iDesign Signature | Maztermind và dự án ‘Bầu Cua’ - Tự hào là một phần nét văn hoá truyền thống ‘Tết’ Việt Nam
Trò chuyện cùng Maztermind, một thương hiệu thủ công chuyên về thiết kế cũng như phân phối các thể loại boardgame truyền thống vô cùng đặc sắc tại Việt Nam và lắng nghe những chia sẻ thú vị của cả đội ngũ giàu nhiệt huyết này về dự án “Bầu Cua” dành riêng cho dịp Tết Nguyên Đán 2021 sắp tới.
Chào Maztermind, được biết thông tin rằng Maztermind đang chuẩn bị ra mắt sản phẩm Bầu Cua cho dịp Tết Nguyên Đán, iDesign rất mong muốn được Maztermind chia sẻ thêm về quá trình này.
Về Maztermind
Maztermind được sáng lập vào năm 2018 tại Sài Gòn, Việt Nam. Điều mà thương hiệu mong mỏi nhất đó chính là tạo ra những trải nghiệm khác biệt dựa trên giá trị nguyên bản của boardgame truyền thống. Maztermind cùng team thiết kế cũng như nhóm thợ lành nghề luôn cố gắng truyền tải ngôn ngữ thẩm mỹ mới mẻ lên những vật liệu thủ công. Qua đó, chúng mình hy vọng những sản phẩm này sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ – không phân biệt tuổi tác, vùng miền, địa vị – ngồi lại cùng nhau và tận hưởng một ván cờ.
Định nghĩa Boardgame một cách đơn giản nhất theo ngôn ngữ của Maztermind
Boardgame là các trò chơi chơi trên một mặt phẳng, sở hữu luật chơi rõ ràng và có thể chơi từ hai người trở lên. Thuật ngữ “boardgame” bắt đầu trở nên thân quen với người Việt trẻ từ khi trò chơi Ma sói và Uno bắt đầu du nhập vào Việt Nam tạo nên cơn sốt trong một thời gian, nhưng thật ra những trò chơi quen thuộc với tuổi thơ như cờ Cá ngựa, cờ Tỷ phú, Bầu cua… hay các trò trí tuệ hơn như Cờ vua, Cờ tướng đều là boardgame cả.
Bầu Cua – Một hình ảnh mới cho trò chơi chưa bao giờ cũ
Tết Nguyên Đán này, Maztermind sẽ ra mắt bộ game “Bầu Cua”, đây là trò chơi không mấy xa lạ với người miền Nam. Khi bắt đầu thiết kế, cả đội ngũ hướng đến mục tiêu làm mới, nâng cấp sản phẩm từ mặt hình ảnh đến chất liệu, biến một trò chơi dân dã quen thuộc ngày nào trở thành vật phẩm trang trí trong nhà hay đơn giản là món quà thú vị cho ngày Tết. Sản phẩm hướng đến thế hệ gia đình trẻ, người trẻ, những người có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm boardgame có tính thẩm mĩ và độ bền cao để chơi game cùng bạn bè dịp Tết.
Đây là một trong những trò chơi đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam và là trò chơi có thể có nhiều người cùng chơi nhất. Các linh vật trong “Bầu Cua” được chia ra trên là Núi (gồm nai, bầu, gà) dưới là Biển (gồm tôm, cua, cá), khá giống với truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên của người Việt mình. Đây cũng là lí do vì sao team chọn màu xanh dương đậm cho 3 ô dưới của bàn cờ trong khi 3 ô trên mang nền đỏ.
– Khi chơi sẽ có các câu hô:
- “Tất cả về Núi” (chỉ khi 3 xúc xắc chỉ đổ về các linh vật Núi)
- “Tất cả xuống Biển” (chỉ khi 3 xúc xắc đổ về các linh vật Biển)
- Và “Kê huề” (chỉ khi xúc xắc đổ bị chênh không phân biệt được mặt linh vật nào và lắc lại ván đó)
Không như những dòng sản phẩm khác mang chất liệu gỗ, đồng, sản phẩm “Bầu Cua” lần này được chúng mình lựa chọn chất liệu da làm chủ đạo, bên trong bồi giấy cứng cùng với kết cấu có thể gấp làm ba.
Điều đặc biệt của phiên bản Bầu Cua này là phần bao bì có hình ảnh một chiếc bao lì xì khổng lồ – món quà siêu bự cho năm mới. So với bộ Bầu Cua truyền thống, hình ảnh cách điệu của các linh vật được vẽ và đi nét theo phong cách mới với màu chủ đạo là đỏ tượng trưng cho sự may mắn, chất liệu và màu sắc tuy bắt mắt hơn nhưng vẫn giữ được tinh thần của bộ trò chơi gốc.
Một quá trình làm việc “vui như Tết”
Quy trình thiết kế “Bầu Cua” cũng như nhiều sản phẩm khác, đều là việc đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi và tìm cách giải quyết từng vấn đề. Cụ thể sẽ bao gồm các bước sau:
Nghiên cứu:
- Nghiên cứu thị trường, xác định vấn đề của những sản phẩm hiện tại, vì sao chúng ta cần một thiết kế mới cho sản phẩm này?
- Xác định mức gía và phong cách thiết kế phù hợp.
- Đưa ra giải pháp cho từng vấn đề dựa trên điểm mạnh của team, định hình kì vọng cho sản phẩm cuối cùng.
Tóm tắt (Brief):
Tổng hợp thông tin từ bước nghiên cứu, đưa ra mốc thời gian cho từng hạng mục và nhiệm vụ cụ thể của từng người trong team.
Thiết kế:
Triển khai ý tưởng bằng phác thảo, lên màu, lên cấu trúc sản phẩm và dựng bản mock-up đầu tiên.
Làm mẫu (Prototype):
Từ bản vẽ trên máy tính, team thiết kế sẽ làm việc sát sao với team R&D để có được bản mẫu hoàn chỉnh và gần nhất với kì vọng ban đầu. Bước này thường sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi có được thành phẩm ưng ý nhất, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của brand.
Đưa sản phẩm ra thị trường:
Lên nội dung, hình ảnh để sản phẩm xuất hiện “tinh tươm” nhất trong mắt người dùng
Nhận phản hồi và cải thiện:
Như một vòng lặp, sản phẩm sẽ liên tục nhận ý kiến từ người dùng, team thiết kế và R&D tiếp nhận phản hồi để điều chỉnh sản phẩm được tốt hơn.
Đội ngũ bao gồm: Art Director, Product designer, Illustrator, Graphic designer, tư vấn xuyên suốt bởi team R&D và Product Manager.
Đâu là giai đoạn vui và khó khăn nhất?
CT (Illustrators):
- Vui thì có lẽ là có mặt con Dung (product designer) là zui nhất, và lúc in sample (mẫu) màu A4 xong mang đi trưng cầu dân ý mọi người trong công ty thành “cái chợ” luôn.
- Khó khăn là lúc quyết định chọn bản thiết kế này mà bỏ những bản còn lại cũng như giai đoạn in thử và tìm vật liệu sản xuất.
QA (Graphic Designer):
- Đối với mình giai đoạn vui nhất là khi cả team cùng ngồi với nhau chọn ra màu phù hợp cho bộ bầu cua, đưa ra nhiều lựa chọn cho cả văn phòng bình chọn như những khách hàng thực sự để designer có cái nhìn khách quan hơn khi thiết kế. Được nghe những góp ý của mọi người để thực hiện bộ cờ hoàn thiện hơn nữa, đưa đến sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.
- Dù sáng tạo đến đâu thì vẫn phải luôn giữ được những quy chuẩn, nét đặc trưng của văn hoá thì mình nghĩ đó là giai đoạn khó khăn nhất không chỉ với mình mà hầu hết các designer khác cùng đều phải trải qua.
Kate (Art Director):
- Vui nhất: Khi có nhiều lựa chọn về màu sắc, kiểu dáng, vật liệu nhưng sau khi thảo luận và tìm hiểu cùng những bộ phận khác nhau trong công ty (về giá thành, sản xuất, xu hướng thị trường) thì chọn ra được lựa chọn hợp lý nhất.
- Khó khăn: Đối với bầu cua, khó nhất là chọn vật liệu đẹp, từ bản render 3D đến thực tế, chúng mình đã thất bại và thất vọng nhiều lần. Cuối cùng thì cũng phải chấp nhận là không có gì hoàn hảo từ những lần đầu tiên và ưu tiên kế hoạch sản xuất của sản phẩm và công ty luôn lên đầu. Hy sinh tham vọng của thiết kế luôn là những quyết định đau đớn với đội thiết kế, cụ thể là hạn chế về chi phí và khả năng thi công của team sản xuất.
Lê Dung (Product Designer):
- Vui nhất là khi cả công ty cùng tụ lại để chọn màu và góp ý cho đội ngũ thiết kế. Các bản thiết kế từ phác thảo đến lên màu đều được dán khắp phòng làm việc. Quá trình làm vật liệu lúc nào cũng thú vị, nhất là với vật liệu mới, luôn phải lục tung Google và tìm từng gian hàng trong chợ để có được chất liệu ưng ý.
- Khó khăn nhất vẫn là khi tìm cách biến thiết kế thành sản phẩm thật, cầm được trên tay. Với sản phẩm lần này, chúng mình đã phải lựa chọn đắn đo giữa rất nhiều chất liệu và cấu trúc sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như chọn làm trên gỗ hay trên da, 6 mảnh rời hay 1 tấm liền mạch, gấp thế nào mới hợp lý,… Hột bầu cua cũng làm cả team đau đầu khi chọn lựa phương án: nhựa hay giấy, gấp sẵn hay làm dẹp để đặt vừa vặn trong bao? Tất cả mọi quyết định cuối cùng đưa ra đều là giao điểm của 3 yếu tố: thẩm mĩ, khả năng sản xuất và chi phí.
Rất cám ơn Maztermind vì đã dành thời gian cho chia sẻ những thông tin chân thật và thú vị này. Một lần nữa, xin chân thành cám ơn và chúc các bạn luôn gặt hái được nhiều thành công trong những dự án sắp tới.
Đôi ngũ thực hiện Bầu Cua:
- Product designer: Lê Dung
- Illustrator/ Graphic designer: CT, Quỳnh Anh
- Art Direction/ Creative strategist: Kate Nguyen
- Product Manager: East Cao.
Bài viết: Nam Vu
Ban biên tập: iDesign