Butoh - điệu vũ cuồng điên bất tận của bóng tối
Những diễn viên trắng toát, vũ điệu dị thường, biểu cảm cường điệu, chẳng có một mạch chuyện để hiểu lại khiến ánh mắt tôi bị thu hút ngay lần đầu tiên, không cưỡng lại được. Thật khác thường cho một con mắt thẩm mỹ và một kiến thức hạn hẹp về loại hình nghệ thuật thiên về chuyển động cơ thể. Tôi lao vào tìm kiếm điên cuồng. Sức ảnh hưởng của cú đánh được slow- motion chậm rì mang tên Butoh lan tràn từng tế bào. Choáng váng và kỳ lạ…
Butoh – hình hài của sự phối kết hỗn loạn
Butoh (舞踏 ) là một loại hình vũ kịch của Nhật Bản được khai sinh sau Thế chiến thứ hai bởi hai người sáng lập Tatsumi Hijikata và Kazuo Ohno. Tên gọi đầy đủ của Butoh là Ankoku butoh (暗黒 舞踏) tức vũ đạo bóng tối hay vũ đạo hắc ám. Cái tên này ám chỉ những phản ứng của khán giả khi được tiếp cận Butoh buổi ban sơ là sự điên loạn, ám ảnh, đen tối, dị hình tựa ma quỷ bước ra từ bóng tối.
Butoh không phải là loại vũ kịch đậm nét truyền thống, nó là kết quả của sự phối kết hỗn loạn từ các loại hình sân khấu cổ điển Nhật Bản như tuồng Noh và Kabuki, cùng các luồng gió nghệ thuật đa sắc và tươi mới thổi đến từ Tây phương. Như cảm hứng từ tranh của Bosch, Breugel và Goya, từ chủ nghĩa siêu thực, Dada và sau đó là Pop Art của những năm 1960. Hay khởi hứng bởi những nhà văn như Mishima, Lautréamont, Artaud, Genet và De Sade với những cõi kỳ dị.
Loại hình nghệ thuật này được biết đến là chống lại tính cố hữu và rất khó để định nghĩa, miêu tả. Bởi hình thành trong những rối ren và hỗn loạn sau Thế chiến thứ hai, Butoh tựa như một động thái mạnh mẽ Tatsumi Hijikata và Kazuo Ohno nhằm cung cấp cho công chúng hình ảnh chân thực xấu xí của Nhật Bản thời hậu chiến. Đồng thời bộc lộ ý chí tự do, thoát khỏi ràng buộc từ chuẩn mực nghiêm khắc và ước lệ xã hội để xây dựng một nước Nhật khác. Butoh hướng đến sự khai phá tinh thần, thông qua những dị biến của thân thể khi chuyển thành những hình thái, trạng thái khác trong cõi chúng sinh. Người sáng lập Hijikata Tatsumi còn luôn gắn với những cụm danh tính từ như khốn cùng, kiệt sức, nỗi phiền muộn khi được yêu cầu miêu tả về Butoh.
Những phản ứng đầu tiên
Mốc đánh dấu chính xác cho sự ra đời của Butoh chính là vở diễn “KINJIKI” (Forbidden Colours) vào ngày 24/5/1959 trong “6th Annual Newcomer’s Performance” của All – Japan Dance Association (Tokyo). “KINJIKI” mượn tựa đề từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Yukio Mishima và bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm của Jean Genet. Vũ công chính là người sáng lập Tatsumi Hijikata và Yoshito Ohno trợ diễn gần như biểu diễn trong im lặng với nhạc nền là tiếng rên rỉ, thở nặng nhọc và âm thanh từ harmonica. “KINJIKI” bắt đầu trong bóng tối, chỉ có tiếng bước chân của Hijikata đuổi theo Yoshito Ohno, tiếp theo là tiếng ngã và tiếng rên rỉ đầy gợi dục. Cao trào của buổi biểu diễn là khi Hijikata kẹp cổ một con gà sống giữa hai chân của mình để thể hiện sự dâng hiến cho tình yêu. Dù không thực sự giết chết con gà nhưng hành động này đã gây ra sự phẫn nộ cực kỳ lớn cho những khán giả theo dõi, thậm chí có nhiều người đã rời khỏi giữa chừng dù buổi diễn chỉ dài vỏn vẹn 15 phút. Kết thúc là hình ảnh hai người vũ công nằm trên sàn để đóng giả quan hệ đồng tính.
Lần giới thiệu Butoh đã vấp phải phản ứng dữ dội không chỉ ở phía khán giả mà còn là với những đồng nghiệp, những chỉ trích nặng nề về “KINJIKI” bị giáng xuống như “làm lung lay sự bình yên của cuộc sống hàng ngày” và vì “trình bày một tác phẩm như vậy trong buổi biểu diễn” dẫn đến việc Tatsumi Hijikata và Yoshito Ohno rời khỏi All – Japan Dance Association. Với một Nhật Bản tuy xoay cuồng trong những hỗn loạn thời cuộc nhưng vẫn còn chìm đắm trong những vở kịch kinh điển, những vũ kịch phủ đầy hào nhoáng, lẫy lừng thì một Butoh non nớt dám xé toạc bức màn nhung cũ kỹ đó bằng tất cả những kỳ dị, đen tối và chân thực là điều quá khó để chấp nhận.
Sau những phẫn nộ của khán giả Nhật Bản về loại nghệ thuật được cho là đầy tai tiếng “khỏa thân, sơn trắng, cạo trọc đầu” ở giai đoạn ban đầu những năm 60, với sự kiên trì, đánh đổi, Tatsumi Hijikata và Yoshito Ohno đã gặt được quả ngọt. Vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, Butoh đã tìm được đỉnh vinh quang của mình, tạo cú bùng nổ lớn ở phương Tây, được miêu tả như là ‘một hình thức múa đương đại nguyên bản sau chiến tranh từ Nhật Bản‘. Butoh giờ đây là một loại hình vũ kịch đương đại có sức ảnh hưởng lớn không chỉ ở Nhật mà còn là với các nước phương Tây. Thậm chí sức lan rộng của Butoh ở Tây phương còn mạnh mẽ và rầm rộ hơn. Hiện tại số lượng vũ công ngoại quốc theo đuổi loại hình vượt qua số lượng vũ công Nhật Bản.
Những người khai sinh dị hoặc
Tatsumi Hijikata và Yoshito Ohno là hai người sáng lập và xây dựng toàn bộ ý niệm và khung xương cho Butoh. Tatsumi Hijikata (1928 – 1986) là người tiên phong cho Butoh, được biết đến như một ‘đứa con của Showa’ ông chứng kiến sự tiến bộ của Nhật Bản từ chủ nghĩa hiện đại đến chủ nghĩa hậu hiện đại. Hijikata gặp phải những thách thức giống như các nghệ sĩ khác, trong âm nhạc, nghệ thuật thị giác và văn học trong thời kỳ này. Tác phẩm của Hijikata là một lời đáp trả cho Nhật Bản đang quay cuồng với những giá trị mới trong nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng rõ nét từ chủ nghĩa duy lý phương Tây. Hijikata đã tìm kiếm một giải pháp tạo ra loại hình biểu diễn mới giúp đưa nghệ thuật đương thời quay “trở lại cơ thể vật lý của người Nhật Bản”, tức nghệ thuật của người Nhật Bản nhưng vẫn chứa đựng hơi thở của Tây phương hiện đại.
Ohno Kazuo (1096 – 2010) là người được truyền cảm hứng để cùng đồng hành với Hijikata trong chặng đường đưa Butoh chinh phục khán giả. Ohno sinh ra ở thành phố Hakodate, Hokkaido, trước khi theo đuổi sự nghiệp múa chuyên nghiệp từ năm 1933 ông đã từng là giáo viên giảng dạy thể dục. Ông cũng đã từng có thời gian phục vụ cho Quân đội Nhật Bản, chính sự trải nghiệm chân thực về chiến tranh và sự khủng khiếp của nó đã cung cấp cho ông nguồn cảm hứng cho một số tác phẩm sau này của mình. Giống như Tatsumi Hijikata, sự nghiệp Ohno Kazuo chịu ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật phương Tây và cũng phải chứng kiến một Nhật Bản xoay vần rối ren sau Hậu chiến.
Ohno và Hijikata gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1954 khi biểu diễn cùng nhau trong “Crow” ク ロ (một cách chơi chữ trong tiếng Nhật là kuro 黒 hoặc black), buổi biểu diễn múa hiện đại theo phong cách Đức do Andō Mitsuko biên đạo. Ohno và Hijikata bắt đầu hợp tác tạo ra trải nghiệm khiêu vũ “KINJIKI” vào năm 1959 và tiến đến xây dựng loại hình vũ kịch mới với tên gọi Ankoku butoh.
Tuy là người đồng khai sinh nhưng nguồn cảm hứng và những ý niệm về Butoh của Tatsumi Hijikata và Yoshito Ohno lại có sự khác biệt. Với Tatsumi Hijikata, Butoh là cách ông mang người chị gái đã khuất một lần nữa sống lại trong cơ thể của chính mình. Trong một bài phát biểu có tựa đề “ Kaze daruma” (Wind daruma), Hijikata gợi nhớ đến chị gái của mình và sự tồn tại liên tục của linh hồn cô ấy sống bên trong cơ thể ông. Chính sự ám ảnh đến đớn đau về cái chết của người chị gái quan trọng nhất cuộc đời Hijikata đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực chính để ông phát triển phong cách Butoh riêng của mình.
Nếu như ở Hijikata thể hiện Butoh với ý niệm về sự trỗi dậy của cái chết thì Ohno chính là sự chuyển mình sống động của sự sống. Ông tin rằng mọi chuyển động trong Butoh đều mang theo linh hồn của chính cá nhân và thậm chí có thể là sự tái sinh tạm thời của một linh hồn khác vào cơ thể. Ngoài sức mạnh của linh hồn và tinh thần trong vũ điệu, Ohno tin rằng mọi điệu vũ điệu có cuộc sống riêng của nó và có khả năng sáng tạo cuộc sống.
Ohno thường hòa quyện tâm linh, đồng hóa cơ thể chính mình với nữ giới mà cụ thể chính là mẹ của ông. Những điệu vũ của Ohno Kazuo còn bắt nguồn từ mối quan hệ của ông với La Argentina – một nữ vũ công Flamenco nổi tiếng với những màn trình diễn phong cách Tân cổ điển Tây Ban Nha.
Nguồn gốc của khiêu vũ đến từ trong bụng mẹ. Nguồn gốc của điệu nhảy của tôi bắt nguồn từ bên trong tử cung đó, tử cung vũ trụ đó.
Ohno Kazuo – Words of Workshop (Keiko no kotoba)
Susan Blakeley Klein nói rằng “Ankoku Butō là kết quả của sự hợp tác của hai người đàn ông có tính cách ở hai cực của quang phổ; Ohno coi mình là ánh sáng, Hijikata là bóng tối, cả hai cực đều cần thiết để tạo ra năng lượng là Butoh“.
Phong cách thị giác
“Tẩy trắng, cạo râu, khỏa thân, lập dị và chuyển động cực chậm” là phong cách thị giác hết sức đặc trưng của Butoh. Những tượng người di động là điều gây ấn tượng bậc nhất đến khán giả. Không quần áo hay lớp trang điểm màu mè, những vũ công Butoh chỉ phủ khắp mình với lớp sơn trắng (hay vàng), những trang phục cũng được tiết chế rất nhiều, không có sự tổng hòa của nhiều sắc màu, chỉ là những đơn màu với nhiều sắc thái xuất hiện dưới ánh đèn.
Đặc biệt màu sơn được sử dụng trong các buổi biểu diễn Butoh được cho là bắt nguồn và cùng chất liệu với loại sơn gofun (nguyên liệu chính là vỏ sò tán mịn) được sử dụng trong nghệ thuật sân khấu truyền thống Kabuki. Có một số lý giải cho rằng Hijikata yêu thích công việc của nhà điêu khắc thạch cao George Segal, người đôi khi vẽ thạch cao trên cơ thể của mình. Còn Kazuo Ohno thì cho rằng mỗi màu trắng đại diện cho sự trong trắng, ngây thơ của con người mới lọt lòng.
“Sơn trắng là một trang phục không tốn tiền.”
Kouichi Tamano, một vũ công Butoh sống ở California, đệ tử số một của Hijikata chia sẻ
Trong quá khứ Hijikata đã từng dùng vôi trắng để quét lên toàn bộ cơ thể bởi những ngày đầu lập nghiệp ông không mua nổi gofun. Khi vôi trắng khô đi, nó hấp thụ nhiệt, cơ thể sẽ run lên. Và sự run rẩy đó được sử dụng như một động tác khiêu vũ. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp từng ghi nhận, vôi trắng đã gây bỏng cho vũ công khi biểu diễn.
Mặc dù bị đánh giá là quá mức trang trí nhưng việc áp dụng những yếu tố hỗ trợ thị giác đặc biệt là sơn trắng lại mang một công dụng sâu sắc hơn: che giấu và hủy bỏ danh tính của vũ công.
Việc phá hủy bản ngã của chính mình cho phép các vũ công hoàn toàn hiện thân, phô bày trọn vẹn được linh hồn với khán giả mà không bị cản trở bởi những điều được định tính bằng phương thức tiếp nhận thông thường.
Ánh sáng, âm nhạc và sân khấu
Không có quá nhiều điều để nói về ánh sáng, âm nhạc hay sân khấu của Butoh. Nó khá đơn giản và gần như không được chú trọng bởi điểm cốt yếu vẫn là vũ công và những ý niệm truyền đạt qua những điệu vũ. Ánh sáng thường không tràn ngập suốt buổi diễn, Butoh vẫn ưu tiên nhiều hơn cho bóng tối. Việc dàn xếp ánh sáng được thực hiện với mục đích để khán giả đủ khả năng theo dõi được những chuyển động, hay phục vụ cho chính ý niệm muốn truyền tải.
Âm nhạc cũng tương tự, tuy xuất hiện liên tục trong cả buổi trình diễn nhưng lại thường là những âm thanh khá ma mị, kích thích cao có tác động thúc đẩy, khơi gợi sự liên tưởng không gian. Sân khấu rộng thoáng, tinh giản, gần như trống rỗng và tiết kiệm trong sắp đặt đến tối đa.
Trong Butoh, mọi yếu tố khác ngoài vũ công, đều được tiết chế khá nhiều để đảm bảo cho sự tập trung vào những chuyển động. Mọi yếu tố đều giữ ở mức đơn giản, tối thiểu nhưng đầy tinh tế; tránh cung cấp chi tiết, cụ thể khiến khán giả xao nhãng và sa đà vào định tính không cần thiết.
Sự thiếu vắng của những kỹ thuật màu mè, hoa mỹ
Không có gương trong studio.
Tấm gương duy nhất chính là con mắt, các Butoh-ka (cách gọi các vũ công Butoh để phân biệt với các vũ công của thể loại khác) nhìn thấy và kiểm soát mọi chuyển động bằng cảm giác nội tại. Trong Butoh, dù đều đề cập đến ý niệm về tinh thần, tiềm thức, siêu hiện diện thì có hai phong cách khác nhau được xây dựng và phát triển bởi hai người khai sinh là: Ohno hiện thân cho linh hồn khác, trong khi Hijikata coi cơ thể như một xác chết đang tranh giành sự sống. Những chuyển động trong Butoh của Hijikata là sự sao chép của các dạng thức, hình dáng, chuyển động từ tự nhiên như cây, thác nước, hay là một con bò…
Khi chúng ta nói về việc đánh đồng hình ảnh và cơ thể, bạn có con vật này – bạn có bốn chân, có đầu và có sừng… và bạn nghĩ “Bạn có hình dạng gì? Điều gì làm bạn cảm động?
Vì vậy, trong trường hợp này, bạn có con bò của mình, hoặc ushi, và thứ bạn đang di chuyển bây giờ là những chiếc sừng này. Vì vậy, bạn đang mở rộng năng lượng của bạn trong những chiếc sừng này, điều này rất khác so với việc chỉ di chuyển đầu của bạn bởi nếu bạn di chuyển từ đầu chiếc sừng của mình thì nó sẽ di chuyển trở lại cơ thể bạn để thêm vào hiện thân đó… Bạn phải sử dụng trí óc và năng lượng của bạn, và đó là điều kỳ diệu về Butoh — không phải ai đó nhìn thấy rằng có một cái cây hay một con vật, mà là bạn đang làm việc với cơ thể, tâm trí và không gian của mình… và khi khán giả chứng kiến thì họ không nhìn thấy nhưng họ cảm thấy rằng đây không phải là một trải nghiệm bình thường hàng ngày”.
Còn Ohno lại tập trung vào những chuyển động của tinh thần và những dáng hình, động tác không phụ thuộc vào việc sao chép các yếu tố bên ngoài mà phải bắt nguồn từ nội tại. Với Ohno phô bày những trải nghiệm tinh thần là điều cốt lõi trong phong cách Butoh của ông.
Có vô số cách mà bạn có thể di chuyển từ vị trí đó sang chỗ khác. Nhưng động tác của bạn có cho phép chúng tôi cảm nhận được tinh thần của bạn không? Bạn đã hình dung ra những chuyển động đó trong đầu chưa? Hay chúng tôi đang nhìn thấy linh hồn của bạn đang chuyển động? Ngay cả đốm sáng trên đầu móng tay cũng thể hiện linh hồn của bạn. Đó là lý do tại sao tôi mãi mãi nói với bạn rằng hãy quan tâm đến từng khoảnh khắc; mỗi sải chân bạn thực hiện đều mang theo linh hồn của bạn.
Được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ phong cách khiêu vũ phương Tây nhưng Butoh lại có nhiều điểm khác biệt. Có thể hình dung điệu vũ phương Tây là sự bỏng rát hun đúc da thịt và chuyển động Butoh là làn khói bảng lảng của cỏ rạ cháy âm ỉ. Khiêu vũ phương Tây nhấn mạnh về dáng hình cơ thể, các động tác dứt khoát, năng động với chiều hướng lên cao, mang năng lượng dương. Butoh lại tập trung vào cảm giác bên trong, nhịp điệu cực kỳ chậm, có chiều hướng xuống thấp, đậm đặc năng lượng âm. Sự khác biệt này là nhằm xây dựng một thể loại khiêu vũ phù hợp cho người Nhật và dành cho người Nhật bởi sự chênh lệch về cơ thể, suy nghĩ và văn hóa Đông Tây.
Butoh là tất cả và là không gì cả
Để nói về Butoh có thể mất cả chục ngàn từ nhưng cũng có thể chỉ mất vỏn vẹn vài từ, bởi những ý niệm được truyền tải dường như chỉ có thể cảm nhận sâu sắc ở mức độ cá nhân, việc mở rộng thấu hiểu tường tận với phạm vi cá thể lớn hơn không tuyệt đối chính xác. Butoh là tất cả và là không gì cả. Đề cập rất nhiều về khía cạnh tâm hồn, siêu thức, Butoh coi trọng nhất chính là sự siêu hiện diện. Sự siêu hiện diện khá giống với thiền định, đưa cơ thể kết nối lại với tâm trí, kéo những suy nghĩ đang lang thang vô định trở về thực tại để tập trung vào từng khoảnh khắc hiện tại. Chính sự siêu hiện diện sẽ tạo cảm giác đủ đầy cho con người. Và chính trong giây phút đó cánh cổng thế giới rộng lớn được mở ra, khiến con người chấp nhận và thỏa mãn khi là một phần nhỏ của vũ trụ bao la, vô thường. Bởi những ý niệm quá sâu sắc truyền tải qua chuyển động, khiến Butoh trở nên kì dị, khó hiểu và khó tiếp nhận nếu như người thưởng thức không thực sự mở rộng tất cả giác quan lẫn suy nghĩ của mình.
“Điều tuyệt vời nhất mà ai đó có thể nói với tôi là trong khi xem màn trình diễn của tôi, họ bắt đầu khóc. Không quan trọng là hiểu tôi đang làm gì; có lẽ tốt hơn nếu họ không hiểu, nhưng chỉ cần đáp lại điệu nhảy.”
Butoh là loại hình nghệ thuật trình diễn, ở hình thức bề mặt nó đủ đại trà để công chúng tiếp cận, chỉ cần tìm kiếm, mở video bất kỳ hay mua vé bạn đã có thể thưởng thức. Tuy nhiên Butoh ở khía cạnh chiều sâu, tác động với mỗi người lại không giống nhau, phụ thuộc nhiều vào cảm nhận riêng. Vậy nên sự chia sẻ về Butoh ở bài viết này hiển nhiên mang tính cá nhân rất cao dù tôi đã cố gắng lần tìm những điểm chung nhất, được đồng thuận nhiều nhất với cái nhìn gần chạm ngưỡng khách quan những sẽ vẫn luôn xuất hiện những chủ quan mơ hồ.
Điều tốt hơn cả để hiểu Butoh là hãy thử dừng lại chiêm nghiệm nó một lần. Yêu thích, ghét bỏ, thấu suốt, mơ hồ,… Dù là cảm giác nào, dù có thể hiểu hay không thì ít nhất đó cũng sẽ là một vết khắc ngay hiện tại, trong tâm trí bạn về điệu vũ linh hồn cuồng điên bất tận của bóng tối.
Linh hồn của chúng ta liên tục chuyển động; chúng phân chia, chúng phân tán, chúng sinh sôi nảy nở chúng tôi. Đôi khi chúng lớn hơn, lúc khác lại nhỏ hơn và cứ tiếp tục như vậy…
The Butoh Body Performed: Aesthetic and embodiment in butoh dance by J. Brad Breiten B.A., State University of New York at Albany, 2011.
Biên tập: Y.ink