Kết nối điểm: Tại sao các thương hiệu công nghệ lại sử dụng hình minh hoạ?
Một số thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới được biết đến thông qua một trong những hình thức nghệ thuật lâu đời nhất – minh hoạ. Những nhà thiết kế sáng tạo tại Dropbox, Slack và Shopify sẽ cho chúng ta biết lý do tại sao.
Khi bạn nghĩ về những thương hiệu công nghệ được thiết kế để cải thiện chất lượng công việc, bạn có thể liên tưởng ngay đến hình ảnh minh hoạ những người với tâm trạng phấn khởi vì sắp hoàn thành công việc của mình. Những bản vẽ mang hơi hướm ấm áp và niềm nở đã trở thành một phần của phong cảnh kỹ thuật số, mà thậm chí chúng ta lại không dành ra lấy ít phút để tự hỏi: Tại sao lại sử dụng hình thức nghệ thuật “cổ lỗ sĩ” nhất để đại diện cho những công nghệ hiện đại nhất hành tinh?
“Rất nhiều công ty công nghệ đang tập trung vào cải thiện năng suất làm việc, và bạn biết rồi đấy, làm việc thì không phải lúc nào cũng vui vẻ cả.” – Russell Shaw, giám đốc nghệ thuật và là nghệ sĩ vẽ tranh minh hoạ tại Slack, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng nhắc nhở mọi người rằng: Vâng, thì đây là công việc đấy, nhưng cũng phải có chút vui vẻ trong đó chứ. Hình minh hoạ cũng là một lựa chọn tuyệt vời thay cho việc sử dụng ảnh chụp của một người nào đó đang nhìn chằm chằm vào điện thoại của bạn – đây là một cách khá hay để nhân hóa một khái niệm, đồng thời làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ. ”
Đối với Dropbox, công ty vừa công bố một sự cải tổ trong thiết kế để nhấn mạnh sự tương phản màu sắc, thì hình minh hoạ đã gắn liền với lịch sử công ty. “Khi Dropbox còn là một thương hiệu mới, ý tưởng về lưu trữ trên đám mây không hề tồn tại”, Michael Jeter, trưởng nhóm thiết kế minh hoạ. “Sản phẩm lúc đó thì đầy lỗi” – ông tiếp lời. “Tuy nhiên công ty phát hiện ra rằng người dùng luôn trung thành với những người tạo ra sản phẩm, nhiều hơn chính bản thân sản phẩm đó. Chúng tôi đã làm mọi thứ để mọi người cười, tạo cho họ cảm giác luôn có ai đó đại diện cho tất cả những gì chúng tôi làm. Và chúng tôi vẫn luôn tiếp tục truyền thống đó cho tới ngày hôm nay.”
Theo như lời Jeter, lưu trữ trên đám mây giống như là một mặt hàng vậy: Người dùng có thể nhanh chóng chuyển qua sử dụng Box, Google, và hàng chục đối thủ cạnh tranh khác, và thật khó khi phải kết nối thương hiệu của mình với một hình vuông trống rỗng vô hồn trên màn hình máy tính. Khi nói đến công nghệ, hầu hết người dùng sẽ gắn bó với sản phẩm đầu tiên họ thực sự hiểu – và đó lại là một lý do khác để sử dụng hình minh hoạ để gắn liền với sản phẩm của mình.
“Nếu bạn muốn phóng đại lợi ích của một sản phẩm và đẩy mạnh sự phát triển của sản phẩm, thì hình minh hoạ sẽ là công cụ tuyệt vời giúp bạn làm được điều đó.” – Meg Robichaud, trưởng nhóm thiết kế minh hoạ tại Shopify, một công ty Canada cho phép các doanh nhân thành lập hệ thống kỹ thuật số, cho biết: “Suy cho cùng, minh hoạ chỉ là một trong những công cụ truyền thông mà thôi, nhưng đó là một cách tuyệt vời để thuyết phục mọi người yêu thích những điều nhỏ nhoi mà sản phẩm của bạn làm, đồng thời giúp người dùng hiểu được mục đích của sản phẩm này là gì.”
Đây cũng là một cách hiệu quả để thống nhất một thương hiệu trên nhiều lĩnh vực, từ sản phẩm cho đến trang web và blog và nhiều lĩnh vực khác nữa. Nhưng nếu bạn có một đội ngũ vẽ tranh minh họa phải giải quyết hàng tá nhiệm vụ, thật khó để giữ cho mọi thứ được chuẩn hóa. Khi Shopify chuyển từ việc sử dụng các icon nhàm chán sang việc minh hoạ các doanh nhân, các chủ doanh nghiệp và một ngày làm việc của họ, điều này mang đến sự đa dạng, linh hoạt, nhưng đồng thời cũng mang tới một tá các vấn đề khác.
“Khi lần đầu tiên tôi đến Shopify, tôi rất hứng thú với việc hướng dẫn mọi người cách để vẽ hình minh hoạ theo phong cách sống động này, nhưng khi tôi bắt đầu nhìn thấy tất cả những cách khác nhau mà những thành viên khác vẽ, tôi nhận ra rằng không có cách nào để tạo ra một hướng dẫn đủ chi tiết để có thể nắm bắt mọi thứ được cả”, Robichaud nói. Cuối cùng, bốn nghệ sĩ vẽ minh hoạ đã thống nhất về một số nguyên tắc cơ bản, như độ dày của một đường nét, nếp gấp và bóng trên quần áo, và các chi tiết về bàn tay và bàn chân. Nhưng cuối cùng, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc truyền đạt thông tin – khi các nhân vật minh hoạ truyền đạt thái độ tích cực, ôn hoà hoặc tiêu cực – thái độ này sẽ thay đổi theo từng trường hợp.
Cũng theo một cách tương tự, Dropbox đã tạo ra những cây cọ tuỳ chỉnh, các đường kẻ và các bảng màu nhất quán trong lúc vẽ minh hoạ, trong khi vẫn tạo điều kiện tối đa để mỗi nghệ sĩ có thể thể hiện được cá tính của riêng mình. Khi người dùng sản phẩm ngày càng hiểu biết nhiều hơn, Dropbox đã loại bỏ hẳn các biểu tượng nhàm chán. Bây giờ, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh một câu lạc bộ bị đóng cửa kèm theo bảng thông báo”Access Denied” (quyền truy cập bị từ chối) mà không cần phải thông báo dài dòng, và những cái bể cá đại diện cho các lựa chọn lưu trữ – đây là những ẩn dụ thông minh khiến người dùng dừng lại và suy nghĩ, và thậm chí mỉm cười.
“Những nhà thiết kế thường tôn thờ với cái ý tưởng ràng mọi thứ phải thật đơn giản và dễ hiểu cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, tại Dropbox, chúng tôi không lấy gì làm hứng thú với điều đó.” – Jeter nói: “Giả sử khi bạn đi hẹn hò nhé, vừa gặp lần đầu mà họ đã kể tất tần tật tất cả mọi thứ về bản thân rồi thì liệu bạn còn hứng thú quan tâm không? Tất nhiên là không rồi. Nhưng nếu bạn tự bản thân mình khám phá ra những điều đó, bạn sẽ cảm thấy có một sự kết nối giữa hai người. Khi chúng tôi sử dụng một số minh họa đầy ẩn ý, một vài câu đùa kín đáo, có thể là không phải ai cũng sẽ hiểu đâu. Nhưng những người thật sự hiểu hết tất cả những thứ mà chúng tôi muốn truyền tải sẽ có một kết nối vững chắc hơn với thương hiệu của chúng tôi. ”
“Tôi nghĩ rằng chính Michael Bierut là người đã chỉ ra rằng khi người tiêu dùng nhận được quá nhiều thông tin một cách dễ dàng, họ sẽ không còn mấy hứng thú nữa” – Shaw đến từ công ty Slack nói. “Khách hàng thích nhìn vào cái gì đó chút trừu tượng, sau đó tự mình tìm hiểu những ý nghĩa bên trong hơn; thay vì nói thẳng toẹt ra rằng, ‘Đây là dữ liệu mà bạn cần đây’ mà không có bất kỳ kết nối cảm xúc nào, cảm giác như chúng tôi đang kể chuyện và vui chơi cùng với khách hàng của mình vậy. ”
Khi hình minh hoạ và UX này càng phát triển tinh vi hơn, tất cả mọi người đều tìm cách để định lượng tác động mà hình minh hoạ mang lại: Robichaud bắt đầu đưa ra giả thuyết về các lựa chọn thử nghiệm A / B để ủng hộ giả thuyết lâu năm của mình rằng minh hoạ là cách tốt nhất để tạo ra giải pháp cho những khách hàng không hài lòng. Truyền thông Dropbox cho biết nhờ vào những bể cá minh hoạ đã được nhắc đến ở trên, họ đã giữ chân được hàng ngàn người dùng có ý định từ bỏ kế hoạch sử dụng sản phẩm của công ty, tạo ra tới một triệu Đô-la và củng cố sự liên kết của thương hiệu đối với những hình minh hoạ. Nhưng Jeter tin rằng vẫn còn rất nhiều cách để công ty có thể tiếp tục phát triển hơn nữa.
“Bây giờ, hình minh hoạ đã được đồng chọn là một công cụ trong công nghệ, mọi người đều hướng đến phong cách nhí nhảnh, thân thiện này, nơi các nhân vật minh hoạ đang mỉm cười với bạn như Stepford Wives”, anh nói. “Nhưng bạn có thể thấy rõ được sự khác biệt, trong khi đội ngũ phát triển sản phẩm đang tạo ra những công cụ hết sức phức tạp và tinh vi, thì đội ngũ quảng bá sản phẩm lại đang cố gắng tạo ra những hình minh hoạ như đang cố gắng nói chuyện với một đứa nhóc 2 tuổi vậy. Khi ngành công nghiệp này ngày càng phát triển, tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ thấy các hình minh hoạ ngày càng phức tạp hơn, nhưng vẫn có thể giúp mọi người kết nối với thương hiệu. Suy cho cùng, hình minh hoạ có thể giúp bạn hiểu rằng toàn bộ công ty đang quan tâm tới từng chi tiết nhỏ của sản phẩm – điều này cho thấy sự nỗ lực của công ty khi họ thực sự muốn tạo ra điều tốt nhất có thể cho người dùng của họ.”
Nguồn: 99u.com
Người dịch: Đình Nhân