Rococo - một phong trào nghệ thuật ”phù phiếm”?

Rococo (1720-1760) nối tiếp phong trào Baroque và trở thành tiếng vang của nghệ thuật vào thế kỉ XVIII.

Vì bắt nguồn từ Pháp nên Rococo gắn liền với những cột mốc lịch sử, chính trị và văn hóa của đất nước này trước khi lan rộng khắp châu Âu. Tác giả Fady Zaki của trang Identify This Art đã có một bài viết chi tiết về đặc trưng cũng như các bình diện tác động lên phong trào này.

Làm sao để xác định phong cách Rococo?

1. Cách diễn tả nhẹ nhàng về cuộc sống gia đình của tầng lớp thượng lưu (ví dụ bức Le Dejeuner, hay The Breakfast của Francois Boucher).

id rococo 01

2. Tầng lớp quý tộc với trang phục tao nhã đang vui đùa, thường trong khung cảnh đồng quê (The Lesson of Love của Jean-Antoine Watteau).

id rococo 02

3. Các biểu tượng tán tỉnh, sắc đẹp, lãng mạn, vui đùa, tinh nghịch và khêu gợi (The Stolen Kiss bởi Jean-Honore Fragonard).

id rococo 03

4. Các chủ đề thần thoại (Diana after the Hunt của François Boucher).

id rococo 04

5. Tông màu pastel, ví dụ như các sắc sáng và mềm mại là thuộc tính của thời kì này (A Lady in a Garden taking Coffee with some Children của Nicolas Lancret).

id rococo 05

6. Những thiên thần lơ lửng xung quanh bức tranh dưới dáng hình cậu bé trần truồng và bầu bĩnh (The Toilette of Venus của François Boucher).

id rococo 06

Tên gọi Rococo đến từ đâu?

Rococo là sự kết hợp của hai từ là “rocaille” (Tiếng Pháp của “shell”, cái vỏ) và “barocco”, tiếng Ý của từ Baroque, một phong cách nghệ thuật trước thời kì Rococo. Nghệ thuật này bao hàm rộng rãi các đặc tính đường cong hình vỏ và họa tiết sóng, nhất là trong thiết kế và trang trí nội thất đắt tiền.

Điều gì đã tạo nên sự trỗi dậy của Rococo?

Như thể lịch sử trêu một vố tàn nhẫn trên nước Pháp, sau 72 năm thịnh vượng dưới sự cai trị của Louis XIV, là vị vua cai trị lâu dài nhất xuyên suốt lịch sử Pháp hay bất kì người trị vì tài ba nào của châu Âu; trớ trêu thay kế vị ông là vua Louis XV, được xem là một trong những người cai trị nước Pháp tồi tệ nhất, người lại có thời gian cai trị dài thứ hai trong lịch sử nước pháp (sau vua Louis XIV). Vị vua này trái ngược với người tiền nhiệm nhưng lại mở ra trang vàng lịch sử của phong cách nghệ thuật Rococo.

Chính trị và kinh tế

Thuế tiếp tục tăng cho đến giữa những năm 1700, được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Cách mạng Pháp. Vua thu các khoản thuế vô lí đối với người dân trong khi lãnh đạm về vấn đề này với những gia đình quyền quý. Ông nhận biết được cơn khủng hoảng đang chờ đợi đất nước cũng như tình trạng chống chế độ quân chủ đang ngày một gia tăng và danh tiếng tệ hại của ông đẩy nhanh sự suy giảm uy tín của chế độ quân chủ và làm phẫn nộ phe đối lập. Nhà vua được biết đến như kẻ lười biếng, thiếu quyết đoán và ích kỉ – một người đàn ông lẳng lơ, buông thả trong khoái lạc và dục vọng. Danh tiếng của chế độ quân chủ Pháp vượt quá ngoài tầm kiểm soát và cuối cùng đã xúi giục sự nổi dậy của nhân dân, những kẻ cuối cùng đã đứng lên trong cuộc Cách mạng Pháp. Cuộc cách mạng này làm rung chuyển toàn nước Pháp và phá vỡ hệ thống giai cấp. Nó trở thành cuộc cách mạng vĩ đại vào thế kỉ 18 của châu Âu để định hình nên thế giới chính trị hiện đại.

Để biết được mọi thứ đã sai lầm thế nào trước cuộc Cách mạng, hãy cùng nhau quay về triều đại của vị vua thời kì Rococo (Louis XV) và áp dụng câu thành ngữ cũ mang nặng sự thành kiến giới tính của Pháp: cherchez la femme (“look for the woman”, “hãy tìm kiếm người đàn bà đấy”). Với bất kì vị vua Pháp nào, có vô số người tình là một truyền thống cũ kĩ trong nhiều thập niên và là một cách để thể hiện tính mạnh mẽ của họ. Nhưng vua Louis XV không chỉ giữ những truyền thống xưa, ông là một người săn tìm phụ nữ khét tiếng, thứ đã trở thành nỗi ám ảnh chiếm lấy hầu hết thời gian của ông so với những trách nhiệm chính trị. Ông dành thời gian của mình giữa những tình nhân và nữ tử tước (những cô gái mại dâm thượng lưu chỉ dành riêng cho giới quý tộc.). Trong lịch sử, Louis XV không chỉ được nhớ tới bởi vô số thành tựu mà còn bởi số lượng tình nhân mà ông có, trong số đó có cả Madame du Barry và Madame de Pompadour trứ danh.

Madame de Pompadour gặp vua Louis XV trong một buổi tiệc mừng cưới năm 1745, sau đó bà trở thành người tình hoàng gia của ông; tuy vậy sau những đêm không ngủ để làm việc gian nan, bà được phong làm ‘người tình trưởng chính’, có được danh xưng chính thức là “maîtresse-en-titre”. Sau vài năm, Pompadour hơn cả người tình, bà là cố vấn và là người bầu bạn, có chức vị tương tự như một thủ tướng dù không có danh hiệu. Bà có mối quan hệ với vua chỉ trong 5 năm nhưng vào khoảng thời gian ấy, bà trở thành tâm điểm chính mà vua Louis XV dành hết tâm tư. Vị vua trị vì yếu kém cho phép người tình kiểm soát mình và bà tiếp tục trị vì toàn bộ vương quốc một cách gián tiếp.

id rococo 08
Nội thất Rococo/ Nguồn: bestdesignideas

Người tình này của ông thậm chí còn can thiệp vào chính sách đối ngoại của Pháp. Một trong những thất bại đầu tiên từ hành động của bà là sự liên minh yếu kém dẫn đến chiến tranh Bảy Năm (1756-1763). Đây là cuộc chiến có sự dính líu của vô số quốc gia, khiến nó trở thành một trong những cuộc chiến khủng khiếp nhất trước thế kỉ XX, được các nhà sử gia và Winston Churchill xem như cuộc chiến tranh thế giới đầu tiên.

Madame de Pompadour trở nên quyền lực tới mức bà thẳng tay gạt bỏ người ở nội các có ý không thích hay chỉ trích hành động của bà. Tuy vậy, bà tài trợ cho các họa sĩ Rococo và nuôi giữ tình yêu nghệ thuật của vua Louis XV. Mặc cho các thảm kịch chính trị và tầm ảnh hưởng xấu lên nền ngoại giao Pháp, người phụ nữ này vẫn giữ các trò giải trí trong hoàng gia với các sự kiện được lên kế hoạch cẩn thận, ví dụ như buổi tiệc hoàng gia hay những vở kịch trên sân khấu. Sự viện trợ về nghệ thuật của bà giúp tên tuổi của vua Louis XV gắn liền với nền nghệ thuật Pháp trên khắp thế giới, và Pháp vẫn giữ được thế mạnh về nghệ thuật và văn hóa của mình. Tương tự như việc vua Louis XIV của thời kì Baroque đặt vẽ các chân dung nghệ thuật của ông và gìn giữ nghệ thuật cũng như thời trang Pháp, bà cũng đóng vai trò tương tự và đặt vô số chân dung vẽ bởi họa sĩ Rococo yêu thích của mình, Francois Boucher. Như một nữ minh tinh Hollywood có sức mạnh lời nói trong việc khắc họa bản thân như thế nào trên tạp chí, Pompadour có toàn quyền kiểm soát cách các họa sĩ mô tả mình.

Trong khi di sản của vua Louis XIV gắn liền với sự thống trị của nước Pháp thì tên tuổi của vua Louis XV, với nhiều người, lại liên quan đến đồ nội thất! Các đồ nội thất Louis XV (hay còn gọi là Nội thất Rococo) là một phong cách xuất hiện dưới sự trị vì của ông với một trong những đồ nội thất được tìm kiếm nhiều nhất mọi thời đại.

Nghệ thuật và Văn hóa

Người Pháp đã luôn thiết lập xu hướng và trong khi nghệ thuật Baroque có nguồn gốc từ Rome, nghệ thuật Rococo bắt nguồn từ Pháp vào những năm 1720.  Họ đưa ra tiêu chuẩn cho những gì đang thịnh hành và giữ thế độc tôn hoàn toàn giúp nước Pháp trở thành trung tâm thời trang của thế kỉ XVIII. Nhưng nó dần mất kiểm soát trong xã hội rất có ý thức về thời trang này, nơi họ đương đầu với sự khó chịu và đôi khi đau đớn khi phải theo đuổi thời trang một cách lố bịch và vô lý. Sự tiêu thụ vật chất xa xỉ lan rộng và giới quý tộc tìm kiếm những thứ biểu trưng vị thế theo cách buồn cười và lố lăng của họ. Mặc cho các nỗ lực chỉ trích và giễu nhại thời kì Rococo, thời trang kệch cỡm chiếm ưu thế. Nghệ thuật Rococo có phong vị quyền quý, vì thế nó được chấp thuận bởi công dân nước khác, những người đang cố gắng bắt chước giới quý tộc Pháp. Tầng lớp trung lưu trên (những người giàu có với gốc gác được cho là ‘không cao quý’ được biết đến như giai cấp tư sản) cũng bắt đầu bắt chước giới quý tộc Pháp (những người vốn đã sinh ra trong nhung lụa) về cả thời trang lẫn cách sống, có sức hấp dẫn và ảnh hưởng tương đương như những người nổi tiếng ngày nay. Có lẽ các bức họa thời kì Rococo phần nào được coi là những tấm ảnh lá cải với mong muốn để lại ấn tượng về những kẻ bắt chước đang tự nói với bản thân rằng “đây là cách những kẻ giàu sang sống!”.

id rococo 09
Nội thất Rococo/ Nguồn: bestdesignideas

Thẩm mỹ của giới quý tộc quyết định phong cách nghệ thuật của Rococo: khi cuộc sống phát triển ở Pháp, những ngôi nhà trang nhã hơn được xây dựng. Các nhu cầu về trang trí tường và nội thất không gian của biệt thự và lâu đài rộng rãi bắt đầu tăng cao. Sự nghiêm trang của nghệ thuật Baroque không còn phù hợp để trang trí những căn nhà thân mật và bình thường nữa, bao gồm đặt các bức tranh thể hiện sự giàu có. Thị trường lúc này mở rộng và nghiêng về việc đặt các bức tranh thuộc cảnh thôn quê thần tiên hay cảnh thân mật riêng tư.

Nghệ thuật Rococo đi xa khỏi chính trị và không bao giờ đi kèm với những thông điệp nghiêm túc; thậm chí có khi nó còn không có một thông điệp gì. Trớ trêu thay, sự phù phiếm ở phong cách Rococo là triệu chứng của sự lãnh đạm nơi hoàng gia và những kẻ quyền quý hầu hết đều thinh lặng khi đất nước họ trượt dốc. Nghệ thuật Rococo chưa bao giờ được mô tả là mang tính cách mạng hay vĩ đại. Một vài lời chỉ trích nhắm vào đề tài và cách nó bỏ qua hoàn cảnh trong nước và quốc tế, như sự thất bại về tài chính, nỗi khổ đau của nông dân hay thảm bại chính trị ngoài nước. Nó là một phong trào nghệ thuật không có mối bận tâm về tầng lớp lao động và bạn sẽ không tìm thấy họ được thể hiện trong các bức tranh thời kì này.

Tuy vậy, khi bạn xem các bức tranh Rococo và đánh giá những người giàu có bằng lối sống kiêu ngạo, xa hoa và lả lơi của họ trong thời đại suy đồi của mình, hãy chắc chắn rằng bạn cũng phát hiện ra sự vô tội của những bậc cha mẹ hạnh phúc cùng con cái và vẻ lịch thiệp của những đôi lứa yêu nhau.

Trong nghệ thuật Rococo, một số nhà phê bình văn hóa đã chứng kiến những dấu hiệu “xáo trộn” rất sớm của tình dục phụ nữ vượt khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt trong số một số phụ nữ nổi loạn của tầng lớp quý tộc. Hãy nhớ rằng hình tượng có chút khiêu dâm của phụ nữ có thể càng trở nên trầm trọng hơn bởi các họa sĩ vâng theo niềm vui của tầng lớp quý tộc nam, do đó phụ nữ được mô tả như là các chủ thể khêu gợi và đầy cám dỗ.

id rococo 11
François Boucher, ‘Rinaldo and Armida’ (1734)
(Joconde theo Wikimedia Commons Public Domain)

Trong một thời đại mà Pháp là hình ảnh thu nhỏ của sự rực rỡ, và khi mọi thứ được trau chuốt từ đồ nội thất cho đến kiểu tóc, những bức tranh thời kì này đã thu thập được hiện thân lý tưởng của tinh thần Rococo, nơi các tầng lớp trên bận rộn với sự thích thú của chính họ, kẻ thường dân sống trong đói khổ và quốc gia tiếp tục mất đi lãnh thổ ở những nơi như châu Âu và Bắc Mỹ. Phong trào Rococo minh họa tất cả các vấn đề ở Pháp khi họ tiến gần hơn tới cuộc cách mạng. Phong cách nghệ thuật đó không bao giờ có thể trở lại với cuộc sống cũng như các họa sĩ Rococo nổi tiếng không thể tiếp tục tạo ra nghệ thuật sau cách mạng, vì Rococo mãi mãi được nhớ đến như biểu tượng của sự suy đồi. Sự phẫn nộ vĩnh cửu cho phong cách nghệ thuật đó không bao giờ nhạt đi. Bạn có thể tưởng tượng nông dân trong các cuộc nổi dậy bạo lực giữa cuộc Cách mạng Pháp đang lục soát các lâu đài và dinh thự, phá hủy tất cả mọi thứ trong con đường của họ bao gồm cả đồ nội thất và tranh Rococo.

Những kẻ nổi loạn của Thế hệ mới

So với phong cách nghệ thuật tiền thân, Rococo phản ánh sự thiếu chiều sâu và sự khắc họa của một tầng lớp thượng lưu theo đuổi sự khoái lạc cá nhân như một phản ứng chống lại sự trang trọng của phong cách Baroque. Trong khi nghệ thuật Baroque đầy quy cách, Rococo lại như một nốt nhạc vui tươi. Nghệ thuật Baroque mô tả chủ nghĩa anh hùng, cảm tử quân và những câu chuyện trong Kinh thánh, thì các họa sĩ Rococo lại thể hiện những chủ đề lãng mạn và bao kẻ quý tộc nô đùa. Baroque sử dụng màu tối thì Rococo sử dụng màu sắc nhẹ nhàng và tươi sáng trong một bầu không khí rất lạc quan và yêu đời. Ngoài ra, không giống như Baroque, nghệ thuật Rococo không sâu sắc về mặt trí tuệ hoặc có tính khiêu khích. Ngay cả kích thước của bức tranh đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ, các bức tranh Baroque với mục đích tuyên truyền (cho Giáo hội hoặc Nhà nước) phải lớn và dễ nhìn thấy từ xa, nhưng bức tranh Rococo nhỏ hơn nhiều để làm cho chúng thích hợp để trang trí. Bởi vì thuần trang trí nên đây là lý do tại sao Rococo không dành được nhiều sự tôn trọng từ các học giả nghệ thuật.

Cả Giáo hội lẫn chính phủ đều không đóng vai trò gì trong sự trỗi dậy của phong trào nghệ thuật này. Đó là một dấu hiệu cho thấy xã hội Pháp ít cống hiến cho tôn giáo. Trong khi một số nhà thờ được xây dựng và trang trí theo phong cách Rococo, yếu tố tôn giáo nói chung không tồn tại trong các bức tranh thuộc phong trào này.

id rococo 07
Jean-Honoré Fragonard, ‘The Swing’ (1767-1768)
Nguồn: Artwork Only theo Wikimedia Commons Public Domain

Một số nhà phê bình gọi nghệ thuật Rococo ‘hợp thời’, có nghĩa như một thứ mốt thời thượng nổi lên rồi biến mất. Họ lên án phong cách nghệ thuật này vì cho rằng nó nông cạn và nhạt nhẽo. Một số khác còn xem nó như một nghệ thuật phóng túng và đã có nhiều phản ứng dữ dội chống lại nhận xét này. Với các lời chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều nhà trí thức như Voltaire, khoảng năm 1760, phong trào này bắt đầu suy giảm ở Pháp rồi dần dần trên khắp châu Âu.


Tổng hợp ảnh & lược dịch: Lệ Lin
Ảnh bìa: cerfon/ Flickr
Nguồn: Identifying This Art

Cùng tác giả

#Tag

art movement lịch sử nghệ thuật phong trào nghệ thuật rococo

iDesign Must-try

Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Khi Arts & Crafts của Anh gặp gỡ tranh in khắc gỗ ukiyo-e của Nhật Bản
Khi Arts & Crafts của Anh gặp gỡ tranh in khắc gỗ ukiyo-e của Nhật Bản
Những cú bắt tay giữa hai họa sĩ thuộc hai nền văn hóa khác nhau luôn đem lại những tác phẩm thú vị. Cùng tìm hiểu xem Frank Brangwyn và…
5 nghệ sĩ đặt nền móng cho phong trào Psychedelic
5 nghệ sĩ đặt nền móng cho phong trào Psychedelic
Psychedelic art đã bắt đầu như thế nào và ảnh hưởng ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20 mà bạn nên biết (Phần cuối)
Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20 mà bạn nên biết (Phần cuối)
Cùng tìm hiểu về những nghệ sĩ cuối cùng trong loạt bài những hạo sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20.
Nhạc cổ điển - Vẻ quyến rũ trường tồn với thời gian
Nhạc cổ điển - Vẻ quyến rũ trường tồn với thời gian
Được xem là nền tảng khoa học của mọi dòng nhạc, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nhạc cổ điển đã và đang đóng một vai trò vô…