Quyển sách tranh về cuộc đời vượt khó của nhà phát minh chữ nổi cho người khiếm thị - Louis Braille

Hãy để tôi kể bạn nghe câu chuyện về đứa trẻ ngoan cường đã tạo ra một trong những phát minh mang tính cách mạng của lịch sử loài người.

Bài viết bởi Maria Popova


Giao tiếp là sức khỏe; giao tiếp là sự thật; giao tiếp là niềm hạnh phúc,” Virginia Woolf đã viết như thế khi suy ngẫm về nhu cầu cơ bản của con người trong việc trao đổi thông tin. Một cuộc đời bị tước đoạt đi điều cốt lõi của tâm hồn, dưới hình thức nào đi chăng nữa, đều là cuộc đời bi kịch khốn cùng.


Không có người hùng văn hóa nào cho ta thấu suốt bi kịch đó như Louis Braille (04/01/1809-06/01/1852), người mất đi thị lực khi lên 3 do nhiễm trùng sau một tai nạn ở xưởng làm việc của cha mình; sau đó sáng tạo ra hệ thống đọc và viết chữ nổi (braille), mãi mãi thay đổi cuộc sống của những người mù cũng như khiếm thị. (Sau phát minh đột phá ấy, ông tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ, phát triển việc đưa chữ nổi vào toán học và âm nhạc, đồng sáng lập tiền thân của máy in ma trận điểm (dot-matrix printing machine), là bậc thầy chơi đàn cello và đàn organ khi ông tham dự các nhà thờ ở Paris với tư cách người chơi chuyên nghiệp ngay cả khi bệnh lao dần dần rút cạn sinh lực và kết thúc cuộc đời ông ở tuổi 43.)

Helen Keller* đã so sánh Braille với Gutenberg, khi không có phát minh nào ngoài phát minh của Braille kể từ cuộc cách mạng ngành in bởi Gutenberg có thể thay đổi cuộc sống vô vàn người, cho họ niềm vui và sự tự do để đọc và học hỏi, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin cơ bản. Nhưng dù cho Braille có đứng cạnh những nhà phát minh như Tesla hay Edison bởi tác động và di sản của họ, có một yếu tố tách biệt ông và thậm chí đặt ông cao hơn hẳn những con người kia: Braille chỉ là một đứa trẻ khi phát triển sáng chế của mình —  nghĩa là ông không được đào tạo, tài trợ hay có sự hỗ trợ công và tư, không có động cơ thương mại hay kế hoạch kinh doanh nào, chỉ có một tầm nhìn cho điều gì đó mang tính cách mạng và cứu rỗi đến từ sự khẩn thiết của một người khuyết tật, vĩnh viễn thay đổi cuộc đời ngắn ngủi của chính bản thân mình.

*Helen Keller (1880-1968): nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Mĩ. Bà là người khiếm thính và khiếm thị đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ Thuật.


Ở những thế kỉ trước, không ai như ông từ khi còn rất trẻ đã có khả năng phát triển một thứ gì đó đủ để lại ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đối với con người,” Jen Bryant viết trong Six Dots: A Story of Young Louis Braille (tạm dịch: Sáu chấm nhỏ kì diệu: Một câu chuyện về Louis Braille thuở thiếu thời) —  một sự cộng hưởng vào những quyển sách tranh tuyệt vời về các anh hùng văn hóa.

Được minh họa bởi họa sĩ gốc Nga hiện đang sống tại Brooklyn (Mĩ) Boris Kulikov, sách lấy ngôi kể đầu tiên để gây thêm sự đồng cảm từ người đọc, đi theo câu chuyện tràn đầy cảm hứng của Braille, từ khi ông được sinh non nhưng đã sống sót để trở thành một cậu bé khỏe mạnh và tò mò.

Bước ngoặt cuộc đời ập đến khi ông lên ba. Cha ông là một thợ da chuyên làm các phụ kiện cho việc cưỡi ngựa ở một thị trấn nhỏ gần Paris. Một ngày nọ, khi đang chơi ở xưởng da, Louis bé nhỏ phớt lờ lời khuyên không được nghịch những thứ sắt nhọn của cha mình.

Để tìm cách bắt chước cha, cậu bày mọi thứ ra hòng muốn đâm thủng một miếng da nhưng cây dùi trượt khởi bàn tay và đâm thẳng vào một con mắt của cậu.

Đấy là thời kì rạng đông của thế kỉ 19, và y học như ta biết bây giờ vẫn chưa xuất hiện. Vậy nên, dù người chữa trị địa phương băng lại một mắt của cậu và bác sĩ phẫu thuật người Paris đã cố gắng cứu chữa vào ngày tiếp theo, ảnh hưởng của thương tật đó là vĩnh viễn. Một bệnh nhiễm trùng đã bắt rễ và nhanh chóng lan sang con mắt còn lại, để lại Louis bé nhỏ trong nỗi đau đớn tột cùng. Đến khi lên năm, cậu mất thị giác hoàn toàn.

Bởi vì Louis còn quá nhỏ khi trở nên mù lòa, sự phát triển của cậu về lí thuyết tâm trí chưa đạt tới trình độ nhận thức được rằng các trải nghiệm nội tại không phải là trạng thái phổ quát của thế giới quan ta có. Ban đầu, cậu cứ tưởng rằng thế giới này đang chìm trong màn đêm vĩnh hằng — cậu liên tục hỏi bố mẹ rằng mặt trời đã trốn đâu mất rồi.

Cuối cùng thì, cậu nhận ra chính thị lực của mình đã biến mất và bắt đầu tập điều hướng thế giới quan của mình với những giác quan còn lại. Cha làm cho cậu một cây gậy, người anh dạy phương pháp định vị bằng tiếng vang, hai người chị thì làm một bảng chữ cái bằng rơm, người thầy tu của làng dạy cậu cách nhận biết các loại cây bằng xúc giác và phân biệt chim chóc bằng tiếng hót, mẹ chỉ cậu chơi domino bằng cách đếm các dấu chấm bằng những ngón tay.

Những người lớn đọc sách cho cậu và khi đi học với những đứa trẻ đồng trang lứa, Louis vẫn xuất sắc mặc cho khiếm khuyết của mình. Nhưng mỗi khi Louis bé nhỏ hỏi rằng liệu có quyển sách nào dành cho trẻ em mù không thì đều chỉ nhận được cái lắc đầu đầy tiếc nuối.

Một người quý tộc địa phương đã vô cùng xúc động bởi câu chuyện của cậu nên bà đã viết thư đến Viện Hoàng Gia Cho Người Mù (Royal Institute for the Blind) ở Paris, xin họ chấp nhận cho cậu học tại đấy. Sau đó, một lá thư đã được gửi tới nhà thông báo chiêu sinh Louis vào trường.

Mặc dù gia đình khá dè dặt khi để một cậu bé chưa đầy mười tuổi đến thành phố lớn một mình, cha mẹ cậu vẫn đặt hạnh phúc và sự say mê học hỏi của em lên trên hết, để cuối cùng gửi Louis tới Paris.

Nhưng khi Louis trẻ tuổi đặt chân tới Trường học Hoàng Gia, cậu không cần nhìn để thấy được rằng chẳng có gì huy hoàng về nơi này — ngôi trường từng là nhà tù trong cuộc cách mạng Pháp và các điều kiện cho học sinh chỉ nhỉnh hơn một chút mà thôi.

Chiếc giường cứng nhắc của tôi đặt trong
một căn phòng bát nháo và ẩm ướt.
Đồng phục thì gây ngứa ngáy làm sao.
Những bữa ăn đạm bạc và lạnh lẽo.
Các thầy cô rất hà khắc.
Những cậu nhóc lớn tuổi hơn thì
tìm cách trêu chọc và cướp phá.

Bất chấp nỗi nhớ nhà vô vàn, Louis vẫn ở lại — “bởi vì đâu đó giữa tòa nhà cũ kĩ, ẩm mốc này, có những cuốn sách cho kẻ mù lòa.” Chúng rất ít ỏi và quý giá nên những học sinh xuất sắc nhất mới được phép chạm vào. Louis đã kiên trì để trở thành một trong những học sinh giỏi nhất —  và cậu đã làm được.

Cuối cùng, ngày mà những giấc mơ thành hiện thực đã tới, quyển sách cho người khiếm thị đặt trước cậu với những nghi thức ồn ã. Kinh ngạc thay, đó là một trải nghiệm tan tác mộng tưởng — văn bản được viết bởi những chữ cái to lớn được dựng lên để người đọc khiếm thị có thể dò theo bằng bàn tay của họ. Bởi vì mỗi câu đã chiếm hết nửa trang giấy, những quyển sách thành ra ngắn ngủi và đáng thất vọng.

Tôi thở dài.
Dẫu cho tôi đọc một trăm quyển sách như thế này,
tôi có thể học được bao nhiêu điều đây?

Nhưng rồi Louis trẻ tuổi cũng thấy được hy vọng mới ở phía trước — hiệu trưởng thông báo rằng một đội trưởng quân đội Pháp đã phát minh ra mã truyền tin quân sự bằng cách sử dụng các mẫu chấm để biểu thị âm thanh. Louis tìm cách học đọc các mẫu chấm đó rồi sau đó viết chúng — sử dụng các khung gỗ và thước kim loại, đánh các chấm bằng một dụng cụ sắc bén, giống như cây dùi mà cậu đã dùng vào ngày xảy ra tai nạn khi còn bé.

Dẫu đã luyện tập không ngưng nghỉ, cậu vẫn cảm thấy thất vọng khi một tin nhắn ngắn ngủi cần quá nhiều dấu chấm để truyền tải. Trực giác mách cậu rằng cách tốt nhất để vượt qua chính là cải thiện nó, vậy nên Louis nghĩ ra kế hoạch tạo ra một hệ thống tốt hơn, cho phép người khiếm thị có thể viết như người bình thường —  một trong số đó chính là dùng các dấu chấm thể hiện các chữ cái thay vì âm thanh.

Trong một minh chứng cho sự sáng tạo tổ hợp — cách thức kì diệu khi tính vô thức của ta có thể khuấy động trí não bằng những mảnh ý tưởng sẵn tồn tại, những ấn tượng và cảm hứng từ điều gì đó rồi kết hợp tất cả lại thành một điều mới mẻ hơn — Louis đã lấy kí ức tuổi thơ về người cha làm việc tại xưởng, với cái dùi của ông nện trên tấm vải da, khắc vào đêm tối.

Giữa khuya khi mà tất cả đã say giấc,
tôi cúi xuống ‘phiến đá’ của mình và
đấm thùm thụp vào các trang.
Tôi cố gắng tìm hàng trăm cách để
đơn giản hóa mã của vị đội trưởng.
Làm cho tới khi lưng tôi cứng lại và
những ngón tay đau buốt.
Rất nhiều lần tôi ngủ quên vào
những phút cuối cùng trước khi trời hửng sáng.

Thời gian trôi qua — một rồi lại hai năm — Louis vẫn tiếp tục làm việc với ‘mật mã’ của mình. Cậu thường xuyên yếu sức do bệnh lao, thứ đã cướp đi mạng sống của nhà phát minh trẻ sau này, nhưng Louis vẫn ngoan cường tiếp tục cho đến khi hệ thống chữ viết cuối cùng cũng sẵn sàng để kiểm tra: Hiệu trưởng đọc sách trong thư viện và Louis đánh chính tả bằng các dấu chấm, sau đó đọc lại đoạn văn một cách hoàn hảo.


Câu chuyện của cậu lan rộng khắp trường. Hệ thống do Louis sáng tạo nhanh chóng trở thành bảng chữ cái chính toàn cầu. Cậu chỉ mới mười lăm tuổi vào lúc đó.

Bryant ghi chép phần còn lại cuộc đời ngắn ngủi nhưng sáng tạo không ngừng nghỉ và nức tiếng của Braille trong cuốn tiểu sử được cô xuất bản vào năm 1994, nhưng riêng Six Dots thì kết thúc với phát minh vang dội của Louis trẻ tuổi.


Nguồn: brainpickings
Dịch: Lệ Lin

Cùng tác giả

#Tag

picture books review sách sách hay sách tranh sách trẻ em tranh minh họa

iDesign Must-try

Minh họa sách Đồng Dao của Vườn Illustration: Cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ
Minh họa sách Đồng Dao của Vườn Illustration: Cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ
Tranh Đông Hồ là bộ môn nghệ thuật truyền thống phản ánh giá trị thẩm mỹ truyền thống, những triết lý xã hội và ước vọng nhân văn. Các chủ…
Alice in Wonderland qua nét vẽ của “cha đẻ” Lewis Carroll
Alice in Wonderland qua nét vẽ của “cha đẻ” Lewis Carroll
Chúng ta đã biết đến những bức tranh minh họa câu chuyện “Alice’s Adventures in Wonderland” và “Through the Looking Glass” dưới nét vẽ tài hoa của họa sĩ John…
Chìm đắm trong thế giới màu nước nữ tính của Mera Mei
Chìm đắm trong thế giới màu nước nữ tính của Mera Mei
Mera Mei, tên thật là Phương Thuỷ, một nhà thiết kế nội thất kiêm hoạ sĩ minh hoạ tự do đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ…
Lạc vào thế giới bí ẩn đầy mê hoặc của hoạ sĩ Jiayue Li
Lạc vào thế giới bí ẩn đầy mê hoặc của hoạ sĩ Jiayue Li
Jiayue Li là nhà thiết kế thời trang kiêm hoạ sĩ minh hoạ người Trung Quốc, đang sinh sống và làm việc tại thành phố New York, Mỹ. Vẽ là…
/meo meo/ Câu chuyện đằng sau những bức tranh mèo độc đáo của Utagawa Kuniyoshi
/meo meo/ Câu chuyện đằng sau những bức tranh mèo độc đáo của Utagawa Kuniyoshi
Hình ảnh của loài mèo trong hội họa có ý nghĩa gì? Cùng tìm hiểu về Utagwa Kuniyoshi, vị họa sĩ có phong cách vẽ mèo độc đáo của Nhật…
Bản báo cáo thời tiết của Vishnu: Ai là biên tập viên thời tiết cũng đáng yêu đến thế ư?
Bản báo cáo thời tiết của Vishnu: Ai là biên tập viên thời tiết cũng đáng yêu đến thế ư?
“The weather report” là một câu chuyện siêu đáng yêu của Vishnu M Nair kể về một biên tập viên thời tiết miệt mài, chăm chỉ và luôn tận tụy…