Quá khứ của giấy dán tường Trung Hoa ở phương Tây và những điều thú vị về ‘chinoiserie style’


Giấy dán tường xuất xứ từ Trung Quốc bắt đầu được rao bán ở London (Anh) vào cuối thế kỷ 17. Những tờ giấy vẽ tay này và phong cách chinoiserie* đậm chất trang trí lấy cảm hứng từ chúng đã tạo ra một trào lưu kéo dài hơn một thế kỷ.

Hầu hết các ngôi nhà lớn của châu Âu đều có ít nhất một phòng được trang trí bằng giấy dán tường Trung Hoa, nguyên bản hoặc làm giả. Đến cuối thế kỷ 18, chúng cũng được tìm thấy trong hầu hết các ngôi nhà có kích thước khiêm tốn hơn.


*Phong cách chinoiserie (chinoiserie style): là sự bắt chước, mô phỏng lại của châu Âu trong việc sử dụng họa tiết và kĩ thuật của người Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc ở các lĩnh vực nghệ thuật.


Bài viết được dịch từ trang web của Bảo tàng Victoria & Albert (London, Anh). Được thành lập từ giữa thế kỉ 19, bảo tàng có bộ sưu tập trải dài 5,000 năm lịch sử sáng tạo của loài người. Chuyên về nghệ thuật và thiết kế, nơi đây lưu giữ nhiều bộ sưu tập quốc gia của Vương quốc Anh và một số tài nguyên lớn nhất cho nghiên cứu nghệ thuật ở nhiều mảng khác nhau.


Một tấm ván với giấy dán tường được phủ màu. Không rõ người thực hiện,
khoảng năm 1790 – 1800, Quảng Châu, Trung Quốc. © Victoria and Albert Museum

Giấy dán tường Trung Hoa được cung cấp theo bộ 25 hoặc 40 tờ, mỗi bộ có thiết kế khác nhau, có thể được treo để tạo thành một bức tranh tường trang trí liên tục quanh phòng. Với chủ đề mang sự lạ lẫm với người dân tại châu Âu – những cảnh về cuộc sống và phong cảnh Trung Quốc, hoặc những cây hoa với chim và bướm đậu trên cành – cùng màu sắc vẽ tay phong phú và chi tiết tỉ mỉ, chúng không giống với những hình có sẵn ở Anh thời đó. So với giấy dán tường được sản xuất tại địa phương thì chúng khá đắt đỏ nên chỉ thường được những người giàu có mua và treo trong nhà.

Giấy dán tường Trung Hoa đã cập vào nước Anh như một phần của việc giao thương lớn với các vật phẩm của Trung Quốc, như sơn mài, sứ và lụa, được nhập khẩu bởi Công ty Đông Ấn (East India Company) – công ty của Anh được thành lập để giao dịch với Đông và Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc.

Người Trung Quốc đã không sử dụng loại giấy này như tấm phủ tường mà thích sự đơn giản hơn – thường là màu trắng, đỏ thẫm hoặc vàng. Dẫu thế, đây vẫn là thông lệ của Trung Quốc, đặc biệt là tại các cảng giao dịch của Quảng Châu và Macao, để dán giấy lên cửa sổ và vẽ trang trí bằng hình ảnh. Có thể do những thứ này được các thương nhân châu Âu ngưỡng mộ đã thúc đẩy người Trung Quốc sản xuất đồ trang trí tương tự cho việc xuất khẩu.

Sự phổ biến của các loại giấy Trung Quốc này (mặc cho chi phí của chúng và sự sẵn có của các loại giấy được sản xuất tại địa phương) là một phần của thuật ngữ rộng hơn – ‘Sinomania‘ – một thứ mốt dành cho tất cả những gì thuộc về Trung Quốc. Sự thèm khát những thứ xa lạ đến từ phương Đông được người châu Âu làm dịu đi bằng cách nhập khẩu hàng hóa trang trí từ xứ Trung; các văn bản lúc bấy giờ kể lại rằng vào thời điểm đó, Trung Quốc được xem như một xã hội kiểu mẫu tinh vi không khác hai ‘đối thủ’ Hy Lạp hoặc Rome là bao.

Một giường ngủ với tên gọi ‘Badminton Bed’ có các tấm giấy dán tường Trung Hoa ở phía sau,
John Linnell, khoảng năm 1754, Berkeley Square, London.
© Victoria and Albert Museum, London

Sự nhiệt tâm cho phong cách Trung Quốc đã được phản ánh trong việc các sản phẩm từ nơi này được sử dụng rộng rãi ở mảng trang trí trong thế kỷ 18. Có một sự vui tươi và gần gũi trong phong cách ấy làm cho chúng trở thành đồ trang trí phổ biến cho phòng ngủ và các căn hộ, đặc biệt là các sản phẩm được phụ nữ sử dụng.


Nhưng sự hồ hởi cho các loại giấy từ Trung Hoa không mang tính phổ quát. Hương vị Trung Hoa dần gắn liền với những người giàu có tân thời, những người kiếm tiền bằng việc giao thương. Như nhà thơ người Anh William Shenstone có nói, “Một công dân đơn thuần luôn nhắm đến việc thể hiện sự giàu có của anh ta… và nói nhiều về đồ trang trí có xuất xứ từ Trung Hoa cho những ngôi nhà bánh ngọt vô giá trị của riêng mình“.

Giấy dán tường mang đậm phong vị châu Á này trở nên gắn liền với sự phô trương của cải, hơn là đi với thị hiếu thanh lịch và tinh tế. Một số thì xem sản phẩm giấy nhập khẩu từ Trung Quốc là mối đe dọa đối với kế sinh nhai của công nhân dệt may tại Anh.

Bằng cách tiếp tục chú ý đến thị hiếu của thị trường châu Âu, sửa đổi thiết kế và giới thiệu các mẫu, họa tiết và màu sắc mới theo yêu cầu, các nhà sản xuất giấy dán tường Trung Quốc đã ngăn chặn việc thương mại bị đình trệ.

Một tấm ván với giấy dán tường. Không rõ người thực hiện,
khoảng năm 1750 – 1800, có thể có xuất xứ từ Quảng Châu, Trung Quốc.
© Victoria and Albert Museum

Những tờ giấy dán tường được nhập sớm nhất vào châu Âu thường mô tả cảnh đời sống và nền công nghiệp ở Trung Quốc trong nhiều bối cảnh phong cảnh khác nhau.

Một chủ đề phổ biến khác được biết đến là ‘chim và hoa’, đặc trưng với sự xuất hiện của những cây hoa cùng các loài chim và côn trùng xen kẽ, tất cả đều phủ bóng trên mặt đất có màu. Các phiên bản được chỉnh sửa về sau thêm sự xuất hiện của các nhân vật ở tiền cảnh, những bụi cây đang trổ bông trong chậu và lồng chim treo lơ lửng trên cành.

Một phần tấm giấy dán tường được vẽ với hoạt tiết lặp lại của sóc, chim công, vẹt đuôi dài và những nhân vật chinoiserie giữa hoa và tán lá. Không rõ người thực hiện. Khoảng năm 1700, được treo tại Ord House, Berwick-on-Tweed, Northumberland, sản xuất tại Anh. © Victoria and Albert Museum, London

Các sản phẩm giấy Trung Hoa tương đối đắt tiền; đơn đặt hàng cho các thiết kế cụ thể hoặc thêm màu sắc có thể mất tới 18 tháng để thực hiện. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà sản xuất tại Anh và Pháp tìm cách tận dụng mốt thời trang này bằng cách sản xuất hàng nhái. Các sản phẩm sớm nhất cho thấy sự hiểu biết kém về quy ước của các thiết kế Trung Quốc. Những bộ sưu tập sớm nhất của bảo tàng Victoria & Albert có từ khoảng năm 1700 và được tìm thấy ở Ord House (Northumberland, Anh). Không giống như các bản gốc của Trung Hoa, các họa tiết thường là sự lặp đi lặp lại với các hình vẽ nhân vật bị xen lẫn với vẹt hay sóc, tất cả được đặt bừa bãi giữa các nhánh cây thô sơ.

Một tấm giấy dán tường chưa qua sử dụng. Không rõ người thực hiện, khoảng năm 1780 – 1800, Anh. © Victoria and Albert Museum, London

Trong các bộ sưu tập của bảo tàng, chúng tôi cũng có các ví dụ về những tờ giấy dán tường đơn chưa qua sử dụng. So với các sản phẩm chính hãng từ Trung Quốc, các thiết kế này được vẽ khá tệ, bao gồm các mô tả không chính xác về hệ động – thực vật Trung Quốc, các tòa nhà và trang phục; thậm chí bao gồm cả động vật như rồng và lạc đà, vốn không bao giờ xuất hiện trong giấy dán tường Trung Hoa. Một số sản phẩm giấy dán có sự hoàn chỉnh trong khi số khác có họa tiết bị cắt ở các cạnh, cho thấy rằng chúng được mặc định để treo chồng chéo với những tấm giấy dán tường khác.

Một phần của tấm giấy dán tường theo ‘phong cách phương Đông’.
Không rõ người thực hiện, khoảng năm 1925, Anh.
© Victoria and Albert Museum, London

Vào cuối thế kỷ 19, sự hứng thú với giấy dán tường Trung Hoa đã thuyên giảm dù cho các phong cách đến từ phương Đông đã trở lại như một mốt thời thượng trong thời gian ngắn ở những năm 1920.

Phong cách này tiếp tục lắng xuống, chỉ còn xuất hiện những ngôi nhà khiêm tốn hơn khi các bản in đã được chế tạo bằng máy, với các họa tiết chim, hoa và đèn lồng bằng giấy có màu sắc tươi sáng.


Dịch: Lệ Lin
Nguồn: Victoria & Albert Museum

Cùng tác giả

#Tag

art history bảo tàng châu Âu chinoiserie giấy dán tường Heirstory trung quốc

iDesign Must-try

Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mặc dù cuộc đời của ông ngắn ngủi một cách đáng buồn, nhưng những bức tranh thô mộc, cấp tiến của Jean-Michel Basquiat đã tạo được ảnh hưởng lâu dài…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Trong phần cuối cùng của chuỗi bài Hiện thực, chúng ta cùng tìm hiểu các tác phẩm nổi bật và quan trọng đối với trào lưu - được sắp xếp…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Gustave Courbet nói rằng ông vẽ “người thị trường, nặng 180kg, vị linh mục quản xứ, công lý của hoà bình, người mang thánh giá, công chứng viên Marlet, vị…
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Mặc dù lịch sử thiết kế đồ hoạ chỉ chính thức bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, việc tìm hiểu lịch sử nghệ thuật…
Tổng quan dòng chảy lịch sử thiết kế đồ hoạ
Tổng quan dòng chảy lịch sử thiết kế đồ hoạ
Trong ba tháng vừa qua, chuyên mục Lịch sử Thiết kế Đồ hoạ tại iDesign đã ra mắt và giới thiệu đến các bạn một số bài viết chia sẻ…