Chút tâm tình tiếp lửa cho những freelancer vững bước
Hãy vững tin vào con đường mà mình đã chọn và đừng dành quá nhiều thời gian để so sánh bản thân với những freelancer khác.
Trong thời đại khủng hoảng đại dịch như hiện nay, làm việc từ xa đã trở thành điều bình thường và phổ biến trong vài năm qua. Có vẻ đây cũng là thời điểm hoàn hảo cho những ai đang dự định làm công việc tự do thực hiện bước tiến cho mình. Bạn có thể chọn làm việc tại nhà, hoạt động ở bất kỳ khung giờ nào thấy tiện, chọn lựa chuyên môn cũng như lĩnh vực mình thích và có năng khiếu. Tuy nhiên, con đường freelance thú vị nhưng cũng đầy thử thách? Dưới đây là những lời khuyên từ những nhà sáng tạo đã gây dựng được thành công cho riêng mình và duy trì được đà tiến.
1. Đầu tiên là tích lũy kinh nghiệm
Bạn sẽ không chỉ cần tìm hiểu những gì mình muốn làm mà còn nên học hỏi những gì khách hàng muốn thuê bạn làm. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn dành thời gian của mình cho những dự án mà bản thân cảm thấy không thích. Ngoài ra, càng đưa ra nhiều giá trị thì bạn càng thu hút được nhiều khách hàng. Bạn có thể phát triển chuyên môn của mình bằng cách đọc các bài đăng trên mạng về những chủ đề mình quan tâm hoặc chọn tham gia các lớp học. Hãy chọn lựa những lớp học đào tạo các kỹ năng giúp bạn phát triển và trở nên hoàn thiện hơn.
Bạn có thể làm việc tự do mà không cần phải lặn lội đi đến studio thiết kế hoặc công ty sáng tạo. Nhưng nếu có thể tích lũy một số kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi chọn con đường làm freelance.
Kiến thức về làm thuyết trình để thuyết phục được khách hàng, làm việc bám sát bản tóm tắt, thương thảo với khách hàng và thậm chí cả kỹ năng đơn giản là gửi một chiếc email chuẩn mực tới khách hàng đều sẽ giúp công việc freelance trở nên suôn sẻ. Vì vậy, đừng cảm thấy như mình phải nhanh chóng chuyển sang làm việc tự do và cũng không cần phải đột ngột nghỉ việc làm công ăn lương như trước nay.
Như nhiếp ảnh gia và nhà quay phim Thom Bartley nhấn mạnh: “Bạn không cần phải gói gọn công việc của mình thành đống và làm tất cả cùng một lúc. Nếu bạn có thể bắt đầu kinh doanh trong thời gian rảnh rỗi thì hãy giảm dần số giờ làm việc chính thức cho đến khi bản thân có thể chuyển đổi hoàn toàn sang công việc kinh doanh. Mọi việc sẽ dễ dàng và an toàn hơn một chút khi có sự chuyển tiếp chầm chậm ấy.”
2. Xây dựng mạng lưới kết nối
Khi dấn thân vào con đường freelancer, bạn có thể sẽ thường xuyên một mình một ngựa mà tiến. Tuy nhiên một cây làm chẳng nên non và bạn sẽ cần đến những người khác để xây dựng sự nghiệp của mình. Vì vậy, quan trọng là đừng đánh giá thấp bất cứ ai.
Mỗi cá nhân đều là một kết nối tiềm năng, ngay cả đồng nghiệp làm việc chung với bạn hoặc những người có ít kinh nghiệm hơn. Vì vậy, hãy giữ cho mình thái độ lịch sự và xây dựng nên những cây cầu kết nối thay vì phá hủy mối quan hệ. Giữ liên lạc với mọi người, chia sẻ những bài đăng của họ với những người khác và thể hiện lòng tử tế với mọi người.
“Kết nối không nhất thiết phải là gặp trực tiếp”, nhà làm phim hoạt hình và minh họa Rosie Phillpot chia sẻ. “Tôi biết là mạng xã hội không dành cho tất cả mọi người nhưng tôi đã có nhiều liên hệ từ việc tương tác với những người trong ngành và thông qua chia sẻ tác phẩm của mình lên nền tảng trực tuyến. Những kết nối đó đã tạo ra đa số công việc mà tôi đảm nhận.”
Một trong những điều quan trọng bạn nên thực hiện khi quyết định bắt đầu làm freelancer là thiết lập sự hiện diện và tạo chỗ đứng trong lĩnh vực đã chọn. Điều này có nghĩa là bạn cần quảng bá chuyên môn của mình và kết nối với khách hàng tiềm năng. Nếu có thể, bạn nên tạo một hồ sơ năng lực trực tuyến để giới thiệu những gì mình đã hoàn thiện. Khi sử dụng mạng xã hội, đừng chỉ đăng những bức ảnh chung chung về bạn trước ống kính điện thoại. Cụ thể hơn, bạn nên xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, những bức ảnh tuyệt vời và thể hiện cho mọi người biết mình đang làm công việc gì để họ có có cái nhìn tổng quan con người của bạn. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ và sự tin tưởng trong sự nghiệp làm freelance về lâu dài .
“Nghệ sĩ và giám khảo D&AD June Mineyama-Smithson nói rằng: “Bạn nên tham gia cộng đồng những người làm nghề tự do hoặc câu lạc bộ doanh nhân để đặt câu hỏi và đưa ra lời khuyên. Trí tuệ và sự hỗ trợ từ tập thể thật sự rất tuyệt vời. Hãy tìm một người đồng cố vấn cho mình để có thể khích lệ nhau.”
Nhà thiết kế trang sức Lucille Whiting đã đồng tình với ý kiến trên. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được ‘gặp gỡ’ những người khác thông qua các nhóm kinh doanh trực tuyến, những người đã nắm tay và đồng hành cùng tôi vượt qua một số khoảnh khắc thực sự khó khăn trong vài năm qua. Những con người ấy đã khích lệ tôi bằng những trò đùa và một số giờ đây đã trở thành bạn bè của tôi. Thật tuyệt khi có cơ hội giúp đỡ lại họ.”
3. Đối xử với khách hàng tốt hơn những freelancer khác
Thành công khi làm một freelancer một phần là nhờ vào chính bản chất của công việc đó. Tuy nhiên bạn cũng cần quan tâm đến là có cách đối xử đúng mực với khách hàng và nâng cao vị thế bản thân trong mắt của họ chứ không chỉ là một freelancer bình thường.
Để làm được như thế thì bạn cần thảo luận với khách hàng. Rosie đề nghị: “Hãy giao tiếp nhiều hơn trong mọi giai đoạn của quá trình làm việc, ngay cả khi điều đó trở nên khó khăn hơn. Một bài học đáng giá khác mà tôi có được là đối xử với những khách hàng bình thường – những người bạn biết, công việc phụ, vâng vâng – giống hệt như bất kỳ khách hàng nào khác.”
“Tôi ở đây. Bạn có cần gì không?” Câu hỏi đơn giản ấy có thể tạo nên điều kỳ diệu cho sự nghiệp làm freelance của bạn. Khách hàng luôn bận rộn và việc hối thúc họ có thể chỉ là lời nhắc để họ yêu cầu thêm công việc mà thôi. Một câu hỏi hữu ích khác là, “Bạn cũng biết là tôi có thể làm được điều này phải không?”
Khi có cách làm đúng, kết quả thu về sẽ vô cùng tốt đẹp. Như nghệ sĩ và nhà thiết kế Mark Leary nói: “Khách hàng của bạn có thể là một trong những người giới thiệu bạn vời những người khác và sẽ hết lòng ca ngợi nếu bạn cho họ lý do làm như thế.”
4. Học cách từ chối
Rõ ràng là bạn cần có khách hàng để có thể kiếm tiền khi chọn con đường làm freelancer nhưng việc chọn sai khách hàng có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ. Cuộc sống rất ngắn ngủi, vì vậy hãy nắm rõ giá trị của bản thân và biết khi nào nên từ bỏ nếu mối quan hệ ấy không hiệu quả.
“Hãy thoải mái khi đưa lời từ chối mà không thể hiện sự thô lỗ”, họa sĩ minh họa Colin Kersley khuyên. “Việc đồng ý với mọi thứ trên đời sẽ khiến bạn kiệt sức, làm cho các dự án đi sai hướng hoặc khiến bạn phải làm việc với mức thù lao không tương đương với giá trị mà bạn và công việc của bạn mang lại.”
Nhà thiết kế Rob Richardson cũng đồng tình với quan điểm như vậy. “Hãy từ chối khách hàng khi có bất kỳ dấu hiệu đáng nghi nào xảy ra. Họ sẽ không khá hơn chút nào đâu và có rất nhiều khách hàng tốt ngoài thị trường.”
5. Có nhiều cách để bạn phát triển
Không có con đường trải hoa hồng đâu vì hai năm đầu tiên sẽ rất khó khăn khi bạn cần phải thu hút thật nhiều khách hàng để tạo nên nguồn tài chính chi trả cho chi phí hàng ngày. Tuy nhiên khi đã có một cơ ngơi vững chắc, bạn sẽ có thể bắt đầu thương lượng mức phí cao hơn cho khách hàng mới và giảm số lượng khách hàng mà mình làm việc cùng mà vẫn duy trì tổng thể tài chính.
Theo thời gian, bạn có thể tăng thu nhập từ công việc freelance của mình bằng một trong hai cách. Bạn có thể nghĩ đến việc mở rộng phạm vi dịch vụ của mình bằng cách thành lập doanh nghiệp, thuê các freelancer khác hoặc bạn có thể chọn đi theo hướng khác và chuyên môn hóa kỹ năng và nghề nghiệp của mình. Cả hai cách đều tốt cả, quan trọng là bạn chọn được cái nào phù hợp với mình.
Đối với những người mới bắt đầu, việc tìm kiếm một thị trường chuyên biệt phù hợp có thể hỗ trợ rất nhiều cho công việc freelance. Nếu không có kĩ năng thành thạo trong một lĩnh vực cụ thể, bạn có thể khó duy trì một nguồn tài chính tốt. Vì vậy, hãy tìm kiếm thứ bạn yêu thích và có năng khiếu, đồng thời xác định lĩnh vực cần nhân lực trên thị trường. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra có khá nhiều công việc ngoài kia dành cho mình trong thị trường đã lựa chọn.
Dù người khác có nói gì với bạn thì không có gì sai khi tập trung vào thị trường chuyên môn dù nhỏ nhưng thích hợp với bản thân. Như nhà đào tạo truyền thông Scott Hamilton nói: “‘Phát triển hay chết đi’ đều là thứ vô nghĩa. Vì vậy, nhiều người có mối quan hệ làm ăn với tôi chia sẻ rằng tôi phải mở rộng doanh nghiệp, tuyển thêm nhân viên và tiếp tục bành trướng để có được thành công. Tôi đã mất nhiều năm để nhận ra rằng không có gì sai với khi ‘làm việc cùng chính mình’.”
Nhà thiết kế Brendan Kearns cũng đồng ý với quan điểm như vậy. Ông nói: “Bạn không cần một đội ngũ làm việc khổng lồ hoặc trong một số trường hợp là không cần đồng đội để thu về lợi nhuận cao. Hãy tái cấu trúc lại ‘quy mô’ với trọng tâm chuyển từ đội nhóm sang lợi nhuận chia tính trên mỗi cá nhân mà không làm việc quá nhiều giờ. Số lượng nhân sự là một yếu tố không thể hiện được sự thành công trong kinh doanh.”
6. Kiên nhẫn và đừng kiệt sức
Hãy lắng nghe tất cả những lời khuyên, làm việc chăm chỉ và đối xử tử tế với mọi người, cuối cùng bạn sẽ thành công với tư cách là một freelancer tài giỏi. Nhưng bạn sẽ cần thêm một điều nữa, nhà thiết kế đồ họa Paul Wolterink có nói: “Sự kiên nhẫn là vô tận. Những gì bạn đầu tư nuôi dưỡng hôm nay có thể sẽ mang lại kết quả thỏa đáng trong giai đoạn sau này”.
Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn quan tâm và bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của mình trong hành trình tìm kiếm sự thành công ấy. Nhà thiết kế đồ họa Mina Shah đưa ra lưu ý: “Một trong những đặc quyền tốt nhất khi làm freelancer là mỗi ngày có thể mang lại cho bạn nhiều điều khác nhau. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian nhất định, điều đó có thể khiến bạn mệt mỏi. Vì vậy, bạn nên tạo cho mình một số thói quen, thậm chí có phần khó chịu nhưng thói quen sẽ mang lại nhiều lợi ích.”
Quan trọng hơn hết, hãy vững tin vào con đường mà mình đã chọn và đừng dành quá nhiều thời gian để so sánh bản thân với những freelancer khác. Như nghệ sĩ và doanh nhân xã hội Anna B Sexton nói: “Không một ai thực sự biết chính xác những gì họ đang làm ở bất kỳ giai đoạn nào trong hành trình làm kinh doanh của họ. Mỗi người chúng ta đều phải tìm hiểu, ít nhiều làm xáo trộn mọi thứ, ta sẽ học hỏi trong công việc và duy trì sự phát triển này. Cứ tiếp tục hành trình của mình và sau cùng thì mớ hỗn độn đó cũng có giá trị. Hãy biến dịch vụ có giá trị trở thành trọng tâm trong công việc bạn làm.”
Biên tập: Đáo