Lô Tô Tân Thời: Dự án tái hiện lại trò chơi cổ xưa mang phong vị thời đại mới
Lô Tô là trò chơi dân gian truyền thống của người dân miền Nam Việt Nam, nhưng đã bị lỗi thời do không theo kịp sự phát triển của nền giải trí đương thời.
Dự án Lô Tô Tân Thời được nhà thiết kế Thiên Phúc tái hiện lại trò chơi cổ xưa này nhằm khoác lên bộ áo mới và mang đến cái nhìn hiện đại hơn về Lô Tô trong mắt mọi người.
Lô tô – trò chơi đi sâu vào tiềm thức như một nét văn hóa
Bộ trò chơi kêu Lô Tô được cho là có nguồn gốc từ trò bingo của Ý, xuất hiện vào thế kỷ XVI. Những năm 1980 có thể xem là thời thịnh hành của các đoàn hội chợ, lô tô đi tỉnh. Đặc biệt vào dịp năm mới, các đoàn hội chợ, lô tô hoạt động rất sôi nổi ở những vùng nông thôn.
Đến giờ diễn, các nghệ sĩ quay lồng cầu rồi lấy ra các con số ngẫu nhiên từ 1-60. Vừa bốc số, người nghệ sĩ vừa kết hợp công bố con số may mắn bằng việc biến tấu ca từ phù hợp để có thể diễn tả con số sao cho vần điệu với bài hát
Người chơi sau khi mua các tờ vé lô tô sẽ dò theo người hô trên sân khấu, ai có đủ 4 số trên một hàng ngang ứng với các con số được công bố thì sẽ “kinh”. Tham gia các đêm hội chợ người chơi vừa được thưởng thức văn hóa Việt Nam qua những câu hát vừa có cơ hội nhận thêm những tặng phẩm như gấu bông, dầu gội, xà bông,… Món quà tuy đơn giản nhưng cũng làm bao người háo hức để được mang về.
Tuy nhiên, không phải cái Tết nào cũng có gánh Lô Tô về diễn. Lúc ấy mỗi nhà đều tự sắm cho mình một bộ Lô tô phiên bản tại gia để giải trí trong những ngày Tết sum vầy. Hình thức chơi của Lô Tô ở nhà sẽ có chút khác hơn so với Lô tô chơi ở hội chợ nhưng không thay đổi giá trị của trò chơi. Bộ Lô tô chơi tại nhà bao gồm 90 số bằng gỗ, nhựa,… đựng trong túi vải kèm theo 16 tờ giấy đặt.
Khi các thành viên trong gia đình tề tựu đông đủ, mọi người cùng chọn 1 người làm “cái” để bốc số và những thành viên khác dò theo, vừa dò số mọi người vừa trò chuyện, ăn bánh mứt và hồi hộp mong rằng mình sẽ là người may mắn có đủ 5 số trên một hàng ngang để được “kinh”. Phần thưởng có thể là bánh kẹo hoặc tiền góp từ những người thua, mỗi người góp 500đ-1000đ, tuy không nhiều nhưng là phần khích lệ cho người may mắn nhất.
Cứ như thế, trò chơi lô tô dù là trong các buổi hội chợ nhộn nhịp hay trong gian nhà xưa đã nhẹ nhàng đi vào lòng người và trở thành một giá trị đẹp gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ.
Bị quay lưng bởi chính những khán giả của mình
Những năm đầu thế kỷ 20, cuộc sống dần phát triển và ngày càng hiện đại. Các loại hình giải trí đa dạng, mới mẻ ra đời thì cũng là lúc mọi người dần rời xa các trò chơi dân gian truyền thống. Gánh hội chợ lô tô nhộn nhịp ngày nào bắt đầu trở thành món “nhà quê”, lạc hậu khi không tự thay đổi mình để kịp thích nghi với dòng chảy của xã hội. Từ những bộ cánh diêm dúa của các cô đào hát cho đến hình ảnh bộ Lô tô với thiết kế lỗi thời đều đi ngược lại với sự phát triển của nền giải trí đương thời đã khiến mọi người quay lưng lại với Lô tô. Những buổi hội chợ cũng chính vì thế mà trở nên đìu hiu, các cô đào chuyển nghề dần. Dường như, lô tô bắt đầu trở thành ký ức…
Sự trỗi dậy của nét văn hóa dân gian từng mai một
Lô tô như đứa con ngoài giá thú của nghệ thuật sân khấu chính thống và nghệ thuật dân gian truyền thống. Nói về lô tô, cố giáo sư Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Lô tô không chỉ là môn giải trí đơn thuần mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người Việt, qua đó góp phần lưu truyền và gìn giữ những tục ngữ, ca dao, bài vè – được xem là những di sản văn học dân gian của dân tộc – khỏi bị mai một.”
Sài Gòn là nơi chứng kiến nhiều sự hồi sinh đầy bất ngờ. Những năm gần đây, Lô tô đã trở lại theo chính dòng chảy đó với tư duy của những người trẻ và được khoác lên mình tấm áo mới văn minh hơn. Nếu như trước đây lô tô bị đánh giá là lòe loẹt, diêm dúa thì nay hình ảnh tạm bợ, nhếch nhác ấy gần như đã bị xóa mờ. Trước hết, sự thay đổi nằm ở diện mạo của nghệ sĩ hát lô tô với trang phục được chuẩn bị chỉn chu hơn, thường là áo dài hoặc những thiết kế được thực hiện theo từng chủ đề của đêm diễn. Những đoàn lô tô hiện tại đầu tư rất nhiều cho trang phục phù hợp và nội dung từng đêm diễn.
Tuy nhiên, nếu chỉ được đầu tư về phần con người thì vẫn chưa đủ cho sự hồi sinh của Lô Tô vì nói đến linh hồn của Lô Tô, chúng ta không thể bỏ qua những tờ vé dò. Các thiết kế lỗi thời của Lô tô hiện tại không tương xứng với phần diện mạo của những người nghệ sĩ trên sân khấu khiến phần nhìn tổng thể cho Lô Tô không cân xứng. Chính vì thế bộ ấn phẩm Lô Tô ra đời để giúp Lô Tô được hoàn thiện một cách chỉn chu, giúp người chơi có được trải nghiệm tốt nhất trong những buổi hội chợ lô tô hoặc chơi ở nhà. Để Lô tô lần nữa được khẳng định lại giá trị của mình – là Sắc màu của dân gian.
Concept Lô tô tại gia
Lô tô thường được chơi vào dịp Tết, lúc ấy cả gia đình ngồi quây quần trên sàn nhà có nền gạch bông gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người Việt. Nhằm gợi lại những ký ức vui vẻ trong gian nhà xưa, bộ Lô Tô tại gia đã lấy cảm hứng từ họa tiết gạch bông từ đó giúp cho mọi người có cái nhìn mới mẻ hơn về trò chơi dân gian này.
Hội chợ ngày Tết
Hội chợ truyền thống “Sắc Màu Dân Gian” do đoàn Lô Tô Sài Gòn Tân Thời phụ trách. Hội chợ sẽ được diễn ra vào dịp tết Nguyên Đán 2021. Các đêm diễn với những chủ đề khác nhau cùng diện mạo mới của Lô Tô mang đến cho quý khán giả nhiều niềm vui sau một năm làm việc và học tập căng thẳng.
Thiên Phúc, hiện là giảng viên tại trung tâm dạy thiết kế ColorME Sài Gòn và là một nhà thiết kế đồ hoạ. Xem thêm những dự án của anh tại đây.
Ảnh: Thiên Phúc