Ngay ở nơi tận cùng của thế giới cũng không thoát khỏi túi nilon
Rãnh Mariana (rãnh đại dương sâu nhất) tại Thái Bình Dương có độ sâu gần 11.000m. Nếu bạn nghĩ rằng cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu tàn khốc không thể chạm đến nơi sâu nhất đại dương này thì bạn đã lầm rồi.
Đây là hình ảnh một túi nhựa thường thấy tại các cửa hàng thực phẩm, được phát hiện ở độ sâu 10,9728m vào ngày 20/5/1998 tại rãnh Mariana. Hình ảnh này được công bố sau 20 năm và thu hút nhiều sự chú ý bởi nó xuất hiện ở nơi sâu nhất thế giới và trong môi trường khắc nghiệt nhất. Các nhà khoa học tìm thấy túi nhựa này qua cơ sở dữ liệu rác biển sâu, gồm nhiều hình ảnh và video khác được thu thập qua 5010 lần lặn suốt hơn 30 năm qua.
Theo nghiên cứu mới đây của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển – Trái đất Nhật Bản (JAMSTEC), có khoảng 3.500 mảnh nhựa chủ yếu là loại nhựa sử dụng một lần (chiếm 90%) đã được phát hiện tại rãnh Mariana, một trong những nơi sâu nhất trên thế giới. Hơn 1/3 số mảnh nhựa được tìm thấy có kích thước lớn hơn 5mm. 33% trong số đó là nhựa dẻo; 26% là kim loại; 1,8% là cao su; 1,7% là các dụng cụ câu cá; 1,4% là thủy tinh; 1,3% là vải – giấy – gỗ và 35% là các thứ không được phân loại.
Bạn có thể sẽ hình dung “rãnh sâu nhất thế giới” như một cái hố tối tăm, không có sinh khí và ánh sáng. Nhưng khác xa những điều bạn nghĩ, cái hố này lại là ngôi nhà sinh thái của nhiều sinh vật sống. Năm 2016, tàu NOAA’s Okeanos Explorer thăm dò độ sâu tại khu vực, đã khám phá các sự sống đa dạng nơi đây như san hô, sứa, và bạch tuộc.
Rác nhựa đại dương đến từ đâu?
Bài nghiên cứu trên chỉ là một trong số những bài nghiên cứu tố cáo mức độ ô nhiễm nghiêm trọng từ rác thải nhựa trên khắp trái đất. Các sản phẩm nhựa dùng một lần hầu như có mặt khắp các ngõ ngách và quá trình phân hủy của chúng trong môi trường tự nhiên có thể mất 100 năm hoặc lâu hơn.
Tháng 2 vừa qua, một bài nghiên cứu riêng về vấn đề này đã chỉ ra mức ô nhiễm tổng thể tại rãnh Mariana cao hơn tại một trong những con sông ô nhiễm nhất tại Trung Quốc. Tác giả bài nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các chất hoá học ô nhiễm trong rãnh có thể xuất hiện một phần từ sự phân huỷ của nhựa trong cột nước. (Cột nước: một cột lý thuyết từ bề mặt của biển, sông hoặc hồ xuống tới lớp trầm tích đáy).
Hồi cuối năm ngoái, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Newcastle (Anh) đã phát hiện trong dạ dày của sinh vật biển sống được tại rãnh Mariana có dấu vết của các sợi nhân tạo và chất dẻo.
Rác nhựa hiện đang ngày càng trở thành tâm điểm nóng cho các cuộc vận động phong trào vì môi trường. Có thể lấy thí dụ từ sự kiện ngày trái đất 2018 vừa qua. Trong khi rác nhựa có thể bị đổ thẳng vào đại dương từ bãi biển hoặc từ những con tàu, một nghiên cứu được công bố trong năm 2017 tiết lộ hầu hết rác nhựa tại đại dương đều từ 10 con sông chảy ngang qua các khu vực có cư dân đông đúc.
Dụng cụ câu cá phế thải cũng là nguyên nhân chính “tiếp tay” gây ô nhiễm rác nhựa. Trong bài nghiên cứu trong tháng 3 vừa qua, các ngư cụ tại đảo rác nhân tạo Thái Bình Dương – có kích cỡ bằng bang Texas (Bang lớn thứ hai tại Mỹ với diện tích 268,820 m2) được phát hiện trôi dập dờn giữa Hawaii và California.
Có một sự thật rõ ràng rằng rác nhựa ở đại dương không chỉ là túi nilon. Tuy nhiên, chiếc túi tai tiếng này đã trở thành ví dụ điển hình về mức độ ảnh hưởng sâu sắc của con người lên chính hành tinh của mình.
Nguồn: National Geographic
Ảnh bìa: Randy Olson, National Geographic
Người dịch: Jane