Di sản của Mary Blair - Hoạ sĩ và nguồn cảm hứng huyền thoại cho những bộ phim của Disney
Lời người dịch: Bài viết là bản lược dịch cuộc phỏng vấn của Kirsten Acuna (INSIDER) với Mary Walsh, giám đốc điều hành của Animation Research Library, Walt Disney Animation Studios về tầm ảnh hưởng của Mary Blair, một hoạ sĩ huyền thoại của Disney, nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày công chiếu bộ phim “Cinderella”.
Bộ phim hoạt hình kinh điển “Cinderella” của Walt Disney sắp đánh dấu cột mốc 70 năm. Bộ phim được công chiếu vào năm 1950, là dự án mà Disney đã bắt đầu từ năm 1922 và đã trải qua rất nhiều thay đổi trước khi trở thành một biểu tượng như chúng ta đã biết.
Nhân sự kiện ra mắt phiên bản đặc biệt của bộ phim, Insider đã có cuộc trò chuyện cùng Mary Walsh, giám đốc điều hành của Animation Research Library tại Walt Disney Animation Studios, nơi lưu giữ phiên bản gốc của các tác phẩm nghệ thuật cho những bộ phim của Disney.
Walsh đã chia sẻ với Insider về bộ phim huyền thoại “Cinderella” và nguồn cảm hứng mà các hoạ sĩ ở Disney tìm kiếm từ Mary Blair, một trong những nữ hoạ sĩ được kính trọng nhất.
“Blair là một trong những nghệ sĩ mà chúng tôi vẫn luôn nhận được rất nhiều yêu cầu để được xem những tác phẩm của bà. Có rất nhiều hoạ sĩ vẫn tìm kiếm nguồn cảm hứng từ những tác phẩm của Mary từ những năm 40, 50, hoặc 60, để phát triển nhân vật cho những bộ phim thời nay.”
Mary Walsh – Giám đốc điều hành Animation Research Library
Kể cả khi bạn không biết tới Blair, chắc chắn bạn đã từng xem và yêu thích những tác phẩm của bà. Nghệ sĩ huyền thoại của Disney là người phụ trách concept art của rất nhiều bộ phim của Disney như “Alice in Wonderland”, “Cinderella”, và “Peter Pan”.
Tại sao lại cần tới gần 30 năm để đưa “Cinderella” đến với khán giả
Kirsten Acuna: Trong phiên bản giới hạn vừa ra mắt của “Cinderella” có một phần phim với tên gọi “The Cinderella That Almost Was.” Nhà sản xuất Don Hahn (từ tác phẩm “Beauty and the Beast”) đã nói về việc có rất nhiều phiên bản của của bộ phim này đã được viết và sửa đổi trong những năm 1930. Bạn có biết điều gì khiến họ mất nhiều thời gian đến vậy để hoàn thiện “Cinderella” không?
Mary Walsh: Walt (nhà sáng lập của Walt Disney) vẫn luôn hướng tới những tác phẩm cổ tích kinh điển, và “Cinderella” chắc chắn là một trong số đó. Tôi cho rằng họ đã có ý tưởng và mong muốn để thực hiện bộ phim từ rất sớm. Tuy nhiên họ đã không thể thực hiện được ngay lúc đó một phần vì những sự kiện chính trị xã hội trong những năm 1930-1940, đặc biệt là trong những năm chiến tranh, một phần khác là do sự thay đổi trong đường lối phát triển công ty ở bối cảnh xã hội thời đó. Tôi nghĩ rằng sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, họ mới có thể tiếp tục tập trung vào việc kể những câu chuyện cổ tích. “Cinderella”, theo như những gì tôi được nghe, là một trong những bộ phim được ưu tiên nhất và đây là một bộ phim vẫn luôn được Walt cực kì chú trọng.
Chiếc váy của Cinderella với cảm hứng từ Dior trong những năm 1950 và tầm ảnh hưởng của những bức phác thảo đầu tiên tới những nàng công chúa sau này của Disney
Walsh: “Cinderella” lấy bối cảnh vào thế kỷ thứ 19, tuy nhiên nếu bạn nhìn vào chiếc váy dạ hội, bạn sẽ nhận ra rằng thiết kế này lấy cảm hứng rất lớn từ Dior trong những năm 1950. Các nghệ sĩ đã tìm kiếm nguồn cảm hứng, giống như mọi nghệ sĩ giỏi khác, từ thế giới xung quanh họ. Đó là cách họ đưa những sắc thái và vẻ đẹp của cuộc sống vào những câu chuyện cần kể.
Acuna: Nhìn vào những bản thiết kế ban đầu được chia sẻ ở đây, dường như có nhiều lựa chọn khác nhau cho chiếc váy dạ hội. Đặc biệt là bản vẽ này, dường như đang thể hiện những tạo hình khác nhau của Cinderella trong những chiếc váy với màu sắc riêng biệt. Đây có phải là những phương án thiết kế cho Cinderella không?
Walsh: Đúng vậy, đây là những tạo hình được vẽ bởi Mary Blair. Giai đoạn này của quá trình làm phim, thường được gọi là giai đoạn Blue Sky, là giai đoạn mà họ thực sự đưa ra rất nhiều ý tưởng và tạo hình khác nhau, cùng với những đề xuất màu sắc và thiết kế, từ đó dần định hình tạo hình của một nhân vật.
Trong bức vẽ này là những tạo hình khác nhau mà Mary Blair có trong đầu về bộ váy mà Cinderella sẽ mặc, cũng như những màu sắc có thể sẽ phù hợp.
Acuna: Nhìn vào những bản vẽ này, tạo hình ở góc trên bên trái thực sự làm tôi nghĩ tới công chúa Aurora trong bộ phim “Sleeping Beauty” năm 1959. Liệu có phải rằng những bản vẽ ban đầu của một số bộ phim thời kỳ đầu của Disney đã ảnh hưởng tới những bộ phim sau này không?
Walsh: Điều vẫn còn đúng tới tận ngày nay. Đây là một trong những giá trị quan trọng nhất của bộ sưu tập này, và tôi nghĩ rằng Walt đã dự đoán trước điều này ngay từ ban đầu khi ông yêu cầu chúng tôi lưu trữ những bản vẽ mà chúng tôi đã tạo ra. Những tạo hình và bản vẽ này thực sự rất hữu ích cho những hoạ sĩ đang tìm kiếm cảm hứng cho sản phẩm của mình.
Ảnh hưởng to lớn của Mary Blair tới những hoạ sĩ minh hoạ của Disney
Acuna: Nói về Blair, cô ấy đã ảnh hưởng thế nào tới bộ phim “Cinderella” nói riêng, và tới phong cách hoạt hoạ của Disney và các hoạ sĩ tại đây nói chung?
Walsh: Tôi nghĩ rằng sức ảnh hưởng của cô ấy thực sự to lớn. Với góc nhìn độc đáo của mình, cô ấy không chỉ là một nhà thiết kế nhân vật tuyệt vời mà còn có thể tạo ra những bản thiết khung cảnh rất đẹp nữa. Một ví dụ tiêu biểu cho điều này chính là bản vẽ của toà lâu đài. Nếu bạn nhìn vào bản vẽ tòa lâu đài của Blair, bạn sẽ thấy sự tương đồng rất lớn với những gì cô ấy đã vẽ và toà lâu đài trong phim.
Cô ấy vừa có thể tạo ra những thế giới cực kì huyền ảo và sống động, đồng thời có thể nhào nặn các nhân vật sẽ sống trong những thế giới đó. Nhìn vào những bản vẽ này, bạn thực sự có thể thấy được sự ảnh hưởng trực tiếp của những bản vẽ của Mary tới phiên bản chính thức.
Acuna: Theo ý kiến của bạn, điều gì trong những tác phẩm của Blair khiến mọi người luôn tìm tới chúng khi họ cần tìm kiếm cảm hứng cho các bộ phim?
Walsh: Rất dễ nhận thấy rằng cô ấy rất giỏi trong việc tạo ra bối cảnh và ánh sáng, từ đó gợi mở cảm xúc và tâm trạng trong từng bản vẽ. Tôi nghĩ rằng phần lớn những điều này tới từ khả năng lựa chọn màu sắc và bảng màu cực kì tài tình của cô ấy, khả năng này giúp cô truyền tải những câu chuyện một cách hiệu quả. Nếu bạn thực sự phân tích những bản vẽ của cô ấy, bạn sẽ thấy rằng dù thoạt nhìn chúng đều rất đơn giản, nhưng lại bao hàm rất nhiều điều. Cô ấy là một người khác biệt. Những tác phẩm của cô ấy đem lại cảm giác kỳ diệu và rất Disney. Và tôi cho rằng cô ấy có khả năng đem lại điều này trong rất nhiều những lĩnh vực khác nhau.
Di sản bộ phim để lại và cách nó vẫn luôn được đón nhận trong suốt 70 năm qua
Acuna: Có điều gì bạn muốn chia sẻ thêm về di sản mà bộ phim để lại cũng như lý do tại sao bộ phim vẫn luôn được đón nhận trong 70 năm qua không?
Walsh: Khi bạn hỏi về điều gì giúp cho bộ phim vẫn luôn được đón nhận sau gần 70 năm, thì tôi cho rằng đó chính là Lọ Lem, như một nhân vật trong câu chuyện, cùng với sự kiên trì và nhẫn nại của cô, cũng như việc cô ấy luôn tôn trọng và đối xử tốt với mọi người ngay cả khi bản thân mình phải trải qua rất nhiều khó khăn. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong chúng ta vẫn luôn phải trải qua những điều này trong cuộc sống hàng ngày. Tôi nghĩ cũng có thể là tính cách rất con người, cũng như bối cảnh mà cô sống, những khó khăn mà cô trải qua, nhưng cô không bao giờ để chúng ngăn cản cô. Sự lạc quan đó, tôi cho rằng rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những lý do mà bộ phim vẫn luôn được đón nhận, cùng với vẻ đẹp về mặt hình ảnh và thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải.
Tác giả: Kirsten Acuna
Lược dịch: Nadine
Nguồn: INSIDER