Giảm rác nhựa bằng muỗng ăn được
Rác thải nhựa hiện đang bao phủ các đại dương và bãi chôn lấp. Trong 70 năm qua, chúng gây ra ô nhiễm khắp nơi, đến mức các nhà khoa học cho đó là cột mốc của một kỷ nguyên địa chất mới Anthropocene.
Dụng cụ ăn uống bằng nhựa là một phần của vấn đề này – ước tính cho thấy mỗi năm chỉ riêng nước Mỹ đã sử dụng 40 tỷ đồ dùng nhựa. Tuy nhiên nhà sáng lập một công ty Ấn Độ chuyên về dụng cụ ăn uống Bakeys nghĩ rằng ông có giải pháp cho vấn đề này, đó là tạo ra những dụng cụ ăn uống có thể ăn được.
Những chiếc muỗng này thân thiện với cả người ăn chay, chúng được làm từ gạo, bột mì và cao lương, một loại lúa có nguồn gốc từ châu Phi. Cao lương được chọn làm nguyên liệu chính vì độ cứng của nó (nó không bị sũng ra trong nước) và cũng chính vì nó có thể được trồng ở các vùng bán khô hạn.
Loại muỗng này có ba hương vị gồm vị mặn (muối và thì là), ngọt (đường), và không vị. “Nó có vị như bánh quy giòn, thật ra là một chiếc bánh quy khô vì chúng tôi không cho chất béo vào. Loại muỗng này có thể được dùng với bất cứ loại thức ăn nào.”Hương vị của thức ăn sẽ hòa quyện trong chiếc muỗng này” ông Narayana Peesapaty, người sáng lập công ty cho hay.
Công ty đã thực hiện chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng trên Kickstarter và chiến dịch tại Ấn Độ trên nền tảng Ketto đã đạt được thành công hơn sức mong đợi. Peesapaty cho biết ông đã nhận được email từ khắp nơi trên thế giới. “Nó quá đơn giản và cũng chính sự đơn giản đó đã thu hút sự chú ý của hầu hết mọi người.” Ông chia sẻ.
Trước đây, ông Peesapaty làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Cây trồng của Viện Quản lí Nước Quốc tế và ông muốn sử dụng những nguyên liệu thô để không gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước.
Công ty Bakeys cho hay những loại muỗng khác cần đến vài ngày mới có thể phân hủy sau khi bị bỏ đi. Bakeys chia sẻ điều này khiến sản phẩm của họ thân thiện với môi trường hơn so với các dụng cụ bằng nhựa phân hủy sinh học được làm từ nhựa ngô cần phải chịu nhiệt độ cao trong các cơ sở ủ phân chuyên dụng để phân hủy.
Những chiếc muỗng được đóng gói trong túi giấy và được vận chuyển trong thùng xốp để tránh bị bể. Peesapaty thừa nhận đây là phần ít chắc chắn nhất trong việc thực hiện chiến dịch và đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Mặc dù muỗng ăn được chỉ mới tìm ra gần đây, một video trên Facebook cùng Peesapaty đã có hơn 5 triệu lượt xem. Bakeys đã tạo ra những chiếc muỗng này trong một nhà máy tại Hyderabad, Ấn Độ từ 2011 chỉ với 9 phụ nữ. Công ty đã bán được 1,5 triệu thìa mỗi năm cho các công ty phục vụ ăn uống tại các đám cưới và sự kiện, nhưng Peesapaty hy vọng việc tiếp nhận từ các nhà cung cấp thực phẩm sẽ tăng lên.
Tuy nhiên thách thức vẫn còn đó. Peesapaty hy vọng sẽ mở rộng sản phẩm sang đũa và đĩa ăn được, và cả dao ăn được. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất chính là cước phí. Bakeys có thể bán một chiếc muỗng ăn được với giá 2 rupee (khoảng 670 VNĐ), rẻ hơn so với muỗng gỗ nhưng lại đắt gấp đôi muỗng nhựa.
Mục tiêu của Peesapaty là có thể giảm phí một chiếc muỗng xuống 1,5 hoặc 1 rupee. Ông hy vọng sẽ thực hiện được điều này bằng việc tìm nguồn cung ứng cây trồng trực tiếp từ nông dân và xây dựng một nền kinh tế quy mô bằng việc thêm dây chuyền sản xuất mới bằng đầu tư trực tuyến.
Nguồn: The Guardian
Người dịch: Jane