của các sinh vật nhỏ bé vận quần áo đẹp đẽ và mang vương miện. Chúng tụ họp quanh một người đàn ông mặc suit đang chuẩn bị bổ một hạt dẻ làm đôi với chiếc rìu cầm trên tay. Hành động trung tâm này trông có vẻ man rợ khi nghĩ về việc làm của Dadd trước đó: Năm 1843, trong cơn điên loại, ông đã giết cha mình, rồi tấn công một du khách trên tàu để trốn thoát. Ông dành phần đời còn lại trong viện tâm thần; nơi sau này trở thành studio của ông, nơi ông sáng tác ra phần lớn những bức tranh tưởng tượng của mình.
Một bản điều tra dân số năm 1878 từ vương quốc Anh xếp Dadd vào danh sách những người vừa là “nghệ sĩ” vừa là “kẻ điên”. Đối với nước Anh dưới thời Victoria, cụm từ sau áp dụng cho tất cả những ai phải chịu đựng bệnh tâm lý. Dadd có lẽ là một trong những hoạ sỹ và nhà điêu khắc đầu tiên được chẩn đoán như vậy. Thực tế, các nhà triết học và bác sĩ đã luôn tìm kiếm mối liên hệ giữa sáng tạo và chứng loạn trí hàng thập kỷ nay. Plato thậm chí còn suy đoán về chủ đề này dưới thời Hy Lạp cổ. Niềm cảm hứng nghệ thuật, ông tin rằng, là sự điên loạn mà Thượng Đế ban tặng. Từ Vincent van Gogh cắt đứt tai mình cho đến Sylvia tự tử bằng lò nướng, rất nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng của chúng ta đều được nhớ đến với sự trầm cảm và điên rồ khủng khiếp của họ. Dadd là một trong những ví dụ đau thương nhất của sáng tạo thiên bẩm đi kèm với bệnh tâm lý bị chữa trị kém.
Cuộc đời thời trẻ của Dadd không có gì đặc biệt. Ông sinh ra tại Kent năm 1817, và gia đình ông chuyển đến London năm ông 18 tuổi. Hai năm sau, ông ghi danh vào Viện Hoàng gia. Dadd trở thành bạn với những hoạ sỹ tương lai cùng thời với ông: Augustus Egg, William Powell Frith, và Edward Matthew Ward, cùng nhiều người khác nữa. Ông nhận được giải thưởng cho tài vẽ đồ án của mình. Đầu thập niên 1840, ông vẽ những tiên nữ trong bức A Midsummer Night’s Dream: Puck and Titania, nữ hoàng của các tiên nữ. Bức canvas năm 1842 Come Unto These Yellow Sands lấy cảm hứng từ The Tempest. Nhìn chung, Dadd hoàn toàn hoà hợp trong bối cảnh nghệ thuật thượng lưu tại Anh lúc bấy giờ.
“Tôi nghĩ ông ấy dung hoà được với thời đại của mình, cho đến khi ông giết cha mình,” Marc Demarest, người quản trị trang web nổi tiếng về Dadd chia sẻ. Demarest bắt đầu hứng thú với nghệ sĩ sau khi xem bức tranh The Fairy-Feller’s Master-Stroke tại Tate (bức tranh thuộc bộ sưu tập vĩnh cửu của bảo tàng) vào năm 2005. Những chi tiết ám ảnh, phần lớn đánh thức sự tò mò trong anh. “Đây không phải là một bức tranh mà bạn chỉ cần ngắm 5 phút hay 15 phút,” anh nói. “Tôi vẫn thật sự không biết nó nói gì. Khi bạn đứng cách nó khoảng nửa mét và chăm chú nhìn ngắm tác phẩm, mọi thứ trở nên rất thần kỳ.”
Cuộc đời Dadd bắt đầu rẽ hướng bi kịch trong một chuyến hành trình xuyên châu Âu và Trung Đông với người bảo trợ của mình, ngài Thomas Phillips. Cả hai khởi hành từ tháng 07/1842, băng xuyên qua dãy Alp và khám phá Venice trước khi đi thuyền đến Hy Lạp, Constantinople (Istanbul ngày nay), Cyprus, Beirut, và Jerusalem, cùng nhiều thành phố khác. Dadd bắt đầu xuất hiện những cơn đau đầu khủng khiếp. Sau khi tận mắt thấy thần Osiris ở Cairo, Ai Cập, ông thậm chí còn trở nên hoang tưởng và doạ dẫm Phillips; Dadd rõ ràng tin rằng mình có sứ mệnh chống lại quỷ dữ.
Khi Phillips và Dadd trở về London, cha ông đưa Dadd đến bệnh viện tâm thần St. Luke. Một bác sĩ đã chẩn đoán ông bị điên, dù rằng ông cực lực phản đối điều này. Hai cha con lại bắt đầu hành trình đến Cobham (gần ngôi nhà đầu tiên của họ), nơi cha ông đã hối thúc con trai mình chấp nhận điều trị. Thay vì chấp thuận, Dadd đã lừa cha mình đến một công viên, và khi đang đi dạo tối, ông giết và đâm cha bằng một miếng dao cạo cùng con dao. Dadd chuồn về Pháp, tấn công một hành khách trên đường, và đến Calais, Paris, rồi cuối cùng là một thị trấn gần Montereau, nơi chính quyền bắt giữ được ông. Khi cảnh sát lục soát studio của ông để tìm bằng chứng, họ thấy những bức ảnh của bạn bè và người quen của ông bị cứa cổ, có lẽ rằng hành vi giết người của Dadd là có dự tính trước.
“Ý tưởng rằng nghệ thuật và điên loạn vặn xoắn vào nhau – có thứ gì đó chìm nổi, nguy hiểm, sẵn sàng bùng nổ của nghệ thuật – rất phổ biến trong văn hoá thời Victoria,” Demarest nói. Cuộc đời của Dadd chuyển từ tầm thường sang bất thường.
Chính quyền Anh gửi Dadd về bệnh viện Bethlem Royal. Năm 1864, ông chuyển đến Broadmoor Facility, nơi ông tiếp tục điều trị đến cuối đời năm 1886. Nhân viên của viện trở thành người bảo trợ của ông.
Kiến thức của bác sĩ về chứng tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực (bệnh mà Dadd có lẽ mắc phải) vẫn còn hạn chế ở thời này, vì vậy giam giữ và thuốc phiện là phương pháp điều trị chính của họ. Sự giúp đỡ của bác sĩ đối với bức tranh của ông – thậm chí còn giúp ông mua hoạ phẩm – là một điểm nhân đạo đặc biệt trong lịch sử chữa trị tâm lý dưới thời Victoria.
Tiên nữ vẫn là những nhân vật chính trong tác phẩm của Dadd suốt cuộc đời ông. The Fairy Feller’s Master-Stroke, tác phẩm ông vẽ trong gần 10 năm, đã trở thành kiệt tác. Sự hứng thú của ông trong chủ đề này không hoàn toàn hoang tưởng, vì đó là một phần của tác động văn hoá. Người Anh và Ireland, như học giả Carole Silver viết trong cuốn sách năm 1986 của mình On the Origin of Fairies: Victorians, Romans, and Folk Beliefs, đã cố gắng làm sống dậy văn học dân gian truyền thống. Những bài thơ lãng mạn như của Percy Bysshe Shelley và Samuel Taylor Coleridge viết về tiên nữ đầu thế kỷ 19 cũng một phần truyền thêm cảm hứng cho tưởng tượng người dân thời Victoria.
“Mặc dù những linh hồn nghệ sĩ Lãng mạn ấp ủ nên tiên nữ,” Silver viết, “thì khát khao thời Victoria là để tìm kiếm và nuôi dưỡng chúng.” Ý tưởng về tâm lý học và sự vô thức nổi lên, trong buổi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp khuyến khích sử dụng khoa học và công nghệ để khám phá. Sự ám ảnh với tiên nữ đạt đến đỉnh điểm đầu thế kỷ 20, khi có hai bé gái đã thuyết phục tác giả bộ truyện Sherlock Holmes – ông Arthur Conan Doyle – rằng chúng đã chụp ảnh được các tiên nữ; vào năm 1920, ông còn đưa những bức ảnh vào một bài báo xuất bản, và câu chuyện làm dậy sóng dư luận.
Dadd đã biến nỗi ám ảnh văn hoá cuồng loạn trở thành những tác phẩm tuyệt vời. “Căn bệnh của nghệ sĩ đôi khi không giải thích được, nhưng tôi nghĩ ông ấy là một thiên tài hiếm có,” Jonathan Jones viết trong bài review trên Guardian tại triển lãm 2015 của Dadd. Nhưng anh cũng nhận xét rằng trong trường hợp của Dadd, bệnh tâm lý của ông có lẽ không liên quan đến thế giới ông vẽ nên. “Đây là một trường hợp vượt trội…Cuộc đời Dadd đổ nát, nhưng nghệ thuật ông tạo ra, thì chắp cánh và mang đầy niềm vui.”
- Những mảng hình đen-trắng đầy ngụ ý của nghệ sĩ Jon Macnair
- LG Signatures: Điểm lại từng sản phẩm đậm nét thương hiệu
- Bộ lịch sống động cho năm 2019 của hoạ sĩ Bùi Tâm thực hiện cho Framgia
Tác giả: Alina Cohen
Nguồn: artsy