Những yếu tố làm nên một key art đắt giá (Phần 1)
Có quá nhiều yếu tố vây quanh tâm trí bạn, nhưng chỉ những gì tinh túy và cô đọng nhất mới được lựa chọn. Những câu hỏi quan trọng sẽ dẫn bạn đến những lựa chọn đúng đắn, bạn có đang tò mò những câu hỏi ấy là gì không?
Tạp chí The Hollywood Reporter định nghĩa khái niệm “key art” (tạm dịch: chìa khóa cốt lõi trong nghệ thuật) là “tinh túy, hình ảnh biểu tượng và là nền tảng xây dựng nên các chiến dịch truyền thông cho một tác phẩm”. Đó có thể là hình ảnh xuất hiện trên các poster phim, quảng cáo trên các cuốn tạp chí, vỏ đĩa DVD/ Blu-ray và các ảnh đại diện trực tuyến của bộ phim.
Dưới góc nhìn của một nhà thiết kế đồ họa, key art có thể được mở rộng dưới nhiều góc nhìn; từ việc xoay quanh các chi tiết của bộ phim cho đến bất kì yếu tố đặc trưng nào đó. Trang bìa của một quyển sách, hay một cuốn album, hoặc một trò chơi bất kì – tất cả đều chứa đựng key art nhằm phục vụ xuyên suốt cho chiến dịch marketing. Và một key art “chất lượng”- phải lưu lại được dấu ấn trong tiềm thức của công chúng – ngay lập tức khiến trí óc bật ra một tiêu đề mà không cần đến sự chiêm ngưỡng trực quan, mang tính biểu tượng và không thể nào bị lãng quên. Tác động này đã và đang trở thành một xu hướng không nhỏ trong nền văn hóa đại chúng.
Nghệ thuật và Thiết kế
Nghệ thuật và Thiết kế là hai khái niệm có những đích đến khác nhau. Mục đích của nghệ thuật là kết nối công chúng với những bản thể trực quan và phức tạp – chẳng hạn như thời trang và các tác phẩm trừu tượng; đủ khả năng dẫn dắt người xem đi đến nhiều cung bậc cảm xúc, thậm chí là cả sự thán phục.
(Nguồn: tracenichols)
Mục đích của thiết kế đồ họa, trước hết là thu hút được sự chú ý, tạo ra nguồn cảm hứng thú vị để rồi sau đó – truyền tải một thông điệp; đây cũng là mục đích sau cùng. Cách thức mà một thiết kế truyền tải ý nghĩa của mình – là thông qua một hệ thống thông tin về – sự cân bằng, sắp đặt và truyền tải thông điệp của thiết kế – tất cả hòa quyện lẫn nhau trong một tổng thể, giúp công chúng có thể cảm nhận được thiết kế theo cách dễ dàng nhất. Nghệ thuật có thể tiếp nối nghệ thuật, nhưng thiết kế thì không. Kết quả cuối cùng mà một thiết kế hướng tới không phải là thiết kế, mà là sự hứng thú của người xem, hành vi mua sắm cá nhân, và ý tưởng được cá nhân chấp thuận.
Xét ví dụ về một poster phim chẳng hạn. Mục đích của thiết kế này là khiến người xem trở nên hứng thú với việc theo dõi bộ phim. Nếu diễn viên là mục đích chính khiến mọi người muốn xem phim, hãy sử dụng hình ảnh của diễn viên ấy. Nếu nhân vật trong bộ phim là động lực lôi kéo mọi người ra rạp, hãy tận dụng hình ảnh của nhân vật và biến nó trở nên có ý nghĩa (như các bộ phim về siêu anh hùng). Nhìn vào hàng loạt các poster phim và bạn sẽ thấy ngay cách mà các chuyên gia marketing đem về lợi nhuận là như thế nào.
Tờ bìa một cuốn sách sẽ có đôi chút khác biệt, nhưng nhìn chung, vẫn hướng đến mục đích tương tự. Với trang bìa, bạn cần phải thu hút sự chú ý của người xem trong một khoảng thời gian cần thiết, đủ khiến họ phải lật giở những trang sách tiếp theo. Và một mục đích đi kèm, đó là khiến độc giả hứng thú đủ để “tậu” ngay quyển sách về nhà. Một thiết kế hoàn chỉnh sẽ hướng đến những khuôn mẫu thu hút được người đọc, khơi gợi sự hứng thú và truyền tải được thông điệp của quyển sách.
Hình ảnh đại diện cho một video game lại là sự kết hợp giữa poster phim và tờ bìa sách. Bạn sẽ cần bán được các ý tưởng đồ họa, nhưng những câu chuyện, chủ đề và trò chơi vẫn là những nhân tố quan trọng cần được chú trọng đến. Vì thế, những thiết kế này sẽ hướng đến một combo hai mục đích: bán được ý tưởng đồ họa, đồng thời khiến công chúng hứng thú với câu chuyện và bối cảnh của trò chơi.
Thiết kế album trong lĩnh vực âm nhạc lại đứng ngoài thế cuộc. Công chúng mua một album vì lòng yêu thích người nghệ sĩ hoặc bài hát mà họ muốn thưởng thức. Trong trường hợp này, việc thiết kế album được tiến hành như một bước hỗ trợ cho người nghệ sĩ. Với những dịch vụ trực tuyến đang ngày càng nở rộ, vị thế của những cuốn album từng lừng lẫy một thời đã bị sụt giảm, kéo theo việc thiết kế hình ảnh cho album không còn mấy được chú trọng. Chắc chắn sẽ có sự hoài niệm, về thời kì hoàng kim của những album ca nhạc đóng vai trò quan trọng như tờ bìa của một cuốn sách hay poster của một bộ phim trong nền văn hóa đại chúng.
Key art làm mờ đi khoảng cách giữa nghệ thuật và thiết kế
Tại sao lại là key art mà không phải là key design (tạm dịch: thiết kế cốt lõi)?
Key art làm mờ đi khoảng cách giữa nghệ thuật và thiết kế. Một mảnh của nghệ thuật có vai trò thiết yếu và cụ thể; các thiết kế đồ họa sẽ bao bọc xung quanh, nhằm đóng khung hoặc gia cố mảnh ghép nghệ thuật ấy; hoặc trong một số trường hợp, sẽ góp phần sáng tạo nên một bản thiết kế cuối cùng.
Các poster phim thường được treo trên tường; các trang bìa của cuốn sách trở thành vật trang trí cho những kệ sách hoặc các quán cà phê; album và video game cũng có những công dụng tương tự. Nhưng các ẩn phẩm khác như tờ tơi, cuốn brochure nhỏ gọn, quảng cáo trên tạp chí, banner và các thiết kế đồ họa khác thì không như vậy. Những ấn phẩm này có vòng đời rất ngắn.
Poster phim, đặc biệt là của những bộ phim kinh điển rồi sẽ được lưu truyền qua hàng thế hệ. Các quyển sách và album sẽ góp mặt trong bộ sưu tập của bao người hâm mộ.
Xin mời các bạn đón đọc phần tiếp theo của Những yếu tố làm nên một key art đắt giá (Phần 1) trong bài viết sau.
Tác giả: Rikard
Bài dịch: Thụy
Nguồn: ZevenDesign