DADAISM - Sự nổi loạn của nghệ thuật (Phần 1)
Dadaism hay Dada là một phong trào nghệ thuật tự do với chủ trương bác bỏ giá trị xã hội, chính trị và văn hóa của thời gian. Nó bao gồm những yếu tố của nghệ thuật, âm nhạc, thơ ca, phim ảnh, vũ điệu và cả yếu tố chính trị.
MAN RAY (1890-1976)
‘Cadeau (Gift)’ 1921 (Flat Iron with Brass Tacks).
Dada không giống như các loại hình nghệ thuật khác như trường phái lập thể – Cubism hay trường phái dã thú – Fauvism; nó là một phong trào phản đối nổi lên với tuyên ngôn chống chính quyền.
Linh hồn của Dada
RAOUL HAUSMANN (1886-1971).
‘The Spirit of Our Time’, 1920 (tác phẩm nghệ thuật lắp ráp).
‘Spirit of Our Time‘ là một tác phẩm điêu khắc ẩn dụ cho sự bất lực của chính quyền thống trị thời đó, tác phẩm này khởi xướng cho quá trình thay đổi cần thiết để xây dựng lại nước Đức. Đây là bức minh họa châm biếm của tuyên ngôn Raoul Hausmann, ông coi những người ủng hộ nó là xã hội suy đồi “không còn tiềm năng để khai thác; đầu óc trống rỗng”. Tác phẩm mô phỏng một người ngu dốt chỉ có thể biết được những thứ cơ bản thông qua thiết bị và vật thể bên ngoài – một cây thước và mảnh thước dây, chiếc đồng hồ bỏ túi, một hộp trang sức chứa bánh xe của chiếc máy đánh chữ, một cái nút bằng đồng lấy từ chiếc máy ảnh, chiếc cốc bị gỉ sét của mấy người lính Đức hay sử dụng trong chiến tranh Thế giới thứ nhất và một cái túi cũ ở đằng sau đầu. Với đôi mắt trống rỗng, ‘Spirit of Our Time’ là một cỗ máy tự động nhưng mù loà với lối tư duy bác bỏ đi tất cả những suy nghĩ sáng tạo.
Những người theo phong trào Dada tại Cabaret Voltaire
HANNAH HÖCH (1889-1978).
‘Incision With The Dada Kitchen Knife Through Germany’s Last Weimar Beer Belly Cultural Epoch’ 1920 (Collage).
Cabaret Voltaire
Trong suốt cuộc chiến tranh Thế giới thứ nhất, rất nhiều nghệ sĩ, nhà văn và dân trí thức, những người phản đối chiến tranh đã phải tìm chỗ ẩn náu tại Thụy Sĩ. Zurich là một nơi trú ngụ dành cho những cá nhân bị lưu đày ấy. Vào ngày 5 tháng 2 năm 1916, nhà văn Hugo Ball và cộng sư Emmy Hemmings đã thành lập ‘Cabaret Voltaire’, một điểm tụ hội của những người tiên phong thời đó. Đây là một hộp đêm, đồng thời cũng là trung tâm nghệ thuật nơi những nghệ sĩ trưng bày tác phẩm của mình với những chủ đề như âm nhạc, thơ ca, các bài diễn văn và những điệu nhảy.
Những nghệ sĩ đóng góp cho ‘Cabaret Voltaire’ là Jean (Hans) Arp, Tristan Tzara, Marcel Janco và Richard Huelsenbeck. Buổi biểu diễn đầu tiên của họ diễn ra khá thường xuyên nhưng sau đó lại trở nên hỗn loạn do chiến tranh Thế giới thứ nhất diễn ra. Họ nhận ra rằng sự tàn sát và chém giết lẫn nhau là bằng chứng không thể chối cãi, rằng chính phủ hai bên đã phụ lòng người dân, rằng hệ thống chính quyền đã thối nát. Cùng góp mặt trong cuộc biểu tình phản đối chiến tranh và chế độ cầm quyền, ‘họ cùng hô to khẩu hiệu DADA!!!!’
Mặc dù những người theo chủ nghĩa Dada có chung một ý tưởng nhưng phong cách thể hiện lại không giống nhau. Giữa những năm 1917 và 1920, hội Dada có có sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ như Raoul Hausmann, Hannah Höch, Johannes Baader, Francis Picabia, Georg Grosz, John Heartfield, Max Ernst, Marcel Duchamp, Beatrice Wood, Kurt Schwitters, and Hans Richter.
Phong trào phản đối chiến tranh, chống phá chế độ cầm quyền và phản nghệ thuật
Vũ khí chống lại chế độ cầm quyền của những nghệ sĩ phong trào Dada là chủ đề đối đầu và khiêu khích. Họ công kích những giá trị nghệ thuật truyền thống bằng thái độ bất mãn và kích động chế độ bảo thủ bằng những khẩu hiệu và hành động bạo lực. Đồng thời họ cũng công kích bằng con đường nghệ thuật, thứ được xem là một phần của chính quyền. Hành động này bị coi là vô cùng sai trái và cần được dập tắt sau đó. Những người theo chủ nghĩa Dada nghi ngờ giá trị của mọi loại hình nghệ thuật và nghĩ rằng đây là sản phẩm từ cơn khoái lạc của giai cấp tư sản.
Nghịch lý ở chỗ Dada tự nhận là chủ nghĩa phản nghệ thuật nhưng chúng ta lại bàn luận những công trình nghệ thuật của họ. Thậm chí sự công kích chế độ cầm quyền nặng nề nhất lại tạo ra những tác phẩm khởi đầu cho sự phát triển của nghệ thuật ở thế kỉ 20. Mục đích của Dada chính là tạo ra một môi trường để nghệ thuật có thể tồn tại mà không bị kìm hãm bởi những giá trị truyền thống và chế độ đương thời.
Quá trình xác định nguồn gốc tên gọi
Phong trào nghệ thuật thường được những nhà phê bình định danh nhưng Dada là phong trào duy nhất được những nghệ sĩ tự đặt tên. Tuy nhiên, điều này vẫn được tranh luận dai dẳng và vẫn không có bằng chứng xác thực nào. Lúc Hans Richter gia nhập chủ nghĩa năm 1917, ông đã nghĩ rằng ‘Da – Da’ là ngôn ngữ Slavonic của Tzara và Janco với ý nghĩa là ‘Đúng – Đúng’ – một lời khẳng định chắc nịch thường thấy. Một tranh luận khác là khi Richard Huelsenbeck và Hugo Ball tìm thấy từ này khi tra từ điển Pháp/Đức. Trong tiếng Pháp, ‘Dada’ có nghĩa là ‘hobbyhorse’ – một bộ đồ chơi gồm những cây gậy và ở cuối mỗi cây có một cái đầu ngựa, và họ chọn từ này bởi tính chất trẻ con và ngây thơ của nó. Ball nói rằng, ‘Chúng tôi hiểu Dada chính là dại khờ; sự dại khờ khi mọi thứ đều trống rỗng và vấn đề được bao quát…’
Các poster thơ ca của chủ nghĩa Dada
RAOUL HAUSMANN (1886-1971).
‘ABCD’ 1920 (tác phẩm nghệ thuật cắt dán).
Raoul Hausmann
‘ABCD’ của Paul Hausmann là một tác phẩm nghệ thuật cắt dán theo chủ nghĩa Dada, được ông mô tả là một bài thơ dạng poster. Đây là phó bản của bài thơ âm thanh Dada từng được giới thiệu tại ‘Cabaret Voltaire’. Năm 1916, Hugo Ball tuyên bố rằng: “Tôi đã tạo ra một dạng thơ ca mới, ‘thơ nhưng lại không có từ ngữ nào’, thơ được thể hiện bằng âm thanh…” Tuy nhiên, cảm hứng này đến từ nghệ sĩ chủ nghĩa vị lai ở Ý Filippo Tommaso Marinetti và Hausman đã thể hiện điều đó bằng cách chèn thêm từ ‘VOCE’, từ tiếng Ý có nghĩa là âm thanh. Từ ‘MERZ’ được đặt trong một tấm vé nằm chính giữa tác phẩm là yếu tố đến từ Kurt Schwitters, người cộng sự của Hausman trong những năm đầu của phong trào Dada. Tờ tiền giấy từ Cộng hòa Séc ở góc dưới bên trái là món quà lưu niệm từ chuyến thăm Prague, nơi diễn ra buổi biểu diễn thơ âm thanh Hausmann, ‘fmsbwtözäupggiv-..?mü’.
Lần đầu tiên nhìn vào tác phẩm, mắt bạn sẽ ngay lập tức hướng đến chủ đề chính: Những kí tự ‘ABCD’ kẹp giữa hàm răng của một bức chân dung tự họa. Những cuống vé và dòng typography được xếp theo hình xoắn ốc bao quanh đầu của nghệ sĩ. Bạn khó lòng lờ đi sức mạnh giao tiếp của những kí tự và con số khiến bạn tự hỏi rằng tại sao chúng lại như vậy. Bạn sẽ không biết lí do tại sao nhưng các yếu tố vẫn sẽ khiến bạn tò mò. Dòng chữ trên tấm vé ‘MERZ’ dịch ra là ‘Raoul Hausmann giống như là một miếng bơ Margarine đầy cảm xúc’, một dòng bình luận có tí mỉa mai về kĩ thuật vẽ tranh của trường phái biểu hiện – Expressionists.
Bản tuyên ngôn và tạp chí Dada
DER DADA NO.2′ 1919 (trang bìa tạp chí)
Chỉnh sửa bởi Raoul Hausmann, John Heartfield, và George Grosz
Một trong những hoạt động mà những nghệ sĩ chủ nghĩa Dada từng tham gia để thể hiện tôn chỉ của hội là sự ra đời của một loạt các bản tuyên ngôn và tạp chí với mục đích công kích các thành phần xã hội, chính trị và văn hóa ủng hộ chiến tranh.
Trường phái biểu hiện, phong trào nghệ thuật tiên phong mới nhất thời ấy, nhanh chóng được mọi người nhìn nhận và ủng hộ. Nó đã thất bại trong việc đem lại những thay đổi mà trường phái Dada mong muốn. Những nghệ sĩ theo trường phái biểu hiện quan tâm đến những yếu tố nội hàm và yêu nước, soi xét quá khứ của người Gô-tích Đức. Họ chính là một phần của vấn đề. Trong bản tuyên ngôn Dada tại Berlin năm 1918, Richard Huelsenbeck đã công kích dữ dội sự vô quyền của trường phái biểu hiện, ‘Trường phái biểu hiện mong muốn hướng nội, họ tưởng rằng bản thân là nhân tố đi ngược lại với thời gian, trong khi đó chủ nghĩa Dada là sự thể hiện của thời gian. Dada tồn tại theo thời gian, là đứa con của hiện tại mà người đời có thể nguyền rủa nhưng chẳng thể nào chối bỏ được… Dựa trên tính hướng nội, những nhà văn và họa sĩ trường phái biểu hiện đã thu mình lại để tạo ra một thế hệ tìm kiếm những sự tán dương trong lịch sử nghệ thuật và thơ văn, lúc nào cũng mong muốn được vinh danh và tán thưởng… Trường phái biểu hiện là một phong trào tự phát. Đó là những con người chán chường mệt mỏi, mong muốn thoát ly khỏi bản thân và thực tại, chiến tranh và đau khổ… Họ là những cá thể đi ngược lại thiên nhiên và không có dũng khí để đương đầu với thực tại khắc nghiệt. Họ quên mất dũng khí trong người. Chủ nghĩa Dada luôn dũng cảm và táo bạo, đương đầu với cái chết. Họ đặt chính mình làm trung tâm. Trường phái biểu hiện muốn quên đi bản thân, Dada thì muốn khẳng định chính mình.’
(Hết phần I)
- Art Nouveau và thế giới đầy mê hoặc của trường phái Tân nghệ thuật
Ảnh hưởng của tranh khắc gỗ Nhật lên trường phái Ấn Tượng trong hội họa
Người dịch: Đáo
Nguồn: Artyfactory