Hệ thống kính tự làm sạch - kỉ nguyên mới của kiến trúc?
Công ty kiến trúc Builtd ở thành phố New York vừa xây dựng tòa nhà chung cư 25 tầng tại 570 Broome Street. Đây là tòa nhà nổi bật với tính năng sử dụng hệ thống mặt tiền bằng đá của thương hiệu Neolith có khả năng xử lý những chất thải ô nhiễm thành các khoáng chất trung tính và hơi nước.
Bề mặt đá Neolith với công nghệ Pureti chứa Titanium Dioxide (TiO2), khi tiếp xúc với tia cực tím UV từ ánh sáng mặt trời có thể loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm không khí. “Công nghệ Pureti đã đảo ngược quá trình gây ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí, đồng thời còn giúp mặt tiền của công trình được sạch hơn. Bên cạnh đó, công nghệ đô thị tự động này không chỉ mang ý nghĩa phát triển, chúng còn giúp con người có ý thức hơn về môi trường, một tính năng bền vững tuyệt vời.”
Đại diện của công ty chia sẻ rằng: “Trước khi cộng tác với Neolith, công ty kiến trúc Builtd chủ yếu hoạt động thiên về lĩnh vực thương mại. Thật thú vị khi họ đã ứng dụng công nghệ lọc không khí vào dự án dân cư của mình và hy vọng rằng động thái này sẽ truyền cảm hứng cho các nhà phát triển cùng nhiều ngành công nghiệp khác.” Bên cạnh đó, họ còn liên hệ với NASA nhằm đưa công nghệ Pureti lên bề mặt trạm vũ trụ quốc tế và Khu Đại học Cộng Đồng Los Angeles. Công ty Builtd dự kiến sẽ đưa công nghệ ốp lát và pin mặt trời vào nhiều tòa nhà với mong muốn nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn năng lượng.
Nhưng một số người lại tự đặt ra nghi vấn rằng liệu công nghệ này có thực sự không gây tổn hại đến môi trường sau thời gian dài sử dụng hay không. Gần đây nhất, Lloyd Alter đã viết trên TreeHugger và trích dẫn nhiều nghiên cứu khác nhau nhằm giải quyết những ảnh hưởng lâu dài có hại đến việc sử dụng chất xúc tác quang học Titanium Dioxide.
Một trong số những nghiên cứu được Bộ môi trường, Thực phẩm và Nông thôn của Anh công bố vào 2016 rằng: “Trong điều kiện nhất định ở phòng thí nghiệm, các bề mặt chứa chất xúc tác quang học đã được chứng minh là chúng thực sự có hiệu quả trong việc làm giảm nồng độ NOx.”
Trong các nghiên cứu thực địa ở London, lại không có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy việc các tấm xử lý bề mặt chứa chất xúc tác quang học có thể làm giảm các chất ô nhiễm.
Một nghiên cứu khác từ Pháp và Trung Quốc cũng cho thấy kết quả tương tự “Các tấm xúc tác quang học còn có nguy cơ sản sinh ra nhiều loại chất không mong muốn khác như Axit Nitrous và Formaldehyde, các hợp chất tác động xấu đến khí quyển cũng như sức khỏe.”
Khi nói đến công trình tại 570 Broome Street, người sáng lập công ty Builtd và kiến trúc sư Tahir Demircioglu đã thừa nhận rằng các thiết kế của họ không hoàn toàn sử dụng các quan điểm sinh học nếu so sánh với nhiều công trình khác được chứng nhận LEED (chứng nhận các công trình xây dựng xanh của Mỹ). Tuy nhiên, họ lại cho rằng dự án công trình này phù hợp hơn với tình trạng nhà ở thực tế hiện nay ở New York, nơi mà các quan điểm tự do được ưa chuộng.
“Các bề của vật liệu được sản xuất với 100% nguyên liệu tự nhiên trải qua quá trình xử lý với áp suất và nhiệt độ cao, tạo ra loại vật liệu cực kỳ mạnh mẽ và bền bỉ.” Tahir Demircioglu chia sẻ thêm. Ông tin rằng nhiều nhà thiết kế trong tương lai sẽ tiếp xúc gần hơn với loại vật liệu xúc tác quang học và biến toàn bộ mặt tiền của tòa nhà thành một hệ thống loại bỏ mọi hợp chất gây ô nhiễm.
Trong khi những cuộc tranh luận vẫn tiếp tục nổ ra thì một điều hiển nhiên phải nhắc đến chính là thông qua mối quan hệ cộng tác và trao đổi trung thực giữa cộng đồng khoa học, các nhà phát triển dân cư, thương mại cùng nhiều nhà thiết kế, kiến trúc sư mà chúng ta đã có thể giải quyết triệt để tác động của nhiều dự án cơ sở hạ tầng cho đô thị mới lên môi trường tự nhiên.
Nguồn: Theculturetrip
Người dịch: Cừu