Chụp ảnh động vật hoang dã đúng cách
Chụp ảnh động vật hoang dã là cách tuyệt vời để chúng ta gần gũi hơn với các loài động vật trong thiên nhiên. Nhưng thật không dễ dàng gì để tiếp cận chúng – một cách khéo léo – để chúng không phát hiện rằng mình đang nằm trong “tầm ngắm” của bạn.
Theo chân Warren Samuels – Nhà quay phim đài BBC Documentary kiêm Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã (ĐVHD) để biết ông đã chụp những bức ảnh hoang dã tuyệt vời như thế nào.
1.Không làm náo động môi trường sống tự nhiên
Động vật có khả năng cảm nhận sóng hạ âm rất tốt, thậm chí cách xa chúng hàng trăm dặm (điển hình như cá voi). Điều này có nghĩa là dù đang đứng giữa núi rừng hoang sơ, những người bạn ấy vẫn không thể thoát khỏi âm thanh do con người gây ra. Tiếng ồn hủy hoại môi trường tự nhiên và đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài ĐVHD; phá vỡ hành vi bình thường và có thể khiến những người bạn của chúng ta hoảng sợ.
2.Đừng cố gắng thu hút sự chú ý của ĐVHD
Thật liều lĩnh nếu bạn cố gắng la lớn tiếng để thu hút sự chú ý của chúng về phía máy ảnh. Đó là hành vi gây rối, xâm phạm tự nhiên và được xem là thiếu chuyên nghiệp. Còn nữa, hãy nhớ tắt tiếng “bíp” và đèn flash từ các thiết bị chụp ảnh.
3.Không tự ý cho ĐVHD ăn
Đứng trước túi bánh quy hay miếng thịt xông khói hấp dẫn, cũng như con người, những người bạn này lập tức sẽ chạy đến và quy tụ thành một nhóm lớn đông đúc. Khi đó, nguy cơ lây lan các loài vật ký sinh và bệnh tật sẽ tăng cao, chúng sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ sức khỏe.
Hơn nữa, việc ĐVHD có tâm lý cảnh giác trước các loài vật khác là để bảo vệ an toàn cho chính nó. Một cách tự nhiên, chúng không thoải mái khi tiếp xúc với con người. Tâm lý cảnh giác đó sẽ mất dần đi khi chúng coi con người là nhân tố cung cấp đồ ăn ngon cho mình. Và điều này dẫn đến nhiều vấn đề cho cả ĐVHD dã và con người. Tưởng tượng nhé, chúng sẽ tìm đến những khu vực đông đúc, khả năng bị ô tô đâm rất cao. Và ngược lại, nếu vô tình bạn thấy sự xuất hiện của một chú gấu mèo đang “lục lọi” thức ăn từ thùng rác, rồi bạn giật mình thét lên, chú gấu ngay lập tức sẽ tấn công bạn.
4. Đừng cố gắng tiếp cận với ĐVHD
Tuyệt đối tuân thủ quy định của người hướng dẫn, nên ngồi yên trong ô tô và hãy lưu ảnh chụp ở chế độ RAW. Nhớ rằng bạn không cần phải đến thật gần “chủ thể” thì mới có được tuyệt phẩm, hướng dẫn viên sẽ biết cách để bạn có được tấm ảnh xuất sắc nhất mà không tác động đến tự nhiên.
Cũng như chúng ta, những người bạn này cũng không muốn bị loài vật khác xâm phạm lãnh thổ của mình. Khách không mời mà đến ư? Để đáp lại, chúng sẽ tấn công dữ dội – hoặc buộc bạn phải “di cư” đến một khu vực mới kém đẹp hơn.
Đôi khi bạn muốn có một chiếc ảnh thể hiện rõ nhất quá trình săn mồi của chúng. Nghe tuyệt đấy, nhưng trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, âm thanh mà bạn tạo ra có thể vô tình làm con mồi phát hiện ra, thật đáng tiếc, thợ săn mất một bữa ăn rồi.
5.Hãy dành thời gian tìm hiểu loài vật mà bạn muốn chụp
Dành nhiều thời gian quan sát và tìm hiểu về loài động vật mà bạn muốn chụp (hoạt động thường ngày, thói quen/ tập tính…). Đây chính là điều quan trọng giúp bạn có được những bức ảnh tự nhiên nhất hay những khoảnh khắc khiến người xem phải trầm trồ.
6.Tôn trọng người dân bản địa
Samuels chia sẻ thêm: “Một số bộ lạc địa phương đặc biệt phản ứng với những bức ảnh chụp, vì họ tin rằng nó cướp đi linh hồn của họ.”
5 lời khuyên ngắn gọn của Warren’s để có tấm ảnh ấn tượng
- Chọn đơn vị tổ chức và hướng dẫn viên cẩn thận. Xem xét kinh nghiệm, thái độ, phúc lợi của động vật và chất lượng cơ sở vật chất.
- Các chuyến bay thường hạn chế về khối lượng, vì vậy hãy chọn thiết bị camera không quá nặng.
- Điều chỉnh các thiết lập theo các điều kiện ánh sáng khác nhau, thao tác nhanh chóng trong những khoảnh khắc thoáng qua.
- Đừng kiểm tra lại ảnh cũ, vì trong lúc đó, biết đâu bạn đã vụt mất rất nhiều khung hình tuyệt vời khác.
- Tranh thủ chép ảnh vào ổ cứng 1TB hoặc 2TB khi bạn quay lại lều.
Nguồn: theethicalist
Người dịch: Cải