Chuyện của Robin & Cako: Việt Nam - Điểm hội tụ của sáng tạo
Robin Mahieux
Robin trưởng thành trong một gia đình có bố mẹ làm nghệ thuật tại Albi, một vùng quê thanh bình miền Nam nước Pháp. Chính cha anh là người đã giới thiệu anh đến với nghề làm phim. Đối với Robin, làm phim là niềm đam mê lớn nhất đời.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Robin bắt đầu làm việc với vai trò đạo diễn cho một số ban nhạc và quay phim cho Nintendo. Năm 19 tuổi, anh rong ruổi khắp thành phố Thượng Hải, Trung Quốc cùng một chiếc ba lô và 2,000 đô Mỹ dằn túi. Anh vừa là một vị khách tha hương, vừa là người đang tìm kiếm tương lai. Tại đây, một số người ngỏ lời muốn anh sản xuất video ca nhạc cho họ. Tuy nhiên, những công việc như thế không mang lại thu nhập ổn định cho anh. Hai năm sau đó, Robin quyết định trở về nhà.
Một ngày trước khi về Pháp, Robin gặp một người bạn đang làm việc cho một studio tại Thượng Hải. Lần này, may mắn đã mỉm cười với Robin. Người bạn đó bảo anh trở về Pháp để giúp họ quay một dự án tại Paris. Sau lần hợp tác đó, Robin chính thức trở thành đạo diễn hình ảnh cho một studio sản xuất có trụ sở ngay tại Thượng Hải. Công việc này cho anh cơ hội để du ngoạn vòng quanh thế giới và làm việc với những thương hiệu hàng đầu như Sony, Porsche, New Balance và Chanel. Sau bao năm dài chật vật, cuối cùng Robin đã có được công việc mơ ước của mình.
Anh Phi Cako
Cako là biệt danh của Anh Phi Tran, cậu bé đường phố mang dòng máu Việt, sinh ra và lớn lên ở ngoại ô phía Đông Paris.
Ở tuổi 18-21, Cako đã thử sức với rất nhiều vị trí trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo, từ biên tập viên cho tạp chí, quản lý truyền thông cho kênh âm nhạc cũng như chỉ đạo nghệ thuật cho các dự án thời trang của Maison Kitsuné, và các hãng thông tấn uy tín như VICE Media, i-D Magazine. Cũng giống Robin, Cako thích nhìn những nơi mình đã đặt chân đến qua lăng kính riêng của mình.
Trong thời gian thực hiện một dự án cho Cartier, Cako được nghe kể về Robin. Họ nói chuyện lần đầu vào khoảng tháng 8 năm 2015. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là lần gặp mặt chính thức của họ.
Từ Paris đến Sài Gòn
Mãi đến tháng 4 năm 2016, trong một dịp hợp tác chung, hai người mới gặp nhau lần đầu tại một quán cafe ở Paris. Ngay lập tức, Robin và Cako nhận ra họ có rất nhiều điểm tương đồng. Họ mê làm phim và thích bàn luận những vấn đề liên quan đến văn hóa, xã hội. Họ làm việc hăng say và dám thách thức bản thân để tạo ra những điều mới mẻ. Đối với họ, sáng tạo và sức trẻ là không giới hạn. Bộ đôi sáng tạo Robin & Cako ra đời từ đó.
Tháng 6 năm đó, Robin và Cako bắt tay vào thực hiện dự án phim ngắn đầu tiên. Đó là lời tự sự về những năm tháng cuộc đời của một người đàn ông Việt Nam vượt biên sang Pháp. Bộ phim hiện vẫn chưa được hai người công chiếu.
Những thành phố lớn như New York, London, Paris hay Tokyo đều rất đẹp, nhưng cái đẹp đó từ lâu đã là nguồn cảm hứng sáng tạo của rất nhiều người, từ những bài hát, sách cho đến phim. Robin và Cako luôn muốn được khám phá những vùng đất lạ và truyền tải cái lạ đó vào phim của mình.
Tháng 11 năm 2016, Robin phát hiện ra một ngôi làng rất đẹp ở Nhật Bản. Anh nhấc máy gọi Cako bảo rằng anh muốn tự mình lái xe đến đó và quay phim. Để đáp lại, Cako bắt chuyến bay đến Nhật hai ngày sau đó. Thế rồi họ cùng nhau khám phá nét hoang sơ và kỳ bí của Nhật Bản.
Sau trải nghiệm hết sức ngẫu nhiên này, Cako sực nhớ ra: “Ồ! Chúng ta đang ở rất gần Việt Nam. Hãy đến Việt Nam đi!”
Chào Việt Nam
Những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, Robin và Cako chỉ nghĩ đơn giản là đến để khám phá Việt Nam, nếu có cơ hội làm việc thì càng hay. Người đầu tiên bộ đôi gặp gỡ tại Việt Nam là anh Tuân Lê, giám đốc sáng tạo The Lab Saigon.
Thông qua lời giới thiệu của anh Tuân, Robin và Cako có cơ hội được cộng tác vào một dự án Hành trình cuộc sống của AIA nhằm gây quỹ mua xe đạp trao tặng cho các trẻ em nghèo hiếu học. Trước khi đến Việt Nam, cả Cako và Robin chưa bao giờ chứng kiến cảnh các em nhỏ phải làm việc cực khổ để có cơ hội được đến trường như vậy. Với hy vọng đóng góp một phần nào đó vào dự án ý nghĩa này, Robin và Cako đã lặn lội đến những vùng còn khó khăn, đứng đợi trước cổng trường để được trò chuyện cùng các em. Nhìn những thước phim gần gũi mà ý nghĩa của Robin và Cako, người xem mới thấm thía hết tâm huyết của hai người trẻ này.
Sau dự án với AIA, Robin và Cako đã quyết định chọn Việt Nam là nhà và bay qua lại giữa các quốc gia để làm việc. Họ bắt đầu nhận nhiều dự án hơn. Một số là dự án thương mại cho các nhãn hàng, số còn lại là những dự án để thoả mãn đam mê cá nhân. Đối với Robin và Cako, bất kể là dự án thương mại hay cá nhân thì đều phải truyền tải những thông điệp ý nghĩa. Ngoài ra, cả hai còn có hứng thú đặc biệt với những ý tưởng hoặc đề bài ngắn gọn. Bởi theo họ, những chủ đề ngắn gọn thường mang đến những chân trời sáng tạo vô biên. Phim ngắn “Saigon has no label” mà bộ đôi hợp tác với The Lab Saigon cũng ra đời từ một đề bài ngắn gọn như thế.
Saigon has no label
Tháng 9 năm 2017, anh Tuân ngỏ lời mời Robin và Cako tham gia chỉ đạo sản xuất cho một dự án phim ngắn nhằm quảng bá cho cửa hàng concept mới của The Lab Saigon. Khi đến gặp hai người, những gì anh Tuân mường tượng trong đầu chỉ gói gọn trong hai từ “chất” và “điên”. Thời điểm đó cũng đánh dấu một năm tròn Robin và Cako đặt chân đến Việt Nam.
Suốt một năm ở đây, Sài Gòn đối với Robin và Cako giống như những mảng màu thời gian được pha trộn không theo quy luật nào. Thành phố này không chỉ là chứng nhân của một thời kỳ lịch sử hào hùng mà còn là một thực tại nhiều thay đổi và một tương lai không tài nào đoán trước. Sài Gòn của Robin và Cako là một vùng đất vừa hoài cổ vừa vị lai, là nguồn cảm hứng mà cả hai muốn thổi vào những thước phim của mình.
Những ngày tháng sau đó, hai kẻ sáng tạo rong ruổi khắp các ngõ ngách của thành phố để chắt lọc cái hồn của Sài Gòn. Giữa những tầng lớp hiện đại đang chồng chất mọc lên, đâu đó vẫn là những con hẻm sâu, những cư xá cũ. Chừng nào thành phố còn những dòng người nối đuôi nhau trên những chiếc xe máy, thì vẫn còn khói bụi và những hiểm nguy từ đường phố. Ở Sài Gòn, có người trẻ bon chen nhau sống đời hiện đại thì cũng có những thế hệ đi trước lưu giữ nét truyền thống, nghề gia truyền. Những mảng màu tương phản như thế, phải nhìn kỹ, ngẫm lâu thì con người ta mới hiểu trọn được.
“Saigon has no label” ngắn thật, nhưng quá trình làm phim thì không ngắn và công sức bỏ vào không hề ít. Là hai tháng ròng lên ý tưởng và chuẩn bị. Là hai ngày quay gấp rút với một đội ngũ gần trăm người tình nguyện, đến từ rất nhiều lĩnh vực. Thời trang có, thiết kế có, truyền thông cũng có. Và sau đó là quá trình dựng phim cũng mất gần hai tháng. Tất cả chỉ để gói gọn một Sài Gòn đa chiều như lăng kính vạn hoa trong thước phim chỉ dài vỏn vẹn hơn hai phút. Không phải một video thời trang hay ca nhạc, người trong cuộc gọi “Saigon has no label” đơn giản chỉ là trailer của một bộ phim không bao giờ được công chiếu.
Kết
Mượn câu chuyện của Robin và Cako, chúng tôi muốn chứng minh cho bạn thấy rằng Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng xứng đáng là điểm hội tụ của thế hệ trí thức và sáng tạo trẻ trong nước và quốc tế.
Dĩ nhiên, con người ta không tìm đến Việt Nam nếu họ muốn một môi trường văn minh, tiện nghi bậc nhất. Ở Việt Nam cũng chưa có nhiều môi trường làm việc hay sáng tác nghệ thuật lý tưởng như những quốc gia phát triển khác. Xã hội của chúng ta cũng còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Đất nước này đòi hỏi con người ta phải chịu khó quan sát, học cách thích ứng trước những đổi thay, kiên nhẫn và gan dạ. Nói tóm lại, Việt Nam không phải là nơi dành cho những kẻ chỉ yêu thích sự an toàn.
Việt Nam là một miền đất hứa không phủ màu hồng, là nguồn cảm hứng bất tận cho những kẻ liều lĩnh. Bạn có dám thử thách bản thân mình không?
- Duka Workshops: Tìm về sự bình yên qua nghệ thuật Calligraphy
- Maison Marou – Không gian trải nghiệm dành cho tín đồ yêu chocolate
- Đắm mình trong mùa hạ, hoà mình vào biển sâu
Nguồn: vietcetera