Nhiếp ảnh thủ công kiến tạo thực tại song song qua con mắt người nghệ sĩ

Trong bài viết cuối cùng của series, chúng ta sẽ cùng ngắm nhìn những thực tại độc đáo được những nghệ sĩ nhiếp ảnh thủ công tạo ra bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Những khung cảnh quen thuộc xuất hiện dưới hình thức mới trở nên kỳ lạ, khơi gợi trí tò mò và khuyến khích người xem bước vào khám phá.

‘Chiết xuất’ trừu tượng từ những vật thể thường nhật

Thay vì sáng tạo nên một khung cảnh hoàn toàn mới, những nghệ sĩ như Paul Strand hay Aaron Siskind sở hữu đôi mắt nghệ thuật đặc biệt, chuyên kiếm tìm ‘mảng’ trừu tượng trong những chất liệu tưởng như rất đời thường.

Paul Strand – Người tiên phong của Nhiếp ảnh Thẳng thắn

Paul Strand là người đã gợi mở chân trời mới, đặt nền móng đầu tiên cho trào lưu Nhiếp ảnh Thẳng thắn (Straight Photography) thế kỷ 20 bằng những tác phẩm nhấn mạnh tính khách quan và tập trung vào sự sắc nét. Được truyền cảm hứng mạnh mẽ sau khi xem các bức tranh của Pablo Picasso, Paul Cézanne và Georges Braque, Strand bắt đầu để ý hơn đến các hình thức và hoa văn trừu tượng trong các tác phẩm của mình. Thẩm mỹ ‘Thẳng thắn’ của ông đã lay động được các đồng nghiệp nhiếp ảnh, và sau này trở thành một nhân tố quan trọng tác động đến sự hình thành của Nhóm F/64 nổi tiếng.  

Hàng rào màu trắng” (White Fence) (1916). Đây là một trong những bức ảnh táo bạo nhất về phối cảnh, sắc độ và nhịp điệu tổng thể của thời kỳ này.

Các tác phẩm của Paul Strand sử dụng ánh sáng mạnh, chụp ở cự ly gần, khiến các đồ vật quen thuộc chẳng hạn như bát và đồ nội thất gần như trở nên trừu tượng. Nhiếp ảnh của ông đã mang đến diện mạo mới cho những đối tượng thường bị bỏ qua khi xem xét dưới danh nghĩa nghệ thuật cao cấp. Phối cảnh trong các bức ảnh như bị làm phẳng, tạo thành những hoa văn hai chiều mà người xem khó lòng liên tưởng đến hình dáng đa chiều ban đầu của vật thể đó. 

Những chiếc bát” (Bowls) (1916)

Với những đóng góp của mình, Paul Strand được tôn vinh như nhà kiến tạo của Nhiếp ảnh Thẳng thắn và truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ nghệ sĩ về sau. Nhiếp ảnh của ông đã nuôi dưỡng ý tưởng rằng chỉ có máy ảnh mới có thể ghi lại thế giới một cách chi tiết và sắc nét như vậy, chỉ có máy ảnh mới có thể tái hiện khung cảnh một cách thuần khiết và rõ ràng đến thế. 

Aaron Siskind – Đằng sau những khung hình trừu tượng thơ mộng

Aaron Siskind xuất phát là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh tư liệu thuần tuý về đề tài xã hội, sau đó, chuyển sang những hình ảnh mang tính khái niệm, trang trọng và đầy chất thơ, một bước ngoặt khiến ông trở nên nổi tiếng trên tầm quốc tế. Các tác phẩm của Siskind nhấn mạnh cách ông giải mã thế giới, những hình thức trừu tượng với đường nét và kết cấu lặp đi lặp lại. Cái tài của người nghệ sĩ được thể hiện ở khả năng thông dịch ngôn ngữ của thế giới ba chiều một cách trực tiếp và cơ học, thành tư liệu để tạo ra những khung cảnh hai chiều và trừu tượng. Cột mốc đánh dấu bước tiến dài trong sự nghiệp của Siskind là nỗ lực của ông khi thể hiện trạng thái tâm trí chính mình trong nhiếp ảnh, thay vì đơn thuần ghi lại chủ đề.

Jerome, Arizona” (1949). 

Aaron Siskind lựa chọn những địa điểm và sự vật dễ nhận biết làm tư liệu sáng tác, biến đổi nó thành một thứ mới để truyền đạt ý tưởng, cảm xúc và quan điểm về cuộc sống, cũng như lịch sử. Ông không kiếm tìm cảm hứng từ những gì xa xôi, mà tập trung khai thác ý nghĩa trong hình thức hầu như vô tri vô giác quan sát được từ xung quanh. Điều này thể hiện trong mối bận tâm của Siskind với chất lượng trừu tượng của các bề mặt hai chiều như vỉa hè, biển quảng cáo và tường, đặc biệt là những thứ bị biến đổi do phong hóa và mục nát. Các tác phẩm tập trung vào chi tiết của đối tượng, chụp ở cự ly gần, nhấn mạnh vào kết cấu, đường nét và vần điệu thị giác, tạo ra một hình ảnh mới độc lập với chủ thể ban đầu. 

Gloucester” 16A (1944)

Aaron Siskind ghi lại một cách chân thực và trừu tượng những đồ vật được tìm thấy; ông là một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên kết hợp được khía cạnh nhiếp ảnh ‘Thẳng thắn’ với sự trừu tượng mà thông thường phải sắp đặt tỉ mỉ mới tạo ra được.

Những bức ảnh đặc biệt không cần đến sự hiện diện của máy ảnh

Không thoả mãn với những giới hạn sáng tạo mà máy ảnh đem lại, cả Man Ray và László Moholy-Nagy có chung chí hướng tìm một phương thức mới, nhằm thoát ly ảnh hưởng của các công cụ có sẵn với quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Man Ray – Cha đẻ của ‘quang đồ’ Rayograph

Quang đồ (Nụ hôn) (Rayography (The Kiss)) (1922)

Man Ray là một người hâm mộ cuồng nhiệt nghệ thuật tiên phong đương đại, ông làm việc với những phong cách chịu ảnh hưởng bởi Lập thể, Vị lai, Dada, và Siêu thực. Mặc dù gắn bó với hội hoạ truyền thống sớm hơn hẳn, ông vẫn không cho rằng nhiếp ảnh là kém ưu việt hơn như các đồng nghiệp của mình. Man Ray chụp những hình ảnh đầu tiên vào năm 1918, với mục đích lưu lại những bức tranh của mình làm tư liệu, đồng thời bắt đầu sử dụng máy ảnh như một công cụ nghệ thuật.

Trong vô vàn những lần thử nghiệm, ông đã khám phá ra ‘đảo âm dương bán phần’ (sabatier effect), quy trình cho phép âm bản thu được là phiên bản đảo ngược của vùng tối với vùng sáng và ngược lại. Kỹ thuật ‘ghi bóng’ hay ‘quang đồ’ tiêu biểu của Ray cũng được phát hiện rất tình cờ khi ông đang làm việc với giấy nhạy sáng ở trong phòng tối. Sau đó được ông gọi tên là Rayogram hay Rayograph. Quy trình này là phương tiện giúp Man Ray có thể ngay lập tức thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình bằng cách lồng ghép các lớp hình ảnh lại với nhau. Các đồ vật vô tri được ông sắp đặt khéo léo bên cạnh cơ thể bản thân và người tình của mình tạo nên những khung cảnh Siêu thực mơ màng.

Nước mắt” (Les Larmes (Glass Tears)) (1932)

Đối với Man Ray, nhiếp ảnh thổi vào những tác phẩm nghệ thuật thông thường một luồng gió mới, góc nhìn mới, hiện thực hoá những cảnh tượng trong tâm trí người nghệ sĩ. Khung hình của ông là kết quả của việc hoá giải những đối lập tồn tại trong đời thật bằng hiệu ứng ánh sáng và hình ảnh tượng trưng một cách đầy thẩm mỹ. Đối với Ray, nhiếp ảnh là một lĩnh vực hoạt động giữa ranh giới của đời thường và nghệ thuật, nơi mà mọi giới hạn bị xoá nhoà. 

László Moholy-Nagy – Những cảnh tượng từ tầm nhìn mới 

László Moholy-Nagy có một mối bận tâm suốt đời với ánh sáng, độ trong suốt, thể hiện trong các mảng giao nhau và chồng chéo đặc trưng. Các bức ảnh của ông thường được chụp với góc nhìn độc đáo, bắt nguồn từ những gì mà con người chưa liên tưởng đến bao giờ, ví như từ trên cao của loài chim hay từ một con sâu, tất cả điều này kết hợp với bóng tối tạo nên những khung cảnh tuyệt vời.

Tháp truyền thanh Berlin” (Funkturm Berlin (Berlin Radio Tower)) (1928-29)

Moholy là một trong những nghệ sĩ đầu tiên sáng tạo nghệ thuật bằng các phương tiện cơ học thuần túy, hướng tới kỹ thuật tạo ảnh không sử dụng máy ảnh. Một trong những thử nghiệm thành công nhất của ông là Photogram, kỹ thuật chụp không dùng máy ảnh mà đặt các vật liệu trực tiếp lên giấy nhạy sáng hoặc đặt giữa nguồn sáng và giấy để tạo bóng trên giấy. Các vật thể quen thuộc hàng ngày biến thành các dạng phát sáng, mơ hồ trôi nổi trong không gian tối. Quy trình ‘photogram’ cho phép Moholy thỏa sức sáng tạo với ánh sáng, độ trong suốt, không gian và chuyển động, những yếu tố mà ông hằng theo đuổi trong suốt sự nghiệp của mình. Những tác phẩm này ảnh hưởng mạnh mẽ từ bố cục của các bức tranh theo chủ nghĩa Kiến tạo mà nghệ sĩ từng tạo nên. 

Ảnh chụp” (Photogram) (1926)

Trong các cuốn sách đã được xuất bản của mình, László Moholy-Nagy đặt ra thuật ngữ Tầm nhìn mới (Neues Sehen) với niềm tin bất diệt về việc máy ảnh có thể tạo ra một tổng thể, cách mới để nhìn thế giới bên ngoài mà mắt người không thể. Ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lý tưởng của Thuyết Kiến tạo, Moholy tin vào tiềm năng của nghệ thuật như một phương tiện chuyển đổi xã hội, tích hợp với công nghệ để cải cách nhân loại. Những thử nghiệm của ông về ánh sáng và bóng tối cũng củng cố giá trị của nhiếp ảnh như một phương tiện chủ quan, và do đó là một phương tiện nghệ thuật, thay vì chỉ đơn giản là một công cụ ghi lại hiện thực.

Nét đẹp của thời khắc quyết định

Có những nghệ sĩ lại theo đuổi những khung cảnh giàu cảm xúc, coi việc quá tuân thủ độ chính xác về mặt kỹ thuật là kẻ thù của nhiếp ảnh nghệ thuật, họ kiên nhẫn chờ đợi đến những thời khắc quyết định, khi mà mọi thứ thành hình. Đó là lúc những bức ảnh của André Kertész và Josef Sudek ra đời.

André Kertész – Theo đuổi những khung hình giàu cảm xúc

André Kertész kết hợp nhuần nhuyễn óc hài hước và con mắt nhạy bén của một nhiếp ảnh gia đường phố để tạo ra những tác phẩm chân thực nhưng vẫn mang vẻ thơ mộng. Đối với ông, “Những bức ảnh có thể hoàn hảo về mặt kỹ thuật và thậm chí đẹp, nhưng chúng vô cảm”. Kertész ủng hộ việc chụp ảnh một cách tự phát hơn là độ chính xác về kỹ thuật, cảm xúc luôn được ông đưa lên hàng đầu. Nhưng điều đó không chỉ đơn giản bắt gặp và ghi lại, ông thực hiện quan sát đối tượng ở nhiều góc độ khác nhau, cho đến khoảnh khắc các yếu tố hình ảnh tự thân sắp xếp thành một bố cục vừa ý, đó là thời điểm bấm máy. Các đối tượng trong ảnh trở thành những thứ ẩn dụ và vĩnh cửu. Khung hình tạo ra từ rung cảm về mặt trực giác của ông thường gợi cảm giác về thi ca.

Người Bơi Dưới Nước”, Esztergom, Hungary (Underwater Swimmer, Esztergom, Hungary) (1917)
Quảng Trường Washington, Mùa Đông” (Washington Square, Winter) (1954)

André Kertész được biết đến với tư cách là một nhiếp ảnh gia tĩnh vật, ông không đơn thuần diễn giải những gì đang hiện diện trước mắt, mà biến những thứ trần tục, chẳng hạn như đồ dùng, kính mắt và tẩu thuốc, thành một thứ gì đó thanh tao và thơ mộng. Trong các bức ảnh của mình, Kertész thường tìm kiếm các đường nét, hoa văn hình học, phản xạ ánh sáng và bóng tối để bổ sung và thay đổi nội dung bức tranh. Tĩnh vật của ông tuy được xem là trừu tượng, nhưng danh tính của đối tượng không bao giờ bị che giấu. 

Kính và Tẩu của Mondrian” (Mondrian’s Glasses and Pipe) (1926)

Những bức ảnh của André Kertész gây chú ý vì sự pha trộn giữ cảm giác lãng mạn và ý thức thời đại. Chúng sở hữu tính nghệ thuật trung thực toàn vẹn đã thu hút sự ngưỡng mộ từ rất nhiều người cùng thời với ông. Dấu ấn về sự trữ tình và dí dỏm vẫn đi theo André Kertész trong suốt sự nghiệp mãi về sau.

Josef Sudek – Nhà thơ của Praha 

Josef Sudek là một nhiếp ảnh gia đặc biệt, ông chỉ có một tay để thực hiện tất cả những khung hình tuyệt đẹp mà chúng ta nhìn thấy hiện nay. Vốn xuất thân từ phong trào Báo ảnh, nhưng lĩnh vực này nhanh chóng kiến Sudek cảm thấy bị bó buộc trong những khuôn mẫu tẻ nhạt, trong khi ông là người luôn vượt qua các ranh giới về nghệ thuật. Đối với ông, nhiếp ảnh là cách để khám phá thế giới xung quanh và mang đến sự chữa lành về mặt tâm hồn. Sudek có niềm đam mê cháy bỏng với ánh sáng, tất cả những vật thể thông thường như được phóng đại nhờ sự tinh tế và khả năng làm chủ hiệu ứng. Ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm của ông tồn tại đối lập, không gì có thể phá vỡ lằn ranh ngăn cách chúng. Nhiếp ảnh của Josef Sudek yêu cầu nghệ sĩ phải suy nghĩ đủ lâu và kỹ càng về một hình ảnh cụ thể trước khi chụp. Những bức ảnh của ông thể hiện đồng thời cả hai khía cạnh về độ chính xác kỹ thuật tài tình và chiều sâu cảm xúc, phù hợp với lịch sử phong phú và kiến trúc phức tạp của thủ đô Séc.

Nhà thờ thánh Veits-Dom, Prag” (St. Veits-Dom, Prag) (1926-27)

Josef Sudek nhận được lời ngợi ca nhờ những khung cảnh dịu dàng về cuộc sống đường phố ở Praha, tĩnh vật và góc nhìn từ cửa sổ tại xưởng chụp ảnh. Hầu hết chủ đề sáng tác của ông là những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa bao giờ được khai thác trên danh nghĩa nghệ thuật của những đồ vật vô tri vô giác. Cũng như  André Kertész, Sudek kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ trong bất kỳ hoàn cảnh nào để bắt trọn khoảnh khắc đẹp đẽ khi ánh nắng khiến vật thể và không gian bừng sáng. Cảnh tượng trong các bức ảnh của ông lúc nào cũng đẹp thơ mộng nhưng vẫn nhuốm màu u sầu như trong các thước phim điện ảnh.

Tĩnh vật bằng thủy tinh và đá cẩm thạch” (Still life with glass and marble) (1963-66)

Tom Hricko – Nhà du hành qua các thực tại song song

Tom Hricko là một nhiếp ảnh gia người Mỹ, được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông được biết đến là một bậc thầy về nhiếp ảnh thủ công. Theo đuổi nhiếp ảnh qua hàng thập niên, ông đã khám phá và thử nghiệm nhiều thể loại khác nhau, từ nhiếp ảnh thủ công đến nhiếp ảnh kỹ thuật số hiện đại. Tom Hricko sử dụng nhiếp ảnh đen trắng để khai phá khả năng độc đáo của nhiếp ảnh: dẫn dắt người xem thoát khỏi thực tại ban đầu và bước vào một thế giới hoàn toàn mới. Những vật thể thường nhật qua lăng kính của nghệ sĩ trở thành “bản thể thay thế” mang theo tinh thần khác lạ với trải nghiệm của chúng ta. Tác phẩm của ông là minh chứng cho thấy khả năng sáng tạo vô biên của nhiếp ảnh, không hề thua kém bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào khác.

Lông vũ” (Feather) (1979)
Đá” (Stone) (1979)
Lông vũ – Đá” (Feather-Stone) (1979 – 2022)

Như bao nhiếp ảnh gia Mỹ khác, Tom Hricko cũng bắt đầu với niềm đam mê vô tận với phong cảnh truyền thống lãng mạn nhằm khơi gợi cái trác tuyệt của tự nhiên. Sau quãng thời gian bền bỉ ghi lại vẻ đẹp thiên nhiên đơn thuần, ông không còn tìm thấy bất cứ cảnh tượng nào thú vị ngoài kia nữa. Chuyển dần sang khai phong cảnh nhân tạo được sắp đặt từ các đồ vật tĩnh, ông tận dụng ánh sáng để làm phẳng, méo phối cảnh, thay đổi độ bão hòa, không gian như hẹp dần, kết hợp với sắc độ kỳ lạ khiến người nhìn mơ hồ và đặt ra nghi vấn về những gì đang nhìn thấy. Tom Hricko gây dựng những thực tại khã dĩ song song từ nền móng sẵn có của chính thế giới mà ta đang sống. Nghệ sĩ sở hữu tấm giấy thông hành độc đáo, đưa người nhìn du ngoạn qua những thời không riêng biệt, mà mỗi người khác nhau sẽ có những chiêm nghiệm không giống nhau.

Phong cảnh trong ống nghiệm” (In Vitro Lanscape) (1977)
Arrangement” (1992)

Ngoài khả năng biến đổi không gian tài tình, Tom Hricko như sở hữu cả năng lực điều khiển thời gian và không gian khi ghi lại nhiều sự kiện cùng lúc trên một đoạn phim. Là kết quả của quá trình phơi sáng nhiều lần, những bức ảnh chồng hình tinh tế của ông nắm bắt một khoảng kéo dài thay cho một thời điểm duy nhất của thời gian trong bề mặt không gian hoàn toàn phẳng. Có lẽ là cảnh tượng mà chúng ta không bao giờ có thể bắt gặp trong thế giới thật. Các tác phẩm của Tom Hricko khiến chúng ta phải thực sự quan sát và chiêm nghiệm nhiều hơn để có thể thấu hiểu và diễn giải.

Vừa qua, “Alternate Existence/s” – triển lãm hồi tưởng quá trình thực hành nhiếp ảnh, nhiếp ảnh nghệ thuật và giảng dạy trong vòng 40 năm của Tom Hricko, đã được Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery phối hợp với GốcCreation tổ chức thành công tại TOONG, lầu 6-11-14, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3, TP HCM.

Thực hiện: Tố Uyên


Chủ mục Mini series “Nhiếp ảnh thủ công: Thấu kính nghệ thuật độc đáo dẫn tới những thế giới khác” – Tố Uyên (1998), là nhà thiết kế đồ họa tự do, đồng thời là một tín đồ nhiệt thành của nghệ thuật. Cô hiện đang theo học tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab chuyên ngành 2D Design & Motion Graphic. Uyên bắt đầu làm việc với con chữ một cách khá tình cờ khi có cơ hội làm CTV dịch thuật và viết bài cho mục Lịch sử Thiết kế đồ họa của iDesign, cũng như hỗ trợ những sự kiện của Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery.

Cùng tác giả

#Tag

Miniseries Nhiếp ảnh thủ công: Thấu kính nghệ thuật độc đáo dẫn tới những thế giới khác nhiếp ảnh nhiếp ảnh nghệ thuật nhiếp ảnh thẳng thắn Nhiếp ảnh thủ công Tố Uyên

iDesign Must-try

Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Những tấm vải tuyn thanh tao với chuyển động ma mị trên đồng cỏ và dưới những tán cây được ghi lại trong những bức ảnh mới nhất của Thomas…
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
Ngày 30/09/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội sẽ diển ra buổi thảo luận về chủ đề “Haiku thị giác” từ hai…
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Lớn lên trong một cộng đồng biệt lập, nhiếp ảnh gia Brendon Burton đã phát triển khả năng quan sát cách các tòa nhà đổ nát nép mình vào cảnh…
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam và Matca xin hân hạnh giới thiệu triển lãm ảnh “Rạp chiếu phim – Teatros” của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert. Bộ ảnh…
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Lần đầu tiên, sau 10 năm miệt mài theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên…
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Nhiếp ảnh thường được quảng cáo là một trong những phương tiện dân chủ và dễ tiếp cận nhất, khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người…