Chiến dịch quảng cáo “Ocean of the Future” mô tả thuỷ cung rác nhựa của tương lai
Greenpeace tiếp tục phản đối gay gắt về thói quen tiêu dùng đồ nhựa của xã hội. Lần này, họ nhắm mục tiêu đến các siêu thị bằng một video về chuyến tham quan thủy cung của các học sinh tiểu học.
*Greenpeace: Tổ chức Hòa bình xanh được thành lập ở Vancouver, British Columbia, Canada năm 1971. Tổ chức này nổi tiếng nhất vì những chiến dịch chống lại việc săn bắt cá voi.
Chiến dịch mới nhất về môi trường của Greenpeace gồm ba bộ phim về một nhóm trẻ em được tham quan thủy cung mang tên ‘Đại dương của Tương lai‘. Ban đầu, những đứa trẻ vô cùng háo hức khi nghĩ rằng mình sẽ nhìn thấy thật nhiều chim cánh cụt, rái cá, bạch tuộc và cá da trơn. Càng hào hứng bao nhiêu, bọn trẻ càng thất vọng bấy nhiêu khi nhìn thấy không gian tràn ngập bao nilon, chai và bao bì nhựa.
Không cho khách ghé thăm biết trước, Ogilvy & Mather đã âm thầm biến Thủy cung Đại dương Dingle thành một cuộc triển lãm nhựa siêu thị, thể hiện một “tương lai mờ mịt” của đại dương nếu nhân loại không hành động để giảm thiểu lượng bao bì không bền vững được sản xuất hằng ngày. Bộ phim nhằm mục đích ủng hộ kiến nghị của Greenpeace kêu gọi các siêu thị hãy tìm cách giảm lượng rác nhựa mà họ thải ra.
Mick Mahoney, giám đốc sáng tạo của Ogilvy & Mather London cho biết: “Chúng tôi vô cùng tự hào khi được hợp tác với Greenpeace để giải quyết vấn đề cực kỳ cấp bách này.”
Thủy cung thường được xem là một thế giới hoàn hảo, chắt lọc những tinh túy từ biển cả, vô tình khiến chúng ta hiểu sai về thực trạng của đại dương. Trái lại, chúng tôi muốn họ nhìn thấy tương lai thực tế sẽ ra sao nếu chúng ta vẫn tiếp tục lối sống như hiện tại.
Cô Louise Edge, quản lý cấp cao chiến dịch đại dương tại Greenpeace UK, cho biết thêm: “Video này lột trần rõ rệt thực trạng đang bị đe dọa. Mỗi năm, rác nhựa đại dương trên toàn thế giới gây ra cái chết của hàng trăm ngàn động vật biển.”
“Các siêu thị ở nước tôi sản xuất một lượng bao bì khổng lồ, vì vậy chúng tôi yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm về điều này và ngưng sử dụng bao bì nhựa không thể tái chế trong vòng một năm. Đồng thời, họ phải loại bỏ bao bì nhựa khỏi tất cả các sản phẩm mang thương hiệu riêng của họ.” Louise Edge chia sẻ thêm.
Các bộ phim sẽ được chia sẻ trực tuyến thông qua YouTube, Facebook và Instagram, cũng như trong các rạp chiếu phim để khán giả đắm chìm trong thủy cung rác nhựa và nhận thức được mối thảm họa của chúng đối với đại dương.
Nguồn: THE DRUM
Video: Ogilvy & Mather
Người dịch: Mingboong