“Deus” trong bộ phim Ex-Machina: Quyền năng giữa con người và máy móc (Phần 1)
Trước đây, câu chuyện ngày tàn của nhân loại giống như một deus ex machina trong các tấn bi kịch Hy Lạp cổ xưa, khi một nhân vật thần thánh như Thiên Chúa xuất hiện và cứu loài người khỏi bi kịch tận thế.
Về sau, cụm từ này thường mang ý nghĩa gắn liền với một kết thúc bất ngờ: Hoàn toàn không đồng nhất với các sự kiện trước đó, đến mức sửng sốt.
Deus ex machina: (tiếng Latin) từ tiếng Hy Lạp ἀπὸ μηχανῆς θεός (apò mēkhanês theós), có nghĩa là ‘THẦN TỪ MÁY’/’HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚA’. Nó là một công cụ biên kịch mà theo đó, một vấn đề dường như không thể giải quyết được trong câu chuyện đột ngột được giải quyết bằng một sự xuất hiện bất ngờ (dường như không thể nào xảy ra được). Chức năng của nó là để giải quyết một tình huống cốt truyện không thể giải quyết được, gây ngạc nhiên cho khán giả, nhằm mang lại một kết thúc có hậu, hoặc tình huống hài hước.
Thuật ngữ này được đặt ra từ các quy ước của thảm kịch Hy Lạp, nơi một cỗ máy được sử dụng để đưa các diễn viên đóng vai các vị thần lên sân khấu. Chiếc máy này có thể là một chiếc cần cẩu được sử dụng để hạ thấp các diễn viên từ phía trên hoặc một trục nâng các diễn viên lên qua một cái cửa sập. Các công cụ này luôn sẵn sàng đưa diễn viên lên sân khấu và được thực hiện phía sau cánh gà. Ý tưởng này được giới thiệu bởi Aeschylus và được sử dụng thường xuyên để giải quyết xung đột và kết thúc của vở kịch. Mặc dù đây là thiết bị được dùng chủ yếu trong các vở có bi kịch ở Hy Lạp, nhưng nó cũng xuất hiện nhiều trong các bộ phim hài.
- (Nguồn: Wikipedia)
Những định nghĩa “tạm” này của deus ex machina còn phù hợp với một điều: Có lẽ thứ quan trọng cần được cứu không phải là nhân loại, mà chính là trí thông minh. Trái đất là một nguồn tài nguyên hữu hạn, và tuổi thọ của con người không phù hợp với quy mô vô hạn của thời gian. Vậy đâu là thứ chúng ta cần để tồn tại? Trí thông minh hay sự bất tử? Hai thứ này chính là phương tiện để phóng chiếu ý thức của chúng ta vào vũ trụ vô định này, khi Trái Đất, vũ trụ này và xương thịt của chúng ta trở thành một.
Để loại bỏ “deus” (Thần) trong “deus ex machina”, ta phải trả lời được câu hỏi ngoài lề về hệ quả và mức độ khả thi của trí thông minh nhân tạo. Liệu ý thức có bao giờ xuất hiện trong một cỗ máy hay không (một ý tưởng từ nhà triết học Gilbert Ryle nhằm chỉ trích thuyết nhị nguyên về thân thể và tâm trí khi cho rằng có “linh hồn trong máy móc”). Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể chắc rằng một cỗ máy có ý thức hay không, khi máy tính rất giỏi trong việc tạo ra các mô phỏng – thứ duy nhất chứng thực cho sự tồn tại của chúng. Một đề xuất khá “cổ điển” để kiểm tra sự khác biệt giữa người và máy là Bài kiểm tra Turing, được phát triển bởi nhà khoa học máy tính Alan Turing trong bài báo “Máy móc và trí thông minh năm 1950” của ông. Nếu máy móc có thể “làm những gì chúng ta (như một thực thể có suy nghĩ) có thể làm”, thì nó cũng phải là những thực thể có suy nghĩ tương tự. Do đó, chúng ta có thể kiểm tra liệu một cỗ máy thực sự có tâm trí hay không bằng cách đơn giản là nói chuyện với nó: Bởi ngôn ngữ là một hiện tượng đủ phức tạp để phân biệt một cỗ máy có hay không có suy nghĩ. Giả sử chúng ta có thể giao tiếp với nó như với con người mà không hề biết đó là một cỗ máy – thì hẳn rằng đây là một cỗ máy có khả năng suy nghĩ, hay nói cách khác là có linh hồn.
Cốt truyện của Ex Machina ban đầu xoay quanh một thử nghiệm như vậy. Có thể bạn sẽ thấy khó tin khi những thước phim chỉ xoay quanh thử nghiệm Turing lại vô cùng thú vị để chú tâm vào suốt hai giờ đồng hồ như thế, cũng có thể là do vẻ ngoài đặc biệt xinh đẹp của nữ diễn viên chính. Ava không phải là một cục máy tính xám ngoét, mà nàng đã được nhà phát minh của nàng là Nathan ưu ái trao cho giới tính và một cơ thể. Hiện thân của nàng khiến cho thử thách tạo nên robot thông minh trở nên khó khăn hơn. Để luôn nhắc người giám định (Caleb) nhớ rằng Ava là một cỗ máy, Nathan đã thiết kế một phần cơ thể của Ava có thể nhìn xuyên thấu thông qua một lưới thép: các cơ quan nội tạng cơ khí khi chúng co bóp theo một nhịp điệu không xác định được; xương và dây chằng tổng hợp khi chúng di chuyển theo nhịp chân tay. Chỉ duy một thứ thật sự riêng tư và cá nhân của nàng, đó là bộ não. Nó thể hiện một thực tế rằng, nàng không chỉ là một thực thể có ý thức, mà chính ý thức ấy cũng đang bị đe dọa. Bộ não nàng được bao bọc trong một hộp sọ kim loại sáng bóng, và dường như khuôn mặt xinh đẹp kia được phủ lên một lớp mặt nạ.
Điều khiến chúng tôi thỏa thích và có phần cảm thấy “creepy” chính là, thách thức về vẻ ngoài của Ava không liên quan đến tính tự động hóa của máy móc mà là những ham muốn nhục dục. Cơ thể nàng được thiết kế không chỉ để thuyết phục về tính máy móc mà còn là để thuyết phục người xem rằng: Dẫu sao đi nữa thì một cỗ máy vẫn có thể đẹp và đầy hấp dẫn.
Đây là tiền thân của kết luận về việc máy móc có thể khiến đối phương ham muốn như một con người thực thụ, và ngược lại, bản thân nó cũng có khả năng ham muốn.
Và Ava là một “con người” đầy rẫy những ham muốn: Một hỗn hợp sâu sắc của sự bất bình và những biểu cảm bùng phát, lúng túng và ân sủng. Cách nàng di chuyển vừa như một con robot, vừa như cách người nghệ sĩ lướt qua trong một vở ballet. Cuộc trò chuyện của nàng xen kẽ các câu như câu hỏi mẫu trên web hẹn hò trực tuyến – “Tình trạng hôn nhân của bạn là… độc thân?” – sự thô ráp đó lại truyền tải được “phần người” nhiều hơn bao giờ hết. Nàng vô cùng thận trọng trong tính cách và khuôn mặt cũng là cách nàng biểu lộ tình cảm. Để rồi cuối cùng, Ava của Ex Machina không đơn thuần là máy móc hay con người nữa mà tồn tại và sống ở cả hai “thế giới” cùng một lúc.
Đây là sự vụng về của một vật thể nhân tạo, hay sự bối rối của một đứa trẻ mới sinh? Ava có lẽ chỉ là một đứa trẻ: Bất kể hiểu biết sâu rộng về kiến thức đến đâu, nàng vẫn thiếu trải nghiệm, và chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với việc phải chịu đựng những ham muốn của con người. Điều dễ dàng nhận biết từ bộ phim chính là sự phát triển cảm xúc mà Ava đã dành cho Caleb. Và thế là anh chàng dễ dàng rơi vào lưới tình.
Dù bạn nghĩ rằng tình cảm của Ava đối với Caleb chưa bao giờ là chân thành, nhưng ham muốn của nàng là một điều thực sự đặc biệt, không phải do lỗi hệ thống. Nathan đã đúng khi giữ quan điểm rằng ý thức không tồn tại khi ta không có nó. Dù lời giải thích của anh cho quan điểm này không liên hệ trực tiếp mà ngụ ý là nếu không có ham muốn thì không có ý chí, và do đó không có khả năng khách quan nào khiến một cỗ máy có linh hồn. Nathan truyền đạt những ý tưởng này đến Caleb bằng một bức tranh của Jackson Pollock, những giọt nhỏ và hỗn độn mang ý nghĩa của tính “máy móc” và “vô ý thức”, nó nằm đâu đó giữa chủ ý thực hiện và phản xạ tự nhiên. Thế nên nếu giải thích đó là “máy móc” thì không thực sự chính xác.
Theo lời Nathan nói, thử nghiệm này là để “tìm một hành động không tự động“; nếu Ava khao khát Caleb, đó chắc chắn không phải vì nàng được lập trình để làm vậy. Người ta dễ tin rằng một cỗ máy biết yêu khi nó được lập trình sẵn với rất nhiều trường hợp yêu đương được viết ra như một kịch bản. Không phải ngẫu nhiên khi ý tưởng này gợi lên một vấn đề vô lý thuở xưa, khi các nhà thần học biện hộ rằng cái ác là phần thiết yếu của một ý chí tự do. Nhưng ít nhất trong trường hợp của trí tuệ nhân tạo, tự do không đơn thuần chỉ là một món quà; như một phần thiết yếu của ý thức, nó là yếu tố cần để bài thử nghiệm Turing thành công.
Nếu khả năng ham muốn là yếu tố cần thiết của trí thông minh nhân tạo, nó lại không phù hợp với loại mong muốn giúp thúc đẩy sự phát triển. Những tri giác được trao khiến robot thông minh trở nên hữu ích với con người nhưng lại làm chúng trở nên vô đạo đức. Để việc “sinh” ra một trí tuệ nhân tạo hiệu quả trong trường hợp này, thì đầu tiên bạn phải là chủ nhân nô lệ của trí thông minh nhân tạo đó, trừ khi bạn sẵn sàng nhân từ tuyên bố giải phóng và tự hủy bỏ quyền thử nghiệm trên nó. Thậm chí nếu muốn tạo ra người máy theo một tinh thần nhân từ hơn, thì bạn có quyền trao nhân cách (personhood – những phẩm giá để được đánh giá là một con người) cho robot đó hay không? Bạn có nghĩ rằng mình nghiễm nhiên có quyền này ngay cả với con ruột của mình không, nếu tự nhiên không thể tự tạo ra được nhân cách cho nó? Thật khó cưỡng lại rằng khái niệm phát triển trí thông minh nhân tạo sẽ là một hành động tham lam tột cùng. Có lẽ việc tạo ra một người nhân tạo sẽ không bao giờ đồng nghĩa với việc cho họ một nhân cách.
Người sáng tạo của Ava là hiện thân cho sự tham lam này. Nathan là giám đốc điều hành vô cùng giàu có của một công ty công cụ tìm kiếm nổi tiếng, gã còn là hình mẫu hoàn hảo của tuýp người siêu nam tính và phóng khoáng: Mạnh khỏe và thẳng thắn một cách đáng sợ, nhưng nhanh chóng trở nên thân thiện bằng cách mời bia và chia sẻ như những người đàn ông với nhau. Nhân vật này chứa đựng một trí tuệ khổng lồ. Nhưng gã ta không phải là một thiên tài điên rồ mà chỉ là tên lạm dụng rượu đầy cuốn hút, không màng đến lương tâm, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn giận dữ bất thường – tất cả dường như là những gợi ý về một điều gì đó độc ác hơn.
Điều gì thúc đẩy Nathan? Có rất nhiều bằng chứng trong bộ phim thể hiện việc gã rất quan tâm đến việc tạo ra các cơ quan máy móc và trí thông minh nhân tạo cho chúng. Nhưng quan trọng hơn chính là dục vọng của gã.
Chúng ta thấy rằng Nathan đã tạo ra nhiều phiên bản robot nhân tạo thông minh trước Ava — tất cả đều là phụ nữ, đều xinh đẹp và nhiều trong số đó là bạn tình của gã, như thể mục đích thực sự của dự án là tạo ra con búp bê tình dục tiên tiến nhất trên thế giới. Sáng tạo của Nathan là những ảo vọng tình dục của gã, theo hẳn nghĩa đen. Bộ phim muốn mở rộng thuật ngữ “vật hóa” (objectification) khi vượt ra khỏi khái niệm đơn thuần là đối xử với người khác như đồ vật, mà bước đến một mức độ cao hơn khi tạo ra những con người như món đồ để làm hài lòng sự ham muốn của những kẻ tự cho mình là trung tâm thế giới.
(Còn tiếp…)
Tác giả: Wes Alwan
Dịch và tổng hợp: Lynnette Dinh
Nguồn: 3ammagazine