Ta thấy gì trong bức tranh ‘Cô gái đọc thư bên cửa sổ đang mở’ của Vermeer?

Cô gái đọc thư bên cửa sổ đang mở là một bức tranh sơn dầu trên chất vải của họa sĩ Johannes Vermeer có từ năm 1657-1659. Tác phẩm nghệ thuật này là sự thể hiện xuất sắc cho phong cách thực hiện nghệ thuật mà Vermeer đã ứng dụng trong tác phẩm của ông khi cho thấy được “Thời hoàng kim” của Hà Lan vào thời điểm đó.

Johannes Vermeer, Cô gái đọc thư bên cửa sổ đang mở, 1657-1659, tranh sơn dầu, 83 x 64.5 cm.

Vermeer đã sử dụng nhiều chất liệu và màu sắc phong phú xuyên suốt bức tranh. Tác phẩm này là một trong những bức tranh được quân đội Liên Xô giải giải cứu khỏi trận ném bom Dresden trong Thế chiến thứ hai. Người Liên Xô coi việc này như một hành động giải cứu nghệ thuật trong khi những người khác lại xem đó là hành động ăn cắp tranh. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Nga đã trả lại tác phẩm này và các bức tranh khác cho Đức để duy trì mối quan hệ hữu nghị. Tuy nhiên, Nga có ý muốn giữ lại bức tranh Cô gái đọc thư bên cửa sổ đang mở như một món quà thay lời cảm ơn nhưng Đức đã từ chối.

Bức tranh cho thấy một cô gái đang cầm đọc bức thư bên cửa sổ đang mở trong căn phòng với nhiều đồ vật như tấm rèm xanh, trái cây và tấm thảm màu đỏ trên bàn, chiếc ghế và vâng vâng. Những chi tiết ấy đều có mục đích và thể hiện được dụng ý cũng như ảnh hưởng của các thế hệ đi trước đến phong cách làm hội họa của Vermeer.

Chiếc rèm xanh đánh lừa thị giác

Ví dụ đơn giản nhất kỹ thuật Trompe l’œil (đánh lừa thị giác) trong các tác phẩm của Vermeer là tấm rèm vải sa tanh màu xanh lá này. Nếu quan sát kỹ, chi tiết tấm rèm này không nằm trong không gian chìm của căn phòng ba chiều. Nó có phần hơi cộm trên bề mặt bức tranh và được treo từ một thanh mắc rèm đặt bên dưới đường viền phía trên của bố cục. Trong các gia đình ở Hà Lan, loại rèm này được sử dụng để bảo vệ các bức tranh quý khỏi bụi bẩn hoặc che ảnh khoả thân. Trompe l’œil xuất hiện trong hội họa và cũng là một thủ thuật ảo ảnh ưa chuộng của các họa sĩ Trường Delft.

Vào thời điểm Vermeer vẽ tác phẩm này, kỹ thuật Trompe l’œil đã được khai thác triệt để cho chi tiết tấm rèm. Rembrandt van Rijn là họa sĩ người Hà Lan đầu tiên sử dụng chi tiết khung điêu khắc và bức màn được kéo sang một bên trong bức tranh vào năm 1648. Nó trở thành chi tiết được các họa sĩ khác ưa chuộng như Frans van Mieris hoặc Gerrit Dou của Leiden với mục tiêu vẽ nên các tác phẩm chân thực đến mức chúng có thể không khác gì với thực tế. Cả hai họa sĩ Gerrit Dou và Van Mieris đã được những người cùng thời so sánh với Parrhasios, họa sĩ thời cổ Hy Lạp, người đã có thể đánh lừa Zeuxis, một họa sĩ Hy Lạp khác, trong một cuộc thi. Một ví dụ về tấm rèm ứng dụng kỹ thuật Trompe l’œil có thể được tìm thấy trong các bức tranh với sự hợp tác của Van Mieris và Adrian van der Spelt.

‘Tranh tĩnh vật với vòng hoa và bức màn’, 1658, Adriaen van der Spelling (1630 – 81). Viện nghệ thuật Chicago.

Chuyện kể rằng Zeuxis đã vẽ một bức tranh tĩnh vật về những trái nho chân thực đến nỗi những con chim đã đậu xuống nó để mổ chúng. Tuy nhiên, Parrhasios đã thêm vào chi tiết tấm rèm ở một bên của bố cục và Zeuxis đã phải thử kéo ra để xem toàn bộ bức tranh. Zeuxis đã đánh lừa những con chim, còn Parrhasios đã đánh lừa một người đàn ông.

Đáng ngạc nhiên, tấm rèm với kỹ thuật Trompe l’œil không phải là một phần trong tác phẩm gốc của Vermeer và rất có thể nó được thêm vào để kích thích bố cục. Mặc dù kỹ thuật Trompe l’œil có thể không còn gây kinh ngạc với người xem ngày hôm nay nhưng những người cùng thời với Vermeer sẽ khó lòng mà nhận ra ngay kỹ xảo này.

Tranh trong tranh

Một bức ảnh chụp X-quang năm 1979 của bức tranh Girl Reading a Letter at an Open Window cho thấy trên bức tường của căn phòng, có một bức vẽ khác về vị thần tình yêu khỏa thân. Là một phần của dự án khôi phục và nghiên cứu bắt đầu vào năm 2017, các ghi chép hình chụp tia X, tia hồng ngoại và công tác giám định hiển vi đã được thực hiện trong những năm gần đây. Ngoài ra, còn có một phân tích chi tiết về miếng vải bao bọc bức tranh và nghiên cứu về lịch sử trùng tu tác phẩm này.

Thông qua các bức ảnh chụp X-quang, chúng ta biết được rằng trên bức tường ngay phía trên bên phải của người phụ nữ trẻ, Vermeer đã đưa vào một bức tranh thần Cupid cỡ lớn được đóng khung bằng gỗ mun (bức tranh giống như bức xuất hiện trong tác phẩm A Lady Standing at a Virginal). Người ta cho rằng nó đã được chính họa sĩ vẽ ra. Tuy nhiên, theo kết quả của những cuộc điều tra mới nhất và quá trình phục hồi bức tranh ở thời hiện tại, người ta đã chứng minh được rằng chi tiết được vẽ chồng lên này không phải do Vermeer thực hiện mà được thêm vào bởi một người khác vài năm sau khi bức tranh hoàn thành. Người ta vẫn chưa thể xác định được danh tính của người đã vẽ chồng chi và che phủ hoàn toàn bức tranh này, bao gồm cả khung tranh của nó cũng như không xác định được thời điểm mà việc này được thực hiện.

Thần Cupid là chi tiết chứng minh rằng nội dung bức thư trên tay người phụ nữ trẻ trong tranh là về tình cảm. Điểm tụ trong bố cục phối cảnh của bức tranh sẽ nằm ở trung tâm của khu vực phía dưới trong bức tranh về thần Cupid và điều này khiến nó trở thành một yếu tố quan trọng trong bức tranh tổng thể.

Từ những gì chúng ta có thể thấy từ phiên bản thần Cupid trong A Lady Standing at a Virginal, thần Cupid rất có thể là tác phẩm của Cesar van Everdingen, một họa sĩ mà ngày nay mọi người hầu như không biết đến. Cùng với rất nhiều nghệ sĩ bị lãng quên hoặc bị đánh giá thấp khác, Van Everdingen đã chiếm giữ một vị trí quan trọng trong nghệ thuật của thời đại lúc bấy giờ. Sự từ chối kéo dài hàng thế kỷ của các nhà phê bình và những người chuyên gia sành sỏi khi nhìn nhận phong cách nghệ thuật của ông dần có dấu hiệu sắp kết thúc.

Bức tranh thần Cupid rất có thể là tác phẩm của Cesar van Everdingen.

Với một họa sĩ trẻ, đầy tham vọng như Vermeer, Van Everdingen là một chuyên gia tuyệt vời không chỉ về độ hoàn thiện các chi tiết mà còn với khả năng vẽ chân dung, tranh thần thoại và ngụ ngôn với phong cách bao quát nhưng sắc nét và bóng bẩy. Điểm mạnh nổi trội của ông là khả năng đơn giản hóa tối đa các hình dáng phức tạp và truyền tải được tính chất cơ bản của chúng. Trong những năm cuối đời, Vermeer theo đuổi con đường hoạt động nghệ thuật cổ điển và bức tranh của Van Everdingen cũng trở nên phù hợp hơn thay vì chỉ được trưng bày trong sân khấu buồn tẻ.

Tấm rèm đỏ

Cái chết của Thánh Anna, Caravaggio, tranh sơn dầu, 1604 – 1606, 369 cm × 245 cm.

Một nhà phê bình đã khẳng định rằng chi tiết bức màn màu đỏ thẫm với những nếp gấp uốn lượn trong bức tranh của Vermeer rất có khả năng là bức màn trong các bức tranh của Caravaggio (tác phẩm Cái chết của Thánh Anna của Caravaggio).

Yếu tố ánh sáng ấn tượng, chủ đề thô và bố cục sắp xếp táo bạo trong các bức tranh của Caravaggio đã tác động sâu sắc đến nhiều họa sĩ châu Âu. Ảnh hưởng của nghệ sĩ người Ý cũng được tìm thấy ở Hà Lan và đặc biệt là trường Utrecht, nơi mà Vermeer dường như đã có một số ấn tượng nghệ thuật ban đầu. Mẹ vợ của Vermeer, Maria Thins, có quan hệ gia đình với một trong những nhân vật chủ chốt ở Utrecht, Abraham Bloemaert. Bà Maria Thins sở hữu một bộ sưu tập tranh bí mật của các họa sĩ trường Utrecht và ba trong số các phẩm đó cũng xuất hiện trên bức tường trong nhiều bức tranh của Vermeer.

Thay đổi

Trong quá trình hoàn thiện tác phẩm, Vermeer đã thực hiện nhiều thay đổi đáng kể để làm rõ bố cục và ý nghĩa của nó. Hình ảnh chụp X-quang cho thấy phần đầu của cô gái trẻ hơi chếch ra khỏi hướng nhìn ban đầu. Vị trí ban đầu là yếu tố giải thích cho sự phản chiếu gần như toàn bộ khuôn mặt mà chúng ta hiện thấy trong khung cửa sổ.

Việc đưa hình ảnh phản chiếu vào bố cục tranh của Vermeer có thể cũng là một hình thức phản ánh về bản thân phong cách nghệ thuật hội họa. Nghệ sĩ và nhà văn nghệ thuật người Hà Lan Samuel van Hoogstraten đã định nghĩa hội họa là “tấm gương phản chiếu thiên nhiên.” Tuy nhiên, Van Hoogstraten không ủng hộ việc mô tả diện mạo tự nhiên của sự vật một cách mù quáng để đánh lừa thị giác mà hãy làm theo cách “vui vẻ, dễ hiểu và đáng khen ngợi” để người xem có thể chấp nhận kỹ xảo ấy.

Vợ của Vermeer?

Diện mạo của người phụ nữ trong tác phẩm Người phụ nữ mặc áo xanh đọc thư của Vermeer rất giống với cô gái tring bức tranh Cô gái đọc thư bên cửa sổ đang mở.

Cô gái trẻ xuất hiện trong bức tranh này giống với người phụ nữ trong tác phẩm Người phụ nữ mặc áo xanh đọc thư. Một số nhà phê cho rằng đó là hình ảnh người vợ của Vermeer, Catharina Bolnes, mặc dù không có bằng chứng khách quan nào. Catharina và Vermeer có tất cả 15 người con và 11 người trong số họ sống sót qua những năm đầu của thời thơ ấu. Với tình cảm mà người nghệ sĩ đặt vào khi vẽ, nếu cô gái là vợ của ông thì cũng chẳng có gì là lạ.

Cái áo vải sa tanh

Bài học Âm nhạc, Johannes Vermeer, tranh sơn dầu, 73.3 x 64.5 cm.

Chiếc áo khoác vải sa tanh màu vàng này đã xuất hiện cùng một phụ nữ trẻ đang chơi nhạc trong tác phẩm Bài học âm nhạc. Cô cũng mặc cùng một chiếc áo lót trong bốn bức tranh khác là Sĩ quan và cô gái đang cười, Bài học âm nhạc, Buổi hòa nhạcNgười phụ nữ trẻ cầm bình nước. Mặc dù được sử dụng để mặc hàng ngày, bộ quần áo này chắc hẳn đã mang lại hơi thở đương đại thịnh hành cho các bức tranh của Vermeer. Đây cũng là hiệu ứng được các họa sĩ nội thất Hà Lan giới thượng lưu săn đón trong những năm 1650 và 1660.

Điều đáng tò mò là trong cả hai bức tranh, khuôn mặt của cô gái đều được nhìn thấy qua ảnh phản chiếu. Chiếc áo khoác mang những gam màu vô cùng sống động. Lớp màu nổi (impasto) của phần được chiếu sáng trên chiếc áo thu hút ánh nhìn của người xem và khiến nó trở nên lấp lánh. Các chấm tròn mờ đục là yếu tố xuất hiện đầu tiên trong những tác phẩm của Vermeer. Nhiều nhà phê bình tin rằng chúng ám chỉ đến chiếc máy ảnh obscura, một loại máy ảnh chụp sơ khai đã được nhiều họa sĩ cùng thời với Vermeer biết đến và sử dụng.

Chiếc ghế “Tây Ban Nha”

Những chiếc ghế được gọi là ghế “Tây Ban Nha” xuất hiện với nhiều kiểu dáng khác nhau trong các tác phẩm của Vermeer và rất nhiều bức tranh nội thất thời đó. Hai chiếc ghế như vậy có thể được tìm thấy trong tác phẩm Phòng ngủ của Pieter de Hooch. Một chiếc ghế giống như thế với họa tiết hình thoi được thể hiện trong bức tranh Sĩ quan và Cô gái đang cười của Vermeer vài năm sau đó. Rất ít chiếc ghế như thế này còn tồn tại và một số vẫn được đặt trong Bảo tàng Prinsenhof ở Delft và Rijksmuseum.

Tác phẩm Phòng ngủ của Pieter de Hooch cũng có chiếc ghế “Tây Ban Nha” tương tự.

Được làm bằng gỗ óc chó, ghế Tây Ban Nha sẽ nhẹ hơn nhiều so với những chiếc ghế của thế kỷ 16 nhưng nó vẫn cứng cáp. Các chân ghế được nối với nhau bằng các cáng thẳng tại 3 mấu xếp chồng lên nhau. Phần nệm và lưng ghế được làm bằng da dày và được gắn đinh bằng đồng để trang trí. Chi tiết mặt nạ sư tử, đôi lúc có vòng treo ở miệng, được gắn ở đầu trụ sau của ghế. Sau rất nhiều xung đột giữa các hội thợ làm đồ gỗ khác nhau, hội những người đóng ghế Tây Ban Nha mới đã ra đời.

Tấm thảm “Thổ Nhĩ Kỳ”

Chi tiết được gọi là “thảm Thổ Nhĩ Kỳ” (cụm từ “Thổ Nhĩ Kỳ” được sử dụng để chỉ bất cứ thứ gì được nhập khẩu từ Trung Đông) có thể được tìm thấy trong rất nhiều bức tranh thuộc thể loại này của Hà Lan vào thời điểm đó. Những tấm thảm này là một trong nhiều mặt hàng nhập khẩu kỳ lạ đã thu hút người dân tại Hà Lan thế kỷ 17. Tuy nhiên, theo các mô tả vào thời đó, chúng hiếm khi được đặt trên sàn nhà có lẽ là vì chúng quá quý giá nên người ta không muốn thảm bị dính bụi và đất. Những hoa văn đầy màu sắc và chất liệu sang trọng của chúng đã tạo cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện khả năng tái hiện thực tế của mình và tạo ra những chất liệu sang trọng hơn để thu hút người mua hàng giời thượng lưu.

Vào thời của Vermeer, sàn ván gỗ thường được sử dụng trong phạm vi gia đình và đôi khi sàn nhà được phủ bằng những tấm thảm dệt để giữ ấm bàn chân của người dân khỏi mùa đông lạnh giá ở Hà Lan. Vì vậy, các bức tranh có chi tiết tấm thảm chứng tỏ rằng cái nhìn của các nghệ sĩ về nội thất trong nhà là sự dung hòa giữa nghệ thuật và thực tế.

Bức chân dung của Constantijn Huygens cũng có chi tiết tấm thảm đặt trên bàn.

Có lẽ một ví dụ trung thực hơn về cách sắp xếp nội thất trong những ngôi nhà tầng lớp thượng lưu có thể được thể hiện trong bức chân dung của Constantijn Huygens, một nhà ngoại giao Hà Lan của tòa án ở The Hague và là một trong những người sành nghệ thuật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thời bấy giờ. De Keyser vẽ chân dung Huygens đang ngồi tại bàn làm việc trong nhà ở The Hague với sự góp mặt của một người hầu đang cầm văn bản. Phía sau Huygens là một tấm thảm trang trí lộng lẫy và công phu cùng quốc huy của ông. Phía trên lò sưởi là bức tranh thủy mặc theo phong cách của Jan Porcellis, người mà Huygens rất ngưỡng mộ. Trên bàn là một cây đàn nguyệt hoặc đàn chitar và một đôi quả cầu cùng những đồ vật đắt tiền. Chúng ta thấy được rằng trong ngôi nhà sang trọng của Huygens, tấm thảm được đặt lên đầu bàn như trong tranh của Vermeer trong khi với vị thế kinh tế đáng kể của Huygens, phần sàn nhà lại được lót bằng những tấm gỗ rộng không có họa tiết trang trí.

Chi tiết tĩnh vật

Bức tĩnh vật trái cây trong bát Vạn Lý và cái ly, Gillis Gillisz de Bergh,1637-1639.

Vermeer thường lấy cảm hứng cho các chủ đề và tác phẩm của mình từ các họa sĩ khác, bao gồm những họa sĩ từ thành phố Delft tại quê hương ông. Có thể tin rằng trước khi vẽ Cô gái đọc thư bên cửa sổ đang mở, ông đã từng nhìn thấy bức tranh tĩnh vật của Gillis Gillisz de Bergh, Bức tĩnh vật trái cây trong bát Vạn Lý và cái ly vào cuối những năm 1630. Nếu bố cục tranh của De Bergh theo chiều từ trái sang phải được áp dụng theo chiều đảo ngược trong bức tranh của Vermeer thì cái ly có lẽ nằm phía sau tấm rèm màu xanh lá hoặc đã bị lược bỏ đi.

Bức thư trên tay cô gái

Trong nền hội họa Hà Lan, hình ảnh phụ nữ đọc thư hầu như luôn gắn liền với tình yêu và các nghệ sĩ đã tìm ra nhiều cách khác nhau để khắc họa sự mong đợi khi nhận được một bức thư và phản ứng sau đó của họ.

Thư thường không được cho vào phong bì mà được gấp làm ba và dán lại bằng sáp vì giấy vẫn còn khá đắt lúc bấy giờ. Các bức tranh vào thời này thường cho thấy những lá thư được gấp rồi dán lại hoặc chỉ được buộc lại bằng dây. Những lúc không có thời gian, quý cô có thể dùng một dải ruy băng trên mũ hoặc quần áo của mình để cột thư lại hoặc đôi khi chúng được bọc trong một tấm vải nhỏ.

Chiếc váy

Chi tiết chiếc váy cắt ra từ bức tranh Buổi học âm nhạc.

Chiếc váy màu xám đậm này chỉ xuất hiện một lần trong các tác phẩm của Vermeer, ngoại trừ trong bức tranh Buổi học Âm nhạc khi nó được mặc cùng một chiếc áo lót màu vàng và được kéo lên để lộ một chiếc váy lót màu đỏ. Một mảnh vải đen chạy dọc ở mặt trước ám chỉ rằng đó không phải là đồ mặc thông thường mà là một trang phục phong cách hơn. Phần váy xòe ra ngoài tạo nên kiểu dáng tựa như chiếc chuông đơn giản, một mốt rất thịnh hành trong những năm tháng lúc ấy. Trong bức tranh Bài học Âm nhạc, chiếc váy dường như được may liền vào vạt áo.

Biên tập: Đáo

Cùng tác giả

#Tag

bức tranh của Vermeer Girl Reading a Letter at an Open Window hội hoạ Johannes Vermeer painting vermeer đảo

iDesign Must-try

Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Với mong muốn chia sẻ tất thảy những gì mình biết về nghệ thuật và sáng tạo, để mọi người được truyền cảm hứng và tạo nên những điều xinh…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 5)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 5)
Các nhà khoa học thần kinh hiện biết rằng những gì chúng ta nhìn thấy bị ảnh hưởng rất nhiều bởi một thứ gọi là quá trình xử lý từ…
Khung cảnh đầy màu sắc với sắc thái siêu thực trong tranh của Alfie Caine
Khung cảnh đầy màu sắc với sắc thái siêu thực trong tranh của Alfie Caine
Bị thu hút đặc biệt bởi các khu dân cư ấm cúng đầy màu sắc được bao quanh bởi bầu không khí huyền ảo, Alfie Caine – một họa sĩ…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 4)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 4)
"Dù cố gắng đến đâu, Cézanne vẫn không thể thoát khỏi những diễn dịch xảo quyệt của não mình. Trong những bức tranh trừu tượng của ông, Cezanne muốn thể…
Albert Bierstadt (Phần 1)
Albert Bierstadt (Phần 1)
Trong loạt bài ba phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về một nhân vật quan trọng của hội hoạ phong cảnh Mỹ nói chung và cả trào lưu trường phái…
Chủ nghĩa Quang chiếu / Luminism (Phần 3)
Chủ nghĩa Quang chiếu / Luminism (Phần 3)
Trong phần cuối của loạt ba bài về chủ nghĩa Quang chiếu, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nổi bật của phong cách này, bao gồm cả hội hoạ…