Những người hùng trong lịch sử nhiếp ảnh thế giới
Khoảnh khắc ngưng đọng thời gian ở mỗi bức ảnh đều vô giá; và điều kì diệu của nhiếp ảnh là vẻ đẹp thật sự nằm trong câu chuyện đằng sau nó.
The Kiss of Life
Bức ảnh này có tên là The Kiss of Life, được chụp vào tháng 7 năm 1967.
Đó là một ngày hè nhiều nắng và oi bức, sẽ chẳng có ai nghĩ đến việc “hôn nhau” trong một tư thế khó như vậy, trừ khi họ quá yêu nhau. Thế nhưng, J. D. Thompson – người đã nâng đỡ Randall G. Champion và thực hiện cái chạm môi đó, giữa họ không phải là tình yêu theo cái cách ta vẫn hiểu về chữ “yêu”, đó là một thứ tình cảm khác, đầy cao cả và đẹp đẽ trong cái khoảnh khắc đó – tình yêu sự sống.
Rocco Morabito – người đã chụp bức ảnh này, khi đó đang là phóng viên ảnh của tờ tạp chí Jacksonville ở bang Florida, Mỹ. Rocco bắt đầu một ngày làm việc thường nhật của mình trên đường đưa tin về sự kiện đình công đường sắt ở địa phương. Ông đang lái xe trên đường West 26 và bị thu hút bởi những người thợ làm việc trên đường dây điện hạ thế. “Tôi chụp 8 tấm về cuộc đình công, tôi nghĩ mình sẽ quay lại và xem liệu có thể chụp được gì không” – khi Rocco quay ngược lại chỗ những người thợ, một chuyện kinh ngạc đã xảy ra. “Tôi nghe tiếng la lớn. Tôi nhìn lên và thấy một người đang bị treo lơ lửng. Ôi Chúa ơi! Tôi không biết phải làm gì. Tôi tranh thủ chụp ngay lúc J.D. Thompson đang chạy về hướng cột điện. Tôi quay lại xe và gọi cứu thương. Sau đó lại quay về phía cột điện trong lúc Thompson đang thổi vào miệng Champion. Tôi lùi ra xa cho đến khi đụng vào một ngôi nhà và không thể lùi thêm nữa. Tôi chụp một bức ảnh khác. Và rồi nghe Thompson hét lên: Anh ta thở rồi!”.
Bức ảnh này đã đem lại cho Rocco giải thưởng Pulitzer năm 1968 (giải thưởng danh giá nhất của Mỹ cho nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí) hạng mục Điểm tin ảnh (Spot News Photography) – đáng chú ý đây là tác phẩm đầu tiên đạt giải của hạng mục này. Rocco tiếp tục làm việc cho tờ báo trong suốt 42 năm, với 33 năm làm việc ở vị trí phóng viên ảnh. Ông nghỉ hưu năm 1982 và qua đời ở tuổi 88 trong sự chăm sóc của bệnh viện vào ngày 5/4/2009.
Còn với hai người đàn ông trong bức ảnh, Champion và Thompson vẫn tiếp tục công việc của mình trên những đường dây điện chênh vênh. Champion sau này nghỉ hưu vào năm 1991, ông có thêm cho mình 35 năm cuộc đời trước khi mất vào năm 2002 ở tuổi 64 với căn bệnh tim. Thompson vẫn sống cho đến ngày nay, ông nghỉ hưu năm 1995, và nhận được nhiều giải thưởng cho hành động anh hùng của mình.
Thompson luôn nhấn mạnh rằng hàng động hôm đó của ông đã được huấn luyện kỹ càng trước đó và ông cảm thấy hạnh phúc vì nó giúp kéo lại sự sống cho đồng nghiệp của mình. Ông bảo: “Tôi chỉ làm việc của mình”.
Champion hôm đó đã làm việc của mình và gặp nạn; Thompson đã làm việc của mình và cứu được người đồng nghiệp; Rocco đã làm việc của mình và ghi lại khoảnh khắc lịch sử đó. Tất cả họ chỉ đều làm việc cần phải làm, những việc thường nhật hằng ngày nhưng chứa đựng trong đó ý nghĩa cao cả đầy đẹp đẽ của cuộc sống – đó là sự tận tâm và lòng dũng cảm.
Những thông tin thêm:
Đường dây mà Champion và Thompson làm việc trên đó là đường dây hạ thế; có điện áp 50-1000V. Để làm việc trên các đường dây điện này, người lao động phải được đào tạo chuyên môn sâu, đi kèm những dụng cụ bảo hộ cũng như những buổi huấn luyện cứu hộ kỹ càng. Bên cạnh đó là quy trình ngắt điện nghiêm ngặt trước khi thực hiện những công việc sửa chữa, bảo trì.
Tuy nhiên không có bất cứ phương thức cứu hộ nào khi xảy ra sự cố trên đường dây cao thế, bởi lẽ tỉ lệ sống sót trong trường hợp này dường như bằng không.
Ngày nay việc hồi sức bằng miệng là không cần thiết và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyên bạn không nên dùng nó nữa. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc hồi sức bằng ép ngực đem đến tỉ lệ sống cao hơn là thực hiện xen kẽ giữa ép ngực và hô hấp miệng, và cũng do nhiều người ngại việc tiếp xúc miệng với người khác dẫn đến cơ hội cấp cứu giảm dần.
Ca phẫu thuật tim 23 giờ
Người bệnh nhân nằm đó với trái tim không còn đập nữa, thế nhưng, trái tim người đang cứu sống ông không dừng lại; tiếp tục đập bền bỉ, tận tâm và miệt mài cho đến khi sự sống được giành lại.
Đó là một ngày tháng 8 năm 1987, tại bệnh viện Zabrze, Balan. Tình trạng của bệnh nhân Zitkevits Tadeusz – người nằm trên bàn mổ trong hình, được đặt vào một ca phẫu thuật ghép tim vô cùng khó, gần như là bất khả thi; bởi những hạn chế về thiết bị cũng như kỹ thuật ghép tim lúc bấy giờ còn rất sơ khởi. Tất cả các bác sĩ trong nước khi ấy đã từ chối ca phẫu thuật, một phần vì bệnh nhân đã lớn tuổi (khi ấy Tadeusz đã 61 tuổi) dẫn đến khả năng sống sót càng thấp hơn. Nhưng Zbigniew Religa – vị bác sĩ ngồi cạnh bệnh nhân trong bức hình, đã không nghĩ như vậy. Ông chờ đợi một quả tim phù hợp, và lập tức tiến hành ca phẫu thuật để không bỏ qua bất kì cơ hội nhỏ nào có thể cứu lấy bệnh nhân.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 23 giờ, và khi hoàn thành, Religa lặng im ngồi bên Tadeusz tiếp tục theo dõi các dấu hiệu sức khỏe.
Khoảnh khắc này được nhiếp ảnh gia người Mỹ James Lee Stanfilnt chụp lại vào cuối ngày hôm đó. Stanfilnt – khi đó là nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geography, đang tìm kiếm một bức ảnh về sự xuống cấp của ngành y tế Ba Lan trong những năm cuối cùng có sự can thiệp của Liên bang Xô Viết.
Bức ảnh được National Geography chọn làm bức ảnh của năm (1987), và sau này nó nằm trong top 100 bức ảnh có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại. “Thời đại này người ta cần nhiều hơn là một bức ảnh đẹp. Bạn cần có thông tin trong đó” – Stanfilnt nói về khoảnh khắc mà ông chụp bức ảnh này. Giữa căn phòng ngổn ngang máy móc và dây nhợ, có thể thấy rõ máu vươn trên bàn mổ và sàn nhà; ánh mắt thận trọng của vị bác sĩ không rời khỏi màn hình theo dõi, mặc cho ông ngồi đó với một tư thế lộ rõ vẻ mệt mỏi; phía xa ở một góc bức hình, bạn có thể thấy người đồng nghiệp trẻ tuổi hơn đã thiếp đi trong tư thế đang ngồi. 23 giờ chiến đấu trong một ca phẫu thuật bất khả thi, đó là cách Religa định nghĩa lại ngành y học hiện đại, biến những điều từ không thể thành có thể.
Tadeusz tỉnh lại vào ngày hôm sau, hồi phục sức khỏe và tiếp tục sống cho đến ngày nay. Còn Religa, với thành tựu từ ca cấy ghép tim đầu tiên thành công trong nước, cũng như những nghiên cứu về tim mạch, ông được cả thế giới biết đến với sự ngưỡng mộ. Không những có sự nghiệp y khoa thành công khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan từ năm 2005 đến năm 2007, ông còn là một chính trị gia được người dân yêu mến, khi tái đắc cử vào thượng viện 2 lần vào những năm 1993 và 2001. Năm 2005, ông ra tranh cử Tổng thống và dù không đắc cử, ông vẫn dành được nhiều sự tôn trọng từ mọi người.
Năm 2009, Religa qua đời bởi căn bệnh ung thư phổi, dù là một bác sĩ và hiểu rõ tác hại của thuốc lá, ông vẫn là một người nghiện thuốc lá nặng. Tang lễ của ông được truyền hình trực tiếp toàn quốc, có sự tham gia của nhiếp ảnh gia Stanfilnt và Tadeusz lúc này đã 88 tuổi – 2 nhân chứng trong bức ảnh lịch sử.
Ngày nay, trái tim người bệnh nhân vẫn tiếp tục đập, và dù trái tim người bác sĩ không còn đập nữa, nó vẫn sống mãi trong lịch sử ngành y học thế giới – kể lại câu chuyện về sự tận tâm có thể biến những điều không thể thành có thể.
Những người hùng bình dị
Nhiếp ảnh là môn nghệ thuật mang nét đẹp của những khoảnh khắc, nhưng vẻ đẹp thực sự lại nằm ở những câu chuyện chứa đựng bên trong. Và trong hai bức ảnh này, ta biết được rằng mình không cần phải khoác lên mình tấm áo choàng với những siêu năng lực hơn người để làm người hùng, điều ta cần hơn tất cả là sống một cuộc đời tận tâm trong mọi việc với lòng dũng cảm đầy yêu thương. Như vậy, bạn đã sống được một đời đáng tự hào.
Tổng hợp từ:
zmescience
Rare Historical Photos