Chút hoài niệm ngày Trung thu: Tàu thuỷ sắt tây
Xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, những chiếc tàu thủy sắt từng là đồ chơi quen thuộc đối với nhiều thế hệ thiếu nhi Hà Nội xưa. Cùng iDesign tìm hiểu về số phận xưa và nay của món đồ thủ công Việt Nam có tính khoa học cao này nhé!
Món đồ chơi của thời xưa cũ
Nghề làm đồ sắt (Ferblanterie) theo chân người Pháp xuất hiện và phát triển mạnh ở nước ta thời kì thuộc địa. Những người thợ Việt lấy sắt ở vỏ các thùng hàng nhập cảng hoặc thùng dầu hỏa, hộp đồ ăn để sản xuất nhiều món đồ cho cuộc sống hàng ngày, từ những chóp nón, đĩa đèn, hộp đựng thuốc phiện mà dân bản xứ hay dùng cho đến những sản phẩm tiếp thu kĩ nghệ phương Tây như bình nước, đèn, giá nến, vòi hoa sen. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của những đứa trẻ người Pháp sống tại đây, họ chế tác cả đồ chơi, ban đầu mô phỏng mẫu mã phổ biến của Châu Âu rồi dần dần sáng tạo những mẫu mới mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Với sự bắt mắt và tính hiện đại vượt trội so với đồ chơi truyền thống, những món đồ bằng sắt này nhanh chóng hớp hồn trẻ em Hà Nội và trở nên phổ biến tại thành thị. Một trong những mẫu mã được yêu thích bền bỉ nhất qua các thập niên chính là chiếc tàu thủy. Điểm hấp dẫn của nó là có thể di chuyển trên mặt nước, phả khói và phát ra tiếng kêu tạch tạch như tàu thật.
Vào mỗi dịp Tết trung thu, trẻ con từng rất hay được bố mẹ mua tặng món đồ chơi bé nhỏ ẩn chứa bài học về vật lý và việc tái sử dụng vật liệu cũ này. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những đồ chơi Trung Quốc đa dạng, rực rỡ đã đưa tàu sắt tây trở về hoài niệm.
Nghệ nhân duy nhất của làng nghề đồ chơi
Trước khi Covid-19 ập đến, hàng năm, khi sắp tới Rằm tháng tám, những gian hàng trên phố cổ lại tấp nập bóng dáng người đi mua đồ cho con trẻ. Tàu thủy sắt tây dường như đã biến mất trong thế giới lộng lẫy đó. Hỏi thật kĩ thì biết được Hàng Thiếc là phố duy nhất còn bán món đồ chơi này, cụ thể, nhà của nghệ nhân Hùng tại làng Khương Hạ là nơi cuối cùng còn chế tác ra nó.
Nghề làm đồ chơi bằng sắt tại Khương Hạ (Thanh Xuân) đã có tuổi đời hàng trăm năm. Trước năm 1945, cả làng này có tới 100 hộ làm nhiều loại đồ chơi bằng sắt. Vào mùa Trung thu, các xưởng sản xuất gia đình tất bật làm không hết việc trong khi chủ cửa hiệu đồ chơi ở Hà Nội, các tỉnh và cả bên Trung Quốc phải chầu chực cả ngày đợi lấy hàng. Bom đạn chiến tranh khiến việc hành nghề phải tạm ngừng rồi phục hồi lại từ năm 1975. Nhưng sau này, khi đồ chơi Trung Quốc tràn vào thì làng nghề thật sự lụi tàn trong tiếc nuối của người dân. Anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng hiện tại là người duy nhất còn giữ nghề.
Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã tham gia chế tác đồ chơi cùng bố mẹ, không chỉ làm tàu thủy mà còn cả con thỏ đánh trống, con bướm, kèn, súng, ô tô, ca nô, tàu hỏa… Có tới hơn 1000 mẫu đồ chơi các loại mà anh vẫn còn giữ được công thức và hình mẫu. Tiếc là chỉ còn duy nhất một món đồ được sản xuất đến ngày nay.
Những chiếc tàu thủy được làm bằng ống bơ, hộp thiếc đã qua sử dụng, đem rửa sạch rồi cán phẳng ra để cắt, ghép. Nhiều năm qua, chiếc tàu vẫn giữ nguyên hình dáng cơ bản, chỉ thêm chi tiết là lá cờ đỏ sao vàng. Hiện có loại nhỏ như lòng bàn tay chỉ dùng để trưng bày giá khoảng 100.000 đồng, và cả những mẫu lớn chạy được dưới nước với giá từ 300.000 đồng cho tới 4.000.000 đồng. Trong đó, tàu chạy bằng dầu hỏa nhận được sức hút hơn tàu chạy nhờ pin do có âm thanh và khói tỏa ra như thật.
Một tín hiệu đáng mừng là sự kiên quyết bám trụ với nghề của anh Hùng phần nào được đền đáp khi tàu thủy sắt tây được tiêu thụ quanh năm ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Sản phẩm của anh đã được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tham gia các Festival nghề truyền thống và còn được xuất khẩu sang tận Pháp, Mỹ. Dịp Trung Thu, vẫn có những bậc phụ huynh tìm mua những món đồ truyền thống cho con cháu. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy tàu thủy sắt tây không bị quên lãng giữa xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi niềm của người nghệ nhân còn lại duy nhất mà chưa tìm được người nối nghiệp. Công việc này không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó. Để thông thạo việc gò, hàn, sản xuất động cơ, phải mất ít nhất hai năm học. Một số người từng tìm đến anh để xin truyền nghề đều sớm bỏ ngang giữa chừng vì nản chí. Anh và gia đình cũng không có điều kiện tự mở xưởng hay hỗ trợ kinh phí cho học viên. Vì thế mong ước lớn nhất của anh là nhận được sự quan tâm từ Nhà nước để xây dựng lớp dạy nghề và quảng bá sản phẩm đến mọi miền đất nước.
Bài: 19August
Ảnh: Đức Tuấn
Nguồn:
https://hanoimoi.com.vn/mega-story/doi-song/978079/giu-hon-tet-trung-thu?fbclid=IwAR0J0Z8f5VgVv1ZefdI9NZalnH6NFpKCwPgvrcatSLSlVZtiBEiSCSfT7Jo