Kiki de Montparnasse - Nàng thơ của hội họa Pháp
Phần lớn những người nghệ sĩ đều có những nàng thơ xuất hiện trong nhiều tác phẩm của họ. Kiki của phố Montparnasse chính là nhân vật xuất hiện nổi bật được nhắc tới. Tuy nhiên, đằng sau những bức tranh và lối sống phóng khoáng, Kiki lại mang trong mình một tâm hồn đầy rắc rối.
Những năm tháng đầu đời
Kiki tên thật là Alice Ernestine Prin, được sinh ra ở Chatillon-sur-Seine, thuộc Côte-d’Or năm 1901. Người mẹ đơn thân của cô đã chuyển dạ đột ngột đến nỗi Kiki được sinh ra ngay trên đường phố. Ngay sau đó, mẹ cô đến Paris, và cô bé Alice Prin được để lại cho bà ngoại chăm sóc. Cuộc sống của Alice cũng không tươi sáng là bao khi cô thường phải làm việc nhà cho hàng xóm để đổi lấy thức ăn, hoặc thậm chí ăn trộm rau từ những khu vườn lân cận.
Năm 12 tuổi, Alice đến sống với mẹ ở Paris. Cô nhanh chóng quyết định mình sẽ đi học đầy đủ và nhận công việc đầu tiên ở một nhà máy in. Tuy nhiên, vào năm Kiki 13 tuổi, mẹ không cho cô đi học nữa và bắt đầu cho Kiki làm việc kiếm tiền. Năm 1917, cô giúp việc cho một tiệm bánh và chi tiết này được viết trong cuốn hồi kí, cô viết rằng người thợ làm bánh “thường cởi truồng và làm những trò đùa bẩn thỉu theo ý tôi.”
Ở tuổi 14, cô đã cãi nhau với vợ của người thợ làm bánh và bắt đầu làm người mẫu khỏa thân cho một nhà điêu khắc lớn tuổi. Điều này dẫn đến sự rạn nứt mối quan hệ với mẹ cô, bà đã bước vào xưởng vẽ và gọi con mình là một con điếm. Vào mùa đông lạnh giá, Alice bị đuổi ra đường và thường ngủ trong các chuồng trại phía sau ga tàu Gare Montparnasse. Cô đành phải rửa mặt trong các quán cà phê ở phố Montparnasse, và chính tại đó, cô đã gặp những nghệ sĩ đã gọi cô là nàng thơ.
“Tất cả những gì tôi cần là một củ hành tây, một chút bánh mì và một chai rượu vang đỏ; và tôi sẽ luôn tìm được ai đó để cung cấp cho tôi điều đó.”
Năm 1918, cô chuyển đến sống với Maurice Mendjizki (1890 – 1951), một họa sĩ người Ba Lan gốc Do Thái. Bên cạnh đó, cô cũng làm mẫu cho các họa sĩ như Amedeo Modigliani (1884 – 1920) và Tsuguharu Foujita (1886 – 1968). Cô bắt đầu để kiểu tóc bob, đôi mắt trang điểm đậm với màu xanh lá cây và đôi môi tô màu đỏ tươi. Họa sĩ theo trường phái biểu hiện Chaïm Soutine (1893 – 1943) là người đã đặt biệt danh “Kiki” cho cô.
Mặc dù cô gái trẻ còn thiếu nét thanh lịch thời thượng của thời kỳ đó, Kiki không quan tâm: cô ấy say sưa với vẻ gợi cảm cứng cáp, đặc trưng của mình. Cô nhanh chóng trở thành một người mẫu nổi tiếng, được các nghệ sĩ như Jules Pascin (1885 – 1930), Derain (1880 – 1953) và Óscar Dominguez (1906 – 1957) vẽ, điêu khắc và chụp ảnh. Bức tranh Jeune Femme au Decollette (1922) của Moise Kisling (1891 – 1953) cho thấy một Kiki duyên dáng đang ngước nhìn với đôi mắt to và đẫm lệ, trong khi bức Kiki Nude (1928) của Per Krogh (1889 – 1965) lại mang một nét gợi cảm thô mộc. Nhưng hình ảnh đáng nhớ nhất là bức ảnh Le Violon D’Ingres của Man Ray (1890 – 1976) cho thấy một Kiki đang khỏa thân, ngồi và chụp từ phía sau, với hai chữ ‘f ở lưng; tôn vinh những đường cong trên cây đàn vĩ cầm của cô, và tuyên bố rằng: cô là một công cụ để sáng tạo nghệ thuật.
Cô từng xuất hiện trong bộ phim thử nghiệm Ballet mécanique của đạo diễn Fernand Léger nhưng không trích dẫn tên.
Kiki được nhào nặn qua bàn tay của Man Ray
Bắt đầu từ năm 1921, Kiki và Man Ray là người yêu của nhau trong sáu năm, vị nhiếp ảnh gia đã tạo ra hàng trăm bức ảnh về cô, và có ảnh hưởng rất lớn trong việc định hình tính cách của Kiki. Kay Boyle (1902 – 1990), một tiểu thuyết gia người Mỹ sống ở Paris cùng thời với Kiki, đã viết rằng: “Man Ray đã thiết kế khuôn mặt của Kiki (Alice)… và vẽ bằng chính tay anh ấy. Anh ấy bắt đầu bằng cách cạo lông mày và sau đó đặt lại cặp lông mày khác, bằng bất kỳ màu nào anh ta có thể chọn vào ngày hôm đó… Mí mắt đậm của cô ấy có thể được làm bằng đồng, xanh hoàng gia, bằng bạc hoặc ngọc bích.”
Le Violin d’Ingres, 1924, Man Ray. Đây là bức ảnh nổi tiếng nhất mà Man Ray chụp cho Kiki. Hai chữ f được viết ở lưng để tạo dáng Kiki trở thành cây đàn vĩ cầm. Black and White (Tạm dịch: Đen và trắng), 1926, Man Ray.
Bất chấp mối quan hệ mãnh liệt của họ, Kiki cuối cùng đã đi quá xa so với những gì Man Ray có thể chịu đựng. Một chủ quán cà phê ở Nice gọi cô là một con điếm, cô đã đánh nhau và bị tống vào tù: luật sư của Man Ray chỉ có thể bảo đảm cho cô được thả bằng cách xuất trình giấy chứng nhận của bác sĩ nói rằng cô bị rối loạn thần kinh. Ngay sau đó, Man Ray đã rời Kiki để đến với nhiếp ảnh gia Lee Miller. Man Ray đã nói lời chia tay với Kiki tại một trong những quán cà phê quen thuộc của họ và anh ta buộc phải chui xuống gầm bàn khi Kiki ném đĩa vào đầu anh.
Sự nghiệp nghệ thuật và trở thành nữ hoàng phố Montparnasse
Cô cũng đã bắt đầu vẽ chân dung cho những người lính Anh và Mỹ thường lui tới quán La Rotonde. Vào năm 1927, đã có một cuộc triển lãm bán hết vé tại Galerie au Sacre du Printemps ở Paris. Cô luôn ký tên ‘Kiki’ vào tác phẩm của mình cũng như ghi chú thời gian vẽ tác phẩm. Phần lớn tranh của cô đều được vẽ theo chủ nghĩa biểu hiện nhẹ nhàng, hơi không đồng đều, phản ánh tính cách dễ gần và lạc quan vô bờ bến của mình.
Năm 1929, Kiki trở thành tình nhân của nhà báo Henri Broca, người đã thành lập tạp chí Paris-Montparnasse sau đó. Ông cũng là người xuất bản cuốn hồi ký của Kiki với tựa đề Les souvenirs de Kiki (Hồi ký của Kiki), hai người bạn thân là nhà văn Ernest Hemingway và họa sĩ Tsuguharu Foujita được mời viết lời đề tựa cho cuốn sách. Tuy nhiên, cuốn hồi ký này bị cấm ở Mỹ với lý do có nội dung khiêu dâm. Mãi tận hai năm sau thì mới có một số ấn bản được ra mắt trở lại ở Mỹ, nhưng hình ảnh minh họa được thay đổi. Có vô vàn những lời bàn tán xôn xao xung quanh cô và có cả những chuyện bịa đặt, nhưng Kiki vẫn say sưa kể về những câu chuyện bịa đặt đó. Cô chưa bao giờ để cho những lời của người đời khiến bản thân cảm thấy khó chịu.
Buổi ký tặng cuốn hồi ký của Kiki có sự tham gia của rất nhiều những bạn bè là các họa sĩ. Kiki xuất hiện ở buổi ký tặng, ngồi bên cạnh là tình nhân Henri Broca.
“Kiki đã thống trị kỷ nguyên ở Montparnasse hơn cả Nữ hoàng Victoria từng thống trị kỷ nguyên Victoria”
Nhà văn Ernest Hemingway đã viết trong lời tựa cho cuốn hồi ký năm 1929 của Kiki.
Là biểu tượng của Paris phóng túng, sáng tạo và tìm kiếm một nơi nghệ thuật, ở tuổi 28, cô được tuyên bố là Nữ hoàng của phố Montparnasse. Trong khoảng thời gian này, Kiki tham gia ca hát và nhảy múa tại những quán bar và quán rượu xung quanh nước Pháp. Tuy nhiên, triều đại của Kiki đã kết thúc cùng với thập kỷ 1920. Cô dường như không thể hoạt động bên ngoài Paris khi nỗ lực thâm nhập vào ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ những năm 1930 đã thất bại và Paris cũng không còn là của cô.
Năm 1937, Kiki đã mở được một quán rượu của riêng mình tên Chez Kiki. Cô thường xuyên hát ở đây và một quán rượu lớn khác.
Những năm tháng cuối đời
Trong những năm cuối đời, Kiki bắt đầu hay tự chế giễu bản thân, hát cho khách du lịch trong các quán cà phê ở Montparnasse để có tiền chi tiêu cho thói nghiện rượu và cocaine của mình.
Năm 1953, ở tuổi 52 (có tài liệu ghi 51), Kiki gục ngã bên ngoài căn hộ của mình ở Montparnasse, nguyên nhân có thể do biến chứng của chứng nghiện rượu hoặc nghiện ma túy. Đám tang của cô đã được các chủ quán cà phê lo liệu. Rất đông các nghệ sĩ và người hâm mộ đã đến tham dự lễ tang và theo sau đám rước đến nơi an táng ở nghĩa trang Thiais, Paris. Năm 1974, người ta mới tìm thấy ngôi mộ của cô được viết: “Kiki, 1901 – 1953, ca sĩ, diễn viên, họa sĩ, Nữ hoàng của Montparnasse.” Tsuguharu Foujita đã nói rằng sự ra đi của Kiki khiến những ngày huy hoàng của Montparnasse đã bị chôn vùi mãi mãi.
Rất lâu sau khi cô qua đời, Kiki vẫn là hiện thân của sự thẳng thắn, táo bạo và sáng tạo ở Montparnasse. Cô ấy đại diện cho một lực lượng nghệ thuật mạnh mẽ với tư cách là người phụ nữ tự do. Năm 1989, các nhà viết tiểu sử Billy Klüver và Julie Martin gọi Kiki là “một trong những người phụ nữ độc lập đầu tiên của thế kỷ.” Để vinh danh cô, một bông hoa bách hợp đã được đặt tên là Kiki de Montparnasse.
Một số tác phẩm về Kiki do họa sĩ khác vẽ:
Chân dung Kiki, 1920, Charles Camoin Chân dung Kiki, 1925, Moise Kisling. Chân dung người phụ nữ với điêu thuốc, 1922-24, Kees van Dongen Chân dung Alice Prin, 1920, Gustaw Gwozdecki
Chân dung Kiki, 1920 – 1925, Constant Detré Kiki, 1928, Per Krogh. Kiki, không rõ năm, Clarence Alphonse Gagnon
Biên tập: Navi Nguyễn