Loài cua đất ở Colombia đang di cư dưới sự bảo vệ của… quân đội
Trong những năm gần đây số lượng cua sụt giảm đã trở nên trầm trọng hơn. Suốt 10 năm qua, chính phủ Colombia đã đều đặn cử quân đội đến hòn đảo Providencia bé nhỏ này để bảo vệ loài cua trong mùa di cư sinh sản.
Hòn đảo Providencia nhỏ bé của Colombia nằm ở khu vực Caribe. Nơi này hầu như chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự phát triển của loài người, ít khách du lịch, chỉ có khoảng 6.000 dân. Vậy mà mỗi năm, quân đội đều được cử đến hòn đảo xinh đẹp này một lần để làm một nhiệm vụ đặc biệt: bảo vệ loài cua đất đen đặc hữu của hòn đảo trong thời kì di cư.
Loài cua này tên là Gecarcinus ruricola. Chúng thường sống trên đất liền nhưng hàng năm chúng đều di cư ra biển để sinh sản. Loài cua đất đen nổi bật với lớp vỏ màu đen, chân đỏ và những mảng màu vàng trên vỏ. Chúng đẻ trứng ở gần biển, ấp trứng trong khoảng hai tuần trước khi bơi vào biển để ấu trùng nở trong nước.
Sau khi nở, ấu trùng cua sẽ phát triển ở biển trong gần ba tuần. Những con cua con sống sót qua khoảng thời gian ấy sẽ đi ngược theo quãng đường cha mẹ chúng từng vượt qua để trở về sống trong đất liền, dưới đám gỗ mục và đá hay dưới lòng đất trong những cánh rừng.
Gần đây, cuộc di cư của loài cua này đã trở thành một hiện tượng nổi tiếng ở Colombia dù thật sự là loài cua này đã sinh tồn như vậy rất lâu trước khi con người tới định cư ở Providencia. Với người dân đảo, loài cua đen không phải chỉ để chụp ảnh. Trong hàng trăm năm, cua đất đen đã là một món ăn truyền thống của họ.
“Loài cua đen có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi. Chúng là một phần con người, bản sắc, truyền thống và văn hóa của chúng tôi.”
Winston Arenas Jay, hướng dẫn viên người địa phương
Jay chia sẻ rằng mọi trẻ em lớn lên trên đảo đều có một kỉ niệm vể lần đầu tiên chúng biết đến loài cua này. “Nếu cha mẹ bạn muốn bạn làm điều gì đó và bạn không làm, họ sẽ nói ‘loài cua sẽ đến bắt con đi’, và rồi bạn sẽ vâng lời họ ngay lập tức. Nhưng không lâu sau đó, bạn sẽ nhận thấy rằng loài cua không hề hung hăng và đáng sợ như vậy nên bạn dần yêu mến chúng hơn.”
Jay nhớ lại khi còn nhỏ phải học cách bắt cua bằng tay không mà không bị kẹp rồi mang từng xô cua ra khỏi nhà. “Có hàng triệu cua con ở khắp nơi. Chúng có thể nhỏ như con muỗi vậy.”
Người ta sẽ bắt cua vào ban đêm bằng tay không khi chúng ra khỏi hang để tìm kiếm thức ăn như hoa quả, nấm và các thức khác từ rừng. Những người ‘thợ săn’ đi vào rừng với đèn lồng, bắt sống những con cua rồi nhốt trong các hộp có thành cao.
Ngày hôm sau những người phụ nữ sẽ làm thịt cua bằng dao nhỏ và vài đồ dùng thủ công. Họ luộc cua lên rồi tách rời vỏ và thịt. Phần việc này không hề đơn giản chút nào. Jay cho biết rằng cua đen là món ăn rất phổ biến trên đảo và người dân đảo rất thích món ăn từ loài cua này.
Bắt cua từng là một tập quán bền vững do số lượng dân trên dảo không nhiều. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng khách du lịch tại đây đã tăng lên theo cấp số nhân. Năm 2008, lượng khách du lịch, cả trong nước và quốc tế, đến cụm đảo gồm San Andrés, Providencia và Santa Catalina lên tới 340.333 người. Vào năm 2017, lượng khách đạt 960.846 người.
Ngày nay, phần lớn cua bắt ở Providencia dùng để cung cấp cho hòn đảo San Andrés láng giềng. Jay chia sẻ rằng:“Đó là một hòn đảo đông đúc. Ở San Andrés, cua đen được bán với giá cao hơn và luôn tăng nên những thợ săn cua trên đảo Providencia muốn bán cua sang San Andrés. Họ cố gắng để liên tục tăng sản lượng săn bắt.”
Vậy là để đáp ứng nhu cầu thịt cua gia tăng, người dân địa phương đã tăng cường đánh bắt cua. Điều này, cùng với lưu lượng giao thông đường bộ tăng lên nhanh chóng (thường khiến cua bị kẹp khi đang băng qua đường), và diện tích đất nông nghiệp tăng lên thu hẹp diện tích rừng lại, khiến cho số lượng loài cua suy giảm.
Dù không có một thống kê nào về số lượng cua trên đảo nhưng nhiều ngư dân cho biết rằng hiện tại rất khó để bắt được khối lượng cua tương đương với khối lượng họ thường bắt được trước đây. Hiện nay, trên đảo đã áp dụng lệnh cấm săn bắt cua, tiêu thụ và mua bán cua theo mùa từ 1/4 đến 31/7 hàng năm.
“Bắt cua là một phần cách sống của chúng tôi. Nhưng ngày càng có nhiều người chuyển đến đây để trải nghiệm kiểu sống này. Nhiều người bắt cua hơn và số lượng cua thì chẳng còn nhiều bằng trước đây”.
Juan Restrepo, một ngư dân địa phương.
Trong những năm gần đây số lượng cua sụt giảm đã trở nên trầm trọng hơn. Suốt 10 năm qua, chính phủ Colombia đã đều đặn cử quân đội đến hòn đảo Providencia bé nhỏ này để bảo vệ loài cua trong mùa di cư sinh sản.
Quân đội thiết lập các trạm kiểm soát quân sự quanh đảo và những người lính thuộc đơn vị ‘canh gác cua’ đặc biệt này được trang bị súng trường tự động sẽ đứng gác những đoạn đường cấm lưu thông xe cộ, chỉ cho phép đi bộ. Như vậy có nghĩa nếu người dân muốn đi xe từ đầu này tới đầu kia đường cấm, họ sẽ phải đi gần trọn một vòng đảo.
“Tôi cảm thấy tôi đang làm một công việc quan trọng. Một số người nghĩ rằng thật kì lạ khi đưa quân đội đến đây chỉ vì mấy con cua. Nhưng nó là công việc cần làm.”
David Castillo, một người lính trong đơn vị đặc biệt này
Nhiều người không hiểu vì sao quân đội lại có mặt trên đảo để gác đường. Nhiều người dân địa phương làm nghề bắt cua cũng chẳng mấy vui vẻ gì với sự hiện diện của quân đội vì họ sẽ chẳng thể thịt hay bán cua trong một thời gian khá dài.
Trong thời gian cấm bốn tháng, người dân địa phương phải áp dụng kĩ thuật “tránh cua” để tránh không chèn phải cua khi đang lái xe. Do phần lớn phương tiện giao thông trên đảo là xe máy nên kĩ thuật này chủ yếu là kĩ năng quoẹo đầu xe sang phải hoặc trái trong một vài giây ngắn ngủi để tránh chèn vào cua.
Hàng ngàn con cua mang theo trứng bờ ngang ra biển thực sự là một cảnh tượng đáng chiêm ngưỡng. Ngày di chuyển chính xác của chúng thay đổi theo năm nhưng luôn nằm trong tháng 4 và tháng 7. Nhưng ngay cả khi các bà mẹ đã đến được biển thì quân đội vẫn chưa xong việc. Họ còn phải bảo vệ cua con trở về từ biển về tới đất liền an toàn để có thể phát triển thành cua trưởng thành.
Môi trường sinh sống của loài cua đen đang bị đe dọa bởi các hoạt động xây dựng, giao thông, khai thác quá mức trong mùa di cư sinh sản. Trong khi đó, cua đen có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái của hòn đảo. Chúng là tác nhân không thể thiếu trong việc duy trì vòng tuần hoàn dinh dưỡng của đất, là nguồn thực phẩm và thu nhập của cư dân đảo.
“Có nhiều du khách đến San Andrés cũng tốt thôi vì chúng tôi có thể bán thêm cua. Nhưng nó cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại. Không biết mọi chuyện sẽ ra sao trong 20 năm tới. Liệu có còn con cua nào mà bắt không hay liệu con trai tôi có tiếp tục được nghề bắt cua tôi đang làm không.”
Restrepo
Maria Alexandra, phát ngôn viên của Bộ Môi trường, nhấn mạnh rằng loài cua đen đang gặp nguy hiểm. “Tương lai của loài cua rất quan trọng bởi trên đảo có những doanh nghiệp và người dân kiếm sống hoàn toàn dựa vào loài cua đen. Hơn thế nữa, loài cua này còn là một biểu tượng của cộng đồng bản xứ.”
Alexandra cũng cho biết thêm rằng ngoài việc cử quân đội đến đảo vào mùa cua sinh sản, chính phủ hiện chưa có chương trình cụ thể nào để bảo vệ loài cua. Nhưng chính phủ cũng đã có biện pháp hỗ trợ chính quyền địa phương. Quan trọng nhất là người dân trên đảo cần được giáo dục và nâng cao nhận thức về việc bảo vệ loài cua.
Một số người dân tại Providencia như Jay thấy sự tham gia của quân đội là chưa đủ. “Chúng tôi phải bảo vệ cua và không sử dụng xe hơi trong suốt mùa di cư. Có những năm chẳng con cua con nào sống sót nổi cả. Mỗi người trên đảo đều có một chiếc xe máy nên nếu chúng tôi dùng chúng thay cho xe hơi thì chính chúng tôi có thể cứu được rất nhiều cua khỏi việc bị giết khi băng qua đường.”
Jay cũng muốn thấy chính quyền địa phương dưa ra một luật cấm mang cua ra khỏi đảo để bán tại San Andrés.
“Lệnh cấm này sẽ giúp đảm bảo tương lai của loài này và giúp con cháu chúng tôi được tận hưởng một phần quan trọng trong văn hóa, truyền thống và ẩm thực của cộng đồng mình.”
Jay
Nguồn: Atlas Obscura
Dịch: Xanh Va