Cập nhật 5 xu hướng xây dựng thương hiệu trong năm 2019

Khi đã bắt đầu nuôi ý định xây dựng một thương hiệu cho riêng mình, chúng ta đều mong muốn là người đi trước và cập nhật các xu hướng mới nhất. Tuy nhiên, có thể thấy khá khó dự đoán những gì đang thay đổi trong thế giới ngày càng phức tạp từ các thương hiệu.

Từ kỹ thuật đặt tên cho đến chiến dịch thương hiệu, dưới đây là năm xu hướng dành cho các doanh nghiệp được dự đoán sẽ tiên phong trong năm 2019 này.


1. Sử dụng tranh minh họa

Các thương hiệu luôn liên tục tìm kiếm những cái nhìn mới để thu hút khán giả và vài thương hiệu trong số đó nhận ra rằng, nghệ thuật từ tranh minh họa là một hướng đi tốt để thực hiện điều này.

Jennifer Hom – một họa sĩ minh họa làm việc cho Airbnb, cho biết: “Các thương hiệu hiện đang nhận ra sức mạnh đến từ tranh minh họa. Hàng hoạt các công ty bắt đầu hiểu ra giá trị từ các hình ảnh minh họa có thể vừa cung cấp thông tin, vừa làm hài lòng khán giả về mặt thẩm mỹ”.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn đẩy mạnh hợp tác với các nghệ sĩ để đưa nghệ thuật vào như là ngôn ngữ thể hiện cho thương hiệu của họ. Điển hình chính là Google kết hợp nghệ thuật minh họa vào quy trình để thay đổi trải nghiệm của người dùng, Facebook cũng thêm hình minh họa vào giao diện sử dụng để tương tác với khán giả, tạo cái nhìn thân thiện và dễ dàng kết nối với người dùng hơn.

Hình ảnh minh họa được sử dụng trong Google Calendar.

Trước đó đã có rất nhiều thương hiệu áp dụng video hoạt hình cho mục đích tiếp thị, hợp tác với các nghệ sĩ trong các dòng sản phẩm riêng hoặc minh họa cho các trang web. Tuy nhiên năm 2019 này, tranh minh họa mới thực sự nổi lên một cách phổ biến và thực sự thu hút người dùng. Xu hướng này có những ưu điểm lớn như xây dựng tính thương hiệu một cách chính xác, khả năng nhân tính hóa, mang lại nét riêng biệt cho thương hiệu đồng thời làm sâu sắc thêm khả năng kết nối thương hiệu đến với người tiêu dùng, từ đó tạo nên lòng trung thành và tin tưởng cho thương hiệu.


Hình ảnh minh họa được sử dụng trong Facebook Security.


2. Kết hợp chủ nghĩa tối giản

“Tối giản” là xu hướng tiếp theo trong danh sách này. Trên thực tế, chúng tôi đã thấy được bước tiến mạnh mẽ trong việc xây dựng thương hiệu tối giản và dường như nó sẽ còn tồn tại trong một thời gian rất dài sắp tới. Với những cuốn sách đình đám của Marie Kondo (và chương trình đình đám trên kênh Netflix của cô – Tidying Up), các thương hiệu bắt đầu tự hỏi liệu điều đó có làm dấy lên niềm vui nào không, như cái cách mà Kondo dẫn dắt người xem của mình vứt đi những thứ không cần thiết.

Chương trình Tiding up with Marie Condo trên kênh truyền hình Netflix

Chủ nghĩa tối giản rất có ý nghĩa bởi vì nó hấp dẫn một cách trực quan. Nó có thể đặc biệt hữu ích trong trường hợp các công ty B2B* (đơn giản hóa các quy trình thông qua các công cụ  liên lạc và bán hàng.

Chủ nghĩa tối giản cơ bản cũng tạo được tiếng vang với các doanh nghiệp hướng tới khách hàng như Brandless (một công ty thương mại điện tử của Mỹ) tập trung vào sự đơn giản và thiết yếu. Về cơ bản, xu hướng này chính là cách tiếp cận đơn giản, áp dụng màu sắc sạch sẽ, đồ họa đơn giản và dễ hiểu trong quy trình và giao diện.

*B2B: Doanh nghiệp với doanh nghiệp; mô tả các giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp, chẳng hạn như giữa các nhà sản xuất với người bán buôn, hoặc giữa một người bán sỉ với người bán lẻ.


3. Nắm bắt và phản ánh được sự ảnh hưởng của thế hệ Millennials

Thế hệ Millennials hay còn gọi là thế hệ Y, khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000 (18-35 tuổi). Đây là những người lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội như forum, blog, facebook… đồng thời họ là lực lượng lao động chủ đạo của hiện tại và tương lai. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35% dân số thuộc nhóm này.

Thế hệ Baby Boomer để chỉ  những người sinh trong giai đoạn từ 1950 – 1969.

Phân biệt Thế hệ Z và Millenials:Thế hệ Z bao gồm những người sinh năm 1995 hoặc muộn hơn. Thế hệ này đang chiếm khoảng ⅓ dân số. Còn “Millennial” là người đạt đến tuổi trưởng thành vào khoảng năm 2000. (*)

Millennials đang được xem là cộng đồng có sức mua và quyền quyết định nhiều nhất bởi vì giờ đây, họ đã trưởng thành với công việc và thu nhập ổn định. Vì thế, các doanh nghiệp liên tục thay đổi xu hướng thương hiệu sao cho phù hợp và tăng sức hấp dẫn đến với cộng đồng này.

Một điều cần hiểu rõ về Millennials là, cộng đồng này được biết đến như thế hệ có định hướng chính trị xã hội rõ ràng hơn so với các Baby Boomer, họ thường mua sắm từ các thương hiệu biết cách định hình tiêu chuẩn đạo đức. Do đó, các thương hiệu đang cố gắng bắt kịp xu hướng này và tiếp thị bản thân theo hướng “thay đổi nhận thức” cho giới trẻ.

Gần đây chúng ta có một ví dụ về Gillette, thương hiệu này đã gặt hái nhiều phản hồi trái chiều từ người dùng do quảng cáo phê phán sự “nam tính độc hại” ở Mỹ, nơi nam giới là đối tượng thường xuyên gây ra các hành vi bắt nạt và quấy rối tình dục. Lời dẫn khuyến khích họ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và ở cuối video, những người này đã thay đổi hành vi của mình theo hướng tích cực. Trong khi một số khách hàng chùn bước trước quảng cáo và gọi đó là lời buộc tội, thì những người khác lại ca ngợi công ty cạo râu vì lập trường táo bạo, tiến bộ.

Bất kể những ý kiến ​​khác nhau mà quảng cáo đưa ra, nó đã khiến cho Gillette trở thành trung tâm kết nối câu chuyện và thu hút dư luận, một thứ mà công ty rất cần để tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ nhỏ hơn như Dollar Shave Club và Harry‘s có ý định trở thành trụ cột của ngành. Quảng cáo của Gillette là một ví dụ điển hình về một thương hiệu đang cố gắng thu hút các nhóm tuổi trẻ hơn dù phản ứng nhận lại được không hẳn là tích cực, nhưng phần nào đã chiếm được sự quan tâm từ Millennials.

Chiến dịch quảng cáo từng gây tranh cãi của Gillette.

Nhiều thương hiệu đang có những bước thay đổi tương tự để chuyển mình, từ các thương hiệu tập trung vào Baby Boomer sang Millennials. Khi nhóm thứ hai đang tiếp tục chiếm thế ưu về sức mua và đang kiểm soát xu hướng từ các thương hiệu hơn, điều này đã dẫn đến sự nghiêng về chính trị ngày càng tăng trong các chiến dịch quảng bá thương hiệu (chứng kiến ​​các chủ đề về nữ quyền ngày càng nhiều, tiêu biểu là trong các chiến dịch quảng cáo thuộc khuôn khổ Super Bowl năm nay).

Tất cả những điều này tất nhiên, cũng chính là tiền đề cho thế hệ Z như một lực lượng tiêu dùng kế nhiệm. Vào năm 2019, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về Thế hệ Z khi mà các thành viên trong cộng đồng này đang chuẩn bị gia nhập vào lực lượng lao động chính, có nghĩa là sức mua của họ sẽ tăng mạnh và rất có khả năng sẽ trở thành cộng đồng có sức ảnh hưởng đến tiêu dùng nhất.

Sử dụng các vấn đề xã hội và biến nó thành câu chuyện nhằm kết nối với các nhóm người trẻ đã trở thành một chiến lược phát triển thương hiệu phổ biến mang lại hiệu quả; trên hết, các thương hiệu nên cố gắng tạo được tiếng nói riêng đối với cộng đồng người tiêu dùng của mình.


4. Tận dụng sức sáng tạo trong tên miền trực tuyến

Ngày nay, môi trường kinh doanh trực tuyến đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho đa số các doanh nghiệp, điều đó cũng phần nào hình thành một số khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hình thành tên miền URL. Khó khăn được đề cập ở đây chính là, mọi công ty đều mong muốn có tên miền khớp chính xác với tên công ty. Điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Ví dụ điển hình là từ Dropbox, ban đầu được khởi chạy, URL trang web của công ty này là GetDropbox.com.

Phần mở rộng .com vẫn là lựa chọn hàng đầu không có gì thay đổi, tuy nhiên sự khan hiếm của các tên miền khớp chính xác đang buộc nhiều doanh nghiệp phải sáng tạo với tên miền mới phù hợp với phương thức truyền thông của họ.

Thiết lập một tên miền mạnh luôn là một khoản đầu tư quan trọng. Nó thể hiện việc doanh nghiệp sẽ được tìm thấy như thế nào trên các trang trực tuyến, điều đó rất đáng để đầu tư. Với nguồn ngân sách khoảng 2.000 $, doanh nghiệp có thể mở ra các tùy chọn miền sáng tạo khác nhau. Tuy nhiên, việc lựa chọn một từ tiếng Anh thực sự khớp chính xác với tên của công ty có nghĩa là thương hiệu cần dành một ngân sách khá lớn để có được tên miền cao cấp (TLD) như mong muốn.

Một số cụm từ tên miền sáng tạo nhất mà chúng ta có thể tìm thấy bao gồm SquareUp.com của Square, CallRuby.com của Ruby Receptionist và UseTrusted.com của
Trusted. Những tên miền này sử dụng các cụm động từ để tạo nên một cái tên ấn tượng cho doanh nghiệp, đồng thời để gợi mở một hành động cụ thể cho người dùng.

Các tiện ích mở rộng và các TLD (tên miền cao cấp) khác như: .co, .gg cho các trò chơi, .io cho các công ty công nghệ và .ai cho các công ty phần mềm do AI điều khiển – cũng là một phần của chiến lược tên miền mới. Taco Bell cũng là một ví dụ, công ty này đang sử dụng ta.co như một tên miền ngắn, hấp dẫn.

Nguyên tắc tương tự cũng đang được áp dụng cho các phương tiện truyền thông xã hội. Gần đây chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu về 50 công ty khởi nghiệp hàng đầu để xác định mức độ chính xác và phù hợp của các phương tiện truyền thông. Chúng tôi thấy rằng, 20% sự thành công của các công ty khởi nghiệp là nhờ vào phương tiện truyền thông xã hội phù hợp và tạo được độ chính xác cao trong việc tìm kiếm.


5. Chú trọng giá trị cá nhân hơn là quy mô công ty

Mang những đặc tính cá nhân vào trong thương hiệu luôn luôn có sức hút lớn. Bằng chứng là với hơn 20.000 tên công ty được đặt, chúng ta có thể nhận thấy một số cái tên doanh nghiệp như Oscar và Edgar. Đây là một công thức nhằm đánh vào tâm lý của thế hệ Z, những người trẻ thường không đặt sự tin cậy vào các tập đoàn lớn, họ thích tham gia và sử dụng những gì gần gũi, đáng tin tưởng hơn.

Chúng ta thường thấy nhiều thương hiệu sử dụng hình ảnh một nhân vật người thật làm đại diện trong việc xây dựng thương hiệu, vậy trong trường hợp công ty được nhìn nhận như một con người luôn thì sao? Điều đó không phải rất mới mẻ và gần gũi hay sao?

Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn trọng trong việc hình thành một cái tên. Một cái tên cần  phải có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và giá trị người dùng, điển hình như theo cách của Greenpeace (Tổ chức Hòa bình xanh) đã làm hoặc khiến mình trở nên thực sự khác biệt với đối thủ khác như cách của Apple. Hãy chọn tên một cách cẩn thận, vì chúng có thể thiết lập một nền tảng thương hiệu vững chắc và tạo dựng được tính đặc trưng trong mắt người tiêu dùng.


Kết luận

Nhìn chung, các thương hiệu đang ngày một nỗ lực hơn nhằm kết nối với khán giả một cách chủ động và có ý thức. Từng xu hướng được đưa ra ở trên đều có khả năng hấp dẫn đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn.

Nếu bạn đang cân nhắc xem xét một số chiến lược tiếp thị mới cho năm nay thì năm xu hướng trên rất có thể sẽ là một gợi ý tốt. Nhận thức được những gì đang diễn ra trên thế giới là một trong những chìa khóa quan trọng để hiểu được tâm lý của người dùng.

Đồng thời, hãy luôn thận trọng khi cập nhật xu hướng. Luôn có những thương hiệu chọn cách không đi theo xu hướng và vẫn thành công. Điều đó cho thấy bất kể sự lên xuống của những xu hướng ra sao, chỉ cần thương hiệu của bạn hiểu được giá trị chân thực bạn đang có và phát huy nó, thương hiệu của bạn sẽ luôn có chỗ đứng trên thị trường.

Trung thực và đi đúng với bản ngã trong kinh doanh vẫn luôn là con đường để hình thành nên thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Đừng cố gắng thay đổi quá nhiều để bắt kịp xu hướng, điều đó chỉ làm cho công ty của bạn có cái nhìn không trung thực. Hãy khác biệt, là người tạo ra xu hướng, và là chính bạn nhất có thể!

Người dịch: Cường Nguyễn
Nguồn: Medium

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa tối giản công ty google design khởi nghiệp millennial thương hiệu xây dựng thương hiệu xu hướng minh họa

iDesign Must-try

Dsuy: Sáng tạo dựa trên nước Đức, thiết kế nhận diện thương hiệu linh hoạt FVS
Dsuy: Sáng tạo dựa trên nước Đức, thiết kế nhận diện thương hiệu linh hoạt FVS
Thuật ngữ Flexible Visual System (FVS), văn hóa bản địa ở Đức, một phần về phương pháp tìm hiểu (research) sẽ được gợi mở trong bài viết này… Là người…
Chủ nghĩa Tối đa lên ngôi - Hệ quả của đại dịch Covid-19?
Chủ nghĩa Tối đa lên ngôi - Hệ quả của đại dịch Covid-19?
Một nguyên nhân sâu xa cho sự lên ngôi của chủ nghĩa Tối đa được cho là hệ quả của sự tự do đột ngột sau đại dịch Covid-19 khi…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Để khách hàng ghi nhớ tên thương hiệu, bạn cần phải thể hiện nhiều hơn là vẻ đẹp về mặt hình ảnh. Trong phần 2 của bài viết này, các…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Nếu bạn đang muốn tạo dựng một thương hiệu, tân trang lại mọi thứ hoặc đơn giản là muốn cập nhật các phong cách xây dựng thương hiệu mới nhất…
10 thiết kế logo và tái xây dựng bộ nhận diện thương hiệu đắt đỏ nhất
10 thiết kế logo và tái xây dựng bộ nhận diện thương hiệu đắt đỏ nhất
Dù bạn bỏ ra bao nhiêu thời gian và tiền bạc để tìm ra những từ ngữ phù hợp đại diện cho công ty và thu hút khách hàng mới,…
5 xu hướng và chủ đề cho ngành minh hoạ năm 2021
5 xu hướng và chủ đề cho ngành minh hoạ năm 2021
Đâu sẽ là định hướng cho ngành minh hoạ trong năm nay? Hãy để chúng tôi chia sẻ dự đoán của mình