Yayoi Kusama và chuyến hành trình kì dị mang tên “cuộc đời”

Yayoi Kusama là một người điên, nhưng ở bà có ba điểm khác với những người điên thông thường:

Một, bà biết rất rõ mình có vấn đề thần kinh.

Hai, bà tự nguyện sống trong bệnh viện tâm thần.

Ba, người đàn bà điên 89 tuổi vẫn không ngừng sáng tác với sức lực và sự sáng tạo vô tận trong tâm trí mình.

Chẳng ai điên được như Yayoi Kusama, và cũng chẳng ai đi được một chuyến hành trình dài và kì lạ như bà.

Những ngày tháng tuổi thơ ngập tràn bạo lực

Sinh năm 1929 trong một gia tộc giàu có tại tỉnh Matsumoto (Nhật Bản), thế nhưng tuổi thơ của Kusama không có mấy những thời khắc tươi đẹp. Bà là kết quả của một cuộc hôn nhân sắp đặt, nơi tình yêu được đánh đổi bằng quyền lực và địa vị xã hội giữa các gia tộc. Mẹ của Kusama là người có xu hướng bạo lực, thường xuyên đánh đập và gởi bà đến nơi người cha đang trăng hoa với những người phụ nữ khác. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến bà ghê sợ tình dục và thân thể của đàn ông; đồng thời bà căm ghét mẹ mình đến mức sinh ra những ảo giác và gặp vấn đề thần kinh.

Yayoi Kusama, 1939 (Nguồn: qagoma

Đến năm lên 10, Kusama dần nhận ra sự khác biệt của bản thân – khi bà bắt đầu trò chuyện với … hoa lá. Bà còn cảm nhận được các họa tiết trên quần áo thực sự bước ra khỏi lớp vải vóc và hòa nhập vào thế giới thực. Những ảo giác này quá đỗi chân thực, giống như chúng thực sự tồn tại trong nhãn quan của Kusama; và bà bắt đầu vẽ lại chúng, như một cách để tự điều trị căn bệnh của mình và đó cũng là cách giúp bà kiểm soát được những xúc cảm tiêu cực đang không ngừng dày vò tâm trí. Đáng tiếc thay, phần lớn các bức tranh do bà vẽ ra đã bị mẹ bà xé nát. Người thân cũng khuyên Yayoi nên chuyển thiên hướng nghệ thuật vào việc sưu tập tranh thay vì tạo ra chúng, song không gì làm lay chuyển được đam mê sáng tác của bà.

Tuổi thơ của Kusama còn gắn liền với một góc tăm tối trong nhà máy, nơi bà được gởi đến làm công nhân trong xưởng may quần áo phục vụ cho thế chiến thứ 2. Những hồi ức ám ảnh về chiến tranh luôn tồn tại trong tiềm thức của Kusama, về tiếng còi tập trung sơ tán, tiếng bom nổ hòa lẫn tiếng máy bay chiến đấu lao vút trên đầu; và giống với vi đạo diễn quá cố Isao Takahata của studio Ghilbi, những kí ức tàn khốc ấy luôn đi theo bà đến suốt cuộc đời. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc bà lựa chọn chiến tranh làm chủ đề trong những tác phẩm sau này.

 Yayoi Kusama. Flower, 1952 (Nguồn: Studio International)

Giấc mơ Mỹ và những năm tháng sống trọn với nghệ thuật

Mãi cho đến năm 1957, bà quyết định đến New York hoàn thành giấc mơ nghệ thuật của mình. Mẹ Kusama cho bà một triệu yên và bắt bà hứa không bao giờ quay trở lại nhà nữa; uất ức, bà tự tay phá hủy vài ngàn bức tranh của mình bên bờ sông cạnh nhà. Những bức tranh còn lại được bà mang tới New York lúc này – đã bắt đầu có dấu hiệu của những đốm màu (polka dot)những mạng lưới vô hạn (infinity nets), dấu ấn đặc biệt của Kusama. Dần dần, từ một cô gái 29 tuổi hầu như không biết tiếng Anh, cuộc đời Yayoi Kusama đã mở sang một trang mới.

Yayoi Kusama và tác phẩm Infinity Net tại New York, 1961 (Nguồn: modernamuseet)

Bà được Georgia O’Keefe, một nữ họa sĩ nổi tiếng khác dìu dắt trong những ngày đầu đặt chân đến nước Mỹ. Chỉ sau đó 18 tháng, bà đã có buổi triển lãm đầu tiên diễn ra tại Brata Gallery và gây được tiếng vang lớn; các tác phẩm của bà thậm chí được so sánh với Pollock (một hoạ sỹ người Mỹ nổi tiếng theo đuổi chủ nghĩa trừu tượng sống động). Và giới mộ điệu bắt đầu chú ý đến bà, một người nghệ sĩ tài năng đến từ nước Nhật xa xôi.

Khi nhìn lại những tác phẩm của Yayoi Kusama, người xem không thể không ngạc nhiên vì tính phong phú của chúng. Yayoi Kusama vẽ, điêu khắc, trình diễn, sắp đặt, điện ảnh, thậm chí là dấn thân vào thiết kế thời trang… Vào thời điểm đó, kết hợp các dạng nghệ thuật với nhau chưa được phổ biến như bây giờ. Đồng thời, bà còn kết hợp nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau như: minimalism (tối giản), surrealism (siêu thực), hội họa Art Brut, pop – art và abstract expressionism (ấn tượng trừu tượng), tình dục và những góc tối trong cảm xúc của con ngườiKusama nói rằng các ý tưởng đến với bà nhiều và liên tục đến mức bà bị tê liệt vì không biết phải làm gì với chúng. Bên cạnh đó, bà luôn gửi gắm những thông điệp ẩn về phong trào nữ quyền, bài xích chiến tranh hướng tới hòa bình trong mỗi tác phẩm của mình. Bà từng gửi thư cho phép Richard Nixon (tổng thống Mỹ thời bấy giờ) ngủ với mình nếu ông đình chiến tại Việt Nam.

Infinity, 1965 (Nguồn: hyperallergic)

Tác phẩm sắp đặt Accumulation số 2 (1966) với những đốm màu là biểu tượng của bệnh tật, chiếc sofa phủ đầy các bộ phận đàn ông, còn macaroni là đồ ăn và sex (Nguồn: Phaidon)

 

Cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tựa “Chứng nghiện tự tử Mahattan” xoay quanh nỗi ám ảnh với cái chết, ảo ảnh và sự sống đích thực (Nguồn: ensembles)

Giấc mơ Mỹ của bà kéo dài hơn hai mươi năm và trong suốt khoảng thời gian này, bà đã tổ chức hàng chục các buổi triển lãm lớn nhỏ, thường xuyên bị cảnh sát bắt giữ và đồng thời, trở thành người tiên phong theo đuổi phong trào pop art, tạo ra vô số những công trình nghệ thuật sắp đặt trên đường phố Mỹ. Từ một con người vô danh trên đất khách, bà đã tạo dựng được tên tuổi và khẳng định được tài năng của chính mình. Quyết định quay về quê hương Nhật Bản vào năm 1973 và sinh sống tại Tokyo, Yayoi Kusama trở về nước trong hào quang của người nghệ sĩ được cả thế giới biết đến, thế nhưng Yayoi vẫn chọn một cuộc sống khép kín tại bệnh viện Shinjuku và vẫn tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật suốt hàng chục năm nay. 

Cả đời tôi đã và đang hàng ngày đấu tranh với tư cách là một người nghệ sĩ. Dù phải hy sinh cho nghệ thuật, tôi cũng không hối tiếc. Đó là cách tôi đã sống và vẫn sẽ tiếp tục sống.

Cái bắt tay “ngẫu hứng” với ông hoàng thời trang đương đại

Năm 2006, Marc Jacobs đến Nhật và ghé thăm Yayoi Kusama, khi ấy đã 77 tuổi. “Thái độ chân thành của Marc Jacobs dành cho thời trang cũng giống tôi. Louis Vuitton hiểu và hàm ơn cốt lõi của nghệ thuật. Điều đó không khác gì với cách tôi làm thời trang”, Yayoi kể về cơ duyên đưa bà đến với Louis Vuitton. Tháng 8/2012, sự đồng cảm đó tạo ra những chiếc túi xách, trang phục may sẵn, túi du lịch, giày và phụ kiện Louis Vuitton có họa tiết chấm tròn và màu sắc rực rỡ của Yayoi Kusama.

 

Nguồn: prettyfashionfwd

Đây được xem là một vụ hợp tác phi lợi nhuận hướng đến việc xây dựng giá trị nghệ thuật giữa hai tâm hồn nhạy cảm, và góp phần mang tên tuổi của Kusama trở lại với công chúng. Ngoài thương hiệu Louis Vuitton, bà còn hợp tác với một vài nhãn hàng thời trang danh tiếng khác.

George Clooney lịch lãm với trang phục từ Giorgio Armani, hợp tác cùng Yayoi Kusama (Nguồn: W Magazine)

Bộ sưu tập của thương hiệu X-girl hợp tác cùng Yayoi Kusama (Nguồn: dazeddigital)

Những mảnh ghép trong cuộc đời bà hoàng Yayoi Kusama

Được biết đến là một người vô tính, thế nhưng cuộc đời của Yayoi Kusama không thể thiếu đi 2 mảnh ghép quan trọng, đó là mối quan thân thiết với Donald Judd Joseph Cornell. Cuộc đời và phong cách nghệ thuật của Yayoi Kusama chịu ảnh hưởng rất lớn từ hai người đàn ông này.

Từ buổi triển lãm tại Brata Gallery (1958), Kusama quen biết với Donald Judd – một nhà phê bình nghệ thuật và đồng thời là một họa sĩ đầy tài năng đi đầu trong phong trào nghệ thuật tối giản lúc bấy giờ. Ông trở thành người bạn thân thiết và hỗ trợ bà rất nhiều trong suốt quãng đường nghệ thuật sau này, ngay cả khi bà đã trở về Nhật Bản.

Yayoi Kusama và Donald Judd, 1978 (Nguồn: artsy)

Có Donald Judd là tri kỉ thân thiết, nhưng ông chưa phải là người đàn ông gần gũi nhất với bà. Joseph Cornell – một nghệ sĩ và nhà làm phim tài năng, người được bà ưu ái gọi là sự kết nối đầy lãng mạn mới là người gần gũi với bà nhất. Mối quan hệ giữa hai người không hẳn là là người tình nhưng lại vượt xa mức tình bạn. Khi họ lần đầu gặp nhau vào năm 1960, Yayoi đã bước sang tuổi 30 còn Cornell khi ấy, hơn bà 26 tuổi. Kusama dành rất nhiều ngày sống tại nhà của Corner cùng mẹ ông. Mối quan hệ của họ tồn tại mà không có tình dục, nhưng ngập tràn những nụ hôn và cả hai đã cùng nhau cho ra đời rất nhiều tác phẩm ấn tượng, trong đó có cả những bản phác thảo hình ảnh khỏa thân của người còn lại. Quãng thời gian ngọt ngào này kéo dài mãi cho đến năm 1970, Kusama phải trở về Nhật. Cái chết của Joseph Cornell 2 năm sau đó là một sự mất mát không gì sánh được với Kusama và bà vẫn thường nhắc về ông như một mảnh ghép đã mất đi trong cuộc đời mình – trong cuốn tự truyện của bà.

Yayoi Kusama cùng Joseph Cornell, New York, 1970 (Nguồn: tate)

Chặng cuối trong chuyến hành trình dài của cuộc đời

Giờ đây đã bước sang tuổi 89, thế nhưng Yayoi Kusama vẫn miệt mài cống hiến. Đứng trước tác phẩm của bà, người ta luôn bị choáng ngợp trong vòng xoáy hỗn loạn của màu sắc căn bản, với những bố cục phức tạp trong không gian kì dị và bà khiến thế giới phát cuồng vì những chấm bi sặc sỡ của mình.

Yayoi Kusama vẫn luôn miệt mài trong chuyến hành trình nghệ thuật của mình (Nguồn: Lonely Planet)

Bà vẫn luôn đắm say với nghệ thuật dù đã đi một chuyến hành trình thật dài của cuộc đời.

“Tôi sẽ tiếp tục làm nghệ thuật cho đến khi niềm đam mê còn giúp tôi đi tiếp. Và tôi tạo ra nghệ thuật để chữa trị cho nhân loại.”

Nguồn: Hyperallergic, Qagoma và The Art History

Biên tập: Thụy

Cùng tác giả

#Tag

abstract expressionism Louis Vuitton Marc Jacobs minimalism pop art Richard Nixon surrealism Yayoi Kusama

iDesign Must-try

Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 01/2024
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 01/2024
Một cậu bé 13 tuổi được tuyển làm thực tập sinh cho Louis Vuitton; ‘Thiếu niên và chim diệc’ giúp đạo diễn Hayao Miyazaki giành Quả Cầu Vàng đầu tiên…
‘Loving Tone-deaf Fellas’: Tác phẩm Siêu Thực vẽ bằng mực của của Trí Lê
‘Loving Tone-deaf Fellas’: Tác phẩm Siêu Thực vẽ bằng mực của của Trí Lê
Những ngày gần đây, một tài khoản có tên Lê Trí đã thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng vẽ minh họa Việt khi chia sẻ một…
/ai đi/ Hơn 60 tác phẩm biểu hiện trừu tượng của Trần Hải Minh đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Thành Phố
/ai đi/ Hơn 60 tác phẩm biểu hiện trừu tượng của Trần Hải Minh đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Thành Phố
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Ghé bảo tàng Mỹ Thuật Hồ Chí Minh những ngày này, du khách tham quan…
Triển lãm cá nhân ‘Trần Hải Minh - Ý niệm và Biểu Hiện’ sắp sửa ra mắt
Triển lãm cá nhân ‘Trần Hải Minh - Ý niệm và Biểu Hiện’ sắp sửa ra mắt
Thế giới nghệ thuật của Trần Hải Minh – Hành trình kiến tạo bản thân như một cá tính nghệ thuật không ngừng đổi mới Từ ngày 02/07 đến ngày…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 04/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 04/2023
Dove tung ra quảng cáo để thay đổi ‘lý tưởng làm đẹp độc hại’ của thanh thiếu niên, Fanta ra mắt bộ nhận diện thương hiệu toàn cầu, Mr.Doodle tổ…
Cửa hàng giới hạn Louis Vuitton hợp tác với Yayoi Kusama tổ chức triển lãm sắp đặt nghệ thuật
Cửa hàng giới hạn Louis Vuitton hợp tác với Yayoi Kusama tổ chức triển lãm sắp đặt nghệ thuật
Vừa qua, Louis Vuitton đã hợp tác với nghệ sĩ Yayoi Kusama để tạo nên một cửa hàng (trong thời gian giới hạn) được tổ chức tại Harajuku, Tokyo từ…