Ảnh hưởng của tranh khắc gỗ Nhật lên trường phái Ấn Tượng trong hội họa

Trường phái Ấn Tượng (Impressionism) được ca tụng như một cuộc cách mạng trong lịch sử nghệ thuật thế giới về kĩ thuật cũng như tư duy hình ảnh, thế nhưng chúng ta còn phải nhắc đến trào lưu Nhật Bản (Japonisme) với tiêu biểu là tranh khắc gỗ đã ảnh hưởng ít nhiều các nghệ sĩ tiêu biểu ở phương Tây và góp phần định hình rõ nét hơn trường phái Ấn Tượng trong hội họa.

 

Tranh khắc gỗ của Nhật thời kỳ đầu, vẽ bởi Nishikawa Sukenobu, 1739

Kĩ thuật khắc gỗ của Nhật Bản (ukiyo-e) bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỉ XVII ở kinh đô Edo (Tokyo ngày nay) với các mẫu in đơn sắc. Sau đó từ giữa thế kỉ XVIII, tranh in màu nở rộ với sự xuất hiện của hai bậc thầy trong lĩnh vực này: Katsushika Hokusai và Utagawa Hiroshige. Đối tượng trong tranh chủ yếu là kĩ nữ, geisha, võ sĩ sumo hay các diễn viên kịch kabuki. Đề tài được khai thác trong tranh ban đầu là cuộc sống đầy lạc thú giữa chốn phồn hoa: từ cảnh vui chơi giải trí đến những cảnh sinh hoạt thầm kín (điều này làm cho tranh khắc gỗ phần nào bị đánh giá thấp ở trong chính đất nước Nhật Bản).

Tuy nhiên, cảnh thiên nhiên, chim muông và cỏ cây bắt đầu nở rộ trong giai đoạn phát triển về sau của tranh khắc gỗ Nhật nhờ sự đóng góp to lớn của Hokusai và Hiroshige. Nếu Hokusai nặng về mặt hình thức thì Hiroshige lại chú trọng hơn vào việc diễn tả tâm trạng thông qua các tác phẩm của mình. Ukiyo-e sẽ mãi là báu vật của riêng Nhật Bản nếu không có sự mở cửa thương mại với phương Tây vào năm 1853.

Sau khi Hokusai và Hiroshige qua đời và sự Âu hóa trong cuộc cải cách Minh Trị năm 1868 khiến ukiyo-e trở nên suy giảm về cả chất lượng và số lượng. Trong khi kĩ thuật tranh của Nhật Bản trở nên lỗi thời trong nước thì ở phương Tây, nghệ thuật truyền thống ấy bắt đầu trở thành một cơn sốt bởi nét đặc trưng về mặt nội dung và kĩ thuật mang tính khác biệt vô cùng lớn.

Vườn tre, cầu Kyobashi của Hiroshige, 1857

Claude Monet, người tiên phong của trường phái Ấn Tượng, trùng hợp thay, cũng là một trong số các họa sĩ tiếp cận với tranh khắc gỗ Nhật sớm nhất khi du lịch sang Hà Lan, tình cờ thấy những giấy gói quà in các tác phẩm ukiyo-e và sau đó là ngay trong lòng thành phố Paris nhờ cuộc Triển lãm Quốc tế năm 1878. Ông trở thành một nhà sưu tầm các tác phẩm tranh khắc gỗ của Nhật, lấp đầy tường nhà mình ở miền nam nước Pháp với các bức tranh ông sưu tầm được.

Với tư cách một họa sĩ, ông bày tỏ rõ niềm yêu thích thông qua bức tranh vẽ vợ mình khoác lên người kimono (La Japonaise, 1876) , hay bày tỏ sự quan tâm với hình ảnh chân cầu mái vòm ở Nhật trong series hoa súng nước năm 1899, vật thể chính từng được danh họa Hiroshige khai thác trong một series tranh của mình.

Ông còn tiếp thu ở nghệ thuật Nhật Bản niềm say mê với thiên nhiên, trong sự thay đổi cảnh sắc giữa những điều kiện tự nhiên và thời điểm khác nhau (một loạt bức tranh về nhà thờ Rouen); ở bố cục tranh: đặt vật thể chính lùi về rìa bức ảnh và tạo cảm giác như bị cắt xén một phần. Tuy đặc biệt yêu mến tranh Nhật và được tạo cảm hứng ít nhiều, ông vẫn luôn là trụ cột của hội họa Ấn Tượng khi vẫn giữ rất rõ phong cách riêng với nét cọ nhỏ, hài hòa đặt cạnh nhau trong tương quan màu bổ túc tạo hiệu ứng mạnh mẽ.

La Japonaise, Claude Monet vẽ vợ ông, Camille Monet trong trang phục truyền thống Nhật Bản
Claude Monet vẽ khu vườn hoa súng nước ở Giverny (Pháp), 1899

Trong khi Monet đặc biệt yêu thích tranh phong cảnh thì ngược lại, Edgar Degas vô cùng ấn tượng bởi những bức vẽ người và động vật của tranh khắc gỗ Nhật, nhất là chuỗi tranh ký họa trong tuyển tập Manga của Hokusai. Bị cuốn hút bởi những tư thế hoàn toàn chủ động và mềm mại trong các bản phác thảo của bậc thầy người Nhật, như một lát cắt trong khoảnh khắc bị nét cọ thu lại một cách phóng khoáng, khác hẳn với chuẩn mực phương Tây lúc bấy giờ với các tư thế mang tính phô diễn hơn lúc bây giờ, Degas thậm chí đã học hỏi các tư thế ấy trong các bức tranh về những diễn viên múa, những nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu về sau.

Nổi tiếng nhất là bức tranh Những vũ công trong phòng tập cùng chiếc đàn double bass. Nhân vật chính trong tranh – nữ vũ công ballet với tư thế uốn cong người về phía trước, mặt chạm gối, thực chất được cóp nhặt trong một tư thế người đang làm việc trong bản phác thảo của Hokusai. Về bố cục cũng rất giống với tranh ukiyo-e: đơn giản hóa chi tiết của phông nền để nổi bật lên hình khối, các nhân vật bị đẩy dần ra rìa của bức tranh, nhân vật ở nửa dưới bức tranh sẽ ở gần nhất, càng ra xa và ở phía cao hơn thì càng xa đối với tầm mắt người xem.

Một tư thế người (Sparrow Dance) trong quyển Manga của Hokusai
Các vũ công trong phòng tập với đàn double bass (Dancers in the Rehearsal Room with a Double Bass), Edgar Degas, 1887

Degas, cũng giống như các họa sĩ ukiyo-e, còn dành sự quan tâm về thế giới riêng tư của phụ nữ hơn là những diện mạo thường bắt gặp trong xã hội, ví dụ như các bức tranh ông vẽ về những người phụ nữ đang tắm làm gợi nhớ đến các bức tranh khỏa thân của thợ lặn nữ bắt bào ngư trong tranh của Kitagawa Utamaro hay tranh vẽ phụ nữ của Torii Kiyonaga.

tranh các phụ nữ trong nhà tắm thời Edo của Torii Kiyonaga, khoảng năm 1780
Awabi-tori, Utamaro
Chậu tắm (The Tub), Edgar Degas, 1866

Ngoài ra, không thể không nhắc đến một tên tuổi đã quá quen thuộc : Vincent van Gogh. Ukiyo-e đã ảnh hưởng lên kĩ thuật và thay đổi cách nhìn vạn vật của ông ở nửa thời kì đầu. Khi còn ở Antwerp, Bỉ học vẽ trong một học viện nghệ thuật, Van Gogh khám phá và bắt đầu thu thập các bản tranh in khắc gỗ của Nhật. Ông vô cùng thích thú với các hiệu ứng không giác khác thường, sự trải rộng của các màu sắc mạnh, sự chú trọng vào chi tiết của thiên nhiên và vật dụng hằng ngày, không khí kì lạ và vui tươi. Bốn năm trước khi ông mất, Van Gogh rời Antwerp, quay trở lại Paris, nơi đang sôi nổi giữa cơn sốt tranh ukiyo-e. Ông bắt đầu phân tích các tác phẩm của phương Đông một cách tỉ mỉ hơn việc chỉ xem chúng như những bức tranh đẹp đẽ đơn thuần.

Cơn mưa bất chợt qua cầu Shin-Ōhashi bridge và Atake (1857), Hiroshige
Cầu trong cơn mưa,
(1887), Vincent Van Gogh

Ban đầu ông sao chép lại các tranh ukiyo-e, rồi bắt đầu tìm cách hòa trộn giữa những kĩ thuật được truyền cảm hứng và bút pháp riêng của chính mình. Ông vẽ các đường viền đậm nét, bóp méo ảo giác về chiều sâu để tạo nên những bề mặt phẳng như tranh khắc gỗ, kết hợp với nét cọ xoắn đặc trưng của mình. Van Gogh còn đặc biệt ấn tượng với cách sử dụng màu xanh phổ (Prussian Blue) trong bức tranh Sóng Lừng (The Great Wave) của Hokusai. Từ màu sắc của bầu trời cho đến dáng dấp của con sóng đều có thể tìm thấy một sự tái tạo tuyệt vời trong bức tranh Đêm Đầy Sao (Starry Night) của Van Gogh.

Sóng Lừng (The Great Wave) – Hokusai, khoảng. 1829–1833
Đêm đầy sao (Starry Night) – Vincent van Gogh, 1888

Japonisme, với đại diện là ukiyo-e đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc gây cảm hứng lên tác phẩm các họa sĩ tài năng phương Tây nói riêng, cũng như định hình rõ hơn trường phái Ấn Tượng cùng một số trường phái khác của hội họa nói chung (một điển hình khác là Tân Nghệ Thuật – Art Nouveau). Thông qua một lát cắt của lịch sử nghệ thuật, ta càng thấy được sự học hỏi nghiêm túc của các họa sĩ hơn là việc chỉ sao chép đơn thuần. Đây không hẳn là sự giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây khi vẫn chưa là một sự trao đổi cân sức khi hai tiến trình nghệ thuật đi ngược nhau, nhưng là tất yếu để quá trình lịch sử có thêm bước tiến mới và nghệ thuật có sự bao quát rộng hơn.

Tham khảo:
cafebiz.vn
mobile.abc.net.au

hcmufa.edu.vn/tap-chi/thong-tin-my-thuat-so-17-18
www.intermonet.com/japan/
en.m.wikipedia.org/wiki/Japonaiserie_
japonismedegas.wordpress.com/degas-and-hokusai
teachersinstitute.yale.edu/curriculum/units/1982/4/
www.vangoghmuseum.nl/en/stories/inspiration-from-japan

Cùng tác giả

#Tag

claude monet edgar degas Heirstory lịch sử nghệ thuật trường phái ấn tượng vincent van gogh

iDesign Must-try

/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Đoạn phim hiếm hoi ghi lại khoảnh khắc Claude Monet vẽ tranh tại khu vườn của ông ở Giverny
Đoạn phim hiếm hoi ghi lại khoảnh khắc Claude Monet vẽ tranh tại khu vườn của ông ở Giverny
Claude Monet là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất trong nhiều thế kỷ qua. Những hình ảnh đầy màu sắc, mang tính biểu tượng của ông đã khởi…
Ai Weiwei tái tạo hoa súng của Claude Monet bằng 650.000 mảnh LEGO
Ai Weiwei tái tạo hoa súng của Claude Monet bằng 650.000 mảnh LEGO
Bảo tàng Thiết kế ở London vừa công bố một tác phẩm mới của nghệ sĩ Ai Weiwei nằm trong triển lãm tập trung vào thiết kế đầu tiên của…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
/Tách Lớp/ ‘Women Decorating Porcelain’ - Tuyệt tác ánh sáng của Emma Meyer
/Tách Lớp/ ‘Women Decorating Porcelain’ - Tuyệt tác ánh sáng của Emma Meyer
Tuyệt tác của họa sĩ Emma Meyer đưa người xem trở về những năm cuối thế kỷ 19 với ánh nắng rực rỡ ngập tràn không gian và cho chúng…