Thuật giả kim và ý nghĩa ẩn sau những biểu tượng nổi tiếng (Phần 1)
Có rất nhiều định nghĩa liên quan đến thuật giả kim. Đôi khi mọi người xem đó là một lĩnh vực nghiên cứu học thuật, đôi khi là một bộ môn khoa học thực thụ nhưng đôi khi lại được mô tả như một nhánh nhỏ của triết học.
Từ những thế kỉ đầu tiên sau Công nguyên, thuật giả kim đã xuất hiện trên khắp Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và cho đến đầu thế kỉ thứ 12, chúng lan rộng sang Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và tập trung chủ yếu ở các quốc gia Ấn Độ, Anh, Trung Quốc. Tuy nhiên, vì các nhà giả kim đã bị đàn áp dã man vào thời trung cổ nên đa số các biểu tượng và ý nghĩa của chúng dường như trở nên thất truyền.
Trong bài viết này, tác giả đề cập đến những biểu tượng giả kim nổi tiếng, phổ biến và còn được ghi chép lại cho đến ngày nay với hình ảnh và ý nghĩa cơ bản của chúng, đồng thời giải thích mối liên kết giữa giả kim và chiêm tinh học cũng như các thuộc tính của một biểu tượng có thể đại diện cho con người.
Không giống như các nguyên tố hóa học, các biểu tượng giả kim cho đất, không khí, lửa và nước khá nhất quán. Chúng được sử dụng phổ biến vào đầu thế kỷ 18, trước khi giả kim thuật nhường chỗ cho hóa học và các nhà khoa học nghiên cứu về bản chất của vật chất trên hành tinh này.
Biểu tượng giả kim Đất là một hình tam giác hướng xuống với một thanh ngang chạy qua. Biểu tượng thường được thể hiện trong tông màu xanh lá cây hoặc nâu. Ngoài ra, nhà triết học Hy Lạp Plato đã liên kết các tính chất khô và lạnh với biểu tượng giả kim này.
Biểu tượng giả kim cho không khí hoặc gió là một hình tam giác thẳng đứng với một thanh ngang nằm chồng lên trên, ngược lại với biểu tượng Đất. Nó được kết hợp với các màu xanh, trắng, đôi khi xám. Các nhà giả kim đã kết nối các phẩm chất ướt át và nóng nảy với biểu tượng này. Biểu tượng không khí trong thuật giả kim cũng có thể đại diện cho một lực lượng mang lại sự sống.
Biểu tượng giả kim của lửa trông giống như một ngọn lửa đang cháy, được thể hiện bằng một hình tam giác đơn giản hướng lên trên và được kết hợp với các màu đỏ hoặc cam ấn tượng.
Trong thuật giả kim, lửa đại diện cho những cảm xúc đam mê, tình yêu cuồng nhiệt, sự giận dữ. Các nhà giả kim quy định tính chất của biểu tượng này là nóng và khô. Ngoài ra, lửa cũng được xem là một biểu tượng của sự nam tính.
Ngược lại với lửa, biểu tượng giả kim thuật của nước là biểu tượng nghịch đảo của biểu tượng lửa. Đó chính xác là một hình tam giác ngược, giống như một cái cốc hoặc ly. Hình ảnh của biểu tượng giả kim nước có mối liên kết với sự nhạy bén về trực giác của một con người cũng như màu xanh lam thường được thể hiện trong biểu tượng giả kim của thủy ngân (vì cả hai đều được coi là biểu tượng mang tính nữ). Nhà triết học Hy Lạp Thales tin rằng nước là chất đầu tiên được tạo ra trên thế giới.
Ngoài đất, không khí, lửa và nước, nhiều nền văn hóa khác cũng có yếu tố thứ năm, đó có thể là kim loại hoặc gỗ… Bởi vì yếu tố thứ năm không đồng nhất từ nơi này sang nơi khác nên chúng không có một biểu tượng tiêu chuẩn như bốn yếu tố cốt lõi của Trái đất vừa kể trên.
Cùng với thủy ngân và muối, Lưu huỳnh được ghép cùng thành bộ ba Tam nguyên, hay còn gọi là Tria Prima của giả kim thuật. Ba nguyên tố này được xem là ba điểm của một hình tam giác, trong đó, lưu huỳnh đại diện cho sự bay hơi và hòa tan, là điểm giao hòa giữa không trung và mặt đất. Lưu huỳnh đại diện cho các tính chất như khô, nóng và thiên hướng tính nam. Về mặt tria prima, lưu huỳnh được xem là nguyên tố trung gian kết nối muối (không trung) và thủy ngân (mặt đất).
Vào thời cổ đại, nó được sử dụng làm thuốc y học cổ truyền ở nhiều nơi từ Trung Quốc đến Ai Cập và Châu Âu. Ngoài ra, thủy ngân còn được đề cập trong cả Torah và Kinh thánh với nội dung “địa ngục có mùi giống như lưu huỳnh vậy”.
Biểu tượng Lưu huỳnh thường là hình tam giác trên đỉnh chữ thập Hy Lạp, nhưng nó cũng có thể hiểu rằng đây là chiếc Thánh giá Loraine trên đỉnh biểu tượng ouroboros vô cực. Biểu tượng này cũng còn được biết đến với tên Chữ thập của Satan và đôi khi được sử dụng như một biểu tượng của quỷ dữ.
Liên kết với hành tinh cùng tên (trong tiếng Anh, thủy ngân và sao Thủy đều được gọi là Mercury), thủy ngân là kim loại lỏng, nặng, màu trắng bạc. Vào thời cổ đại, thủy ngân được gọi là quicksilver, quick nghĩa là nhanh và silver nghĩa là bạc, ám chỉ khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa hai trạng thái lỏng và rắn của kim loại này, dó đó, trong thuật giả kim, thủy ngân được xem như hình ảnh đại diện của sự biến đổi giữa sự sống và cái chết, của những bí ẩn và những điều độc hại.
Sao Thủy là đại diện cho sự nữ quyền, vì thế biểu tượng giả kim của thủy ngân gắn liền với hình ảnh đại diện của phái nữ_vòng tròn kèm chữ thập hướng xuống dưới, trong khi đó, phía trên là biểu tượng mặt trăng cũng là một hình ảnh có tính liên kết với các vị nữ thần.
Thủy ngân đã được người La Mã cổ đại, Hy Lạp, Ấn Độ và Trung Quốc biết đến cũng như sử dụng. Các nhà giả kim xem thủy ngân là một trong ba vật chất chủ đạo của Trái đất, song song với hai vật chất khác là muối và lưu huỳnh.
Đây là những biểu tượng giả kim về kim loại của người Ai Cập cổ đại được in trong quyển Metals in Egyptian Inscriptions, xuất bản năm 1860. Một điều dễ nhận ra đó là những biểu tượng được thể hiện hoàn toàn bằng chữ tượng hình. Thông tin hoặc lưu chép về giả kim Ai Cập gần như bằng con số 0 và chúng ta hoàn toàn có thể gọi chúng đã thất truyền. Tất cả những gì nhân loại hiện nay biết đến là một số ít biểu tượng về kim loại như vàng, bạc, đồng, chì, cẩm thạch, đá saphirre…
Thuật giả kim theo định nghĩa của người Ai Cập là quá trình chuyển đổi kim loại cơ bản thành kim loại quý giá như vàng hoặc bạc với sự trợ giúp của một vật chất bí truyền gọi là “hòn đá triết gia”. Từ “alchemy” (giả kim thuật) được trích từ chữ Chem/Khem trong tiếng Ai Cập, dùng để chỉ vùng đất đồng bằng màu mỡ lưu vực sông Nile_nơi mà được xem là “vùng đất đen tối của vật chất nguyên thủy” theo bản dịch nguyên gốc của từ quyển Thuật giả kim là trí tuệ của người Ai Cập (Alchemy is Egyptian Wisdom).
Carl Wilhelm Scheele (1742-1786), một nhà giả kim và cũng là nhà hóa học người Đức gốc Thụy Điển. Ông đã sáng tạo nên một bảng mã của riêng mình và sử dụng chúng trong hầu hết các công trình nghiên cứu. Dù mức độ phổ biến của các biểu tượng này là không nhiều nhưng chúng vẫn có giá trị lịch sử to lớn khi Scheele là người đã chính thức và độc lập tìm ra những nguyên tố hóa học quan trọng hàng đầu của thế giới hiện nay, trong đó phải kể đến oxy, clo, mangan và nhiều axit hữu cơ khác như tartaric, oxalic, uric, lactic và citric…
Biên tập và dịch: Thùy Vân
Nguồn: ThoughtCo, Brittanica, Todd Helmenstine, Ancient Symbols