Những tựa phim Oscar để bạn thưởng thức trong kỳ giãn cách xã hội (phần 3)
Tiếp nối loạt bài Những tựa phim Oscar để bạn thưởng thức trong kỳ giãn cách xã hội, tuần này iDesign sẽ mang đến bốn tựa phim “đáng dán mắt” khác. Trong đó, có những tác phẩm phẩm phải mất 14 năm để hoàn thành hay đạt đến 12 giải đề cử tại lễ trao giải Oscar lần thứ 88.
9. The Irishman (2019) – Người đàn ông Ireland
Đạo diễn: Martin Scorsese
Diễn viên: Robert De Niro, Al Pacino, Joe Pesci, Harvey Keitel
Xếp hạng IMDb: 7,8/10
Câu chuyện phim The Irishman kể về những lát cắt nổi bật trong cuộc đời của Frank Sheeran, một tài xế xe tải đã trở thành sát thủ do mối quan hệ với tên trùm Rusell Bufalino cùng gia đình tội phạm của ông ta. Khán giả được nhìn thấy nhân vật chính từ thuở hàn vi cho đến khi lên đến đỉnh cao quyền lực, cùng với sự thay đổi về ngoại hình, tính cách và hành vi của mỗi nhân vật xung quanh ông ta.
The Irishman đánh dấu lần hợp tác thứ chín của bộ đôi đạo diễn – diễn viên kỳ cựu Scorsese và De Niro. Rõ ràng, sự thấu hiểu giữa họ giúp cho nhân vật Frank Sheeran hiện lên đầy tin cậy, được khắc họa qua góc nhìn trần trụi và trực diện, hé lộ sự thật thẳng thừng về một nước Mỹ của những năm 1960 và 1970, khi đó đầy hoang dã và hỗn loạn trong chính trị, kinh tế và xã hội. Ở đó, từ giới cầm quyền cho đến băng đảng tội phạm đều bị cuốn vào cuộc chiến tranh giành quyền lực, tiền bạc và địa vị không hồi kết.
Trải qua quá trình phát triển dự án dài dằng dặc, đạo diễn Martin Scorsese cuối cùng cũng có cho mình một bộ phim với thời lượng lên đến 209 phút, với kinh phí tổng cộng lên đến $250 triệu. Đây được xem là dự án dài hơi và đắt đỏ nhất trong sự nghiệp của vị đạo diễn kỳ cựu này. Hệ thống ba máy quay riêng biệt đã được sử dụng để có thể ghi lại một cách chân thực hình ảnh của các diễn viên, tạo điều kiện để quá trình chỉnh sửa trong giai đoạn hậu kỳ dễ dàng hơn. Được biết, dù chỉ được trình chiếu thời gian ngắn tại một số rạp tuyển chọn, The Irishman đã kịp gây ấn tượng cho giới phê bình toàn cầu bởi tài năng chỉ đạo của Scorsese cùng diễn xuất gây kinh ngạc của bộ ba De Niro, Pacino và Pesci. Tại Oscar lần thứ 92, bộ phim cũng có cho mình mười đề cử tại các hạng mục quan trọng.
10. 1917 (2019)
Đạo diễn: Sam Mendes
Diễn viên: Dean-Charles Chapman, George MacKay, Daniel Mays, Colin Firth
Xếp hạng IMDb: 8,3/10
Ngày 6/4/1917, hai viên sĩ quan người Anh là Will Schofield và Tom Blake phải chạy đua với thời gian để ngăn một trung đoàn gồm 1600 người thực hiện một cuộc tấn công vốn đã bị lộ trước đó. Bằng cách vờ như không có chuyện gì xảy ra, lực lượng đối địch là quân đội Đức đang chờ đợi để có thể gây ra thương vong nhiều nhất có thể cho người Anh. Vì vậy, nếu họ chậm trễ dù chỉ phút giây, những người lính vô tội ấy sẽ đi thẳng vào tử địa mà chẳng hề hay biết.
Dựa trên chính câu chuyện mà đạo diễn Sam Mendes được nghe kể lại từ ông nội mình, 1917 cho thấy sự hòa hợp tuyệt vời giữa ba yếu tố quan trọng bậc nhất là hình ảnh, âm thanh và dựng phim. Với sự tham gia của nhà quay phim Roger Deakins và nhà dựng phim Lee Smith, bộ phim với thời lượng 119 phút này được thể hiện một cách xuyên suốt bằng hai cú máy dài. Tận dụng tối ưu tinh thần lao động và óc thẩm mỹ của nhà quay phim kỳ cựu Roger Deakins, đạo diễn Sam Mendes đã thể hiện được sự tài tình trong nghệ thuật dàn cảnh và xây dựng tình huống của mình. Yếu tố âm thanh và hiệu ứng đặc biệt cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nhịp điệu và tiết tấu cho bộ phim. Cho đến nay, tư liệu và kiến thức về quá trình thực hiện bộ phim 1917, về các lĩnh vực liên quan đến kịch bản, diễn xuất, cú máy, ánh sáng, kỹ thuật, âm thanh và hiệu ứng đặc biệt vẫn liên tục được nghiên cứu bởi những người yêu điện ảnh trên toàn thế giới.
Bộ phim 1917 thu về hơn $384 triệu trên các phòng vé toàn cầu, và dĩ nhiên, nhận được vô vàn lời ngợi khen cũng như tán thưởng của giới phê bình về yếu tố giải trí cũng như nghệ thuật của nó. Đạo diễn Sam Mendes cùng ekip có được cho mình mười đề cử tại Oscar với bộ phim này, trong đó, họ giành được ba giải thưởng vô cùng xứng đáng ở các hạng mục Best Cinematography, Best Visual Effects và Best Sound Mixing.
11. Mad Max: Fury Road (2015) – Max điên: Con đường tử thần
Đạo diễn: George Miller
Diễn viên: Tom Hardy, Charlize Theron, Nicholas Hoult, Hugh Keays-Byrne
Xếp hạng IMDb: 8,1/10
Lấy bối cảnh thế giới ở thời kỳ hậu tận thế, Mad Max: Fury Road kể về hành trình của người hùng cô độc Max Rockatansky khi giúp đỡ nữ chỉ huy Furiosa cùng một nhóm người bị đàn áp đến được vùng đất an toàn. Gạt bỏ những hiềm khích và mâu thuẫn về lợi ích cá nhân, cùng nhau, những con người xa lạ đấu tranh để có thể thoát khỏi ách cai trị tàn ác của bạo chúa Immortan Joe, cũng như học cách sinh tồn giữa sa mạc mênh mông và bao la chỉ toàn là cát với gió.
Để có thể trở thành một trong những phim hành động hay nhất mọi thời đại (bình chọn của độc giả tạp chí Rolling Stone vào năm 2015), Mad Max: Fury Road đã chứng kiến một quá trình vô cùng chông gai của đạo diễn George Miller. Phát triển ý tưởng vào năm 1998, nhưng do ảnh hưởng của nhiều biến động chính trị ở nước Mỹ và Iraq, bộ phim chỉ chính thức được khởi quay vào tháng 7 năm 2012 và hoàn thành vào năm tháng sau đó.
Dù không có được thành công tại phòng vé, nhưng Mad Max: Fury Road cho thấy cái duyên của mình với giải thưởng khi dành trọn cảm tình từ giới phê bình nghệ thuật. Họ không tiếc lời ngợi khen sự chỉ đạo tài tình của đạo diễn George Miller, cùng các yếu tố như kịch bản, hành động, âm nhạc, quay phim, dựng phim, phục trang, hiệu ứng đặc biệt và cả diễn xuất của bộ đôi Tom Hardy và Charlize Theron. Bộ phim đường hoàng xuất hiện tại Oscar với mười đề cử, và thắng sáu tượng vàng tại những hạng mục Best Costume Design, Best Production Design, Best Makeup and Hairstyling, Best Film Editing, Best Sound Editing và Best Sound Mixing.
12. The Revenant (2015) – Người về từ cõi chết
Đạo diễn: Alejandro González Iñárritu
Diễn viên: Leonardo DiCaprio, Tom Hardy, Domhnall Gleeson, Will Poulter
Xếp hạng IMDb: 8/10
Năm 1823, trong một chuyến đi săn thú, người đàn ông giàu kinh nghiệm Hugh Glass bị thương nặng sau khi chạm trán với một con gấu to lớn. Trước chặng đường xa xôi và đầy hiểm nguy, ông bị những người đồng đội nhẫn tâm bỏ lại. Trên người đầy những vết thương, Hugh Glass hoàn toàn đơn độc trong cuộc đấu tranh sinh tồn trước thời tiết khắc nghiệt và cuộc truy đuổi gắt gao của một nhóm chiến binh thù địch.
Sau nhiều lần đổi đạo diễn, diễn viên và trì hoãn vì lịch trình, The Revenant chính thức bấm máy vào tháng 8 năm 2015. Dù vậy, họ cũng phải trải qua một quá trình vô cùng khó khăn khi đạo diễn Iñárritu muốn quay tất cả mọi phân cảnh bằng ánh sáng tự nhiên. Điều đó đồng nghĩa với việc đoàn phim chỉ có một khoảng thời gian nhất định để thực hiện cảnh quay, trong khi họ lại mất đến nửa ngày cho riêng việc di chuyển. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nơi vùng đất hẻo lánh và hoang vu là một thử thách rất lớn cho mọi thành viên trong đoàn. Không chỉ dừng ở đó, Leonardo DiCaprio, nam diễn viên chính và linh hồn của The Revenant, thừa nhận phải vượt qua rất nhiều giới hạn trước đây của bản thân để hoàn thành những cảnh quay khó khăn như lội qua sông băng, ngủ trong xác động vật hay ăn ngấu nghiến thịt sống.
Đền đáp lại màn hóa thân xuất thần của Leonardo DiCaprio là thành công vang dội tại phòng vé trên toàn cầu với $533 triệu doanh thu và những lời ngợi khen có cánh của giới phê bình. Mọi sự chú ý đổ dồn vào diễn xuất của tài tử điển trai Hollywood cùng bạn diễn Tom Hardy, bên cạnh sự chỉ đạo của đạo diễn Iñárritu và phần hình ảnh giàu tính biểu tượng của nhà quay phim Emmanuel Lubezki. Tại Oscar lần thứ 88, The Revenant có cho mình tổng cộng 12 đề cử, và giành chiến thắng cho những hạng mục quan trọng như Best Director, Best Cinematography và đặc biệt nhất là Best Actor dành cho DiCaprio sau 5 lần “hụt” trước đó. Hầu hết khán giả đều vui mừng và hân hoan khi chàng tài tử tài hoa của Titanic ngày nào cuối cùng cũng đã có tượng vàng Oscar sau rất nhiều năm không ngừng cống hiến và hy sinh cho điện ảnh.
(còn tiếp)
Bài viết: Gấu Trúc
Nguồn tham khảo: IMDb, Wikipedia.