Chuyện nghề phóng viên ảnh: Tôi đã chụp những bức ảnh trong năm 2017 như thế nào?

Là một phóng viên ảnh không hề dễ dàng, để có được một bức ảnh đúng khoảnh khắc và thể hiện rõ câu chuyện, nhiếp ảnh gia luôn phải lăn xả, vận dụng tuyệt đối những kiến thức từ kỹ thuật cho đến đời sống, cộng với đó là một tầm nhìn bao quát về môi trường tác nghiệp.

iDesign mời bạn khám phá quá trình tác nghiệp để cho ra những bức ảnh phóng sự từ chia sẻ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tiến Anh Tuấn – phóng viên ảnh Zing News. Đây là những tác phẩm được chắt lọc từ các bức ảnh anh tâm đắt nhất trong năm 2017.

Tôi đã chụp những bức ảnh trong năm 2017 như thế nào?

Tôi sẽ không thể kể hết câu chuyện tác nghiệp về từng bức ảnh, tuy nhiên những tấm ảnh tôi yêu thích nhất trong năm 2017 sẽ được chia sẻ về cách tôi đã tạo ra chúng. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một hoàn cảnh, một trải nghiệm hoàn… toàn khác nhau.

D800 – 24mm; Manual; Matrix metering; 1/250 sec; f/7.1; ISO 200

Tôi từng vài lần kể câu chuyện tác nghiệp về bức ảnh Cướp lộc chùa Hương trong ngày nhận giải thưởng của VSP và một số buổi chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh báo chí cùng một số đồng nghiệp các báo khác. Đây sẽ là lần tôi viết kỹ và rõ nhất về bức ảnh rất xấu xí, thực sự là trông cực kỳ xấu xí hay bị trêu đùa là “giật tóc móc mắt” này.

Thực ra tôi cùng khoảng hơn 10 phóng viên còn sót lại sau lễ khai hội chùa Hương tại sân Thiên Trù, đông đảo anh em phóng viên các báo đã ra về từ sớm. Khởi điểm của vụ hỗn loạn tranh cướp lộc là từ việc một sư thầy mang một túi những chiếc vòng chỉ đỏ mặt phật (đã được thắp hương trên điện thờ) xuống phát làm quà cho phật tử và du khách thập phương. Không phải là người phát hiện và chụp đầu tiên, nhưng khi sự việc trở lên khó kiểm soát, hỗn loạn diễn ra, tôi đã ngay lập tức vỗ vai hai đồng nghiệp trẻ và nói:

Cái chúng ta cần đây rồi, phải lập tức làm ngay thôi

Biết rằng những sự việc như vậy sẽ diễn ra và kết thúc rất nhanh, tôi focus vào sư thầy đang phát lộc đứng trên chân cột cờ bằng bê tông, cố gắng xoay quanh để lấy bối cảnh chùa, rừng cánh tay vươn lên xin lộc.

Nhưng vẫn còn thấy thiếu gì đó, khuôn mặt của hàng trăm kẻ đói khát niềm tin, đói khát sự may mắn trông chờ từ thần thánh, tôi trèo lên chính bục bê tông cột cờ nơi sư thầy đang đứng trên cao ấy.

Hơn 3 lần tôi bị những người bên trên là đệ tử sư thầy và người dân xin lộc lấy chân đạp thằng vào vai vào tay tôi đẩy xuống. Và chỉ khi quát rát mặt một đệ tử đứng trên là “tôi không thèm cái sợi dây đấy, để tôi lên chụp ảnh” thì mới ngoi lên được. Nhưng lên cũng chẳng dễ dàng khi mà hàng chục cánh tay bên dưới kéo chân tôi xuống để họ có thể giành chỗ leo lên trên, còn tôi thì chỉ đứng được bằng 1 chân vì mép bê tông quá nhỏ, một tay bám chắc vào cột cờ, tay phải nắm chắc chiếc máy ảnh trên tay. Cũng chỉ có một chiếc lens fix, chẳng zoom cũng chẳng ngắm đc, thông số máy chỉnh sẵn từ khi dưới đất (tốc đủ nhanh, khẩu đủ sâu), tôi chỉ có thể giơ máy lên cao hoặc dí thẳng ống kính vào những điểm nóng nhất của cuộc hỗn loạn bên dưới, cũng chẳng có thời gian xem lại những gì mình đã chụp được. Thỉnh thoảng lại phải chuyển máy sang chế độ live để quay video lại phục vụ cho báo điện tử bên mình. Quả đúng như dự đoán, sự hỗn loạn nhanh chóng kết thúc chỉ trong ít phút sau đó, tôi vội vã cùng hai đồng nghiệp mở laptop nhập bài gửi về toà soạn. Lướt xem ảnh một loạt, đến bức ảnh này, tôi đưa cho ĐứcMai Anh xem và nói “nó đây rồi, anh sẽ lấy làm ảnh thumb”.

Gửi bài xong, 3 anh em chúng tôi lại tiếp tục leo lên đỉnh vào động Hương Tích, thảnh thơi du xuân ngắm thắng cảnh chùa Hương và ghi hình cho bài còn dang dở. Và đến khi đặt chân xuống núi, lên thuyền ở bến Đục ra về, mở điện thoại tôi mới nhận ra bức ảnh đã lan toả mạnh mẽ trên các báo và mạng xã hội lớn nhường nào.

Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất là: “Có đúng là mấy người xung quanh kia cướp chiếc vòng chỉ đỏ đang đeo trên cổ cô gái chính giữa không?”. Không, chắc chắn là không, những bàn tay của họ đang giằng xé nhau chiếc vòng và vô tình cào qua mặt cô gái đứng giữa thôi, tuy nhiên cô ấy cũng là một trong số họ – những người đang tranh cướp nhau chiếc vòng.

Ricoh Gr2; 28mm; Normal program; Pattern metering; 1/250 sec; f/5.6; ISO 1600

Những ngày đầu năm 2017, chiến dịch dẹp vỉa hè tại Sài Gòn trở thành tâm điểm chú ý của người dân, nó đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội. Vỉa hè thủ đô cũng đã tác động không nhỏ, bị dọn dẹp và quy hoạch, kẻ vạch lại toàn bộ, đáng chú ý nhất có lẽ là những lằn sơn trắng phân chia vỉa hè trên phố Đội CấnKim Mã khi mà phần vỉa hè dành cho người đi bộ chỉ rộng khoảng 1 gang tay. Khi đứng chờ đợi một điều gì đó thú vị trên con phố này, tôi chợt thấy một cô gái dắt những chú chó phốc nhỏ bé đi dạo, ngay lập tức tôi rút chiếc Ricoh Gr2 ra chờ sẵn tại góc đã định, vờ nhìn quanh phố coi như không quan tâm tới họ. Chỉ còn cách chừng 3m, tôi vẫn đứng quay ngang ra phố, đưa chiếc Gr nhỏ gọn trên tay ngang sườn, ướm lại khung hình lần cuối , “khẩu súng lục” khẽ tạch tạch nhả 3 phát đạn, thế là đủ. Tôi đã muốn chú thích trên báo cho bức ảnh này là “kẻ vạch vỉa hè như thế này, chó nó đi”, tôi đã không làm được điều đó nhưng một độc giả đã thay tôi viết captions tương tự trên otofun. Có người hỏi tôi rằng mấy bài báo vụ này chả có giá trị gì khi mà sau đó tình trạng vỉa hè đâu lại vào đó, chẳng thay đổi được gì đáng kể. Nhưng không, chí ít với tôi, đã có 1-2 bãi xe chiếm vỉa hè đã bị dẹp, một bến bus tử tế được dựng lên thay vào đó, bệnh nhân và người nhà tại mấy bệnh viện xung quanh đã không còn phải đứng giữa lòng đường bắt xe.

Bất cứ điều gì có giá trị tích cực, dù là nhỏ bé cho cộng đồng và xã hội cũng đáng để bỏ công sức ra làm, đừng chỉ nhìn vào những điều lớn lao, không tưởng.

Ricoh Gr2; 28mm; Normal program; Pattern metering; 1/1000 sec; f/5.6; ISO 1600

Lần thứ hai tôi dùng tới chiếc Ricoh Gr2 để tác nghiệp là trong một chiến dịch dẹp bia hơi vỉa hè của công an quận Ba Đình trên đường Nguyễn Chí Thanh. Trong tình huống này, sẽ chẳng có ai cho bạn trèo lên thùng xe công an cả, chiếc Gr2 đã phát huy lợi thế “nhỏ mà có võ” của mình. Khi công an và dân phòng chuyển những tấm biển quảng cáo bia vi phạm lớn lên thùng xe, tôi vội chạy lên ngang thân xe, lách cánh tay luồn vào khe giữa cabin và thùng, có một khoảng trống lớn bên trong nhìn về phía cuối, góc 28mm ôm trọn đủ nội dung cần thiết cho bức ảnh tôi muốn có.

D800 – 300mm; X2; Manual; Matrix metering; 1/1000 sec; f/45; ISO 500

Trong những ngày đầu tháng 6, miền Bắc đón nhận đợt nắng nóng hơn 41 độ C. Số liệu nhiệt độ đo tại các trạm khí tượng ở Hà Nội ghi nhận mức vượt kỷ lục hơn 40 năm qua. Trong ảnh là một người đàn ông cởi trần, vắt áo ngang vai đi bộ trên cầu long biên dưới hoàng hôn đỏ lửa.

Sống ở một thành phố đủ lâu, bạn sẽ có thể nắm được khá kỹ càng những địa điểm độc đáo để ghi lại những hình ảnh thú vị về cuộc sống theo cách bạn muốn.

Bức ảnh chụp ngược từ mép bờ sông Hồng (mé chợ Ngọc Lâm) hất ngược lên cầu Long Biên.

D800 – 300mm; X2; Manual; Matrix metering; 1/320 sec; f/45; ISO 800

Để chụp một bức ảnh mặt đường nhựa nóng đến mức tạo ra “ảo ảnh ốc đảo” như đổ nước loang lổ thì với những ngày trời nắng nóng khoảng 35 độ C cũng đủ điều kiện chụp được. Tuy nhiên, với sức nóng hơn 40 độ C thì điều đó hoàn toàn khác biệt, nếu ai đó đã xem qua video trên Zing.vn thì sẽ thấy sức nóng bốc lên ngùn ngụt phả vào người đi đường kinh khủng như thế nào.

Điều kiện cần và đủ để chụp được ảnh như vậy là phải trên một con đường trải nhựa dài ( cao tốc, đại lộ), điểm focus là các điểm võng hoặc nhô cao tạo đỉnh dốc, góc đặt máy ảnh phải song song mặt đường (sát mặt đất đôi khi cũng không phải là tối ưu). Tiêu cự ống kính ít nhất cũng phải 400mm trở lên ( nhiều người có thể làm được với lens 70-200 cùng 1 khẩu nhân X2), khẩu độ ống kính đóng sâu tối đa để có thể thu trọn mọi hơi nóng bốc lên trên mặt đường vào bức ảnh.

Nhiều anh em phóng viên hỏi tôi là tại sao họ cũng đi dọc suốt mấy chục km các cao tốc mà không nhìn thấy, tìm thấy và chụp được ảo ảnh như thế?

Thực tế tôi đã đi 2 ngày, mỗi ngày phơi dưới mặt trời hừng hực, đứng trên mặt đường cao tốc nóng như chảo lửa khoảng 4 -5 tiếng để tìm kiếm và ghi hình.

Bức ảnh này tôi chụp lại không phải trên cao tốc hay đại lộ mà là một con đường khá ngắn tại Mỹ Đình, một số khác chụp trên cao tốc, đơn giản chỉ vì tôi quan sát thấy và ảo ảnh đủ lớn để ghi lại. Thiết bị ghi hình là một chiếc chân máy, D800, lens 300 kèm 1 chiếc khẩu nhân X2. Nhiệt độ mặt đường tại đây được tôi dùng nhiệt kế ghi lại đỉnh điểm có lúc lến đến hơn 60 độ C.

D5 – 24mm; Manual; Matrix metering; 1/125 sec; f/1.6; ISO 2000

Tuy nhiên cũng trong tháng 6, chỉ ít ngày sau đó, những cơn mưa lớn đổ xuống thủ đô Hà Nội trong 1 – 2 giờ đồng hồ đã khiến thủ đô rơi vào tình trạng ngập lụt khắp các tuyến phố, đặc biệt xung quanh khu vực bờ hồ. Theo dõi facebook ông anh Chu Bình đăng tải cảnh ngập bẳm ngã tư Tràng Tiền trong một buổi sáng sớm, tôi đã tính ngay trong đầu mình rằng trong cơn mưa lớn gần nhất sắp tới, tôi sẽ phải có mặt tại đây và ghi lại hình ảnh ấn tượng này. Và rồi ngày ấy cũng đã đến, bức tranh về Haris tráng lệ đã biến thành một Venice thơ mộng, chỉ tiếc là thiếu những chiếc thuyền Gondola chở khách du lịch tấp nập qua lại.

Tôi đã phải đánh đổi vài lần tụt chân miệng cống thoát nước, người và máy ảnh ướt sũng như chuột lột để có vài tấm ảnh ấn tượng tại đây.

D5 – 24mm; Manual; Matrix metering; 1/200 sec; f/5.6; ISO 500

Vào tháng 7 sau đó, những cơn bão kèm mưa lớn bắt đầu tăng dần tại miền Bắc, thủ đô vẫn là tâm điểm sự chú ý với hàng loạt tuyến phố khắp các quận huyện rơi vào tình trạng ngập lụt. Điều này không chỉ phản ánh hạ tầng thoát nước quá yếu kém so với sự phát triển đô thị quá nhanh của Hà Nội, một thành phố được so sánh với Haris hoa lệ của nước Pháp. Và đã là Haris thì phải là kinh đô thời trang với những xu hướng ăn mặc kinh điển nhất, mới nhất của thế giới.

Trong một ngày đang ngụp lội chụp tại ngã tư đường Tố Hữu – Lương Thế Vinh, bỗng thấy từ xa thấp thoáng tốp công nhân khoác bạt dứa, đội mưa rẽ từ công trường ra vỉa hè phía xa, tôi không chần chừ vứt ô, chạy như lướt sóng trên mặt nước ngập sâu tới đầu gối để đuổi theo

Những ngón tay xoay đĩa thông số mà còn chẳng kịp nhìn vì máy ảnh che trong vạt áo khoác.

Chặn đầu, kịp giơ máy bấm đúng 3 tấm thì cả máy ảnh và mặt ống kính bị nước mưa tạt ướt nhẹp không thể lấy nét chụp thêm được. Tôi xem lại bức hình, mọi thứ đã quá đủ với mình, không cần phải đuổi theo họ để chụp thêm. Những người công nhân ấy xứng đáng được gọi với cái tên Fashionista của Haris.

D5 – 24mm; Manual; Matrix metering; 1/250 sec; f/7.1; ISO 320

Tháng 9, cơn bão số 10 đổ bộ vào miền Trung để lại điều gì khi đi qua?

Tôi đã tự hỏi làm sao mình có thể sống nổi ở mảnh đất nghèo khó và quanh năm bị thiên tai hạn hán, bão lụt tàn phá như vậy, nhưng họ vẫn cố gắng chống chọi, vươn lên đầy nghị lực.

Gia đình chị Phan Thị Thiên (tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị bão tàn phá hoàn toàn căn nhà mái tranh. Theo chị cho biết, 4h sáng hôm trước căn nhà đã bị sập hoàn toàn, trước đó trong đêm chị và 2 con đã kịp sang nhà hàng xóm trú tạm.

Khó khăn với gia đình chị lại càng chồng chất khi chồng chị mới đi Đài Loan lao động được hai tháng, khoản tiền vay hơn 100 triệu cho chồng chưa trả được đồng nào thì căn nhà duy nhất của 3 mẹ con bị tàn phá. Quê nội ngoại đều xa, một mình chị vật lộn với cơn bão, không còn biết bám víu vào đâu.

Tôi đã chụp rất nhiều bức ảnh tàu đắm trong bão, nhà cửa tan hoang, người dân chống chọi đứng vững giữa thiên tai…, nhưng tôi chọn tấm ảnh này vào note cuối năm. Một mái nhà tranh tan hoang, đồ đạc tài sản có thể đổ nát nhưng sẽ vẫn có niềm tin vững chắc trên bức vách kia, thêm một chiếc tủ như lưu trữ những tài sản nhỏ bé cuối cùng vớt vát niềm tin vào cuộc sống.

D810 – 160mm; Manual; Matrix metering; 1/250 sec; f/5.6; ISO 100

Một sự kiện không thể không nhắc đến trong năm 2017, nhìn vào ảnh khó ai có thể không nhận ra nhà văn hoá thôn Hoành (xã Đồng Tâm). Đây là bức ảnh chụp từ hàng rào nhà văn hoá vào bên trong, buổi sáng trước thời điểm Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại với nhân dân nơi đây. Trong những bức ảnh về Đồng Tâm trong note năm nay, tôi sẽ không đưa hình ảnh bất cứ một người dân nào của thôn vào

Hãy để hình ảnh hàng rào dây thép gai và những người lính kể chuyện.

D810 – 24mm; Manual; Matrix metering; 1/200 sec; f/7.1; ISO 100

Những ngày tháng tư nóng hừng hực từ khoá Đồng Tâm ấy, tôi đã muốn mình phải chụp được một bức ảnh, chỉ một bức cảnh những người lính cúi đầu bước qua gạch đá, gậy gộc, dây thép gai… do chính họ gián tiếp dựng lên để ngăn cách chính mình với nhân dân nơi đây. Thời điểm đến khi 18 người lính được thả, những cảnh trước đó đã đủ, tôi chen đám đông hỗn loạn chạy thật nhanh đón đầu những người lính đang rời đi khỏi một con ngõ, thấp người trước rào chắn mới được mở, bấm vội vã được vài tấm trước khi bị một sĩ quan cảnh sát chặn trước ống kính doạ nạt, cấm chụp ảnh tiếp.

D5 – 24mm; Aperture priority; Matrix metering; 1/250 sec; f/7.1; ISO 100

Đầu tháng 10, nhà giáo Văn Như Cương qua đời. Vĩnh biệt thầy, mặc dù không được học thầy nhưng được ghi lại tình cảm của hàng nghìn học trò các thế hệ của thầy ngày hôm ấy dành cho thầy cũng hiểu thầy vĩ đại dường nào.

Như một phụ huynh trong hàng trăm phụ huynh đưa tiễn thầy nói, cát bụi lại trở về với cát bụi.

D5 – 112mm; Manual; Matrix metering; 1/500 sec; f/2.8; ISO 4000

Đây có lẽ là bức ảnh thể thao tôi thích nhất trong năm 2017. Vận động viên thể dục dụng cụ (TDDC) Phạm Phước Hưng xoay người bay trên không trung trong bài tập đơn môn tự do nam tại trung tâm Nhổn (khu B), trước khi tham dự SEA Games 29 tại Malaysia. Hưng là vận động viên hiếm hoi giành Huy chương Vàng (HCV) SEA Games 22 tại Việt Nam đến giờ vẫn còn tiếp tục thi đấu và xuất sắc ghi tên mình vào bảng vàng trong đại hội lần thứ 29. Anh là một tấm gương về tình yêu thể thao, sự chăm chỉ, nghị lực… mà bất cứ vận động viên nào cũng muốn soi vào. Bức tường trong trung tâm huấn luyện phía sau lưng anh kia như một tấm bảng vinh danh các huấn luyện viên, vận động viên xuất sắc của TDDC Việt Nam

Và vị thần của ngôi đền ấy vẫn đang bay lượn cống hiến nốt những năm tháng trai trẻ cuối cùng cho thể thao nước nhà.

D5 – 200mm; Manual; Matrix metering; 1/500 sec; f/2.0; ISO 2500

Với ảnh thể thao, tôi thích nhất những khoảng khắc tập luyện và thi đấu của các vận động viên, đơn giản vì đó là những giây phút họ tập trung cao độ, tung hết kỹ thuật điêu luyện nhất, căng sức với ý chí và tinh thần cao nhất vào bài thi. Bản thân có hơn 8 năm chơi thể thao, tôi cũng may mắn phần nào khi hiểu khá nhiều và rõ luật về các môn, tiếp cận dễ dàng hơn, hiểu biết về ngôn ngữ hình thể, cảm xúc thăng hoa trong thi đấu của các vận động viên… và áp dụng kiến thức đó vào ảnh của mình. Tuy nhiên cũng phải nói rõ rằng, để chụp được những bức ảnh kiểu như vận động viên Đinh Phương Thành đang thi đơn môn xà đơn này thì tôi đã lặn lội qua không biết bao nhiêu buổi tập, giải đấu của họ để học, để quan sát, để tập chụp và để ảnh tốt hơn.

Có một chiếc máy ảnh đủ tốt và chiếc thẻ tác nghiệp là bạn đã trở thành một phóng viên ảnh thể thao thì đó là một suy nghĩ sai lầm.

D5 – 200mm; Manual; Matrix metering; 1/500 sec; f/2.0; ISO 2500

Có lẽ mọi người sẽ thấy tôi hơi ưu ái nhiều ảnh cho TDDC, tuy nhiên với riêng tôi họ thực sự là những chàng trai vàng không thể không nhắc tới. Tre già măng mọc, khi mà Phạm Phước Hưng đã bước sang tuổi 30 và sẽ không còn nhiều năm thi đấu nữa thì một thế hệ trẻ mới của Việt Nam bắt đầu gặt hái thành công và tiệm cận trình độ khu vực cũng như thế giới. Đặc biệt trong đó là Lê Thanh Tùng, người giành cú hat-trick HCV (đồng đội nam, nhảy chống, xà đơn) tại SEA Games 29 và trước đó từng đoạt HCV Châu Á ở nội dung nhảy chống.

D5 – 200mm; Manual; Matrix metering; 1/2000 sec; f/2.0; ISO 400

Một nhân vật nữa cũng không thể không nhắc đến tại SEA Games 29 là tiểu tiên cá Ánh Viên. Hãy xem kỹ bức ảnh, nhìn cái cách cô bơi vượt hơn các đối thủ một một lượt bơi (tương đương chiều dài thành bể dài 50m) trong các nội dung bơi bơi dài sở trường mới thấy Viên đáng sợ như thế nào trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều người nói rằng thể thao mà chụp tele thì có gì đâu, giơ lên là bắn, ảnh nào chả giống nhau và không khiến họ coi trọng. Tuy nhiên, đi tác nghiệp tại các giải quốc tế không phải lúc nào cũng thuận lợi, bị quây đứng một góc chen nhau vài mét vuông không thể di chuyển, việc tiếp cận sát vận động viên thi đấu là tuyệt đối không có vì chỉ đội officer được làm, rồi chụp cái gì như thế nào để thể hiện được ý tứ, nội dung muốn truyền tại lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Có những nội dung thi đấu chỉ chưa đến 10 giây, khi ta còn chưa kịp quan sát xem ai với ai, lấy nét vào đâu, chụp cái gì thì đã kết thúc, nếu không nhanh thì bạn không có cơ hội lần thứ hai để làm lại.

D500 – 200mm; Manual; Matrix metering; 1/2000 sec; f/2.0; ISO 1000

Thực tế từ chụp ảnh các cuộc thi thể thao cũng rèn cho bản thân tôi tính kiên trì, nhẫn nại chờ đợi và cẩn thận hơn. Trong ngày thi bơi có Ánh Viên thi đấu, hầu hết phóng viên Việt Nam chỉ tập trung vào cô ấy mà bỏ qua các vận động viên trẻ khác chưa nổi trội và có thành tích. Ánh Viên thi xong, phóng viên Việt Nam lũ lượt bỏ về, và bất ngờ kình ngư trẻ mới chỉ 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn giành HCV, phá kỷ lục SEA Games nội dung 400m hỗn hợp ngay sau đó. Khoảng khắc cậu bé vàng Kim Sơn đập nước ăn mừng là một trong những bức ảnh ấn tượng nhất tại SEA Games của tôi.

Phần thưởng chỉ giành cho những người biết kiên trì chờ đợi.

D500 – 200mm; Manual; Matrix metering; 1/800 sec; f/2.0; ISO 1600

Cũng tương tự Kim Sơn là hình ảnh vận động viên trẻ Trịnh Văn Vinh vỗ ngực ăn mừng chiếc HCV cử tạ ở hạng cân 62kg đầy bất ngờ và chỉ có lèo tèo vài phóng viên ảnh còn ở lại theo sát đến cùng. Và gần đây nhất, chàng trai 22 tuổi không được nhiều người để ý ấy cũng đã giành HCV cử tạ thế giới vào tháng 11/2017.

D5 – 200mm; Manual; Matrix metering; 1/1600 sec; f/2.0; ISO 500

Tôi đã lưỡng lự rất nhiều khi suy nghĩ xem có nên chọn bức ảnh này vào note không bới chụp nó quá dễ dàng. Bất cứ phóng viên nào ngồi cuối đường pitch hôm đó chỉ cần có một chiếc máy ảnh bình thường, lens chỉ cần 70-200 là đều có thể ghi lại khoảng khắc này – kiểu như ngồi một chỗ và chỉ cần bấm máy. Tuy nhiên hình ảnh Nguyễn Thị Oanh về đích đầu tiên nội dung 5000m quay trở lại dìu đồng đội đang kiệt sức là Phạm Thị Huệ sau khi về nhì ở vạch đích đã truyền cảm hứng, tinh thần thể thao cho rất nhiều các vận động viên khác ở nhiều nội dung của cả Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á.

D5 – 200mm; Manual; Matrix metering; 1/500 sec; f/2.8; ISO 1000

Ảnh vận động viên thể thao với là quốc kỳ ăn mừng thường tôi chụp chỉ là để cho có vì nó mang tính chất kỷ niệm và tự hào dân tộc nhiều hơn là tinh thần thể thao thực sự. Cũng là hình ảnh ăn mừng trên đỉnh vinh quang ấy, hãy nhìn những cô bé ở độ tuổi mười tám đôi mươi, yêu màu hồng và gấu bông, họ là các cô gái tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vàng SEA Games 29. Là con gái thật tuyệt – hãy nhìn thể thao theo một góc độ nhẹ nhàng và giản đơn hơn.

D500 – 200mm; Manual; Matrix metering; 1/2500 sec; f/2.0; ISO 200

Quay trở lại với những bức ảnh gắn liền với lá quốc kỳ, đây mới là bức ảnh tôi tâm đắc nhất vì nó phản ánh sự thật rằng cái bóng của Thái Lan còn quá lớn với bóng đá nam Việt Nam trong đấu trường khu vực. Thật khó có thể đưa hết những hình ảnh ấn tượng, khoảng khắc thăng hoa của các vận động viên Việt Nam thi đấu Sea Games vào note, nhưng nếu có cơ hội tham dự một kỳ Sea Games nữa, hy vọng tôi sẽ có một note riêng về thể thao vào cuối năm.

D5 – 200mm; X2; Manual; Matrix metering; 1/1000 sec; f/4.0; ISO 2500

2017 cũng là năm mà lần đầu tiên tôi có cơ hội tác nghiệp tại một giải đấu thể thao tầm cỡ quốc tế lớn hơn. Bức ảnh khá đơn giản với cầu thủ hay nhất U20 Việt Nam Quang Hải – đeo trên tay chiếc băng đội trưởng tại Fifa World Cup U20 đánh dấu việc Việt Nam có mặt trên bản đồ bóng đá thế giới.

D800 – 24mm; Manual; Matrix metering; 1/500 sec; f/2.0; ISO 200

Hơn một năm nay tôi cũng đã không còn chụp ảnh mảng giải trí, tuy nhiên những gì liên quan đến văn hoá nghệ thuật thì thi thoảng tôi vẫn đá chân sang vài lần. Holi – lễ hội bột màu lớn nhất trong năm của người Ấn Độ tổ chức tại Hà Nội thực sự mang nét văn hoá đặc trưng và khác hoàn toàn với mấy chương trình Colour Me Run hình thức theo phong trào của giới trẻ Việt. Với người yêu chụp ảnh, không thể bỏ lỡ cơ hội tham gia lễ hội Holi với những mảng màu có sức hút vô cùng mãng liệt.

D5 – 200mm; Manual; Matrix metering; 0.3 sec; f/8

Cũng đã hơn 1 năm tôi không còn chụp biểu diễn ballet tại Nhà Hát Lớn, đơn giản tại tiếng máy ảnh kêu quá lớn làm phiền khách thưởng thức.

Những lần chụp đó tôi toàn phải dùng tele đứng xa tít cuối khán đài tầng 1, lùi ra cả phía sau những tấm rèm nhung ở cửa ra vào.

Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa 2017 – một cuộc thi tài năng múa dành cho các diễn viên chuyên nghiệp của các Đoàn nghệ thuật và các Trường đào tạo múa trên toàn quốc, thật đáng tiếc là từ nhiều năm nay không được sự quan tâm đầu tư, không có quá nhiều người biết đến thì chắc chắn tôi không thể bỏ lỡ. Rất nhiều ảnh từ cuộc thi nhưng bức ảnh trong vở Black Swan là bức tâm đắc nhất, một bức ảnh đơn giản theo phong cách cổ điển có thể gọi là cũ kỹ. Kỹ thuật khá thông thường với khẩu sâu, tốc chậm, do không chủ động từ đầu nên tôi chỉ có thể phơi sáng bằng chân monopod không thực sự chắc chắn.

D5 – 600mm; Manual; Matrix metering; 1/1000 sec; f/16; ISO 800

Trước chuyến đi công tác tại Đà Nẵng, tôi đã ghé qua nhà một người anh tôi vô cùng quý trọng – anh Hoàng Hải Thịnh – để mượn siêu tele và chia sẻ với anh về những gì tôi ấp ủ trong 1 tuần diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Tôi muốn chụp được chiếc chuyên cơ Air Force 1 của TT Trump bay trên bầu trời thành phố và ngang qua một công trình biểu tượng của Đà Nẵng nào đó như cầu Rồng, cầu Thuận Phước hay bán đảo Sơn Trà… Anh Cương Trần đã từng chụp bức ảnh Giải phóng Sài Gòn nổi tiếng khi Obama ghé thăm Việt Nam, tôi cũng đã từng xem bức ảnh một phóng viên quốc tế chụp máy bay của Tổng Thống (TT) Mỹ bay ngang bờ biển thành phố La Habana (Cuba), nhưng tôi muốn thể hiện theo một cách khác. Bức ảnh sẽ thể hiện tấm vóc, sự phát triển của Việt Nam và khẳng định sự có mặt của TT Mỹ D.Trump tại Việt Nam.

Ngay khi đặt chân tới Đà Nẵng, trong những thời điểm rảnh rỗi tôi đi xe máy nhiều vòng quanh sân bay quốc tế Đà Nẵng, leo lên tất cả các toà nhà cao từ 7 đến hơn 30 tầng, chụp thử ở các góc đẹp nhất có thể vào sân bay để tìm góc và bối cảnh. Mọi lựa chọn đều mang lại kết quả khá tệ, cùng với việc thời tiết mưa bão quá xấu khiến tôi đã nghĩ đến một đáp án không khả thi. Thậm chí tôi đã thử chụp những chiếc máy bay xuyên khe qua các toà nhà, cầu đường…, nhưng thực sự không ấn tượng. Những cây cầu nổi tiếng bị loại bỏ vì bị quá nhiều nhà cao tầng che khuất, bán đảo Sơn Trà thì quá rộng lớn nên tôi đã đưa ra giải pháp chọn toà nhà “bắp ngô” – Trung tâm hành chính của thành phố. Mở bản đồ, tôi lấy bút bi làm thước, căn đo chéo từ Bắp Ngô tới sân bay, rọi ngược sang bên kia hướng quốc lộ 1A, xoay thước theo trục lên xuống của máy bay cũng không tìm ra được toà nhà cao tầng nào phù hợp. Một ý tưởng điên rồ nảy ra, hay là tôi leo lên núi Phức Tường, nơi cách xa sân bay tới 2km liệu có chụp tới nơi, liệu có đường lên hay không, liệu có tìm được điểm đứng phù hợp?

Tôi lại mất thêm nửa ngày mò mẫm xe máy men theo sườn núi Phức Tường, xung quanh đều là doanh trại quân đội đóng quân, không có đường mòn lên núi và tôi cũng không thể vác thùng máy ảnh, chân máy và lens cồng kềnh nặng tới gần 30kg lên một cách dễ dàng được.

May mắn sao khi mò vào một con ngách nhỏ ẩn sau cánh cổng cũ của doanh trại quân đội, phía sau lưng xóm phế liệu đập vào mắt tôi là một nghĩa trang trải dài dọc sườn núi. Chiếc Nouvo cà tàng phải bỏ lại vì đường quá xấu, tôi leo bộ lên điểm cao nhất, dựng chân máy, lắp lens 600mm ướm thử vào chiếc máy D500 thành 900mm, hướng về sân bay và tạch tạch. Một chiếc VNA cất cánh, ảnh khá tệ do trời khá mù và lất phất mưa bắt đầu cơn bão đổ vào Đà Nẵng. Vị trí này cũng chỉ có thể chụp máy bay cất cánh rời đi là đẹp và gối vào được toà nhà Bắp Ngô, cảnh hạ cánh sẽ không cần thiết vì bối cảnh khá xấu. Tôi vội vàng đóng máy chỉ sau 2 phút chụp thử, rời đi trước khi cơn mưa lớn ập tới và hy vọng “ngày ấy” trời sẽ nắng đẹp rực rỡ.

Một tuần tiếp theo tôi ngập mình trong công việc, vẫn là cảnh săn máy bay hạ cánh, những chiếc chuyên cơ, Marine One, The Beast, C17, C130… những lễ đón, hội nghị, các cuộc họp báo v.v.v. Sáng 11/11, tôi nhận được nhiệm vụ tiếp tục ra sân bay tiễn TT Trump, TT Putin và các nguyên thủ khác vào buổi chiều, tôi lập tức liên hệ đổi danh sách, lấy thẻ cho một đồng nghiệp khác được chụp thay mình. Tôi bỏ cả cuộc ghé thăm của TT Canada Trudeau tới Trung tâm báo chí, nhường cho một đồng nghiệp khác nữa

Đây đều là những cơ hội có một không hai chụp các nguyên thủ hàng đầu thế giới, liệu việc tôi làm có đáng để đánh đổi?

Vác thùng lens, túi máy và tripod, tôi leo xe máy lên thẳng nghĩa trang bên sườn núi Phức Tường, APEC với tôi đã hoàn thành 99% công việc, giờ đây chỉ còn tôi với chiếc Air Force 1. Trời cũng biết chiều lòng người, chiều đó Đà Nẵng quang mây và đón những tia nắng đầu tiên sau sơn bão lớn. Dựng chân máy chờ đợi trong 2 tiếng, tôi thảnh thơi ngồi trò chuyện với 1 anh lính đang chăn thả gia súc, ngắm những chú dê gặm cỏ be be dọc sườn núi, dưới kia lấp ló một vài người dân đi thăm mộ người thân. Có vẻ như những chuyến bay rời đi sớm hơn dự kiến, tôi chụp thử một chiếc VNA, rồi thêm 1 chiếc chuyên cơ vàng của Quốc vương Brunie

3h kém, hai chiếc Air Force 1 lần lượt ra đường lăn cất cánh cách nhau khoảng hơn 5 phút, mắt tôi không rời ống ngắm, khoá nét và ngón chỏ sẵn sàng bấm máy chiếc D5 ( tôi bỏ phương án D500 ban đầu vì không cần ảnh quá cận cũng như chất lượng ảnh D5 tốt hơn nhiều). Những chiếc Boeing rời đi quá nhanh chỉ trong vài tíc tắc, đóng khẩu sâu tới 16 và tốc chụp cao 1/1000, không có nhiều thời gian để sửa làm lại và sửa sai. Tôi rút thẻ nhớ, mở laptop, chọn vài tấm tốt nhất, edit qua loa rồi gửi về toà soạn.

Bỗng nhiên một hồi coi to hú vang khắp khu vực chân núi, nơi phát ra là ở một doanh trại quân đội ngay gần bên nghĩa trang chỗ tôi đang đứng.

Có đôi chút giật mình, nhỡ đâu trinh sát hay mật vụ nhầm tưởng khủng bố thì toi, vội vàng đóng máy chuẩn bị xuống núi. Trên đường xuống, một tốp 3 anh lính đeo băng đỏ, họ dừng xe và đề nghị kiểm tra. Mất vài phút rút thẻ, giấy tờ trình bày cặn kẽ, tôi thở phào nhẹ nhõm khi họ vui vẻ để mình rời đi…

D500 – 400mm; Manual; Matrix metering; 1/640 sec; f/7.1; ISO 200

Lại vẫn về TT Donald Trump, sáng ngày 8/11 chiếc xe The Beast đã được máy bay vận tải quân sự C17 đưa tới sân bay Đà Nẵng. Ngày hôm đó mưa rả rích từ sáng không ngớt, tôi nhận lịch từ trước đi chụp ảnh sự kiện của các CEO trong Hội An nên không đi săn hai chiếc quái thú tại sân bay được. Tuy nhiên, khi mà 1 loạt các báo lớn đưa hình ảnh 2 chiếc xe hạ khỏi bụng chiếc máy bay C17 mà trên báo mình vẫn trống trơn chưa thấy ảnh nào, tôi thực sự sốt ruột và nghĩ rằng mình cần phải làm gì đó. Biết được lịch hai chiếc xe sẽ chạy một vòng thành phố, tôi chợt nhớ lại các điểm cao mình đã từng đi khảo sát, trong khi người vẫn ướt nhẹp như chuột khi chụp golf, tôi phi taxi nhanh nhất có thể từ Hội An về Đà Nẵng, liên lạc với đồng nghiệp cùng báo để xin lên nóc đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng nằm ở mé phải đầu cầu Rồng (đây là điểm ít người nghĩ rằng sẽ có thể chụp ảnh tốt vì cách khá xa cầu, ít nhất cũng phải gần nửa cây số).

Lích kích leo lên tầng thượng, đứng chờ hơn 2 tiếng trong mưa để quan sát, súng ống sẵn sàng vì đoàn xe sẽ chạy ngang cầu bất cứ lúc nào.

Và rồi đoàn xe cũng chạy đúng như kế hoạch mà chúng tôi tìm hiểu, lắp chiếc D500 với ống 400mm thành 600mm, tôi lia máy quay video một đoạn dài từ lúc đoàn xe bắt đầu lên cầu cho tới khi gần tới đầu Rồng. Rồi chỉ trong tíc tắc tôi phải gạt sang chế độ chụp ảnh, khoá nét 2 chiếc xe bấm liên tiếp khi đi ngang ngay dưới đầu rồng khổng lồ (làm báo điện tử thực sự khó khi phải lựa chọn quay video hay chụp ảnh, không thể chọn cả hai cùng lúc để có sản phẩm tốt). Mặc dù không lấy trọn được cả hai chiếc The Beast lăn bánh dưới đầu rồng nhưng ít nhất tôi cũng đã có bức ảnh khẳng định rằng xe của TT Trump đã có mặt tại Đà Nẵng và chắc chắn ông ta sẽ có mặt tại đây trong 1 – 2 ngày tới.

D500 – 600mm; Manual; Matrix metering ; 1/2000 sec; f/8; ISO 400

Cả sự kiện thượng đỉnh APEC cũng như chuyến thăm chính thức cấp cao của TT Mỹ tại Việt Nam, Donald Trump dường như luôn tránh xa tôi thì phải. Tôi chỉ có thể chụp xe ôtô, máy bay của ông ta và đặc biệt là khi xuống máy bay đặt chân tới Đà Nẵng thì khoảng cách quy định vị trí chụp ảnh lễ đón xa tít tắp phải tới 2 – 300 mét. Ngày hôm đó, anh em phóng viên nào chụp bằng lens 70-200 thì chỉ có thể chụp đủ nguyên được chiếc Air Force 1, tôi lắp D500 vào lens 600mm thành 900mm mà chỉ chụp được khung hình là 1/4 chiều dài chiếc máy bay ấy. Hãy tưởng tượng cảm giác ngắm view máy ảnh, chủ thể là Donald Trump bé nhỏ nằm lọt thỏm bên trong cái điểm lấy nét hình ô vuông bé hơn con kiến thì đủ hiểu phóng viên phải đứng xa dường nào.

Trong khi đó cả trăm đồng nghiệp thì chen chúc nhau bẹp ruột, có lúc tưởng ngã sập cái bục bằng thép dành cho phóng viên đón tại sân bay.

Đóng khẩu đủ sâu, iso cao giữa trời nắng, tốc nhanh đủ để không bị rung vì dùng siêu tele cũng như đứng trên bục rung lắc liên tục. Từ lúc chiếc 747 dừng hẳn, mắt không rời view ngắm, tay lăm lăm sẵn sàng khoá nét và bấm cò. Có mặt tại sân bay từ 5h sáng, chờ đợi hơn 7 tiếng đồng hồ và mất gần 10 phút nín thở, rồi cuối cùng Donald Trump cũng xuất hiện ở cửa ra, vẫy tay chào khá lâu (không nhanh như Obama đến VN), cuối cùng tôi cũng có được vài tấm ảnh TT Donald Trump lần đầu tiên đến Việt Nam.

Một tấm ảnh nhạt y chang như hàng vạn tấm ảnh khác khi ông bước xuống máy bay tại bất cứ đâu, bất cứ đất nước nào.

D500 – 200mm; Manual; Matrix metering; 1/2000 sec; f/3.5; ISO 400

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dạo bước cùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình dưới đường xoài ra thăm ao cá và nhà sàn Bác Hồ trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ 2 của ông Tập. Nhóm phóng viên chúng tôi bị xếp đứng khá xa, khoảng 50m do đó tôi đã lựa chọn chiếc D500 kèm lens 200mm để chụp xa, D5 lắp 24-70mm để chụp rộng khi họ đi ngang qua mình. Trước khi hai nguyên thủ đến vài phút, phát hiện đoạn đầu đường xoài có một kẽ nắng nhỏ xuyên qua rừng lá đổ xuống mặt đường, tôi chỉnh thông số máy dìm sáng để trong một tích tắc đủ một bước chân ấy sẽ chụp được ven nắng xuyên qua sáng đủ khuôn mặt hai nhân vật, nhưng khẩu độ không quá sâu để khiến nền vẫn mềm mại với những giọt nắng thu nhè nhẹ trên cao các tán lá.

Đoạn đầu con đường khi hai người bắt đầu bước đi là một thông số máy chụp trong bóng râm để đủ sáng, chỉ một tích tắc bước qua vạt nắng lại ngay lập tức tuỳ chỉnh, xoay đĩa nhanh như điện để thay đổi, chụp trong đúng 1 giây lại đổi lại thông số ban đầu để chụp tiếp

Nếu fail thì không ai có cơ hội sửa sai và làm lại.

Quả thật mọi điều đều may mắn và thuận lợi, không chỉ ánh sáng, bối cảnh mà cả biểu cảm của hai người đàn ông quyền lực nhất của hai đất nước. Có lẽ ngoại giao là thế, gặp mặt thanh bình dịu nhẹ như mùa thu nhưng ngoài xa kia là những cơn bão, cơn sóng lớn đang gào thét chực bổ vào nhau. Vài người hỏi không có cảnh hai người cùng ngước lên à? Tôi có, đẹp là khác nhưng tôi không dùng vì không thích bằng tấm ảnh này, đơn giản chỉ vì thích thôi.

Tôi chỉ ước duy nhất một điều, đi bên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là TT Mỹ Donald Trump, hai người đàn ông với hai mái tóc bạc và vàng ánh kim ấy sẽ đẹp biết nhường nào dưới nắng thu…

D5 – 24mm; Manual; Matrix metering; 1/200 sec; f/9; ISO 100

Đã từng nghe nói nhiều về Đại công trường Sapa, từng xem ảnh của nhiều anh em đồng nghiệp nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng nó tệ đến và kinh khủng đến vậy. Trong một dịp cuối tháng 12, tuyết phủ kín đỉnh Fans, tiện thể đi săn tuyết và đưa bà xã đi chơi nên tôi cũng có dịp được chiêm ngưỡng công trường ấy. Đi và về đã mất 1 ngày, nửa ngày săn trượt tuyết ở đỉnh Fans, tôi chỉ còn vỏn vẹn nửa ngày dành cho vợ và dành riêng 2 giờ thuê xe máy chạy khắp “thị xã mới” để ghi hình. Thực tế những lúc dạo chơi cùng vợ, trong mắt ông chồng chẳng thấy Sapa thơ mộng trước đây đâu cả, thay vào đó là ngổn ngang công trình, bùn đất, xe ben, cần cẩu… và cũng tiện thể chụp được kha khá ảnh rồi. 2 tiếng nghỉ trưa chờ xe khách về, ông chồng phi xe máy như thiêu thân đi hết các đỉnh đổi, điểm cao, nóc khách sạn, các ngóc ngách quanh thị xã để kiếm tìm thêm tư liệu. Trên quãng từ đường Violet về điểm hẹn xe khách xuôi Hà Nội, ông chồng nhác thấy một người đàn ông dân tộc đứng bên đường, lặng im ngước nhìn những chiếc cần cẩu khổng lồ đang xây dựng các khách sạn lớn san sát sườn núi, anh ta vứt xe, trượt xuống mép sườn đồi bên trái người đàn ông, ngước máy ảnh lên và bấm máy. Nghe tiếng màn chập, người đàn ông quay lại nhìn xuống thẳng vào ống kính, bức ảnh cuối cùng tại Sapa quá đầy đủ và trọn vẹn nội dung cần có cho ông chồng đang bị nhà xe gọi giục để đón về xuôi.

D5 – 24mm; Manual; Matrix metering; 1/125 sec; f/2.8; ISO 1000

Hầu Thị Xinh (3 tuổi) trên lưng bố Hầu Văn Lầu (xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai) cùng em nhỏ Bàn Tiến Đạt (23 tháng tuổi) được mẹ là chị Lường Thị Hà (xã Nặng Mười, huyện Văn Chấn, Yên Bái) bồng bế chuẩn bị xuất viện sau khi phẫu thuật thành công dị tật sứt môi hở hàm ếch tại bệnh viện Việt Nam – Cuba trong những ngày cuối cùng của năm 2017. Ông bố bà mẹ ấy đã cõng con vượt hơn 300 km lặn lội về Hà Nội với hy vọng đi tìm nụ cười trẻ thơ, thậm chí anh Lầu còn không biết chữ, không nói được tiếng Việt. Nhưng thật may mắn khi họ là hai trong số hơn 40 trường hợp các gia đình được miễn toàn bộ chi phí phẫu thuật, ăn ở, sinh hoạt, đi lại… tại Hà Nội.

Các em nhỏ sẽ có lại khoé môi xinh xắn, nụ cười tươi rạng rỡ giống như cô bé đã từng được phẫu thuật trong bức ảnh trên bức tường phía sau kia.

Bức ảnh từng được đấu giá lên đến 1 triệu USD tại Mỹ để quyên góp cho chương trình Operation Smile, nhưng với những bậc cha mẹ và các em nhỏ thì những nụ cười ấy là vô giá.

D5 – 70mm; Manual; Matrix metering; 1/125 sec; f/2.8; ISO 6400

Tưởng chừng tôi đã có thể khoá sổ bằng những hình ảnh đẹp đẽ, ý nghĩa bên trên nhưng thực sự nhưng phút giây cuối cùng của năm 2017 vẫn khiến tôi phải lưu thêm vào note một hình ảnh nữa, trái ngược hoàn toàn. Biển người tham gia chương trình Count down đón giao thừa chào năm mới tại hồ Gươm năm nay có thể đã lập kỷ lục, có cả trăm nghìn người chen lấn ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục khiến phố đi bộ “thất thủ”. Lính cứu hoả túc trực tại toà nhà hàm cá mập đã phải giải cứu hơn 30 người già, trẻ nhỏ lên nóc xe chật chội để tránh những cơn sóng người xô đẩy bên dưới. Thậm chí nhiều phụ nữ, thanh niên đã bất tỉnh và cần đến sự giải cứu kịp thời của những người lính. May mắn có được tấm vé mời lên tầng 2 hàm cá mập đêm hôm đó, tôi đã nghĩ mình chỉ chụp vài tấm ảnh “biển người” rồi xuống, nhưng những gì đập ngay vào trước mắt khiến tôi khó lòng có thể bỏ qua…

 Nguyễn Tiến Anh Tuấn

Cùng tác giả

#Tag

Cà Phê - Trà Đá nhiếp ảnh gia nhiếp ảnh đường phố phóng viên ảnh photographer photography street life Tuấn Mark

iDesign Must-try

Sách ảnh rùng rợn được chụp trong 20 năm về trang phục Halloween trong tàu điện ngầm
Sách ảnh rùng rợn được chụp trong 20 năm về trang phục Halloween trong tàu điện ngầm
Trong 20 năm qua, nhiếp ảnh gia Seymour Licht đã chụp rất nhiều ảnh về những người mặc trang phục Halloween trên tàu điện ngầm ở New York. Giờ đây,…
Chào hè với những gam màu rực rỡ của Nathan Head
Chào hè với những gam màu rực rỡ của Nathan Head
Nathan hô biến những bức ảnh tưởng chừng vô vị trở nên độc nhất vô nhị bởi không khí mùa hè cổ điển của thập niên 80 Nathan Head là…
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Nhiếp ảnh thường được quảng cáo là một trong những phương tiện dân chủ và dễ tiếp cận nhất, khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người…
Đáng yêu thật đó! Đóa hoa nhỏ đang cười
Đáng yêu thật đó! Đóa hoa nhỏ đang cười
Những nụ cười tỏa nắng của bông hoa nhỏ hồn nhiên đã được Saki ghi lại hoàn hảo, cảm giác chân thực đến người xem cũng đã không ít lần…
Nhiếp ảnh gia tìm kiếm những khung hình nên thơ trong sự xô bồ của Singapore
Nhiếp ảnh gia tìm kiếm những khung hình nên thơ trong sự xô bồ của Singapore
Nhắc đến Singapore, bạn nghĩ đến hình ảnh gì đầu tiên? Với đa số, đó là tượng sư tử biển Merlion hay những cây năng lượng cao ngút trời ở…
Những bức ảnh chân dung dịu dàng của Tawny Chatmon được tô điểm bằng vàng và đá quý
Những bức ảnh chân dung dịu dàng của Tawny Chatmon được tô điểm bằng vàng và đá quý
Thông qua hình thức trang trí mạ vàng, Chatmon muốn nhấn mạnh vẻ đẹp và giá trị vốn có cho các chủ thể nghệ thuật của mình, những con người…