Tự-học-thiết-kế mà không cần qua trường lớp?

Xây dựng chương trình đào tạo thiết kế của riêng bạn mà không cần phải đến các trung tâm giảng dạy.

Tôi là sinh viên tại trường đại học Stanford và hiện đang là designer thực tập tại Facebook, nơi tôi tham gia vào việc thiết kế những sản phẩm dành cho người dùng trên toàn thế giới. Thế nhưng, tôi chưa từng được học qua thiết kế bài bản, tôi dành phần lớn thời gian ở trường của mình tham gia vào những lớp học về tâm lý, khoa học máy tính, triết học và ngoại ngữ. Hầu hết những gì tôi biết về thiết kế sản phẩm đều bắt nguồn từ việc tự học và kinh nghiệm trong quá trình làm việc.

Do vậy, bài viết này dành cho những ai chưa từng có cơ hội học tập qua trường lớp thiết kế, và từng nghĩ rằng con đường trở thành một nhà thiết kế sản phẩm chứa đầy sự mông lung và bất định.

Thậm chí bài viết này dành cho cả những ai đã từng có trải nghiệm trong một môi trường thiết kế, rất nhiều chương trình giảng dạy thường thiên về việc đào tạo các kỹ năng thiết kế truyền thống mà không có khả năng bao quát được phạm vi của thiết kế sản phẩm ngày nay từ khâu lên ý tưởng cho đến việc thực thi. Tại Facebook, chúng tôi chia nhỏ các giai đoạn ra thành ba phần chính: Tư duy sản phẩm, thiết kế tương tác và thực hành.

Sau đây là những chiến lược cũng như nguồn lực mà tôi đã áp dụng trong quá trình học tập và xây dựng chương trình đào tạo thiết kế cho riêng mình.

Học cách sử dụng công cụ

Tại Facebook, chúng tôi sử dụng đa dạng các công cụ trong quá trình thiết kế. Ban đầu, việc này khiến tôi nản đôi chút vì phải tiếp xúc và học cả đống công cụ, chúng tôi sử dụng Sketch và Photoshop để tạo các mẫu mockup, sử dụng Origami và Framer JS cho việc prototype. Tuy vậy, một khi đã bắt tay vào làm, tôi nhận ra rằng việc này cũng không khó khăn như mình nghĩ.

Minh hoạ: Ryan Morrison 

Một vài gợi ý từ kinh nghiệm cá nhân tôi, bạn có thể xem hướng dẫn trực tuyến từ các trang như Envato để học về các công cụ trong quá trình sử dụng chúng, hoặc đơn giản là tìm kiếm hướng dẫn chi tiết dành riêng cho từng công cụ trên Google. Rất nhiều công ty xây dựng phần mềm thiết kế đều có những cộng đồng riêng, như Origami group hay Framer group, nơi mà bạn có thể đăng câu hỏi mỗi khi bạn gặp khó khăn trong việc sử dụng phần mềm đó.

Đăng kí những khóa học online

Hãy sử dụng internet như một trường học thiết kế của riêng bạn. Có rất nhiều nguồn tài nguyên chất lượng thuộc các chương trình giảng dạy thiết kế, chúng sẽ giúp bạn xây dựng hệ thống kiến thức nền tảng vững chắc.

Sau đây là một số lớp học thiết kế trực tuyến chất lượng mà bạn có thể tham khảo:

Minh hoạ: Ryan Morrison 
  • Coursera: Thiên về học thuật và được giảng dạy bởi các trường đại học khác nhau. Tại đây cung cấp những khóa học về thiết kế UX design, interaction design, và graphic design.
  • Lynda: Cung cấp những lớp học bao quát từ nguyên lý thiết kế cơ bản cho đến cách sử dụng các công cụ.
  • CreativeLive: Cung cấp những lớp học về nghệ thuật và thiết kế, cùng với đó là bộ nguyên lý thiết kế cơ bản và hướng dẫn sử dụng công cụ.
  • Skillshare: Chuyên cung cấp những lớp học thiên về sáng tạo từ nghệ thuật chữ viết tay cho đến nhiếp ảnh, ở đây cũng có những lớp học hướng dẫn sử dụng các công cụ thiết kế riêng biệt như Framer JS hay Photoshop/Illustrator.

Nhận feedback

Một cách khác để cải thiện kĩ năng của bạn là tìm kiếm ‘feedback’ từ đồng nghiệp hoặc cộng đồng thiết kế xung quanh bạn hay kể cả những nghệ sĩ mà bạn ngưỡng mộ trên mạng.

Tại Facebook, chúng tôi cho rằng việc nhận ‘feedback’ tương tự như việc bạn nhận được một món quà vậy. Sự phê bình là thứ bắt buộc khi trải nghiệm trong một chương trình đào tạo thiết kế, nếu bạn không được học qua trường lớp—nơi bạn có cơ hội nhận được vô số những ‘feedback’ thì bạn vẫn luôn có thể tìm cho mình những cơ hội khác.

Minh hoạ: Ryan Morrison 

Có rất nhiều cộng đồng trực tuyến nơi bạn có thể chia sẻ những điều mà bạn đang thực hiện và nhận ‘feedback’ từ họ. Sau đây là một số cộng đồng mà bạn có thể tham khảo:

  • HH Design: Cộng đồng thiết kế về công nghệ
  • HH Illustrate: Nơi chia sẻ các tác phẩm thiết kế
  • Designers Guild: Những nhà thiết kế từ các ngành công nghiệp khác nhau chia sẻ suy nghĩ của họ và hỗ trợ những thành viên khác.
  • The Designers League: Một nơi tập trung của cộng đồng những người làm sáng tạo để chia sẻ những tác phẩm của họ và nhận ‘feedback’.
  • IxDA: Một tổ chức với chuyên môn tập trung vào thiết kế tương tác, kết nối những nhà thiết kế nhằm giúp mọi người có cơ hội được nghe chia sẻ và hỏi đáp liên quan đến chủ đề này.

Ý kiến của người dịch:

Tại Việt Nam bạn cũng có thể tham gia vào các cộng đồng thiết kế như:

  • Vietnam UI/UX Designers
  • Art Soup
  • Eggcademy

Việc đưa ra những ‘feedback’ cũng không kém phần quan trọng so với việc nhận ‘feedback’. Nó giúp bạn luyện tập kỹ năng quan sát và phát triển khả năng lập luận. Khi chia sẻ suy nghĩ của mình với người khác, bạn có cơ hội nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn, đồng thời bạn cũng sẽ được học hỏi và kết nối với cộng đồng đó. Ngoài ra, Facebook Design cũng đang thực hiện một dự án nhằm giúp quá trình ‘feedback’ này trở nên dễ dàng hơn và tôi khuyến khích bạn nên tham gia nó!

Xây dựng kiến thức nền tảng từ sách

Ngoài việc tận dụng những tài nguyên có sẵn trên internet, việc đọc sẽ giúp bạn xây dựng khả năng thấu cảm và mài dũa những suy nghĩ của bạn về thế giới thiết kế một cách sâu sắc hơn.

Trường học thiết kế thường cung cấp cho bạn nhiều chủ đề mang tính học thuật như typography hay nguyên lý thiết kế thị giác cơ bản, tuy vậy bạn hoàn toàn có thể lấp đầy khoảng cách kiến thức này bằng cách đọc sách về những lĩnh vực đó. Các cuốn sách khác với chủ đề như ‘Nghiên cứu người dùng’ cũng là một nguồn tư liệu quý giá giúp bạn có được nhiều ‘insight’ chất lượng trong thiết kế. Dưới đây là tổng hợp một số cuốn sách ‘gối đầu giường’ tiêu biểu của dân thiết kế.

Minh hoạ: Ryan Morrison 
  • The Design of Everyday Things (Donald Norman): Cuốn sách tiên phong tập trung vào vấn đề thiết kế khả dụng, cùng với những ví dụ cụ thể trong cuộc sống.
  • Universal Principles of Design (William Lidwell, Kritina Holden, Jill Butler): Bách khoa toàn thư về ‘concept’ thiết kế chủ đạo cùng các ví dụ.
  • Don’t Make Me Think! (Steve Krug): Cuốn sách kinh điển về thiết kế web và thực hiện ‘testing’ sản phẩm.
  • Thinking with Type (Ellen Lupton): Những hướng dẫn tuyệt vời về typography trong thiết kế in ấn và cả trên màn hình hiển thị.
  • Graphic Design: The New Basics (Ellen Lupton, Jennifer Cole Phillips): Cuốn sách nhập môn cơ bản về thiết kế đồ họa và cách sử dụng ngôn ngữ thị giác trong thiết kế.

Đôi khi bạn cũng có thể đọc những tiểu thuyết văn học với các chủ đề khác nhau để hiểu hơn về con người cũng như cải thiện khả năng thấu cảm của bạn với người dùng—đặc biêt đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt (ví dụ như những người bị mù màu). Đó là những điều mà bạn thường phải đối mặt trong thiết kế.

Cập nhật tin tức, trào lưu thiết kế thường xuyên

Công việc của bạn sẽ thường gắn liền với các kĩ năng thiết kế công nghệ, chính vì vậy bạn nên thường xuyên cập nhật những diễn biến trong cộng đồng thiết kế. Các tin tức thiết kế có thể giúp bạn khám phá ra những bộ công cụ hỗ trợ mới nhất nhờ đó năng suất làm việc của bạn cũng trở nên hiệu quả hơn. Bạn sẽ không còn cảm thấy bối rối mỗi khi tin tuyển dụng đăng toàn yêu cầu kĩ năng sử dụng công cụ mới nữa.

Để luôn có thể cập nhật những tin tức mới nhất, tôi khuyến khích bạn đọc bài viết từ các chuyên gia và tổ chức—những người đã dành hàng giờ để tổng hợp và chia sẻ kiến thức về thiết kế cho bạn. Tôi dành khoảng 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày chỉ để xem mọi người đang làm gì, nghĩ gì, viết gì trên các cộng đồng thiết kế. Đối với những người mới bắt đầu, sau đây là một số trang tin tức mà bạn nên theo dõi:

Minh hoạ: Ryan Morrison 
  • Sidebar: Mỗi ngày bạn sẽ nhận được 5 tin tức chất lượng về thiết kế.
  • It’s Nice That: Một bộ sưu tập những bài viết hàng ngày về các chủ đề liên quan đến art direction và sáng tạo, đây cũng là nơi mà bạn có thể tìm cho mình cảm hứng về thiết kế đồ họa, showcases của các nghệ sĩ trẻ cũng như triển lãm nghệ thuật.
  • InVision Digest: Một tạp chí được thực hiện bởi InVision, nơi tập hợp những bài viết, tài liệu và bài phỏng vấn thú vị.
  • Product Design Weekly: Loạt tin tức và nguồn tài nguyên thiết kế mỗi tuần.

Ngoài ra bạn cũng có thể cài đặt extension mở rộng (như Muzli) để cập nhật những diễn biến mới nhất về thiết kế từ nhiều trang tin tức khác nhau.

Gặt hái kinh nghiệm thực tế

Cho đến khi bạn thấy mình đã sở hữu những kiến thức cụ thể về lĩnh vực thiết kế mà bạn muốn theo đuổi và xây dựng được một số sản phẩm thiết kế thông qua quá trình thực hành, đã đến lúc để bạn tham gia vào một chương trình thực tập thiết kế, nơi mà bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ công việc.

Thiết kế sản phẩm cho người dùng thực sự sẽ khiến bạn phải cân nhắc nhiều hơn về các quyết định thiết kế của mình, và khi bạn có cơ hội làm việc trong một nhóm, điều đó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách mà sản phẩm được hình thành thông qua quá trình thiết kế và phối hợp giữa các thành viên.

Nếu công việc thực tập không phù hợp với bạn hoặc bạn mong muốn theo đuổi điều gì đó khác thì những dự án cá nhân có thể là một bước đi tuyệt vời giúp bạn xây dựng trải nghiệm riêng của mình đồng thời phát triển sự nghiệp. Có thể kể đến một số những dự án cá nhân xuất sắc như dự án chữ của Jessica Hische, hay dự án tranh minh họa Glass Quarter Full của Elen Winata. Bạn có thể bắt đầu bằng dự án xây dựng một trang web, thiết kế một series poster hay phát triển hệ thống branding cho một thương hiệu bất kì. Hoặc bạn cũng có thể tham khảo các dự án được giao cho sinh viên trong các trường học thiết kế và tự mình thực hiện nó.

Dự án tranh minh họa Glass Quarter Full của Elen Ưinata.

Phối hợp cùng các nhà thiết kế khác để khai thác hết tiềm năng trong dự án của bạn. Nếu bạn có quen biết những người đã từng có kinh nghiệm thiết kế hoặc lập trình, hãy bắt tay làm việc cùng nhau! Đó có thể là một website, một ứng dụng hay một series bài viết về thiết kế hoặc những điều thú vị khác mà bạn có thể chia sẻ. HH Design blog là một ví dụ tuyệt vời cho các dự án phối hợp như vậy, tin tức thiết kế được sản xuất bởi hơn 9000 thành viên trong cộng đồng cùng hàng loạt chủ đề đa dạng từ những cuộc đàm thoại thiết kế giao diện cho đến việc lạm dụng chuyển động trong thiết kế.

Nếu bạn luyện tập và kết hợp việc luyện tập đó với ‘feedback’ khách quan từ nhiều phía. Bạn nhất định sẽ tiến bộ.

Tham gia các hội thảo thiết kế thực tế

Việc tham gia các sự kiện và các buổi gặp gỡ trong cộng đồng thiết kế là một cách tuyệt vời khác để mở rộng mối quan hệ của bạn đồng thời có cơ hội tiếp xúc với những người mà bạn mong muốn được làm việc với họ.

Nếu xung quanh bạn không có nhiều những sự kiện như vậy, bạn có thể tự đứng ra tổ chức. Ngoài việc tham gia vào các buổi gặp gỡ, việc luôn sẵn sàng giao tiếp với mọi người trên cộng đồng trực tuyến và chia sẻ công việc của bạn cũng sẽ giúp bạn có được những dự án cộng tác tuyệt vời.

Nếu bạn đã thử qua hết những điều trên mà vẫn không cảm thấy có tiến bộ, hãy nhớ rằng mọi thứ đều cần thời gian. Khi bạn tiếp tục làm những thứ bạn đang làm, tiếp tục cố gắng để tạo ra nhiều sản phẩm thiết kế hơn, bạn sẽ dần có được khả năng đánh giá một thiết kế tốt hay chưa tốt ở điểm nào. Ira Glass đã từng có một câu nói nổi tiếng dành riêng cho những người đang bắt đầu với công việc sáng tạo:

“Chỉ khi bạn đã trải qua một khối lượng công việc nhất định bạn mới có thể rút ngắn khoảng cách, và khi đó những điều mà bạn làm sẽ tương xứng với những điều mà bạn luôn khao khát.”

Hãy tiếp tục tạo ra giá trị của riêng bạn. Tôi chúc bạn những điều tốt đẹp nhất trên hành trình trở thành một nhà thiết kế sản phẩm!


Biên dịch: Limon
Nguồn: Medium
Ảnh bìa: Minh hoạ: Ryan Morrison  

Cùng tác giả

#Tag

design design education học thiết kế nhà thiết kế tự học

iDesign Must-try

Khám phá điểm đến sáng tạo của Tháng 5 tại Triển lãm sinh viên Monster Lab 2023|Monster-pieces Exhibition
Khám phá điểm đến sáng tạo của Tháng 5 tại Triển lãm sinh viên Monster Lab 2023|Monster-pieces Exhibition
Với mục tiêu giới thiệu đến đông đảo công chúng nói chúng và cộng đồng học & làm nghệ thuật nói riêng về một hang ổ của nhà thiết kế…
Hiếu Vũ: Âm nhạc & sự chuyển động, khoảnh khắc chủ chốt cho câu chuyện
Hiếu Vũ: Âm nhạc & sự chuyển động, khoảnh khắc chủ chốt cho câu chuyện
Những chuyển động sáng tạo của vật thể được Hiếu Vũ lấy cảm hứng từ đời thường, đặc biệt là về âm nhạc. Tiếp sau đó là khoảnh khắc chủ…
Tại sao Vaporwave được coi là xu hướng thiết kế năm 2023
Tại sao Vaporwave được coi là xu hướng thiết kế năm 2023
 Vaporwave là phong trào nghệ thuật kỹ thuật số đang khuấy động nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, thiết kế, thời trang, video và hơn thế nữa. Trong bài viết…
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Đạt Đỗ và bộ chữ Việt - ‘Mình lấy chất liệu như thế nào, thể hiện điều đó ra sao?’
Đạt Đỗ và bộ chữ Việt - ‘Mình lấy chất liệu như thế nào, thể hiện điều đó ra sao?’
“Tới hiện tại mình vẫn không nhận bản thân là nhà thiết kế con chữ, mình chỉ tự nhận là người truyền cảm hứng dựa trên các câu chuyện về…
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Chúng ta đã cùng tìm hiểu đâu là những điểm khác nhau nhằm phân biệt giữa Nghệ thuật và Thiết kế. Nhưng xét cho cùng, Thiết kế có được coi…