10 bí kíp nhiếp ảnh cho người mới bắt đầu

Để bắt đầu công việc nhiếp ảnh, bạn quyết định sở hữu cho mình một chiếc máy ảnh cơ, một vài ống kính hiện đại cùng những phụ kiện cần thiết đi kèm. Bạn xem thêm những video hướng dẫn sử dụng và tập luyện theo. Bạn tin rằng đó chính là công thức để bạn sẵn sàng trở thành một nhà nhiếp ảnh thực thụ?

Thực tế, điều này chỉ đúng với suy nghĩ của các nhiếp ảnh gia mới vào nghề, vì với lượng kiến thức cơ bản và kinh nghiệm ít ỏi của mình, bạn gần như phải dựa hoàn toàn vào kĩ thuật và thiết bị. Nhưng măng đâm chồi rồi cũng lớn thành tre. Khoảnh khắc mà bạn bắt đầu chuyển chế độ chụp ảnh từ tự động sang chế độ thủ công, rồi chuyển tiếp từ thủ công cơ bản sang thủ công điêu luyện, bạn sẽ nhận ra rằng nhiếp ảnh không đơn thuần chỉ là ánh sáng, màu sắc mà còn bao gồm cả sự căng thẳng để tìm một góc máy mới lạ, sự sáng tạo để chọn một bố cục độc đáo và cả sự can đảm để đối diện với những chỉ trích đến từ những bình luận trên mạng xã hội.

Khiêm tốn mà nói, trước khi tôi có được một vài thành tựu như bây giờ, tôi cũng đã trải qua những khó khăn tương tự. Vậy nên hôm nay, nhân một ngày đẹp trời thế này, tôi muốn chia sẻ với bạn 10 điều mà tôi ước ai đó đã nói với tôi ở ngày đầu khi tôi bước chân vào thế giới nhiếp ảnh.

Bài viết thực hiện bởi tác giả Maggie King – biên tập viên hình ảnh, họa sĩ và nhà văn tự do ở Memphis, Tennessee. Sở thích của cô là nghiên cứu máy ảnh. Cô cũng được biết đến với bộ truyện tranh đáng yêu The Kinglets, bộ truyện được truyền cảm hứng bởi những trò chơi tinh nghịch từ ba người con của cô.


1. Hiểu được sự khác biệt giữa Tập trung cao độ và Không làm gì

Hình minh họa bởi Lauren Smith

Hãy nhìn vào bức ảnh phía trên, bạn sẽ đoán được ý mà tôi sắp nói tới. Trong ảnh, tác giả minh họa hai ngã rẽ, một ngã mang tên sáng tạo nhưng lại bị bức tường cao chặn lại, một ngã là lối đi bộ thông thường không vật cản, nhân vật chính đeo chiếc máy ảnh trên vai chọn đi theo ngã thứ hai cùng lời nói hướng về ngã thứ nhất “Tôi sẽ quay lại sau”.

Bức tường cao nằm trên con đường sáng tạo thể hiện hình ảnh bế tắc của bạn trong quá trình tìm kiếm ý tưởng mới. Bạn càng tập trung đấm, phá, leo, trèo qua bức tường đó, bạn càng kiệt sức nhanh và bị bức tường đánh gục. Hãy khôn ngoan hơn, lựa chọn con đường mà ở đó bạn gần như không làm gì ngoại trừ thư giãn và phục hồi năng lượng. Chạy bộ, tắm nước nóng hoặc đến cửa hàng tạp hóa là những hoạt động giúp não bộ của bạn giải tỏa căng thẳng và có khoảng trống để sắp xếp lại các ý tưởng. Đó là lúc bạn sẵn sàng trở lại con đường đầu tiên để chiến thắng bức tường kia.

Trong trường hợp này, chiến thuật “không làm gì” sẽ giúp bạn vượt qua sự bế tắc, còn “tập trung cao độ”, hãy áp dụng vào một lúc khác phù hợp hơn.


2. Gạt bỏ nỗi sợ “Tôi không thể làm tốt hơn”

Nhiều nhiếp ảnh gia khi mới vào nghề thường có một nỗi lo sợ chung, tạm gọi là nỗi lo sợ “Tôi không thể làm tốt hơn”. Như tôi ngày trước, sau khi chụp xong một bức ảnh, tôi thường tinh chỉnh rất nhiều nhưng cuối cùng tôi rất ít khi cảm thấy hài lòng với kết quả. Những lúc như vậy, tôi thấy khoảng thời gian dùng để chỉnh sửa hình ảnh thật phí phạm, và một cách tự nhiên, tôi bắt đầu nghi ngờ năng lực của mình dẫn đến những lần sau, tôi e dè trong việc chỉnh sửa vì sợ rằng không thể tạo nên một phiên bản tốt hơn ảnh gốc.

Mất rất lâu tôi mới nhận ra rằng chính những khoảng thời gian tôi cho là phí phạm đó đã giúp tôi rất nhiều sau này. Các bạn cũng vậy, có thể tạm thời các bạn chưa tạo được những hình ảnh chất lượng hơn, nhưng tôi chắc chắn các bạn sẽ có được phiên bản hoàn thiện hơn của bản thân mình.


3. Chụp ảnh vô hình

Tôi dùng thuật ngữ chụp ảnh vô hình để chỉ những bức ảnh không được chụp bởi màn trập hay lưu trong thẻ nhớ, mà được chụp bởi đôi mắt của bạn và lưu trong tâm trí.

Hãy tạo thói quen chụp ảnh vô hình mọi lúc mọi nơi và lưu lại bất cứ hình ảnh nào trong tầm mắt bạn. Khi ngắm hoàng hôn, hãy liên tưởng đến quy tắc một phần ba. Khi lái xe trên đường cao tốc, hãy nghĩ về sự liên kết giữa các điểm sáng tỏa ra từ cột đèn bên đường. Khi bước trên những bậc thang, hãy nghĩ về quy tắc lặp lại. Khi đối diện các thiết bị thể hình, hãy hình dung ra quy tắc bất đối xứng.

Ghi nhận nhanh các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống hằng ngày bằng đôi mắt và khối óc sẽ tăng khả năng tư duy bằng hình ảnh của bạn lên đáng kể. Không lâu sau bạn sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia đầy tự tin và nhạy bén.


4. Học hỏi từ các tác phẩm của những nhiếp ảnh gia khác

Tôi muốn nói rằng trong sự nghiệp của một nhiếp ảnh gia, bạn phải trải qua hai quá trình học tập. Đầu tiên là học từ chính các tác phẩm của mình và hai là học từ các tác phẩm của những người đồng nghiệp.

Ở đây tôi không nói về việc lướt Instagram xem ảnh đẹp nhé. Bởi vì lướt và xem là chưa đủ, mà bạn phải dừng lại và bắt đầu đặt câu hỏi xung quanh bức ảnh đó. Họ đã chụp bức ảnh này như thế nào? Tại sao họ lại chọn góc chụp đó? Họ có dùng thêm những công cụ hỗ trợ nào không? Họ dùng các màu sắc nào để thể hiện ý đồ của bức ảnh? Bạn hãy tự tìm câu trả lời cho mình và biến nó thành kiến thức của riêng bạn. Dùng nguồn lực có sẵn để bổ sung khả năng nghiệp vụ của mình là cách học hỏi nhanh nhất mà tôi muốn nhấn mạnh đến các bạn.


5. Tăng tính tương tác với cộng đồng nhiếp ảnh gia

Tăng tính tương tác với những nhiếp ảnh gia khác là một việc bắt buộc nếu bạn muốn theo đuổi công việc này lâu dài. Hãy tham gia vào những hội nhóm của cộng đồng nhiếp ảnh càng sớm càng tốt bởi vì ở đó, những người cùng đam mê, những người dày dạn kinh nghiệm và cả những người mới vào nghề sẽ giúp đỡ về mặt chuyên môn và hun đúc tinh thần bạn rất nhiều.

Sẵn đang nói về cộng đồng nhiếp ảnh thì tôi cũng muốn nhắc bạn một điều nữa, đó là hãy tôn trọng đồng nghiệp của mình bằng cách luôn trung thực với họ. Cụ thể là không quên ghi tên tác giả dưới mỗi tác phẩm mà bạn chia sẻ lại hoặc dùng để làm chất liệu cho tác phẩm của mình. Tốt hơn nữa, bạn hãy xin phép họ trước.


6. Đón nhận lời khuyên từ người khác một cách chọn lọc

Tôi phải thẳng thắn rằng bạn không nên tôn sùng kinh nghiệm từ những người đi trước một cách tuyệt đối bởi vì kinh nghiệm đó có thể đúng với họ nhưng lại sai với chúng ta. Vậy nên, như tiêu đề tôi đã nói, hãy đón nhận lời khuyên từ họ một cách có chọn lọc. Bắt đầu bằng việc áp dụng lời khuyên của họ vào trường hợp của mình từng phần một, sau đó phân tích xem lời khuyên nào phù hợp để tiếp tục và loại bỏ những điều không phù hợp.

Song song đó, bạn cũng nên tìm kiếm lời khuyên từ nhiều người khác nhau để có cơ sở đối chiếu. Bạn cũng biết rồi đấy, nghệ thuật mang rất nhiều tính chủ quan mà.


7. Ghi nhớ rằng nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật, không phải khoa học

Mặc dù công việc của nhiếp ảnh gia gắn liền với các thiết bị công nghệ, nhưng cốt lõi nhiếp ảnh vẫn là một bộ môn nghệ thuật. Giống như điêu khắc, hội họa hay quay phim, các tác phẩm nhiếp ảnh được xây dựng và phát triển dựa trên cảm quan thị giác là chủ yếu.

Vậy nên bạn có thể thử dùng một quyển sổ và phác thảo nhanh kế hoạch chụp ảnh của mình lên trang giấy. Kế hoạch đó bao gồm các phối cảnh hoặc các góc độ khác nhau của cùng một chủ thể mà bạn chuẩn bị chụp. Tôi tin rằng đây là một trải nghiệm thị giác cần thiết trước khi tác nghiệp với chủ thể thật.


8. Tin tưởng vào đôi mắt của bạn hơn bất cứ thiết bị nào

Là một nhiếp ảnh gia, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua câu “The camera doesn’t take the picture, the photographer does”. Câu này được hiểu là sự thành bại của một bức ảnh được quyết định bởi người chụp, chứ không phải thiết bị chụp. Ở đây, tôi muốn đề cao tầm quan trọng của nhiếp ảnh gia với tư duy và tay nghề của họ hơn là giá tiền của bộ máy ảnh.

Vì vậy, đối với những bạn mới bắt đầu, không nhất thiết bạn phải dành ra một số tiền lớn để đầu tư bộ thiết bị tiên tiến nhất đâu. Tôi khuyên bạn hãy thử thuê một bộ thiết bị vừa đủ để làm quen và trải nghiệm, rồi dùng số tiền còn lại để đầu tư kiến thức và trang bị kĩ năng cho mình. Đó là sự đầu tư thông minh và sinh lợi hơn rất nhiều!


9. Bạn thích hình ảnh không có nghĩa là bạn chỉ có thể trở thành nhiếp ảnh gia

Thực tế là có rất nhiều công việc liên quan đến hình ảnh mà không cần phải trở thành nhiếp ảnh gia. Chỉnh sửa hình ảnh và các công việc hậu kì cũng đòi hỏi những khối óc lành nghề không kém. Vì vậy, nếu một ngày nào đó bạn nhận ra rằng mình không đủ khả năng hay năng khiếu để trực tiếp cầm máy ảnh, thì vẫn còn những sự lựa chọn khác để bạn tiếp tục theo đuổi đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Thậm chí, đảm nhận hậu kì còn cho phép bạn vừa ngồi bên bờ biển lộng gió vừa làm việc nữa vì chẳng có giới hạn địa lý nào được áp dụng trong công việc này.


10. Nhiếp ảnh vì lợi nhuận và nhiếp ảnh phi lợi nhuận

Nhiếp ảnh vì lợi nhuận, nói một cách đơn giản đó chính là bạn được trả tiền để thực hiện công việc chụp ảnh. Điều này chẳng có gì là xấu xa cả. Bởi vì nếu không có các nhà chụp ảnh chuyên nghiệp thì sẽ không có chất liệu để vận hành các ngành thương mại khác như quảng cáo, truyền thông…

Bên cạnh đó, nhiều nhiếp ảnh gia chụp ảnh chỉ đơn giản vì đó là sở thích của họ. Niềm vui và thỏa mãn đam mê chính là “thù lao” họ có được sau mỗi bức ảnh. Cảm xúc là “phần lương” lớn nhất họ tìm kiếm.

Đối với nghệ thuật nói chung hay nhiếp ảnh nói riêng, bên cạnh việc rèn giũa kĩ năng thật thành thạo, thì nuôi dưỡng được cảm xúc và trí tưởng tượng mới là chìa khóa quyết định bạn có mở được cánh cửa thành công hay không. Hãy luôn chuẩn bị cảm xúc thật tốt trước khi giơ cao ống kính nhé.

Nguồn: PHLEARN

Người dịch: Thùy Vân

Cùng tác giả

#Tag

chupanh chupanhcoban MaggieKing mayanh nhiepanh nhiepanhgia