Hiện đại hoá căn nhà phương Đông 60 tuổi bằng phương châm ‘phục hồi, phục dựng và thêm công năng’
HAO Design, một công ty thiết kế kiến trúc tại Đài Loan, nhận tái tạo căn nhà ba gian cổ xưa trở nên phù hợp với lối sống đô thị hiện đại tại một khu dân cư ở huyện Bình Đông, Đài Loan.
Căn nhà trong dự án The Living Lab đã ngoài 60 tuổi. Mặc dù đây là nhà ba gian, nhưng nó lại không tuân theo truyền thống “bao bọc sân giữa” như nhiều tứ hợp viện Trung Hoa thường thấy. Điều này chứng tỏ rằng những người chủ cũ đã xây dựng lần lượt từng khu riêng biệt dựa trên khả năng tài chính của họ.

Căn nhà nằm gần trạm tàu Bình Đông. Vì phía này của thị trấn được phát triển sớm hơn và dân số trở nên già cỗi theo thời gian, những căn nhà trong khu vực là tổ hợp giữa những căn nhà độc lập, nhà đang chuyển đổi sang phong cách đương đại và những tứ hợp viện. Từ mái nhà nhìn xuống, ta có thể thấy dòng chảy thời gian qua phong cách của từng toà nhà. Khi những kiến trúc sư mới bắt đầu dự án, phần mái trông dúm dó như muốn sụp đổ. Nhiệm vụ của HAO Design là tìm cách đưa căn nhà “thích nghi” với phong cách hiện đại mà không phải dỡ bỏ phần lớn các bức tường, mặc dù một số đã thật sự đổ nát.

Đầu tiên, HAO Design tận dụng tối đa không gian trong và ngoài căn nhà bằng cách thay thế phần mái cũ với ngói sắt màu xám lì của Nhật. Tấm lợp bằng gỗ bách màu vàng cứng cáp được lắp ở trên trần nhà và nhấn nhá cùng những khối tre, cho phép ánh sáng mặt trời đi vào nhà và tạo cảm giác thư giãn cho gia chủ. Tiếp theo, họ lắp đặt một cánh cửa ở bức tường phía trước sát cạnh sân sau để tạo ra không gian cho phòng tắm. Điều này giúp dẫn nhiều ánh sáng tự nhiên vào nhà hơn và giảm thiểu hệ thống đường ống tác động đến cấu trúc ngôi nhà. Phần tường nhà bếp được thay bằng kính, đánh dấu sự thay đổi từ một căn bếp truyền thống khép kín, và mở rộng tầm nhìn cả cho phòng khách và sân trước. Tất cả các cửa sổ của sảnh chính đều được giữ hình dáng nguyên thuỷ của mình, tròn và kim cương. Bằng việc lắp vào các cửa kính cổ điển, những thứ được HAO Design sưu tầm trong hai năm, căn nhà đã tái sinh trong hình hài một tác phẩm nghệ thuật hiện đại.



Mặc dù không hữu dụng lắm, nhưng những khung cửa sổ bằng sắt giúp tạo ra cảm giác hoài cổ cho căn nhà. Vì vậy các kiến trúc sư đã cắt chúng ra và lắp thành ban công cho tầng hai, nhằm giữ lại vẻ đẹp của các hoạ tiết. Phần sàn đá mài và gạch lát trên tường lúc trước được chà sáp và đánh bóng để giả lại cách xây dựng truyền thống. Thậm chí khi thiết kế chiều cao của trần và kích thước cửa ra vào, các kiến trúc sư cũng tuân theo nguyên tắc “phục hồi, phục dựng và thêm vào công năng mới”.

Phần nội thất và trang trí đưa vào căn nhà là hỗn hợp từ các thiết kế của Đài Loan và châu Âu từ những năm 1940 và 1980. Chúng bao gồm nhiều đồ cổ hiếm mà HAO Design đã sưu tầm khắp thế giới trong khoảng thời gian dài, bao gồm những chiếc ghế đẩu tròn bằng gỗ, tủ thuốc kiểu Hoa, rèm mây, đèn Ấn Độ và kính hiển vi của Đức. Thêm nữa, họ đã mạn phép giữ lại những khối gạch cũ từ phòng khách để tạo nên sự kết hợp giữa các loại gạch đỏ từ nhiều thời kỳ. Cuối cùng, nhấn nhá bằng gỗ bách, xi măng và gạch đá mài trên tường, trần và sàn giúp đem một cảm giác rất chân thật cho ngôi nhà.
















Phần thiết kế nội thất đã gợi lại nhiều cảm xúc và kỷ niệm ở người dân và khách đến thăm. Với mục đích tái tạo căn nhà ba gian trở nên phù hợp với lối sống đô thị hiện đại, họ còn trồng thêm cây non bên cạnh máng trượt gần nhà cây của những đứa trẻ, với mong ước nhìn thấy cái cây lớn lên mỗi ngày cũng như truyền thống gia đình sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.





Nguồn: HAO Design
iDesign Must-try

Kasaya - nhà hàng chay với thiết kế lấy cảm hứng từ vạt áo cà sa

Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’

Tuyên truyền trong Thế chiến II (Phần 2)

Những chiếc ghế huyền thoại nhà Eames, qua góc của nhà thiết kế công nghiệp Vjeko

Nokia đánh đổi logo mang tính biểu tượng của mình để trông ít di động hơn và ‘kỹ thuật số hơn’
