Hãy chọn chuyến hành trình của riêng bạn

Công việc là phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng của rất nhiều người. Tôi biết điều này vì phần lớn thời gian của cuộc đời tôi, tôi đã từng là một người trong số họ. Khi tôi nghĩ tới những người mà tôi quen biết hay những người tôi từng làm chung, họ cũng có chung ý nghĩ giống tôi vậy. Có thể họ yêu cái giá trị cốt lõi mà công ty đại diện cho, nhưng họ không yêu công việc của họ. Đó là bởi vì công việc họ đang làm không phải là những gì họ mơ ước.

Công việc là thứ giữ cho ví bạn luôn đầy, tạo điều kiện cho chúng ta lập gia đình, du lịch khắp nơi, mua một căn nhà và thoải mái tận hưởng bộ phim Golden Girls chiếu lại trên truyền hình cáp sau khi lũ trẻ đã lên giường ngủ. Ờ thì có lẽ là cái điều cuối cùng chắc chỉ có mỗi tôi làm thôi. Nhưng thử nghĩ xem, giả sử bạn đã có những thứ bạn cần, được sống một cách an toàn, có đồ ăn thức uống đầy đủ, liệu bạn vẫn tiếp tục làm công việc hiện tại chứ? Hay bạn sẽ bắt tay vào thực hiện những thứ mà bạn từng mơ ước? Mà đừng lo, chỉ là câu hỏi tu từ thôi. Chứ tôi nghĩ cả hai ta đều biết câu trả lời rồi nhỉ?

”Vươn tới những vì sao”, ”Hãy theo đuổi giấc mơ của bạn” nghe có vẻ như là những cụm từ mỹ miều mà thời còn trẻ ta luôn muốn hướng tới. Mặc dù vậy, những người cho chúng ta những lời khuyên (sáo rỗng) kiểu vậy thường là có lý do cả. Họ muốn chúng ta được vui vẻ – và hiển nhiên, dù cho họ có đang sống trong giấc mơ đó đi chăng nữa, thì ai cũng biết rằng chìa khoá để đạt được hạnh phúc đó chính là được làm một công việc tràn đầy cảm hứng.

Vậy chu trình này bắt đầu như thế nào?

Công việc thường sẽ định hình cuộc sống của chúng ta theo rất nhiều cách khác nhau, ấy vậy mà chúng ta lại chẳng bao giờ để tâm nghĩ xem chúng ta sẽ làm gì khi còn trẻ cả. Tuỳ vào nơi bạn học và những gì bạn được học, khả năng cao là bạn vẫn chưa được chuẩn bị kỹ càng để có thể tạo ra một giá trị nào thực sự trong công việc cho tới khi ”mãn teen” hay thậm chí là tới năm 20 tuổi. Hệ thống giáo dục phổ thông và đại học không được xây dựng dựa trên thực tế. Một thực trạng đáng buồn.

Chúng ta được dạy nhiều môn chuyên ngành ở bậc đại học, thỉnh thoảng, những môn đó chẳng liên quan gì tới việc kiếm tiền cả. Trong trường hợp tốt nhất, chúng ta mong rằng chí ít những môn đó cũng thoả mãn được sự tò mò về trí tuệ.

Điều này không có nghĩa là các trường đại học, phổ thông hay trường nghề không giúp ích gì cho chúng ta trong việc đạt được thành công trong công viêc. Chúng có giúp ích. Nhưng ý tôi là hệ thống giáo dục của chúng ta thật sự chưa hoàn thiện. Họ chỉ dạy cho chúng ta cách thế giới vận hành thế nào. Ở tuổi 20, chúng ta không hề biết chúng ta muốn gì. Trường hợp tệ nhất, chúng ta đi học chỉ để lấy tấm bằng. Tấm bằng đó cũng sẽ chẳng có gì giá trị gì khi mà chẳng ai có ý định sẽ sử dụng những kiến thức đã học cả.

Khi tốt nghiệp, chúng ta nhận ra rằng công việc không chỉ là thước đo đánh giá sự nhìn nhận của bản thân, mà quan trọng hơn, công việc còn quyết định cách người khác đánh giá về mình. Công việc chính là bản sắc riêng của mỗi người, là thứ đem lại cho ta địa vị xã hội. Ở Mỹ, thành luỹ của Chủ nghĩa tư bản, nơi mà ai ai cũng bị nhấn chìm trong việc kiếm tiền, nhận thức về số tiền chúng ta kiếm được vượt xa những nhu cầu cơ bản, đôi khi là còn xa xỉ nữa.

Chủ nghĩa tư bản ươm mầm cho sự cạnh tranh, điều đó rất tuyệt, nhưng chúng ta cần phải nhận thức rằng việc cạnh tranh xem ai kiếm được nhiều tiền hơn là một cuộc cạnh tranh không nên tham gia vào. Chúng ta đủ sáng suốt để tập trung làm những việc có ích hơn, như tham gia các hoạt động gợi lên cảm xúc mạnh mẽ chẳng hạn. Hãy là một người khôn ngoan và làm việc chăm chỉ để phát triển những kỹ năng cần thiết để trở thành một chuyên gia với tay nghề cao hoặc phát triển thú vui và sở thích của mình.

Tính cách, nhận thức và thực tế.

Hầu hết tất cả mọi người đều biết chúng ta thông qua những sản phẩm, những gì chúng ta làm hơn là tính cách thực của chúng ta. Chắc là tôi cũng không cần nói nhiều về việc mối quan hệ quan trọng nhất mà bạn có là với chính bạn chứ nhỉ? Tôi là người đề xướng và lúc nào tôi cũng hét to cho cả thế giới biết về điều này hết mà. À ý tôi là nghĩa bóng thôi nhé. Tôi chủ yếu viết về điều đó ở đây thôi.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc người khác không thể nào thấy được tính cách thật của chúng ta; là thứ cốt lõi đã tạo ra chúng ta ngày hôm nay. Họ không thể nào thấy được cách mà chúng ta đối xử với những người mà ta thân yêu nhất. Họ không hiểu được mối quan hệ của chúng ta với Chúa cũng như mối quan hệ mà chúng ta có với bản thân chúng ta. Họ sẽ không bao giờ biết được những gì chúng ta làm khi không có ai bên cạnh.

Câu nói ”sự nhận thức chính là hiện thực” là một câu nói tuyệt diệu bởi vì nó có thể vừa đúng mà cũng vừa sai. Nó đúng khi xét về những điều người khác nghĩ về chúng ta, nó sai khi xét về việc chúng ta tự nhìn nhận bản thân như thế nào. Chúng ta có thể hiểu rõ từ tận đáy lòng rằng chúng ta thực ra là ai – điều gì mà chúng ta hằng khao khát, điều gì đã tiếp thêm sức mạnh cho ngọn lửa mãnh liệt trong mỗi chúng ta và điều gì mà chúng ta thực sự muốn trong cuộc đời này.

Nhưng đôi khi, những người mà chúng ta chỉ quen xã giao, quen trong công việc, thậm chí là những người thân tín nhất với mình, hầu hết họ đều không biết gì cả. Họ thấy cách chúng ta sống nơi công cộng, họ quan sát khí chất, vẻ bề ngoài và những gì chúng ta khoác lên với người xung quanh mà thôi. Ý tôi không phải là tất cả những thứ đó đều là giả tạo nhé.

Đơn giản tôi chỉ muốn nói một sự thật rằng cách chúng ta hành xử sẽ phải thay đổi tuỳ theo môi trường xung quanh, bạn biết đấy, để người ta không tống chúng ta vào nhà thương điên ấy mà.

Tôi viết điều này bởi vì nếu ai đó nhìn thấy nhà tôi vào lúc 7 giờ tối, có thể họ nghĩ tôi bị điên thật ấy chứ. Đây là lúc mà đứa nhóc 3 tuổi nhà tôi vừa ăn xong, sau đó nó sẽ chạy lọc cọc quanh nhà và chơi với tôi – bố gấu của nó (còn nó là gấu con), rồi nó sẽ lục lọi, lăn lông lốc và đạp đổ tất cả mọi thứ.

Tháp nhu cầu

Tháp Nhu cầu Maslow

Trong ”Tháp nhu cầu” của Abraham Maslow, đáy tháp bao gồm: nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn. Tồn tại. Nếu không có những thứ đó, chúng ta sẽ không tồn tại được. Tuy nhiên, khi tôi sống càng lâu, tôi càng tin rằng chúng ta sẽ không thật sự sống trừ phi đạt được tới đỉnh cao của kim tự tháp – nhu cầu tự thể hiện bản thân.

Tôi tin rằng lý do chính (không phải lớn nhất) mà chúng ta ở đây đó chính là được tự do sáng tạo và truyền cảm hứng cho người khác thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Chúng ta đã được ban cho cơ hội để có được sự an toàn và những phương tiện cần thiết để sinh sống, vì vậy chúng ta phải hướng bản thân tới đỉnh của kim tự tháp. Ngay cả khi công việc của bạn có là công việc lao động đi chăng nữa, ý tưởng đó vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí. Sau đó, tìm cách phân tích, tưởng tượng và biến mong muốn của chúng ta thành hiện thực. Đây chính là điều mang lại cho ta ý nghĩa cuộc sống. Tin tưởng và biến nó thành hiện thực.

Hãy mơ một giấc mơ thật lớn

Tôi thường kể về ước mơ của mình, về việc tôi muốn trở thành một tác giả với những quyển sách bán chạy nhất, khi mà quyển sách đầu tiên của tôi vừa ra lò nè! Tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu xem tôi thực sự muốn gì. Đây là tác phẩm mà tôi hi vọng sẽ giúp tôi tìm được niềm vui và sự thoả mãn trong cuộc sống.

”Thành công sẽ đến với những ai luôn khao khát và tin tưởng nó” – Napoleon Hill

Từng ngày, hãy biến sở thích và hoạt động của mình thành một công vệc và tạo ra lợi ích về mặt tài chính, tình cảm và tinh thần. Tôi tin rằng những điều này sẽ mang lại cho tôi niềm thoả mãn thực sự để thiết kế.

Tuy nhiên, những kế hoạch của tôi không quan trọng bằng những mối quan hệ với những người mà tôi yêu thương nhất. Về bản chất thật sự, tôi là một người tôn sùng Chúa, luôn yêu thương gia đình và bạn bè hơn bất cứ gì. Tôi muốn được bao bọc bởi tình yêu thương.

Những điều này tôi không hề dự tính trước khi viết: đó là những điều luôn tồn tại trong ý thức và tiềm thức của tôi cho tới tận bây giờ. Tôi may mắn được ban tặng một gia đình hạnh phúc, những người luôn tin tưởng và quan tâm tôi. Điều này quan trọng hơn cả những giấc mơ mà tôi có.

Tôi nghĩ rằng một người bình thường có thể tự biến mình trở nên phi thường. – Elon Musk

Và tôi biết, sâu thẳm trong tim tôi, tôi sẽ không thể nào trở thành con người tôi muốn nếu tôi không làm ra những tác phẩm sứ mạng của mình. Và tôi biết rất rõ ràng, công việc mà tôi đã làm suốt sự nghiệp của tôi không bao giờ cho tôi cảm giác tự thể hiện bản thân mà tôi khao khát. Ắt hẳn bạn cũng cảm thấy giống tôi phải không?

Tôi dành ra nhiều giờ mỗi ngày, làm việc tới khi kiệt sức, để khai thác và truyền tải các bài viết, các bài hướng dẫn và nội dung có thể thay đổi được cuộc sống của người đọc và khách hàng của tôi – và cả chính tôi nữa. Tôi đã viết rất nhiều về cách mà thành công, ít nhất là với tôi, được định nghĩa rõ ràng như thế nào bởi John Wooden, một huyền thoại huấn luyện viên bóng rổ:

“Thành công là sự bình yên trong tâm hồn, là kết quả trực tiếp của sự mãn nguyện khi biết rằng mình đã cố gắng làm hết sức những gì có thể”.

Tôi hay viết về định nghĩa này của ông bởi vì luôn cảm thấy điều đó cứ lặp đi lặp lại mãi. Tôi đọc câu nói này của ông hàng ngày. Thành công là sự bình yên trong tâm hồn, là cái cảm giác bạn nhận ra rằng bạn đã sử dụng khả năng của mình hết mức có thể. Tuy vậy, thật bất khả thi để lờ đi cảm giác bị phán xét, bị đánh giá bởi những người khác – thông qua những sản phẩm chúng ta làm ra – thông qua cách mà họ nhìn chúng ta.

Bạn sẽ để lại gì cho thế giới này?

Chúng ta thường được mọi người biết qua công ty hay tổ chức mà chúng ta đang làm việc. Với một số người thì điều đó thật tuyệt, nhưng với đại đa số thì họ muốn được biết thông qua ”thương hiệu” cá nhân hơn. Đối với bạn, có thể bạn muốn mọi người biết bạn là một người bố, người mẹ, người con tuyệt vời như thế nào; hoặc cũng có thể bạn muốn mọi người biết nhờ vào óc hài hước, sự rộng lượng, hay những tác phẩm bạn tự tạo ra bằng chính đôi tay của mình chẳng hạn.

Cách đây vài hôm, tôi có nói chuyện với một người đồng nghiệp về một người mà cả hai chúng tôi đều biết, mặc dù anh ấy không quen người đó bằng tôi. Anh ấy nói: ”À, Kristin bên công ty Accenture phải không?” Đó là một lời miêu tả cực kì dễ dàng. Tuy nhiên, đó đơn giản chỉ là cách mà Kristin được mọi người biết tới! Kristin đến từ cái công ty đó đó. Mặc cho cô ấy tốt hay xấu, dù cho hoàn cảnh nào đi nữa.

Chúng ta sẽ dần được biết thông qua công ty hay sản phẩm mà chúng ta làm ra. Công việc đó có thể đơn giản chỉ là một công cụ để đạt được mục tiêu cuối cùng, nó thậm chí nó còn chẳng thể định nghĩa được chúng ta là ai hay cách chúng ta muốn mọi người biết và nhớ tới.

Đối với nhiều người, công việc chỉ đơn giản là công việc. Đó là điều kiện tiên quyết để tồn tại. Ai ai cũng có mong muốn cháy bỏng là được tồn tại, và những phần thưởng đó sẽ tạo cho ta động lực để lết ra khỏi giường mặc cho ta đang mệt tới đâu đi chăng nữa. Chúng ta phải lê thân ra khỏi giường vì đứa con đang khóc léo nhéo lúc 3:30 sáng, và chúng ta phải đảm bảo rằng nó vẫn ổn. Chúng ta không thể ngừng viết lúc 12:30 tối vì chúng ta đang trên đỉnh cao của sáng tạo – những ý tưởng đắt giá cứ tuôn ra không ngừng.

Tôi tin rằng qua những trải nghiệm và quan sát của tôi, thì sự tồn tại thôi là chưa đủ, nghe có vẻ hơi điên rồ một chút. Chúng ta phải làm được nhiều hơn thế nữa. Chúng ta phải khao khát gì đó vĩ đại hơn việc tồn tại. Chúng ta rất may mắn và sung sướng khi có những thứ mà chúng ta đang có, nhưng khi nhìn lại một cách thành thật với bản thân đi, điều đó là chưa đủ.

Chúng ta mong mỏi đạt được những thành tựu to lớn hơn. Khả năng tạo ra và trở thành con người chúng ta muốn nằm trong chính tâm trí và đôi bàn tay này. Chúng ta tự thiết kế ra chuyến hành trình của riêng mình, thiết kế ra cuộc đời mà mình được sinh ra để sống.

Ảnh bìa: Pixabay

Tác giả: Christopher Connors

Nguồn: Medium.com

Người dịch: Hà Đình Nhân

Cùng tác giả

#Tag

Cà Phê - Trà Đá personal growth

iDesign Must-try

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Quá trình sao chép thật chất là một cách học tuyệt vời về việc kiểm soát chất lượng tác phẩm và phát triển phong cách cá nhân khi bạn có…
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Nghệ thuật luôn có một vẻ quyến rũ khó cưỡng và chỉ chờ đợi sơ hở của con người để cám dỗ sự vuốt ve của chúng ta. Bạn đang…
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
Katie là một nhà lãnh đạo thiết kế, nhà nghiên cứu, nhà văn và nhà giáo dục được công nhận trên toàn quốc. Trước khi gia nhập MASS vào đầu…
Bạn sáng tạo vì đâu? Như ‘Garfield’ hay ‘Calvin and Hobbes’?
Bạn sáng tạo vì đâu? Như ‘Garfield’ hay ‘Calvin and Hobbes’?
‘Garfield’ và ‘Calvin and Hobbes’ là ví dụ cho hai phương thức sáng tạo rất khác biệt, dù có chung một hình thức là comic strip (các khung truyện tranh…
4 bí kíp để tập luyện tự tin giữa muôn vàn sáng tạo
4 bí kíp để tập luyện tự tin giữa muôn vàn sáng tạo
Có thể rất khó để giữ được tự tin, thậm chí khi mọi thứ quanh ta rất thanh bình. Và thật không may thời gian gần đây mọi thứ không…