Trị liệu tâm lý bằng tranh chủ nghĩa siêu thực

“Tôi từng phải trải qua rất nhiều đau khổ và nghệ thuật chính là ‘ân nhân’ giúp tôi loại bỏ những đau đớn đó khỏi cuộc sống của mình”.

Tishk Barzanji là nghệ sĩ mang hai dòng máu Anh và Kurd. Ông nổi tiếng nhờ phong cách vẽ tranh siêu thực pha trộn các yếu tố kiến trúc. Chủ thể trong tranh của ông thường mang cấu trúc phi thực tế và chạm đến những góc khuất đau buồn nhất trong cuộc sống con người.

Ông bắt đầu đăng những bức tranh có màu sắc sặc sỡ lên trang Instagram cá nhân của mình từ năm 2016, và từ đó đến nay, đã có hơn 100 tác phẩm tương tự được giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

The Last Banquet là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Barzanji

The Last Banquet (tạm dịch: Bữa tiệc cuối cùng) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, mô tả một người đàn ông dưới hình ảnh là một bóng đen đang giao tiếp với người phụ nữ có mái tóc đỏ tươi, mặc một chiếc váy cùng màu ngồi đối diện. Những vệt xanh lam và hồng cam trải dài trên sàn và tường gợi lên cảnh hoàng hôn ngoài khung hình đầy cảm xúc và ấn tượng.

Barzanji thường sử dụng hình ảnh cầu thang hay phủ bóng các nhân dạng để thể hiện ý tưởng của mình

Bức ảnh phía trên cũng là một tác phẩm độc đáo khác của ông. Những cầu thang kiểu Escher-esque màu xanh và hồng liên kết với nhau, nổi lên từ một vũng sơn đỏ, phía bên dưới cầu thang có vài cây cảnh được đặt rải rác và các nhân dạng được phủ bóng đen đang lao động, phía bên trên của cầu thang là những cánh cửa và lối đi dẫn những bóng đen đó đến bầu trời đầy tinh tú.

“Chủ nghĩa siêu thực cho phép tôi dễ dàng kết nối các ý tưởng của mình với trí tưởng tượng phong phú nhất có thể”, Barzanji nói.

Barzanji được xem là một bậc thầy trong kĩ thuật sử dụng màu tương phản kết hợp đổ bóng, từ đó tạo cho người xem cảm giác không gian trong bức tranh là một thế giới gần như không tưởng.

Chủ nghĩa siêu thực giúp các nghệ sĩ thoát ly khỏi các chủ đề quen thuộc để chạm đến những không gian mới lạ, từ đó làm bật lên nội dung sâu xa là những mảng tối của con người. “Tôi lấy ý tưởng từ cuộc sống thường nhật”, ông giải thích. “Tôi muốn tập trung vào các chi tiết nhỏ và các vấn đề thường bị bỏ qua.”

Một ấn phẩm quảng cáo theo phong cách psychedelic được nhãn hiệu kem đánh răng hữu cơ Lebon sử dụng

Barzanji sử dụng một cuốn nhật ký để ghi chép lại những quan sát của mình về mọi sự vật, sự việc diễn ra xung quanh ông. Từ các nhà ga, nhà hát cho đến công viên, bất cứ nơi nào ông ghé quá đều có thể trở thành chủ đề trong các tác phẩm tiếp theo.

“Tôi bị mê hoặc bởi cách mọi người lựa chọn cuộc sống của mình, cách mọi người giao tiếp với nhau và cách mà kiến trúc đóng góp vào không gian sống của con người”, ông nói.

Một thương hiệu trang sức cao cấp ở Dubai cũng sử dụng phong cách psychedelic trong một ấn phẩm quảng cáo của mình

Trong quá trình tạo ra một tác phẩm, Barzanji luôn kết hợp phương pháp thủ công với công nghệ kĩ thuật số. “Tôi phác thảo đường nét và ý tưởng ra giấy rồi sử dụng màu nước để tạo lớp nền. Sau đó, tôi sẽ đưa lên máy tính và dùng các phần mềm để chỉnh sửa cho đến khi hoàn chỉnh. Thường thì tôi sẽ mất khoảng hai tuần cho một tác phẩm như vậy”, ông nói.

Barzanji bắt đầu tạo ra những hình ảnh rực rỡ sắc màu như một cách thức để trị liệu tâm lý. (Ông từng trải qua khoảng thời gian tị nạn ở London vào năm 1997 và bệnh tật triền miên trong năm học cuối của mình ở Đại học Loughborough)

Barzanji giải thích: “Tôi từng phải trải qua rất nhiều đau khổ và nghệ thuật chính là “ân nhân” giúp tôi loại bỏ những đau đớn đó khỏi cuộc sống của mình”.

Hình ảnh Monopoly diễn tả một cầu thang xoắn bên trong một lồng cầu trên bàn ăn

Việc thường xuyên sử dụng hình ảnh về cầu thang và cửa sổ, dù chưa được xác thực, có thể bắt nguồn từ chính căn bệnh tâm lý của ông. “Tôi bị đau nửa đầu nghiêm trọng, tôi thực sự rất lo lắng”, ông giải thích. “Bác sĩ bảo rằng bất cứ khi nào tôi cảm thấy mệt mỏi, hãy tưởng tượng đến những cánh cửa ra vào và những khung cửa sổ với không gian bên kia của những chiếc cửa đó là một thế giới tốt đẹp hơn.”

Barzanji thiết kế một poster cho các buổi chiếu phim ngoài trời của Film4 vào mùa hè 2018

Song song với quá trình điều trị, Barzanji bắt đầu chia sẻ những tác phẩm của mình lên phương tiện truyền thông xã hội. Hiện ông đã có hơn 78.000 người theo dõi trên Instagram.

Hiện nay, nguồn thu nhập chính của ông đến từ việc sáng tác các ấn phẩm quảng cáo và in ấn. Mùa hè năm ngoái, ông đã hợp tác với Supple Studio thiết kế poster quảng bá cho các buổi chiếu phim  ngoài trời của Film4 tại Somerset House.

Tác phẩm Lost and Found mô tả hai nhân vật đứng trong một không gian khác lạ và đầy sự đổ vỡ, mơ hồ

Barzanji hiện được đại diện chính thức bởi Jelly London và sắp tới ông muốn phát triển thế giới hư cấu trong tranh của mình vào cuộc sống thông qua công nghệ 3D.

Hiện nay, các tác phẩm của Barzanji đang được trưng bày trên trang web riêng của ông và mọi người có thể mua tranh của ông trực tuyến ngay trên đó.

Nguồn: dezeen
Người dịch: Thùy Vân

Cùng tác giả

#Tag

minh hoa nghệ sĩ minh họa tâm lý trị liệu

iDesign Must-try

Thư giãn cùng bộ ba mèo con đáng yêu, tinh nghịch qua loạt tranh của NEKO OJIMEOW
Thư giãn cùng bộ ba mèo con đáng yêu, tinh nghịch qua loạt tranh của NEKO OJIMEOW
NEKO OJIMEOW là một họa sĩ tranh minh họa đến từ Đài Loan. Trên nền tông vàng pastel đặc trưng, họa sĩ đưa người xem đến với thế giới nghệ…
Những ‘căn cứ’ đầy thu hút qua loạt tranh minh họa của Akabane
Những ‘căn cứ’ đầy thu hút qua loạt tranh minh họa của Akabane
Akabane Boogie Woogie (赤羽ブギウギ) là họa sĩ tranh minh họa đến từ Nhật Bản, với bảng màu nổi bật và góc nhìn bao quát, những tác phẩm của Akabane đưa…
Những bức tranh minh họa cắt khung đầy màu sắc và chi tiết của Hinano
Những bức tranh minh họa cắt khung đầy màu sắc và chi tiết của Hinano
Hinano (日菜乃) là họa sĩ tranh minh họa đến từ Nhật Bản, những tác phẩm của Hinano thường bao gồm nhiều khung tranh nhỏ khắc họa những chi tiết, hình…
Nghệ thuật và Sức khỏe tâm lý - (Phần 1)
Nghệ thuật và Sức khỏe tâm lý - (Phần 1)
Trong bài viết này, ta sẽ bàn về cách cảm xúc tích cực được hình thành từ trải nghiệm thẩm mỹ ảnh hưởng đến tâm trạng, từ đó gián tiếp…
Cẩm Tú & Thiết kế sáng tạo: Câu chuyện về yếu tố bản địa ở nước ngoài
Cẩm Tú & Thiết kế sáng tạo: Câu chuyện về yếu tố bản địa ở nước ngoài
Yếu tố bản địa hay được giải thích dễ hiểu hơn là văn hóa tại khu vực đó – ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện thiết kế…
Minh họa sách Đồng Dao của Vườn Illustration: Cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ
Minh họa sách Đồng Dao của Vườn Illustration: Cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ
Tranh Đông Hồ là bộ môn nghệ thuật truyền thống phản ánh giá trị thẩm mỹ truyền thống, những triết lý xã hội và ước vọng nhân văn. Các chủ…