Áp lực thành công: Nỗi khổ vô hình trong ngành sáng tạo
Với những ai đã và đang làm việc trong ngành sáng tạo, việc định nghĩa khái niệm ‘thành công’ một cách rõ ràng và chuẩn xác là điều rất hiếm người làm được.
Bạn đã thành công chưa khi là họa sĩ minh họa cho bìa tạp chí The New Yorker? Hay phải đạt hơn 100k follower trên Instagram mới được gọi là có chút ‘thành tựu’?
Dấn thân vào con đường nghệ thuật, từng bước bạn đi khá vô định và thành công là một thứ gì đó rất mơ hồ. Bạn không hề biết mặt mũi anh bạn “thành công” ra sao và lúc nào thì ảnh mới chịu tới. Vì vậy, phận làm nghệ thuật lúc nào cũng loay hoay, luôn cố gắng truy tìm ý nghĩa trong việc mình làm, thổi hồn mình vào các tác phẩm sáng tạo – theo cách rất riêng và kín đáo. Điều này đồng nghĩa với việc, những lời phán xét, chối từ của dư luận sẽ chạm đến phần sâu thẳm nhất trong con người người nghệ sĩ. Ngày qua ngày, mọi áp lực, tổn thương ấy cứ dày vò tâm trí họ, từng chút một.
Nhà tâm lý học Eric Maisel, tác giả cuốn The Van Gogh Blues: The Creative Person’s Path Through Depression chia sẻ: “Một bí mật đau thương nho nhỏ là, nếu bạn dành 3 năm để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết và cuối cùng tác phẩm ấy cũng thành công, khoảnh khắc ngắn ngủi sau đó, bạn cảm thấy dường như cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, bạn cảm thấy yêu đời và tự tin hơn… Nhưng khoảng thời gian trước khi đạt được thành tựu thì sao? 700, 800 ngày chỉ là những chuỗi ngày áp lực đè nén bạn đến kiệt sức, bạn gần như không cảm nhận được chút gì là tốt đẹp hay ý nghĩa trong việc bạn đang làm.”
Vậy sẽ kinh khủng ra sao nếu sau những chuỗi ngày khốn khổ đó, trước mặt bạn vẫn là một tương lai đầy tăm tối mịt mờ?
Một cách để giải quyết vấn đề trên là hãy nhìn lại chính mình, cố gắng tìm cho mình một thước đo chuẩn mực của sự thành công, có thể là danh tiếng, tiền bạc, hoặc địa vị xã hội. Những điều đó như một bàn đạp giúp bạn tiến về phía trước, nhưng cẩn thận nhé, đôi khi chúng lại là thứ khiến bạn lầm đường lạc lối đấy!
Mr Bingo, người từng “được công nhận tài năng, có được sự kính trọng từ người khác và vô cùng giàu có, tiền bạc phủ phê”, ông có cuộc sống mà dường như ai cũng cần phấn đấu để có được trong đời này.
Tuy vậy, dù đã chạm đến đỉnh vinh quang trong sự nghiệp, sự trống trải và vô vị vẫn còn đó. Vào năm 2015, Mr Bingo quyết định từ bỏ sự nghiệp vẽ minh họa (illustration) cho The New Yorker, The Guardian, The Mighty Booshand… để thỏa sức thực hiện những gì mình cảm thấy có ý nghĩa. Với ông bấy giờ, thành công là khi cảm nhận được sự “vui tươi và tự tại.”
“Bận rộn nghĩa là bạn đang mất đi
sự kiểm soát trong cuộc sống,
và ít dần những giây phút
thảnh thơi cho tâm hồn.”
Định nghĩa lại khái niệm thành công, sự nghiệp của Mr Bingo giờ đây đã bước sang những trang mới hoàn toàn. Trong đầu ông giờ không còn biết tới bận rộn là gì nữa, ông không còn coi sự bận rộn là một điều gì đó khiến ông tự hào như trước.
“Bận rộn nghĩa là bạn đang mất đi sự kiếm soát trong cuộc sống, và ít dần những giây phút thảnh thơi cho tâm hồn. Đó là điều tôi không hề mong muốn. Bận rộn giống như bạn đang bị nhu cầu của người khác điều khiển, trói buộc vậy. Tôi đã để chuyện đó kết thúc cách đây 3 năm, giờ nếu mà tôi có bận rộn thì cũng là ý muốn của chính mình, không ai bắt buộc tôi phải bận rộn nữa cả.”
Andrew Mari, một nhà văn best-seller của tờ New York Times, đồng thời là người vẽ minh họa, cũng mắc phải những ngộ nhận tương tự. “Vào năm 21 tuổi, thành công lúc đó đối với tôi là một món hàng có thể đem ra cân đo đong đếm: số tiền tôi đang kiếm được là bao nhiêu, bao nhiêu thành tựu mà tôi đã đạt được, tôi có bao nhiêu người bạn thân trong đời,” cô nói.
Khoảng 10 năm sau đó, mặc dù các con số đã tăng lên đáng kể, nhưng không có vẻ gì là cô đang gặt hái thành công. Hơn 850,000 lượt follow trên Instagram chỉ như một áp lực vô hình khủng khiếp, khiến cô không còn dám đối diện với sự thất bại.
Và từ khi ấy, cô bắt đầu học cách trân trọng những cảm xúc của bản thân hơn, chứ không còn đặt nặng các số liệu vô nghĩa như trong quá khứ nữa. “Đơn vị để mô tả sự thành công của tôi giờ đây là những trải nghiệm mà tôi có được: Tôi đang cảm thấy cuộc sống của mình như thế nào? Công việc đang làm có truyền cảm hứng mỗi ngày cho tôi không? Cuộc hành trình nào mà tôi muốn đi tiếp? Nó thú vị chứ?” cô giải thích. “Tôi không ngừng tìm kiếm những điều mới mẻ để làm mình toả sáng hơn. Nếu không là những thứ đó, thì là cái gì đây?”
Vì cứ mải mê xác định những ước muốn thực sự của bản thân, chúng ta liên tục quan sát bạn bè, đồng nghiệp xung quanh rồi tìm cách so sánh cuộc đời họ với cuộc sống của chính mình. Họ nhận được nhiều lượt likes quá nhỉ, họ có nhiều follower hơn mình thì phải? Khách hàng mà mình hằng ao ước hình như đang làm việc với họ?
“Chọn đúng công việc, và chăm chỉ mỗi ngày.
Thành công sẽ tự nhiên mà đến.”
Dường như thời đại mạng xã hội phát triển vũ bão như hiện nay lại là thứ khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức, khi cứ phải liên tục ngắm nhìn cuộc sống của người khác. Tuy vậy, đây không phải là hiện tượng mới; từ xa xưa tổ tiên con người đã cảm thấy bất an khi địa vị trong bầy của họ bị lung lay.
Ta dễ dàng hạ giá trị của bản thân đến mức rẻ mạt, khi nhìn vào những chiến công và thành tích mà người khác đang sở hữu.
Chính những điều đấy đã bóp méo tư duy, suy nghĩ của chúng ta, và cũng là thủ phạm làm chết đi sức sáng tạo ở mỗi con người. Thành công vang dội của mạng xã hội ngày hôm nay, chính là những khó khăn mà những họa sĩ thiết kế hiện đang phải đối mặt, và nhà thiết kế đồ họa Beci Orpin tỏ ra rất đồng cảm về điều này.
“Hồi khoảng thời gian trước đó, tôi đã tổn hao quá nhiều tinh lực trong việc ganh ghét và đố kỵ người khác. Những thành công mà tôi đạt được, vẫn không giúp tôi thỏa mãn so với những gì họ đang có.” cô nhớ lại.
“Đơn vị để mô tả thành công của tôi
giờ đây là những trải nghiệm của chính mình:
Tôi đang cảm thấy cuộc sống của mình như thế nào?
Công việc đang làm có truyền
cảm hứng mỗi ngày cho tôi không?
Cuộc hành trình nào mà tôi muốn đi tiếp?
Nó thú vị chứ?”
“Chính các trang mạng xã hội hiện nay, đã thay mặt chúng ta định nghĩa như thế nào là chuẩn mực thành công của một con người. Nó làm ta mất đi sự tự tin vào bản thân, và làm ta quên mất điều gì mà ta mới thực sự cần trong cuộc đời này. Nhưng nói cho cùng, chỉ cần bạn chọn đúng công việc, và chăm chỉ mỗi ngày. Thành công sẽ tự nhiên mà đến.”
Khi không còn để tâm so sánh giữa mình và người, Beci dễ dàng tập trung toàn bộ tinh thần để thực hiện công việc của bản thân, và ngày càng hoàn thiện phiên bản thành công cho chính mình. “Khi bớt lo âu, nghĩ ngợi người khác đang có gì, tôi bắt đầu chú tâm hơn vào cái tôi đang làm, và cố gắng hết sức để đạt được nó.”
Chính suy nghĩ tích cực đó đã giúp cô đạt được những thành tựu nhất định trong sự nghiệp của mình. Cô bây giờ được biết đến như là một người chỉ đạo tuyệt vời cho các designer và hoạ sĩ trẻ. Theo cô, đây là cách để tạo sự khác biệt, và giúp mọi người tìm được động lực sống.
“Là một nhà thiết kế, công việc tôi đang làm chỉ đơn giản là giúp mọi thứ trở nên đẹp đẽ hơn. Dĩ nhiên có những người phát minh ra các sản phẩm làm thay đổi cả thế giới, tôi không nằm trong số đó.” Cô cho biết. “Nhưng tôi có thể lan toả những ý tưởng, thông điệp tích cực đến cho mọi người xung quanh.”
Mặc dù Mr Bingo và Beci đã tìm được cho mình một lối đi riêng, không còn những áp lực đè nặng lên cuộc sống nữa. Nhưng không có nghĩa là họ thụ động, và dậm chân tại chỗ.
“Trong một vài lần được mời đến làm diễn giả để kể về cuộc đời của mình, khoảnh khắc vừa chuẩn bị bước lên sân khấu, tôi có cảm tưởng mình bị mắc hội chứng kẻ mạo danh (imposter syndrome), tôi đạt được mọi thứ đều là do may mắn, tôi không có tài cán gì cả.”
“Trong ngành sáng tạo, động lực duy nhất thúc đẩy bạn tiến tới là việc làm ra những điều mới mẻ cho cuộc sống và đón chờ sự ảnh hưởng của nó đến mọi người …”
Thường xuyên nằm trong vùng an toàn sẽ khiến bạn bị thụ động, không còn động lực mưu cầu điều mới mẻ nữa. “Làm những thứ bạn cảm thấy quen thuộc thì rất dễ dàng, thoải mái đúng không? Nhưng nó là kẻ thù số một của sức sáng tạo đấy.”
“Giây phút mà bạn tưởng mọi thứ đã xong xuôi,
thì chính là lúc nó bắt đầu vỡ vụn ra.”
Thoát khỏi vùng an toàn là mấu chốt quyết định. “Bạn phải đặt mình vào những công việc mà bạn chưa từng làm, chưa từng thử qua – và có như vậy thì khả năng sáng tạo của bạn mới tăng lên đáng kể được.”
Tuy vậy, chúng ta vẫn cần tìm được sự cân bằng giữa việc truy tìm cái mới và trân trọng những gì đã làm được. Đối với Mari, thường xuyên ôn lại những dự án đã trải qua, như một cách tìm đến sự cân bằng đó.
“Tôi rất trân trọng những gì mà bản thân cố gắng đạt được, nhưng cuộc sống thì bất biến, nó luôn luôn chuyển động và thay đổi. Nó đem đến những bất ngờ, mà bạn không thể nào hình dung nổi. Giây phút mà bạn tưởng mọi thứ đã xong xuôi lại là là lúc nó bắt đầu vỡ vụn.”
Minh họa: Alex Norris
Nguồn: WePresent
Người dịch: Đông Đông