“Khi thiết kế của tự nhiên thay đổi”: Khối băng trôi lớn vừa tách rời khỏi Greenland
“Theo tôi thì thông điệp ở đây không phải là hiện tượng này chưa từng xảy ra mà là chúng ta đã từng thấy nhiều tiền lệ rồi. Những núi băng khổng lồ hình thành ngày càng nhiều với khoảng cách thời gian ngày càng gần nhau.”
Cảnh tượng các núi băng trôi tách khỏi sông băng và thềm băng là một trong những hiện tượng kì vĩ nhất trên trái đất mà con người hiếm khi được chứng kiến chứ chưa nói tới có đủ may mắn để thu lại được cảnh ấy trên ảnh. Một nhóm các nhà nghiên cứu vừa có được may mắn ấy.
Nhóm nghiên cứu từ đại học New York vừa ghi lại được cảnh một tảng băng dài hơn 6 km tách rời khỏi khu vực thềm phía đông của sông băng Helheim ở Greenland. Đoạn phim là minh họa chân thực nhất cho một trong những hiện tượng quan trọng trong quá trình tái định hình đường bờ biển trên trái đất ở hiện tại và tương lai.
Những dòng sông ở Greenland là những dòng sông bị đóng băng, chảy từ nội đảo ra biển. Khi băng nhập vào biển chúng sẽ làm mực nước biển dâng lên. Quá trình này sẽ xảy ra nhanh hơn nếu nhiệt độ tại Greenland tăng lên.
Trong vài thập kỉ gần đây, tốc độ dòng chảy của ba dòng sông băng lớn của hòn đảo băng này là Helheim, Jakobshavn và Kangerdlussuaq đã nhanh hơn rất nhiều. Các nhà khoa học tin rằng hiện tượng này có quan hệ với sự biến đổi khí hậu.
Tảng băng trôi vừa tách khỏi Helheim trong 90 phút, lúc gần nửa đêm ngày 22/6. Nhóm nghiên cứu đã rất may mắn khi được tận mắt chứng kiến sự kiện ấy trong lúc đang ra hiện trường bảo dưỡng thiết bị theo định kì.
Denise Holland điều phối viên về hậu cần cho đội nghiên cứu về các dòng chảy trong tự nhiên thuộc đại học New York cho biết các nhà nghiên cứu đang chuẩn bị đi ngủ thì tảng băng tạo ra một tiếng động lớn. Cô ngay lập tức bật dậy và chuẩn bị máy quay.
“Cảnh tượng ấy diễn ra ngay trước mắt chúng tôi. Tảng băng lớn đến mức đáng kinh ngạc và tiếng động nó gây ra cũng vậy. Không ai nói gì cả bởi tất cả đều bị thôi miên đến chết lặng bởi sự hùng vĩ của nó”.
Denise Holland
Stef Lhermitte từ Đại học Công nghệ Delft đã làm một đoạn mô phỏng lại cảnh tượng ấy ở một góc độ khác từ dữ liệu từ vệ tinh Sentinel-1. Tảng băng đứt tách khỏi sông băng Helheim dọc theo một vết liên kết yếu có từ cuối tháng 6, có thể nhìn thấy ở nửa trên trong bức ảnh.
Mô phỏng cho thấy sự biến đổi của sông băng Helheim từ tháng 5 đến đầu tháng 7. Trong thời gian đó, một tảng băng lớn đã đứt rời khỏi phần rìa đứt gãy vào ngày 22/6.
Các nhà nghiên cứu không có được kích thước chính xác của tảng băng nhưng theo họ ước tính thì nó lớn ngang với khu vực vùng hạ Manhattan (rộng khoảng 15 km2. Hãy tưởng tượng cả diện tích Quận 1, Quận 4 và Quận 5 ở thành phố Hồ Chí Mình hay quận Ba Đình và Hoàn Kiếm ở Hà Nội ‘rủ nhau’ đi trốn).
Tad Pfeffer, một nhà nghiên cứu băng từ đại học Colorado, Boulder chia sẻ rằng sự tách rời của một núi băng với kích thước khổng lồ như vậy rất đáng chú ý nhưng chắc chắn đã từng xảy ra ở Greenland.
Trước đó một tảng băng lớn khoảng 260 km2, rộng gấp gần 4 lần Manhattan, từng tách khỏi sông băng Petermen ở tây bắc Greenland vào năm 2010. Sau đó, vào năm 2012, một núi băng khác bằng nửa kích thước ấy đã hình thành ở cùng khu vực trên vào năm 2012.
Ngược về trước đó nữa, vào năm 2008, một khối băng lớn khác tách khỏi sông băng Jakobshavn ở phía tây Greenland được ghi lại trong phim Chasing Ice. Theo Pfeffer thì núi băng ấy còn lớn hơn núi băng mới hình thành ở Helheim.
“Theo tôi thì thông điệp ở đây không phải là hiện tượng này chưa từng xảy ra mà là chúng ta đã từng thấy nhiều tiền lệ rồi. Những núi băng khổng lồ hình thành ngày càng nhiều với khoảng cách thời gian ngày càng gần nhau.”
Tad Pfeffer
Mike MacFerrin, một nhà nghiên cứu băng khác từ đại học Colorado Boulder cho biết kích thước của những tảng băng ở Greenland chẳng đáng nói so với những núi băng khổng lồ tách khỏi những giá băng ở Nam Cực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng những tảng băng ở Greenland không quan trọng hay không có vai trò gì.
Trên thực tế, mục đích của nhóm nghiên cứu từ đại học New York là để hiểu rõ hơn quá trình và bản chất của quá trình hình thành băng trôi ở Greenland. Những kiến thức này sẽ được áp dụng vào việc nghiên cứu những núi băng khổng lồ khó tiếp cận ở phía tây Nam Cực.
“Mực nước biển trong tương lai phụ thuộc nhiều vào phía tây của Nam Cực. Kế hoạch của chúng tôi là nghiên cứu các sông băng tại Greenland.
David Holland, trưởng nhom nghiên cứu
Chúng nhỏ bằng một phần mười những sông băng ở Nam Cực. Chúng tôi sẽ thu thập dữ liệu hàng năm. Ngoài Nam Cực thì đây là “phòng thí nhiệm” tự nhiên duy nhất chúng ta có để nghiên cứu Nam Cực”.
Nguồn: Earther
Dịch: Xanh Va
Ảnh bìa: Đại học Columbia