Tom Hricko - Kiến tạo những thế giới song song bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh

Chiêm nghiệm sự ngưng đọng tĩnh lặng giữa không gian và thời gian, giữa đen và trắng, giữa thực tại và ảo ảnh đan xen tiếp nối qua từng khung hình được chiếu rọi bởi lăng kính nhiếp ảnh thủ công và kỹ thuật số của Tom Hricko.

Tom Hricko được biết đến như một nhiếp ảnh gia mỹ thuật người Mỹ, một nhà giáo dục nhiếp ảnh và bậc thầy về in ấn nhiếp ảnh thủ công. Tác phẩm của ông xuất hiện trong nhiều bộ sưu tập tại Mỹ bao gồm Lincoln Financial Group, Phoenix Mutual và People’s Bank. Tom Hricko từng dạy nhiếp ảnh đen trắng nâng cao và kỹ thuật in ấn tại trường Đại học bang của New York ở Purchase và trường Đại học Fairfield. Từ hơn 20 năm gần đây, ông tìm thấy ngôi nhà đích thực và quê hương thứ hai của mình tại Việt Nam.

Ngay từ khi còn rất nhỏ, Tom Hricko đã bắt đầu làm bạn với giấy, mực, đủ các loại hoạ cụ và cả bộ dụng cụ rọi ảnh cơ bản do cha mẹ ông trang bị sẵn, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ giữa vòng tay của một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cả ba người con trai trong gia đình Hricko đều theo đuổi đam mê nghệ thuật – người anh trai của ông là một kiến ​​trúc sư và người em trai là một chuyên gia in ấn lành nghề, đồng thời cũng là cựu chủ nhiệm khoa in ấn của Đại học Temple ở Philadelphia. 

Khi bước vào đại học, Hricko lựa chọn hội hoạ. Tuy nhiên, thăng trầm của thời cuộc đã khiến cho ông phải dang dở việc học để lên đường nhập ngũ. Trong bối cảnh quân ngũ của những năm 60 khi ấy, việc tiếp cận với họa cụ là một điều xa vời, thế nên ông đã sắm một chiếc máy ảnh để khỏa lấp nỗi nhớ với nghệ thuật. Chính quyết định ngẫu hứng đó đã mở ra một hành trình mới, con đường đích thực dành cho Tom Hricko. Ông chuyển hướng từ học hội hoạ sang nhiếp ảnh, và trở thành một người thầy cũng như một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp với nhiều thành tựu tại Mỹ suốt nửa thế kỷ qua.


Nghệ sĩ cùng những tấm phim slide dương bản được thực hiện trong hành trình khám phá Ai Cập vào những năm 80 của nghệ sĩ

Theo đuổi nhiếp ảnh bằng cả tâm trí và bền bỉ qua nhiều thập niên, ông đã khám phá và thử nghiệm với nhiều thể loại nhiếp ảnh khác nhau, từ nhiếp ảnh thủ công cho đến nhiếp ảnh kỹ thuật số hiện đại. Tương tự như nhiều nhiếp ảnh gia người Mỹ cùng thời, Tom Hricko đã bắt đầu việc thực hành nhiếp ảnh bằng những bức ảnh phong cảnh truyền thống lãng mạn và khơi gợi cái trác tuyệt của tự nhiên. Ông đã rong ruổi khắp nước Mỹ, châu Âu, và nhiều quốc gia khác trong suốt cuộc đời mình. Tuy nhiên, với việc thực hành nghệ thuật của mình, ông nhanh chóng nhận ra khả năng độc đáo của nhiếp ảnh trong việc tạo ra những thế giới khả dĩ mới, hay như theo tuyên ngôn của nghệ sĩ là “cơ hội được liếc nhìn vào một thực tại mới và tách biệt…”.

Thông qua những sắp đặt tĩnh vật mang đầy tính hội hoạ và những phong cảnh kỳ ảo, khán giả sẽ nhìn thấy những “thực tại thay thế” khác với thực tại thường nhật, mời gọi họ bước vào và thưởng lãm với một tâm thái ung dung, vun vén cho những rung động của riêng mỗi người. Tại nơi đó, họ bắt gặp những vật thể và khung cảnh mà họ nhận biết được, nhưng đồng thời rất nhanh chóng, họ cũng nhận ra sự kỳ lạ và phi lý ở chúng – mời gọi họ nhìn sâu hơn và ngẫm nghĩ lâu hơn.

“Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ dành thời gian để “chiêm nghiệm” tác phẩm thay vì chỉ “nhìn” đơn thuần như họ vẫn làm với các màn hình phổ biến ngày nay. Sống chậm lại và ngắm nhìn thật sâu các tác phẩm nghệ thuật, tôi mong rằng người xem sẽ khám phá một điều gì đó thật sự nguyên bản từ sâu thẳm tâm khảm của mỗi người.”

Tom Hricko

Trong thời gian đầu của hành trình nghệ thuật, Tom Hricko đã làm việc rất nhiều với việc tạo ra các tác phẩm tĩnh vật hoặc phong cảnh nhân tạo được chụp bằng máy ảnh khổ lớn. Ông cũng ứng dụng linh hoạt các kính lọc màu để tạo ra những mối quan hệ sắc độ siêu thực trong những biểu hiện nhiếp ảnh cá nhân độc đáo của mình. Sau đó, ông chuyển sang thử nghiệm phơi sáng nhiều lần, tận dụng khả năng đặc biệt của máy ảnh để ghi lại nhiều sự kiện cùng một lúc trên một đoạn phim. Những bức ảnh chồng hình tinh tế của ông nắm bắt một khoảng kéo dài thay cho một thời điểm duy nhất của thời gian trong một bề mặt không gian hình ảnh hoàn toàn phẳng, tạo ra sự bối rối ở người xem khiến họ phải nhìn ngắm thật kỹ để thấu hiểu.

In Vitro Landscape (1977) (tạm dịch: Phong cảnh trong ống nghiệm) là bộ ảnh đánh dấu bước chuyển mình của Tom Hricko từ chụp ảnh phong cảnh thiên nhiên thực tế sang phong cảnh nhân tạo được tạo ra bằng các đồ vật tĩnh vật. Đồng thời, ông dùng kính lọc màu để biến hóa màu sắc vốn có thành các sắc độ trắng khác nhau. Các vật thể như lông chim, hoa, quả, viên bi…như thể được bao quanh bởi đồng bằng và núi uốn lượn tồn tại ở thế giới nào đó thông qua lăng kính của riêng ông.

Object/Image(1979) là một series bao gồm ba tác phẩm: “Feather”, “Stone”, và “Feather-Stone”. “Feather” (tạm dịch: Lông vũ) khắc họa lông vũ lơ lửng giữa hư không được nhân bản phản chiếu qua một tấm phim, “Stone” (tạm dịch: Đá) khắc họa phiến đá bắt đầu bước ra từ tấm phim để hòa vào hiện thực của chúng ta. Cuối cùng, trong “Feather-Stone” (tạm dịch: Lông vũ – Đá), hình ảnh hoàn toàn trở thành vật thể, mang theo hiện thực khả dĩ khác với logic của riêng nó: nơi đó, lông vũ mỏng manh nâng đỡ cho khối đá nặng lơ lửng giữa hư không. 


Tác phẩm “Stone ” (tạm dịch: Đá) (1979)

Bộ ảnh được thực hiện bằng cách phơi sáng kép, tận dụng thủ thuật đặc biệt trong phòng tối để tạo ra ảo ảnh hoặc ảo giác vể một hình ảnh trong bức ảnh. Khi quan sát âm bản của “Feather” sẽ nhìn thấy hai bức lông vũ nhưng thực ra là chỉ có một chiếc lông vũ được đặt ở hai vị trí khác nhau và được chụp chồng hình/phơi sáng hai lần. Tuy nhiên, trong bản in xuất hiện thêm đường viền của một hình ảnh bao quanh lông vũ bên phải là do dùng miếng phim trong suốt để tạo ra, dẫn đến bản in khác âm bản và tính độc bản càng rõ ràng hơn. 

Một mối bận tâm của nhiếp ảnh Hiện đại là sự liên hệ giữa “vật thể” và “hình ảnh”. Nhiều người cho rằng một bức ảnh chỉ có thể là một hình ảnh đại diện cho cho một vật thể tồn tại sẵn. Việc ấy cũng làm giảm giá trị của một tác phẩm nhiếp ảnh – đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số với các bức ảnh không cần tồn tại dưới dạng vật lý. Như một lời phản biện mạnh mẽ với quan điểm ấy, “Object/Image” dẫn dắt người xem bước khỏi thực tại của vật thể ban đầu (tức là của chúng ta) và bước vào một thực tại hoàn toàn mới. Tác phẩm của Tom Hricko trở thành một minh chứng rằng bức ảnh là một tác phẩm sáng tạo trọn vẹn, hình ảnh nhiếp ảnh trực quan hoá những vật thể hay thực tại khả dĩ theo cách độc đáo chỉ riêng công cụ này có.


Tác phẩm “Feather-Stone” (tạm dịch: Lông vũ – Đá) (1979 – 2022)

Đối với tác phẩm “Requiem” (1982) (tạm dịch: Lễ cầu siêu) được ví von như sự vô thường của vạn vật xuôi theo dòng thời gian. Ông bắt trọn trạng thái của ba vật thể được thay đổi ba lần sắp đặt qua ba lần phơi sáng, thể hiện một khoảng thời gian trôi qua tác động lên các vật thể ngay trong một bức ảnh tĩnh.


Áp phích triển lãm năm 1982 tại Mona Berman Gallery với tác phẩm “Requiem” (tạm dịch: Lễ cầu siêu) (1982)

Tác phẩm “Requiem” (1982) (tạm dịch: Lễ cầu siêu)

Tương tự với “Requiem I” Tulips(1988), Tom cũng thể hiện quá trình chụp ảnh có thể nhìn thời gian khác với cách chúng ta nhìn thời gian qua, hai lần phơi sáng. Trong khung ảnh của mỗi bức “Tulips“, người xem có thể đang nhìn thấy hai bông hoa, nhưng thực tế là chỉ có một bông hoa được sắp đặt ở hai vị trí khác nhau ở hai thời điểm khác nhau. Vì vậy, ý niệm về thời gian được khéo léo lồng ghép khi ta nhìn thấy hai khoảnh khắc của cùng một bông hoa tulip tồn tại trong một bức ảnh tĩnh, và cùng một bông hoa ấy trong toàn bộ sê-ri.

Tác phẩm “Tulip” (1988)

Tom Hricko làm việc với chất liệu nhiếp ảnh phim đen trắng và luôn tự in thủ công tác phẩm của mình. Vào đầu những năm 90, khi làm việc cùng Lexingon Labs, ông cũng tạo ra những bản in ảnh “tường” tức là khổ cực lớn cho các tác phẩm nhiếp ảnh mỹ thuật của nghệ sĩ khác. Trong đó đặc biệt phải kể đến “The Last Sitting“, series tác phẩm cuối cùng chụp Marilyn Monroe vô cùng nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Bert Stein. 

Khi lần đầu bước chân tới Việt Nam vào khoảng năm 1994, Hricko đã lập tức phải lòng đất nước này và có một cảm giác quen thuộc như trở về nhà. Tuy nhiên, ông vẫn trải qua một khoảng thời gian sinh sống tại Campuchia trước khi hoàn toàn ổn định ở Việt Nam. Về khía cạnh thực hành nghệ thuật, đây cũng là thời kỳ mà Hricko trải nghiệm sự chuyển tiếp của lịch sử nhiếp ảnh giữa thủ công và kỹ thuật số – đặc biệt rõ nét ở nơi có sự đứt gãy chưa bắt kịp với thế giới như Đông Nam Á.

Một mặt, ông gặp khó khăn với chụp ảnh thủ công do khó thể tìm được những phòng tối chuyên nghiệp sẵn sàng cho phép ông sử dụng như trước; và thời điểm này, các máy ảnh kỹ thuật số cũng chưa phát triển đủ tốt. Mặt khác, Hricko cũng dường như cảm thấy có phần chán nản với nhiếp ảnh. Nhưng ông cũng nhanh chóng nhận ra, ngay cả trong lúc ấy, mình vẫn không ngừng chụp ảnh trong tâm trí. Ông cho in kỹ thuật số từ những âm bản cũ của mình và treo chúng khắp những căn hộ mà ông sinh sống, tiếp tục làm việc với nhiếp ảnh thương mại bên cạnh việc tham gia vào các dự án nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ tại Campuchia, Kosovo, Đông Timo… Những năm đầu của thập kỷ 2000, Tom bắt đầu làm quen với máy ảnh kỹ thuật số và chính thức sáng tác nghệ thuật thực thụ lần nữa vào khoảng 2010.

Với công cụ kỹ thuật số đã được ông học sử dụng thành thạo, người nghệ sĩ bắt đầu khám phá màu sắc trong nhiếp ảnh và cách nó có thể được sử dụng để tạo ra những phiên bản thực tế mới, tách biệt với thực tại sau ống kính máy ảnh. Ông quay trở lại với chủ đề phong cảnh tự nhiên nhưng tận dụng những điều kiện ánh sáng phẳng làm méo phối cảnh và đánh lạc hướng người nhìn, thay đổi bão hoà màu để tạo ra cả những màu sắc chứ không chỉ sắc độ phi lý, tiếp tục kiến tạo những thế giới siêu thực của những thực tại song song. Các khung cảnh tại Việt Nam, tiêu biểu là Huế với bộ “Huế” (2016) và Vũng Tàu trong bộ Echo Beach (2017) và Pixel Postcard (2017) là những chủ thể mới của Hricko.

Trong Huế, những cấu trúc kiến trúc giàu lịch sử của cố đô hiện lên lạ lùng trong không gian hình ảnh đen trắng với loại ánh sáng kỳ ảo mà Hricko từng rất ưa thích trong những bức hình phong cảnh thuở đầu 40 năm trước của mình: ánh sáng cực kỳ phẳng – tức là tương phản thấp và gần như không có bóng đổ. Phối cảnh do vậy bị làm lệch đi, đánh lừa con mắt cảm nhận chiều sâu không gian của người xem. Đồng thời, các chi tiết hình ảnh không bị che khuất bởi bóng đổ nên hiện ra rõ nét và dày đặc tầng tầng lớp lớp mời gọi người xem “nhìn sâu vào trong” tác phẩm.

Nếu ở Huế là loạt ảnh đen trắng và vọng lại những bức ảnh thủ công Hricko đã từng thực hiện 40 năm trước đó, thì “Echo Beach” của Tom Hricko là loạt ảnh có màu miêu tả bãi biển ở Vũng Tàu nơi ông sinh sống trong một thời gian dài. Hricko kết hợp khéo léo giữa cách biến đổi độ bão hoà màu, ánh sáng, bố cục chảy trôi của những yếu tố nhỏ đơn lẻ được khắc hoạ sắc nét… và đối tượng là một bãi biển vốn luôn đông nghịt người lại hiện lên trống trải. Đúng như bài hát mà bộ ảnh này mượn tên, “Echo beach” nhìn thoáng tưởng quen nhưng lại không hề có “thật”,


Triển lãm “Alternate Existence/s” của Tom Hricko đang diễn ra tại Toong 198 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TPHCM

Để nhìn lại quá trình thực hành nhiếp ảnh, nhiếp ảnh nghệ thuật và giảng dạy đã hơn 40 năm của Tom Hricko, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery phối hợp với Gốc Creation tổ chức triển lãm hồi tưởng Alternate Existence/s. Tới thăm triển lãm, người xem sẽ được hòa mình vào thế giới nhiếp ảnh nghệ thuật chất chứa những tầng tự sự và suy tư kín đáo sâu sắc, thấm đẫm triết lý nhân sinh quan ẩn dưới những hình ảnh tĩnh vật, sắp đặt, và phong cảnh giàu thẩm mỹ và kỹ thuật của người nghệ sĩ Tom Hricko. Đắm chìm vào không gian triển lãm, có lẽ ai cũng sẽ bất giác nhận ra vẻ đẹp và sức sống nội tại vẫn đang âm ỉ trong từng vật thể vô tri lẫn hữu tình hiển hiện cuộc sống này. Qua đó, ta có thể thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc ngắm nhìn, chiêm nghiệm vạn vật và vượt ra khỏi ranh giới của hiện thực thường nhật để thấy được cả những thế giới khác, của người nghệ sĩ và của riêng mỗi chúng ta.

Triển lãm mở cửa từ 9h – 20h ngày 19/11 – 10/12/2022, chính thức khai mạc vào lúc 18h – 21h ngày 25/11/2022 tại TOONG, lầu 6-11-14, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3, TP HCM, mời bạn đọc gần xa ghé thưởng lãm!

Độc giả quan tâm có thể đón đọc những bài viết tiếp theo của iDesign để cập nhật thông tin chi tiết về triển lãm!

Thực hiện: Nhi Phạm

Ảnh: Uyên Nguyễn

Ảnh tác phẩm do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

Alternate Existence/s idesign Nhi Phạm Nhiếp ảnh thủ công Tom Hricko

iDesign Must-try

Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Triggered/Addicted: Phim ngắn thú vị là phép ẩn dụ cho trải nghiệm làm phim của chính nữ đạo diễn Nguyễn Thúy An
Triggered/Addicted: Phim ngắn thú vị là phép ẩn dụ cho trải nghiệm làm phim của chính nữ đạo diễn Nguyễn Thúy An
Xinê Xem Fest 2023 và lễ trao giải Golden Door Awards tiếp tục là chuỗi sự kiện đáng lưu tâm trong lĩnh vực điện ảnh, được tổ chức thành công…
Haiku thị giác - hợp lưu nghệ thuật Đông - Tây
Haiku thị giác - hợp lưu nghệ thuật Đông - Tây
Những tác phẩm pha trộn giữa thơ haiku và nghệ thuật thị giác có thể mang đến gợi ý gì cho những người thực hành nghệ thuật đa phương tiện,…
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Giải thưởng Thiết kế Sản phẩm Nội thất gỗ Hoa Mai (HMA) lần thứ 20 chính thức khởi động, tổng giá trị giải thưởng lên đến 700 triệu đồng. Sáng…
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
Ngày 30/09/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội sẽ diển ra buổi thảo luận về chủ đề “Haiku thị giác” từ hai…
Vùng Vênh - Triển lãm giàu thẩm mỹ và thấu cảm của Hứa Vĩ Văn
Vùng Vênh - Triển lãm giàu thẩm mỹ và thấu cảm của Hứa Vĩ Văn
Người ta thường thấy một số diễn viên chuyển hướng làm ca sĩ hoặc diễn viên đi làm kinh doanh. Hiếm có diễn viên nào chuyển hướng làm họa sĩ.…