Cuộc đời đầy sóng gió của nữ họa sĩ đã tạo nên chuẩn mực cho thiết kế bài Tarot

Thay vì chỉ tập trung vào một tổ hình tượng nhất định như nhóm cốc, đồng xu, đũa phép hoặc kiếm, thì Smith kết hợp thêm hình ảnh con người để tạo ra một tấm thảm phong phú về các biểu tượng huyền bí, thiết lập tiêu chuẩn vàng cho bộ bài Tarot hiện đại.

Một trong những bộ bài Tarot được bình chọn có thiết kế đẹp nhất cũng như được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Rider Waite Smith. Những lá bài Rider Waite Smith nổi tiếng trong hơn 100 năm qua nhờ nét vẽ gần gũi, sáng tạo, hệ thống hình ảnh – biểu tượng đơn giản, ấn tượng và hơn cả là nhờ vào danh tiếng của người “mẹ đỡ đầu” của bộ bài này – nữ họa sĩ Pamela Colman Smith. Đông đảo cộng đồng huyền học và giới sáng tạo biết đến Smith như là người đã tạo ra chuẩn mực cho hình ảnh minh họa của mọi bộ bài Tarot hiện đại, tuy nhiên lại có rất ít người biết được cuộc sống du mục và đầy sóng gió đằng sau những tác phẩm nghệ thuật của bà.

Bộ bài tarot Rider Waite Smith được xuất bản vào tháng 12 năm 1909 bởi William Rider. Đây là một dự án nghệ thuật có hợp tác giữa Pamela Colman Smith và Tiến sĩ Arthur Edward Waite.

Lý lịch trích ngang của Pamela Colman Smith:

Tên đầy đủ: Pamela Colman Smith

Sinh ngày 16 tháng 2 năm 1878 tại Pimlico, London, Anh Quốc

Mất ngày 18 tháng 9 năm 1951 tại Bude, Cornwall, Anh Quốc

Cha là Charles Edward Smith và Mẹ là Corinne Colman

Thành tựu nổi bật: Họa sĩ chính của bộ bài Rider Waite Smith, Minh họa cho nhiều dự án nghệ thuật của Stoker và anh em nhà nghệ sĩ Yeats, Xuất bản nhiều đầu sách do chính bà sáng tác…


Tài năng thiên bẩm và cuộc đời du mục

Pamela Colman Smith (1878-1951) sinh ra tại London, mẹ cô là người Jamaica và cha cô là người Mỹ da trắng, vì vậy cô gắn bó với vùng đất Jamaica và thành phố Manchester trong suốt thời thơ ấu của mình.

Những năm trung học, Smith có biệt danh là Pixie và bà được cha mẹ cho theo học trường nghệ thuật Pratt Institute ở thành phố New York. Sau khi mẹ của bà qua đời năm bà 18 tuổi, Smith đã rời Pratt Institute khi chưa tốt nghiệp để tham gia một nhóm kịch lưu động và bắt đầu sống cuộc sống du mục của mình từ đó cho đến cuối đời. Ngoài công việc sân khấu hát rong, Smith đã nhanh chóng tạo được danh tiếng như một nhà thiết kế phục trang tài năng và một nhà chỉ đạo nghệ thuật sân khấu kế lành nghề. Bà còn là một trong những gương mặt tích cực trong các phong trào bầu cử và đấu tranh cho nữ quyền.

Tuy có tài năng thiên bẩm, được rèn luyện trong môi trường nghệ thuật, nhưng sống giữa những năm đầu của thế kỷ XX, bà vẫn chịu đựng sự dè bỉu trong xã hội bởi bà đã theo đuổi cuộc sống độc thân, làm việc và rong ruổi khắp mọi nơi trong khi hầu như tất phụ nữ trẻ bằng tuổi khác đều lập gia đình và lựa chọn cuộc sống nội trợ.

“Sonata No. 11 – Beethoven” (1907) – Giclee Fine Art Print

Gần như không có tài liệu nào ghi chép về cuộc sống tình cảm của Smith. Mọi người chỉ biết rằng bà chưa bao giờ kết hôn hoặc có con với bất kì ai. Cũng chính vì lý do đó, nhiều giai thoại đồn đoán rằng bà thích phụ nữ hơn đàn ông. Bà có một người bạn nữ, tên Nora Lake, sống cùng nhà với bà trong thời gian dài và một người bạn thân thiết khác, nữ diễn viên Edith Craig, là một người đồng tính nữ. Ngoài Nora và Edith, Smith luôn chủ động kết bạn với những người thông minh, sáng tạo, những người xem trọng niềm đam mê nghệ thuật và ủng hộ như tinh thần tự do như chính bản thân bà.


Sự nghiệp nghệ thuật

Smith như ngôi sao mai trong giới sáng tạo lúc bấy giờ, bà phát triển tài năng từ sớm và liên tục đóng góp nhiều giá trị thẩm mỹ vào thế giới nghệ thuật. Đặc biệt, Smith được giới mộ điệu đánh giá rất cao khả năng bứt phá khỏi các khuôn khổ thiết kế, nét vẽ của bà vừa mạnh mẽ mà cũng vừa dịu dàng, vừa dứt khoát mà cũng vừa mơ màng, có thể nói phong cách nghệ thuật của bà cực kì cá tính và sáng tạo.

Nhờ đó, Smith nhanh chóng trở thành họa sĩ được săn đón bậc nhất, trong đó có cả Bram Stoker_nhà văn đại tài người Ireland với tiểu thuyết kinh dị lừng danh Dracula và William Butler Yeats_nhà thơ, nhà soạn kịch được trao giải Nobel Văn học năm 1923. Ngoài ra, bà còn viết và vẽ minh họa cho các cuốn sách của riêng mình, bao gồm một bộ sưu tập các câu truyện dân gian của Jamaica có tên Annancy Stories.

Bức tranh “Sea Creatures” (tạm dịch: Sinh vật biển) được Pamela Smith vẽ bằng màu nước trên chất liệu giấy, hiện được trưng bày tại Yale University, Mỹ.

Theo trang Dianca London Potts, “Phong cách nghệ thuật của Smith bị ảnh hưởng chủ yếu bởi văn hóa dân gian Jamaica, điều này giúp bà trở thành một nhân tố ‘độc và lạ'”, từ đó phần nào giúp tên tuổi của Smith lan truyền nhanh chóng trong giới nghệ sĩ ở New York, sau đó là khắp nước Mỹ và quốc tế.

Năm 1907, nhiếp ảnh gia và nhà quảng bá nghệ thuật Alfred Stieglitz mời Smith tham gia triển lãm bộ sưu tập tranh của bà trong phòng tranh của ông. Sự kiện này đã gây chấn động dư luận suốt một thời gian dài bởi vì Alfred Stieglitz chưa bao giờ cho phép một tác phẩm nào không phải của ông được trưng bày trong phòng tranh của Alfred. Và Smith là người đầu tiên làm được điều đó.

“The Blue Cat” (tạm dịch: Mèo Xanh) là bức tranh màu nước của Pamela Colman Smith là một trong những tác phẩm được trưng bày tại phòng triển lãm Alfred Stieglitz vào năm 1907.

Một trong những cột mốc sự nghiệp đáng chú ý của Smith là sự hợp tác giữa bà với thi sĩ William Butler Yeats trong vai trò là một họa sĩ minh họa cho tập thơ của ông. Nhờ cơ duyên đó, đến năm 1901, Yeats giới thiệu bà với bạn bè của ông trong hội kín Hermetic Order of the Golden Dawn, nơi tập hợp những nhà huyền học lừng lẫy và có sức ảnh hưởng to lớn thời bấy giờ. Tại đây, bà đã gặp nhà thần bí học Edward Waite và vào năm 1909, Waite đã chính thức ủy quyền cho Smith thực hiện tác phẩm nghệ thuật cho một bộ bài Tarot mới mà ông muốn tạo ra.


Đặt lại chuẩn mực thiết kế cho bộ bài Tarot

Với niềm đam mê và kiến thức am tường về bộ môn huyền học, Waite muốn tạo nên một diện mạo mới cho bộ bài Tarot và ông cần một họa sĩ đủ năng lực để cùng ông thực hiện điều đó. Và ông đã chọn Smith.

Ở những năm đầu của thế kỉ XX, những lá bài Tarot chỉ được minh họa tập trung trên những lá ẩn chính (một bộ bài Tarot bao gồm những lá ẩn chính Major Arcana và những lá ẩn phụ Minor Arcana), duy nhất chỉ có bộ bài Sola Busca được sở hữu bởi một gia đình giàu có ở Milan vào những năm 1490 là được minh họa đầy đủ và chi tiết. Vì vậy, Waite đề nghị Smith tham khảo bộ Sola Busca để tạo nguồn cảm hứng và đó là lý do tại sao sau này chúng ta sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng giữa hai bộ bài này.

Dựa trên ý tưởng cơ bản từ bộ Sola Busca, Smith đã phát triển thêm nhiều hình ảnh cho bộ của Waite lần này, đặc biệt là những lá ẩn phụ vốn chưa được minh họa trước đây. Thay vì chỉ tập trung vào một tổ hình tượng nhất định như nhóm cốc, đồng xu, đũa phép hoặc kiếm, thì Smith kết hợp thêm hình ảnh con người để tạo ra một tấm thảm phong phú về các biểu tượng huyền bí, thiết lập tiêu chuẩn vàng cho bộ bài Tarot hiện đại. Những hình ảnh đầu tiên của Smith được vẽ từ loại màu nước ưa thích của bà, đó là loại màu nước được mô tả có chất đục, trộn từ các màu tự nhiên và các chất kết dính, pha loãng bằng gouache và thường được sử dụng trong các loại tranh ảnh quảng cáo.

Kết quả là bộ sưu tập 78 lá bài được xuất bản dưới cái tên thương mại là Rider Waite Smith Tarot, kết hợp từ tên nhà xuất bản Rider&Sons, nhà huyền học Edward Waite và họa sĩ chính Pamela Colman Smith. “Việc cải tiến những lá ẩn phụ cộng với khả năng nắm bắt cảm xúc tinh tế của Pamela Colman Smith đã khiến bộ Rider-Waite-Smith Tarot này trở thành hình mẫu về thiết kế cho rất nhiều bộ bài tarot khác”, trích Từ điển Bách khoa về Tarot, Tập III.

Bộ 78 lá bài tarot của Pamela Colman Smith được trưng bày tại ngôi trường bà từng theo học Pratt Institute tại Brooklyn, New York

Những năm cuối đời nghèo khó

Hai năm sau khi tạo ra những hình ảnh Tarot mang tính biểu tượng của mình, Smith chuyển sang đạo Công giáo và một thập kỷ sau đó, bà sử dụng toàn bộ số tiền thừa kế để xây dựng một ngôi nhà dành tặng cho các linh mục ở Cornwall, Anh.

Mặc dù bà vẫn tiếp tục sáng tác và tham gia minh họa cho nhiều tác phẩm, bao gồm một số bức tranh cổ động trong thời gian Thế chiến thứ hai, Smith vẫn không kiếm được nhiều tiền từ công việc họa sĩ và dù những bộ bài Rider-Waite-Smith Tarot được sản xuất liên tục nhưng bà cũng chỉ đươc trả một số tiền bản quyền ít ỏi. Tuy những tác phẩm nghệ thuật của bà được công chúng yêu thích nhưng bà không thể đạt được thành công với những tác phẩm đó về mặt thương mại.

Vào một ngày buồn tháng 9 năm 1951, Pamela Smith qua đời không một đồng dính túi, sau đó, các vật dụng cá nhân và các tác phẩm nghệ thuật của bà được mang đi bán đấu giá để giải quyết khoản nợ chưa được thanh toán lúc bà còn sống.

Tính đến nay, với hơn 6 triệu bộ bài Rider Waite Smith được xuất bản và vô số những bộ bài Tarot khác ra đời dựa trên thiết kế ban đầu của bà, Smith vẫn mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho những người đang sử dụng Tarot để làm phong phú thêm cuộc sống hàng ngày.

Biên tập và dịch: Thùy Vân
Nguồn: Thoughtco, HyperAllergic

Cùng tác giả

#Tag

bài Tarot Heirstory họa sĩ minh họa họa sĩ thế giới lịch sử mỹ thuật màu nước minh hoa minh họa màu nước Pamela Pamela Smith tarot vẽ

iDesign Must-try

Thư giãn cùng bộ ba mèo con đáng yêu, tinh nghịch qua loạt tranh của NEKO OJIMEOW
Thư giãn cùng bộ ba mèo con đáng yêu, tinh nghịch qua loạt tranh của NEKO OJIMEOW
NEKO OJIMEOW là một họa sĩ tranh minh họa đến từ Đài Loan. Trên nền tông vàng pastel đặc trưng, họa sĩ đưa người xem đến với thế giới nghệ…
Những ‘căn cứ’ đầy thu hút qua loạt tranh minh họa của Akabane
Những ‘căn cứ’ đầy thu hút qua loạt tranh minh họa của Akabane
Akabane Boogie Woogie (赤羽ブギウギ) là họa sĩ tranh minh họa đến từ Nhật Bản, với bảng màu nổi bật và góc nhìn bao quát, những tác phẩm của Akabane đưa…
Những bức tranh minh họa cắt khung đầy màu sắc và chi tiết của Hinano
Những bức tranh minh họa cắt khung đầy màu sắc và chi tiết của Hinano
Hinano (日菜乃) là họa sĩ tranh minh họa đến từ Nhật Bản, những tác phẩm của Hinano thường bao gồm nhiều khung tranh nhỏ khắc họa những chi tiết, hình…
Phan Anh Quân: ‘Mình muốn dự án mang cảm hứng chứ không bị gò bó trong khuôn khổ của phong cách dân gian Việt’
Phan Anh Quân: ‘Mình muốn dự án mang cảm hứng chứ không bị gò bó trong khuôn khổ của phong cách dân gian Việt’
“Nếu như cổ tích là thứ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta từ những ngày còn bé, thì chính những câu truyện cổ tích sẽ là con đường chữa lành…
Cẩm Tú & Thiết kế sáng tạo: Câu chuyện về yếu tố bản địa ở nước ngoài
Cẩm Tú & Thiết kế sáng tạo: Câu chuyện về yếu tố bản địa ở nước ngoài
Yếu tố bản địa hay được giải thích dễ hiểu hơn là văn hóa tại khu vực đó – ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện thiết kế…
Minh họa sách Đồng Dao của Vườn Illustration: Cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ
Minh họa sách Đồng Dao của Vườn Illustration: Cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ
Tranh Đông Hồ là bộ môn nghệ thuật truyền thống phản ánh giá trị thẩm mỹ truyền thống, những triết lý xã hội và ước vọng nhân văn. Các chủ…