Ý nghĩa Tân Sửu và hình tượng con trâu trong nghệ thuật dân gian Việt Nam
Ngày đầu tiên của năm mới, hãy cùng chúng mình tìm hiểu xem linh vật của năm nay đặc biệt thế nào nhé!
Vậy là chuyến tàu Canh Tý mang số hiệu 2020 đã dừng lại, ở nhà ga ‘hành trình cuộc đời’, Tân Sửu 2021 sẽ là chuyến tàu tiếp theo đưa chúng ta đến những miền đất mới lạ để vẽ nên nhiều điều kỳ thú cho cuộc sống. Mang hình ảnh là một chú “Trâu Mới”, hứa hẹn năm 2021 này sẽ đầy ắp những sáng tạo mới lạ và đáng để chờ đón cho tất cả mọi người.
Dông dài một chút về nguồn gốc của linh vật năm nay – Tân Sửu.
Theo quan niệm của các nước Á Đông và Việt Nam, Tân Sửu được cấu thành bởi Thiên Can là Tân (Kim) và Địa Chi là Sửu (Trâu), ứng với vị trí thứ 2 trong bảng 12 con giáp. Sở dĩ trâu được đứng ở vị trí này bởi lẽ bảng 12 con giáp tuân theo cung hoàng đạo và vị trí các chòm sao ứng với khoảng thời gian ‘lao động’ của các con giáp, vị trí thứ 2 bắt đầu từ 1h – 3h, đây cũng là lúc trâu gặm cỏ nhai lại để chuẩn bị đi cày.
Với hình ảnh biểu tượng là con trâu, gắn liền với nền văn hóa lúa nước của Việt Nam, đại diện cho đức tính hiền lành, cần cù, siêng năng và nguồn năng lượng dồi dào, mang nét đẹp lao động hăng say. Đồng hành với người dân Việt Nam từ xa xưa, khi mang trọng trách là cả cơ đồ trên vai “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp và cũng là người bạn gắn bó xuyên suốt qua nhiều thế hệ. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua.
Xuất hiện trong mọi mặt của nghệ thuật dân gian, từ thơ, ca, hò, vè cho đến ca dao, tục ngữ, kinh kịch, sân khấu. Hình ảnh của những con trâu luôn gần gũi và đặc biệt rõ nét trong cách thể hiện thẩm mỹ ở các dòng tranh và tác phẩm điêu khắc. Được đánh giá mang trong mình hình tượng mỹ học đẹp khi đưa vào nghệ thuật, vừa có hình khối rắn chắc thể hiện ở phần thân mình, vừa có những đường cong duyên dáng đến từ cặp sừng, cộng với đó là sự gần gũi gắn bó trong cuộc sống hằng ngày, nên hình tượng những chú trâu có tần suất xuất hiện trong nghệ thuật dân gian vô cùng phổ biến.
Được tìm thấy sớm nhất là những tượng đất nung có hình con trâu tại các di chỉ khảo cổ như Tiên Hội, Đồng Đậu… có niên đại cách đây hơn 3000 năm, hay hình chạm khắc trên mặt trống đồng Bắc Lý của người Việt cổ cùng với đó là những vật trang sức hình đầu trâu bằng đá được mài nhẵn bóng, tìm thấy ở di chỉ Đình Tràng.
Không chỉ vậy, hình ảnh của những chú ‘sửu’ còn hiện diện lâu đời trên các vật dụng quen thuộc hằng ngày như bát, đĩa, bình gốm như một chủ đề trang trí để mô tả lại không khí cuộc sống thường nhật của người dân.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cách thể hiện trên các dòng tranh truyền thống, khi được các nghệ nhân dân gian biến hóa, tạo tác nên những hình ảnh con trâu vô cùng đời thực và cũng hết sức sinh động.
Tranh Đông Hồ
Nhắc đến các dòng tranh truyền thống nổi bật nhất có lẽ là dòng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh. Xuất hiện từ thế kỷ 17-18, tranh Đông Hồ trở thành ‘mặt hàng’ không thể thiếu mỗi khi tết đến với mục đích trang trí nhà cửa nhờ màu sắc êm đềm và những hình ảnh luôn gần gũi với đời sống thường nhật.
Hình tượng con trâu trong tranh Đông Hồ cũng mang nét đẹp đặc biệt, không thô kệch mà được cách điệu tạo nên sự mềm mại nhưng không mất đi vẻ khỏe khắn, phảng phất đâu đó người xem thấy được nét tinh nghịch, thân thiện.
Tiêu biểu nhất hình ảnh con trâu trong dòng tranh này có thể kể đến các bức tranh như:
Tranh Chăn trâu thả diều Tranh Chăn trâu thổi sáo
Tranh Hàng Trống
Khác với Đông Hồ, tranh Hàng Trống lại mang đến một vẻ đẹp bắt mắt bởi sự đa dạng trong cách thể hiện từ hình tượng, chủ đề cho đến màu sắc. Nhờ vậy tranh Hàng Trống có một độ sâu của không gian hơn tính 2D trong tranh Đông Hồ. Xuất hiện từ thế kỷ 16 và được chủ yếu sử dụng với mục đích thờ cúng trong đạo giáo, là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo, Nho giáo; giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hằng ngày.
Cũng chính điều ấy nên những chú trâu của Hàng Trống lại đem đến một cảm giác mới lạ với người xem. Không bị bó buộc bởi gam màu, dáng vẻ có phần thanh thoát nhưng ở đó vẫn là nét hiền hậu, chân chất và thong dong toát lên đúng với tính cách của hình ảnh con người nông dân.
Tranh Làng Sình
Một dòng tranh khác cũng có tiếng tại Việt Nam và được biết đến chủ yếu ở Huế, ra đời từ khoảng thế kỷ 15 nhưng Tranh Làng Sình khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) bởi mục đích duy nhất là phục vụ thờ cúng, và sau đó là đốt.
Trâu làng Sình có phần đơn điệu và nhẹ nhàng hơn so với Đông Hồ hay Hàng Trống nhưng vẫn biểu đạt rõ tinh thần chăm chỉ và là con vật có sức mạnh quan trọng trong nông nghiệp.
Ở mỗi dòng tranh truyền thống, hình ảnh con trâu có một nét tạo hình khác lạ riêng xuất phát từ dấu ấn độc đáo của mỗi vùng miền, nhưng tựu trung lại chúng vẫn mang trong mình bóng dáng của người nông dân Việt Nam đó là tính cách gần gũi, hiền hòa. Không thể hiện quá cầu kì mà cởi mở từ chính những sinh hoạt đời thường nhất.
Từ truyền thống tới hiện đại, thấy gì ở Tân Sửu
Theo người phương đông từ xa xưa, họ đã tìm thấy 28 ngôi sao chính trong nhị thập bát tú, mà trong đó sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ nằm ở phương Bắc, là ngôi sao sáng và thường được gắn cho những người có trí tuệ trác việt, cùng với đó là hình tượng con trâu luôn hăng say lao động, mang ý nghĩa sung túc ấm no, điều này cũng góp phần báo hiệu một năm 2021 mang nhiều sự thay đổi mới mẻ, khởi sắc, là một cú ‘vươn mình’ thức giấc sau ngày dài ngủ đông.
Thực hiện: Hoàng
Chủ đề liên quan:
- Viaoda Libre – Bộ phông chữ chứa đựng cả nét thanh lịch truyền thống và sự chuyên nghiệp hiện đại của văn hoá Việt Nam
- Dzũng Yoko tiếp tục dòng chảy sáng tạo với quyển sách ảnh thứ 5: NHỊ NGUYÊN
- iDesign Signature | Harry Vu và dự án Lĩnh Nam: ‘Một khi cảm nhận được cái tôi nghệ thuật dâng cao, mình chắc chắn phải cho nó cháy’