Nhà kính trồng rau kiểu mới giúp người nông dân Ấn Độ đối phó với biến đổi khí hậu
Yadav Bhavanth có một trang trại trồng rau nhỏ trên mảnh đất của gia đình ở bang Telangana thuộc vùng nam trung bộ của Ấn Độ. Đây là khu vực dễ bị hạn hán nên sản lượng và thu nhập của Yadav và những người nông dân khác phụ thuộc nhiều vào lượng mưa.
Trang trại của Yadav đã từng phải chịu cảnh thiếu nước khiến rau màu không phát triển được. Sau đó, những trận mưa lớn kéo đến nhưng không phải mang đến sự sống mà tiếp tục hủy hoại những ruộng rau vốn đã khốn khổ vì khô hạn.
Những kiểu thời tiết khắc nghiệt này có thể là hệ quả của biến đổi khí hậu: Nhiệt độ tăng cao, hạn hán, nắng nóng kéo dài, mưa khó dự đoán… đều là những nguyên nhân gây thiệt hại cho nông nghiệp. Chỉ trong 3 năm hạn hán, ở Telangana đã có tới 3.000 nông dân tự tử vì nợ nần do thua lỗ trong sản xuất nông nghiệp.
Vào năm 2017, Yadav bắt đầu áp dụng mô hình trồng rau sử dụng nhà kính để tận dụng nguồn nước tốt hơn và bảo vệ cây trồng khỏi những trận mưa lớn. Đây không phải những loại nhà kính truyền thống mà là loại nhà kính được làm bằng lưới từ sợi vải, bọc nhôm thoáng khí và có thể tán xạ một phần ánh sáng mặt trời giúp giảm nhiệt độ bên trong nhà kính. Bên trong nhà kính sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp giảm 90% lượng nước sử dụng so với phương pháp truyền thống.
“Khi trồng rau ngoài trời, chúng tôi không thể chắc chắn rằng cây trồng sẽ không bị khô hạn. Còn khi trồng trong nhà kính thì chúng tôi kiểm soát được những yếu tố về nhiệt độ và độ ẩm. Cây phát triển nhanh hơn và chất lượng cũng như số lượng đều được cải thiện.”
Yadav Bhavanth
Yadav mua một khu nhà kính trị giá 2.500 đô la từ Kheyti, một tổ chức phi lợi nhuận của Ấn Độ. Tổ chức này đã phát triển loại nhà kính Greenhouse-in-a-box (Nhà kính trong chiếc hộp) cũng như hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư nhà kính thông qua một chương trình nhằm giúp các trang trại nhỏ thích nghi với biến đổi khí hậu.
Những người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Kheyti là Saumya, Kaushik Kappagantulu, và Sathya Raghu Mokkapati đều chỉ trên dưới 30 tuổi. Sathya đã luôn muốn tìm cách giúp đỡ những người nông dân Ấn Độ sau khi anh chứng kiến một nông dân nghèo đói ăn bùn trong tuyệt vọng vào năm 17 tuổi.
Năm 2009, Sathya bỏ công việc kế toán của mình để bắt đầu một dự án thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Trong hơn một năm rưỡi, anh đã đến thăm hàng chục làng nghề để hiểu những thách thức mà họ phải đối mặt, bao gồm những khó khăn khi tiếp cận và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các tiến bộ kĩ thuật.
Trước khi thực hiện dự án nhà kính kiểu mới này, Sathya và Ayush Sharma đã dành ra hơn 3 năm để tự trải nghiệm quá trình canh tác nông nghiệp cùng với gần 8.000 hộ nông dân trong khu vực Telanga. Họ đã hợp tác để thử nghiệm tìm ra phương pháp canh tác và các loại cây trồng phù hợp nhất với địa phương.
Nhưng trong quá trình đó, họ nhận ra rằng dù có cố gắng thế nào thì kết quả cũng vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Sathya cho biết: “Câu trả lời là cần canh tác bằng những giải pháp phù hợp với biến đổi khí hậu.”
Để tạo ra nhà kính mới này, Kheyti đã hợp tác với các sinh viên ngành thiết kế và kĩ thuật của đại học Northwestern và Stanford. Trong những thử nghiệm đầu tiên, người nông dân sử dụng loại nhà kính mới này có thể trồng được từ 5 – 8 vụ/năm trong nhà kính.
Năm 2015, nhóm sáng lập của Kheyti đã cùng với các kĩ sư, các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và các sinh viên kĩ thuật từ trường Northwestern, cũng như dự án Thiết kế chi phí thấp của đại học Stanford để tạo ra một mẫu nhà kính giá thành thấp và dễ lắp đặt. Ban đầu họ thử dùng kết cấu tre nhưng rồi thất bại vì tre không chống đỡ được những cơn gió mạnh. Sau nhiều thử nghiệm thì mẫu thiết kế cuối cùng là nhà kính dùng khung kim loại, lưới tạo bóng râm và lưới ngăn côn trùng. Mẫu nhà kính kiểu mới này có khả năng tiết kiệm nước, giảm nhiệt độ bên trong và không yêu cầu chi phí đầu tư quá cao.
Nhà kính không phải mô hình mới mẻ trong sản xuất hoa và rau củ ở Ấn Độ. Tuy nhiên những thiết kế cũ có quy mô quá lớn và đắt đỏ đối với những nông dân không có nhiều vốn như Yadav. Kheyti tạo ra những nhà kính với diện tích chỉ từ 258 – 553 m2. Ý nghĩa của việc giảm diện tích này là giảm rủi ro đầu tư cho những trang trại quy mô nhỏ, cho phép họ tiếp nhận công nghệ mới theo từng bước nhỏ nhưng bền vững.
Nhờ những nhà kính này mà người nông dân sẽ bớt phụ thuộc vào thời tiết bên ngoài hơn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực lên nông nghiệp và người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là những người nông dân nghèo nhất.
Họ sẽ có thu nhập ổn định hơn, có đủ tài chính để cho con cái đến trường. Những đứa trẻ được tiếp nhận giáo dục này sẽ có nhiều khả năng có một tương lai tươi sáng hơn.
“Trong nhà kính này chúng tôi làm ra được lượng nông sản bằng với lượng nông sản trồng bên ngoài trên diện tích rộng gấp 19 lần nhà kính.”
Narayana Yellabonia – Nông dân ở Telangana
Tập trung vào hỗ trợ những trang trại nhỏ và những người nông dân ít vốn đầu tư nên Kheyti còn kết hợp với các ngân hàng giúp nông dân được vay vốn đầu tư theo dạng trả góp trong nhiều năm.
Không chỉ dừng lại ở đó, Kheyti còn hỗ trợ các hộ nông dân từ khi bắt đầu đến quá trình tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ về giống, phân bón và kĩ thuật canh tác, đào tạo về quản trị sản xuất và tiêu thụ, hỗ trợ liên hệ đầu ra cho sản phẩm… Tuyệt vời hơn là họ đang cố gắng nâng cao vị thế của phụ nữ ở một đất nước còn nhiều hạn chế đối với phụ nữ như Ấn Độ.
Công nghệ bền vững và tiên tiến của nhà kính cũng sẽ giúp giảm ảnh hưởng của nông nghiệp lên môi trường. Hãy thử tưởng tượng những mô hình với ý nghĩa tương tự xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới sẽ giúp tiết kiệm biết bao nước, bảo vệ đất, tạo ra một nền nông nghiệp bền vững hơn nơi con người và môi trường có thể cùng sinh tồn.
Nguồn: National Geographic
Biên dịch: Xanh Va
Ảnh: Sara Hylton và Kheyti