Có gì trong ‘Phenomena’ -Triển lãm của bộ đôi nghệ sĩ đến từ Đông Nam Á đang diễn ra tại Paris?
“Phenomena” (Hiện tượng) là một triển lãm đôi đầy đặc sắc, trưng bày những thực hành nghệ thuật đầy riêng biệt của Đỗ Tuấn-Anh đến từ Thanh Hóa, Việt Nam và Richie Nath đến từ Yangon, Myanmar. Dẫn nguồn cảm hứng từ nền các nền văn hóa của chính mình tại Đông Nam Á, hai nghệ sĩ tiến sâu vào vùng đất của thần thoại, của những giấc mơ và bản chất bí ẩn của tồn tại nhân sinh. Thông qua sự tương tác thú vị giữa các chất liệu, lối dẫn chuyện và hiệu ứng thị giác, triển lãm dẫn người xem tham gia vào một hành trình của sự tự vấn, chiêm nghiệm và khám phá bản thân.
Đỗ Tuấn Anh, một bậc thầy “làm thơ” bằng thị giác, dễ dàng xóa mờ ranh giới giữa biểu hình và trừu tượng trong các tác phẩm nghệ thuật đầy mê hoặc của mình. Chuỗi tác phẩm “Fragile” (2018) của anh mời gọi người xem tiến lại gần hơn để khám phá những mô típ phức tạp thể hiện sự luân chuyển của thời gian. Mỗi nét vẽ trên toan khơi mở một vẻ đẹp tiềm ẩn giữa sự suy tàn, gợi cảm giác vô thường vang vọng trong sâu thẳm. Chuỗi tác phẩm “Relics” (2019) lưu giữ những khoảnh khắc thoáng quá rồi biến chúng thành ký ức vĩnh cửu bằng màu acrylic trên những điêu khắc xi măng, gợi nhớ đến những mảng hóa thạch ngàn năm. Lấy cảm hứng từ những lời răn của đức Phật, các tác phẩm đơn sắc của Tuấn-Anh gói gọn trong mình sự mong manh của cuộc sống và chuyến kiếm tìm một sự tồn tại vĩnh cửu, thôi thúc ta chiêm nghiệm về sự ngắn ngủi của hành trình cuộc sống mỗi con người.
Đỗ Tuấn Anh, “Fragile #9” (tạm dịch: Mong manh 9) , 2018, acrylic trên canvas | © Galerie BAQ Đỗ Tuấn Anh, “Fragile #2″ (tạm dịch: Mong manh 2) , 2018, acrylic trên canvas | © Galerie BAQ
Richie Nath, mặt khác, mê hoặc ta với loạt tranh rực rỡ đầy tính tượng hình “The Wounded Fawn” (2023), khai mở về nguồn cội chính mình, khởi nguồn từ những câu chuyện hấp dẫn trong thần thoại Hindu. Bắt đầu từ một bức chân dung tự họa, mô tả chính anh đang nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, Richie dệt nên một câu chuyện hấp dẫn, từ cách phối kết giữa Actaeon và Maricha, cho tới Mani-Kantha, Vua rắn trong truyện thần thoại Jataka. Loạt tranh là quá trình Richie theo đuổi con người thật của chính anh, khám phá tính hai mặt của bản chất con người và cuộc đấu tranh giữa sự phát triển và phản kháng, giữa Đông và Tây. Các tác phẩm của anh thách thức người xem đối mặt với những con quỷ bên trong chính họ và sự kiên trì đối mặt với nghịch cảnh.
Tên triển lãm, “Phenomena” (Hiện tượng), lấy ý tưởng từ những suy luận chuyên sâu của Joseph Campbell, nhà thần thoại học nổi tiếng và là tác giả của cuốn “The Hero with a Thousand Faces” (Người hùng với ngàn gương mặt). Những khám phá về tâm lý con người của Campbell và những phép ẩn dụ được tìm thấy trong các câu chuyện thần thoại đóng vai trò là động lực dẫn đường, soi tỏ sức mạnh đầy tính biến đổi của kể chuyện và của hành trình theo đuổi sự siêu việt.
“Phenomena” vượt qua ranh giới của một cuộc triển lãm đơn thuần; dệt nên một tấm thảm được dệt nên bởi những trải nghiệm tập thể do Lê Thiên-Bảo tuyển chọn tỉ mỉ, thổi sức sống vào những câu chuyện được chia sẻ vượt qua giới hạn địa lý và sắc thái văn hóa. Khi ta đắm mình trong không gian thân mật của phòng trưng bày, một bản giao hưởng tạo bởi nghệ thuật và kể chuyện sẽ đưa ta đến một thế giới nơi các sợi chỉ kết nối nhân loại đan vào với nhau. Các chủ đề phổ quát về cuộc sống, sự biến chất và sự siêu việt xuất hiện, mời gọi ta chiêm ngưỡng hành trình của chính mình và những chiều sâu khó dò trong con người của mỗi chúng ta.
Về nghệ sĩ
Đỗ Tuấn Anh (sinh năm 1979 tại tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam) tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Hà Nội năm 2000, hiện đang sống và làm việc tại Solingen, Đức. Sử dụng lối tiếp cận mạnh về đồ họa mà anh có được trong quá trình học tập, những bức họa đơn sắc từ acrylic và mực của Tuấn-Anh khám phá sự phức tạp và mong manh của thời gian.
Các tác phẩm của Tuấn-Anh lấy ý niệm từ memento mori/vanitas: phản ánh thời gian và sự suy tàn, nhắc nhở chúng ta về sự đấu tranh và sự ngắn ngủi của đời người. Khám phá cách thời gian trôi qua, chứng kiến lịch sử và quan sát dấu vết của nó, Tuấn-Anh cũng lấy cảm hứng từ đạo Phật và nghệ sĩ Hubert Robert, bằng cách đóng băng một khoảnh khắc trong xã hội hiện đại đang thay đổi nhanh chóng ngày nay.
Các triển lãm gần đây: Sự phản chiếu của quang cảnh kép, Hanoi Studio Gallery, Hà Nội, Việt Nam (2022); Aus der Isolation, Trung tâm nghệ thuật bị bức hại, Solingen, Đức (2020); Erinnerungsrelikte, FONIS Galerie, Düsseldorf, Đức (2019); Migration und Identität, Viện Goethe, Hà Nội, Việt Nam (2015); Kể chuyện phương Đông, Manzi Art Space, Hà Nội, Việt Nam (2014); Xa, Phòng trưng bày Craig Thomas, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam (2012); Tôi ước…, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam (2010); Hội chợ nghệ thuật châu Á 2010, Bảo tàng thế giới nghệ thuật Haslla, Hàn Quốc (2010).
Tác phẩm của anh cũng nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Richie Nath (sinh năm 1995 tại Yangon, Myanmar) là một nghệ sĩ queer, sống và làm việc tại Paris từ năm 2021. Anh lớn lên ở Myanmar và học tập tại Anh. Tốt nghiệp Đại học Thời trang London (2017) ngành minh họa thời trang, Nath là thành viên của công ty quản lý các nghệ sĩ lưu vong. Các bức họa của anh khám phá các chủ đề về sự phản ánh bản thân, bản sắc và ước mơ của người đồng tính.
Richie kết hợp minh họa và hội họa trên thảm màu rực rỡ với các hình dạng cầu kì, đi sâu vào sự phức tạp của cơ thể con người, bản sắc, chủ nghĩa khêu gợi và tính chính trị trong bối cảnh trải nghiệm của chính anh với tư cách là một người trẻ sống trong một xã hội bảo thủ. Nath nghiên cứu những điều phức tạp trong tâm hồn con người và bị thôi thúc bởi thần thoại, các vị thần Ai Cập và văn hóa dân gian Phật giáo. Những bức tranh của Nath đóng vai trò như một cánh cổng dẫn đến thế giới nội tâm của anh.
Các triển lãm gần đây : Mère D’Exil – Regards D’Artistes, La Cité Miroir, Liège, Bỉ (2023); This Too Shall Pass, Spinello Projects, Miami, Mỹ (2023); EXPOSITION STOP WARS, Magasins Généraux, Paris, Pháp (2022); Fighting Fear, 16 Albemarle, Úc (2021); Notes From The Motherland, Aicon Contemporary, New York, Mỹ (2020); The Foot Beneath The Flower: camp, Kitsch Art tại Đông Nam Á, NTU ADM Gallery, Singapore (2020).
Về Galerie BAQ
Galerie BAQ được thành lập tại Paris, Pháp vào năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Lê Thiên-Bảo và Quinnie SG Tan. Galerie BAQ ủng hộ và tăng cường nghệ thuật đương đại từ những trung tâm sáng tạo mới nổi trên thế giới, làm việc trực tiếp và hợp tác với những nghệ sĩ có liên hệ với Đông Nam Á và cộng đồng Việt kiều trên khắp nơi. Ngoài ra, Galerie BAQ còn quan tâm đến các hình thức sản xuất văn hóa và sáng tạo thể hiện sự tương tác với lịch sử và danh tính phức tạp, tái tạo truyền thống và thách thức các quan điểm thống trị.
“Phenomena” – Một triển lãm đôi của Đỗ Tuấn-Anh và Richie Nath
Thời gian: 25/05 – 17/06/2023 (khai mạc lúc 18h ngày 25/05)
Giờ mở cửa: 11am – 7pm, Thứ Ba – Thứ Bảy
Địa điểm: Galerie BAQ, 15 rue Beautreillis, 75004 Paris