Những bức tranh đá cuội của Justin Bateman: vẻ đẹp của sự vô thường
Tiếng sóng vỗ, bờ cát mịn, nắng trời và những hòn đá cuội – bản thân chúng đã là những hình ảnh đủ để gợi lên một khoảnh khắc thư giãn tuyệt vời. Justin Bateman đã hoá thân chúng thành những tác phẩm nghệ thuật thực địa thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa.
Justin Bateman là một hoạ sĩ ngụ tại Chiangmai, Thái Lan. Túi anh đựng đầy châu báu, và đó chính là đá cuội. Justin đã dành hàng năm trời theo đuổi nghệ thuật thực địa (Land art). Anh dùng sỏi đá thu thập được để sáng tác cũng như tái hiện những bức hoạ cổ điển như Mona Lisa và Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai, hay những nhân vật nổi tiếng như danh hoạ Frida Kahlo và Nữ hoàng Elizabeth bên bờ biển, trong những khu rừng và ngọn núi mà anh từng ghé thăm. Một chi tiết thú vị: Hãy chú ý tên các tác phẩm, một số được tác giả đặt tên lồng ghép chất liệu đá sỏi tạo nên chúng đấy!
*Nghệ thuật thực địa (Land art) là một phong trào nghệ thuật nổi lên ở Hoa Kỳ trong cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, trong đó lần đầu tiên đề cao mối quan hệ chặt chẽ giữa cảnh quan thiên nhiên và tác phẩm nghệ thuật. Land art được tạo ra từ các vật liệu tự nhiên đất, đá, cỏ cây…với các vật liệu là chất kết nối như bê tông, kim loại, nhựa đường …
Sáng tác của anh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ sỹ thực địa nổi tiếng thế giới Andy Goldsworthy và nghi lễ vẽ mandala của những thầy tu Tây Tạng. “Trong khi thế giới luôn thèm khát đạt được nhiều hơn, tôi muốn tinh giản lại mọi thứ. Các tác phẩm của tôi chỉ có thể được lưu lại dưới dạng những file ảnh kỹ thuật số; tôi không để lại bất cứ dấu vết gì của bản thân tại nơi sáng tác. Qua những tác phẩm, tôi khám phá con người, địa điểm và thời gian, trật tự và sự hỗn loạn của cuộc sống.”
Những tưởng sói đá là khô cằn và vô tri vô giác, nhưng màu sắc tự nhiên đa dạng của chúng là đủ để Bateman chơi đùa với ánh sáng trong bức tranh – lúc bí ẩn lộng lẫy như ánh sáng trong nghệ thuật Phục Hưng, khi lại mang nét hoài cổ man mác như một thước phim trắng đen hay nâu đỏ sepia.
Tác phẩm “Sự ra đời của thần Vệ nữ” Tác phẩm “David 2” Tác phẩm “La Scapigliata” Tác phẩm “Minh thần”
Tác phẩm “Hồ Chí Minh” Tác phẩm “Frida Kahlo” Tác phẩm “George Washingstone” Tác phẩm “Pebble Picasso”
Tác phẩm “The Refugee” (Tạm dịch: Người tị nạn) Tác phẩm “The Lombok woman” (Tạm dịch: Cụ bà Lombok) Tác phẩm “The fisherman” (Tạm dịch: Ông lão đánh cá)
Những tác phẩm đá cuội của Bateman tốn nhiều ngày để được hoàn thành, nhưng anh không hề tỏ ra quá gắn bó với chúng. Tự thân quá trình sáng tác đề cao sự vô thường của cuộc sống – giáo lý cốt lõi của Phật giáo, nghĩa là “không có gì tồn tại mãi mãi, mọi thứ đều ở trong trạng thái thay đổi liên tục”. Bateman cho rằng việc những tác phẩm dần biến mất và cuối cùng đều trở về là một phần của thiên nhiên là điều khiến anh cảm thấy thư thái và thoả mãn nhất.
“Những thầy tu xứ Tây Tạng bỏ ra hàng giờ để vẽ lên những bức mandala từ cát, chỉ để thổi chúng đi một khi đã hoàn thành. Sự vô thường là đặc trưng trong những tác phẩm của tôi; một tác phẩm nghệ thuật phải tồn tại bao lâu để giá trị của nó được công nhận? Thay vì sử dụng những chất liệu cao cấp như đồng và sơn dầu – vốn là đặc trưng của các tác phẩm thời kì Phục Hưng, tôi quay trở về với đất đá – thứ gắn bó mật thiết với cuộc sống tổ tiên những ngày tiền sử xa xưa. Có thể nói rằng đá cuội với tôi là những điểm ảnh.”
Justin Bateman
- Liệu pháp cho tâm hồn với những tác phẩm Land Art từ chất liệu thiên nhiên
- Bí mật của Gradient – Nguồn cảm hứng từ thiên nhiên
- Buổi biểu diễn “Sympoiesis” trên bãi biển Santa Monica xoá nhoà ranh giới nghệ thuật và thiên nhiên
Tổng hợp và biên tập: addie
Hình ảnh: Justin Bateman