8 tư duy ngăn cản sự sáng tạo của bạn
Liệu có phải hệ thống giáo dục là nhân tố ngăn cản chúng ta đạt tiềm năng sáng tạo của mình? Hay còn có những trở ngại khác cản đường sáng tạo mà chúng ta phải đối diện mỗi ngày nhưng không hề hay biết? Hãy để dòng chảy sáng tạo được trôi và ngưng gắn nhãn cho sự sáng tạo của mình.
Trong video Ted talk được xem nhiều nhất Do Schools Kill Your Creativity, Ken Robinson đã chỉ ra một vài ví dụ và trường hợp để nói rằng có gì đó không ổn trong hệ thống giáo dục.
“Nếu bạn bảo tụi nhỏ ngồi im sau một ngày ngồi tại bàn học, làm những việc liên quan đến việc học tập nhàm chán thì đừng ngạc nhiên khi lúc nào chúng cũng bồn chồn, không đạt được thành quả gì và không cảm thấy tự tin về bản thân.”
Tư duy của Robinson khiến tôi phải suy nghĩ:
Tự trách mình qua những thất bại
Nếu người làm sáng tạo tự trách mình qua những thất bại hoặc lời chối từ, liệu ta có cơ hội trải nghiệm rất nhiều những tác phẩm kỳ diệu trên thế giới?
Tôi nghĩ là không.
Ngày nay, từ khóa “Einstien” đồng nghĩa với sự xuất chúng. Tuy nhiên cho đến năm 9 tuổi, Albert Einstien thậm chí không thể nói lưu loát được. Ông bị đuổi ra khỏi trường vì là một đứa trẻ nghịch ngợm khó trị, tuy nhiên điều đó không ngăn cản ông giành giải Nobel môn vật lý năm 1921.
Lịch sử cho chúng ta thấy một vài ví dụ về những con người không để những thất bại làm nên con người họ. Khi một ý tưởng nào đó không hiệu quả lắm, họ chuyển sang ý tưởng khác và đạt được thành công vĩ đại.
Thậm chí khi là một người viết (cho iDesign chẳng hạn), không phải mọi thứ bạn viết ra đều hiệu quả. Nhưng cũng có những khi bài viết bỗng nổi bật hơn bao giờ hết. Những lần thất bại của các ý tưởng trước đó chính là nhân tố đưa bạn đến bài viết ấy.
Bài học: Thay vì cứ chăm chăm nhìn vào những thất bại, hãy học hỏi và phát triển từ chúng.
Bạn không đánh giá đúng những gì mình giỏi
Lúc 7 tuổi, Gillian Lynne nói với mẹ mình rằng cô mắc chứng rối loạn khả năng học tập. Vượt qua những lo lắng tột cùng, mẹ đã dẫn cô đến gặp bác sĩ.
Những diễn biến tiếp theo đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Gillian.
Trước khi rời phòng khám để nói chuyện riêng với mẹ của Gillian, bác sĩ đã bật radio lên. Ngay sau đó, bác sĩ và bà Lynne nhìn vào phòng và thấy Gillian chìm đắm trong âm nhạc và xoay theo nhịp điệu. Trong khoảnh khắc ấy, bác sĩ đưa ra kết luận:
“Con gái của chị không bị làm sao cả. Cô bé là một vũ công.”
Gillian tiếp tục hành trình trên con đường sự nghiệp nhảy múa phi thường của mình. Thời thơ ấu đã thúc giục cô di chuyển liên tục và sự bồn chồn không yên ấy không phải là chứng rối loạn khả năng học tập mà chính là món quà. Hiện tại cô là một tỉ phú và đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người để họ theo đuổi đam mê sáng tạo.
Từ những năm tháng đầu tiên khi đi học, chúng ta bị thúc đẩy để đánh giá sai lệch khả năng sáng tạo. Tuy nhiên nếu có một bài học rút ra từ khoảng đại dịch vừa rồi, thì đó chính là chúng ta cần phải thích nghi và cải tiến nhiều hơn.
Và chúng ta không thể làm như thế khi thiếu đi sự sáng tạo.
Bài học: Hãy để dòng chảy sáng tạo được trôi và ngưng gắn nhãn cho sự sáng tạo của mình. Bạn không phải là một kẻ mạo danh và không ai kết tội bạn khi thất bại.
Bạn cố tích lũy bằng cấp đại học để phù hợp với tiêu chuẩn xã hội?
Tôi có bằng cử nhân kỹ sư dân dụng với 4 năm học. Đồng thời tôi cũng mất 2 năm nữa để có bằng thạc sĩ nghiên cứu kinh doanh.
Thật buồn cười khi tôi không cần đến hai thứ này để có được công việc viết đầu tiên của mình.
Lý do duy nhất mà tôi theo học các nội dung trên là bởi bản thân bị thuyết phục rằng chúng sẽ giúp tôi có được một công việc. Tuy nhiên thứ duy nhất đã giúp tôi kiếm được việc là kĩ năng viết.
Không hơn, không kém.
Với sự tiến bộ của Internet, ngành sáng tạo cũng phát triển nhiều hơn. Nhiều người từ bỏ công việc ở các tập đoàn để theo đuổi ước mơ của mình. Ở kỉ nguyên này, là một nhà sáng tạo không đồng nghĩa với sự thất nghiệp, cũng không đặt bạn ở vị trí thấp hơn bất kì ai trong tầng lớp xã hội.
Bài học: Không có lý do gì để bạn không theo đuổi đam mê sáng tạo của chính mình. Nếu không là việc toàn thời gian thì bạn vẫn có thể kiếm được nguồn thu nhập phụ đáng kể với bất cứ điều gì cảm thấy đam mê.
Bạn tin rằng ‘nhận lại’ có lợi hơn ‘cho đi’?
Tôi tin rằng giá trị cốt cõi từ việc “tạo ra” là “bổ sung giá trị cho thế giới này”. Bất cứ khi nào bạn viết, thiết kế hoặc sáng chế ra thứ gì đó, mục đích cố hữu duy nhất của nó là để trao tặng cho thế giới này.
Tuy nhiên, đa số chúng ta đều vướng phải thói quen chỉ luôn nhận lại.
Nicolas Cole, một trong những người viết hàng đầu trên trang Medium, đã đưa 1000 câu trả lời trên Quora dù chẳng kiếm được một đồng nào từ việc này. Anh không bao giờ có suy nghĩ kiếm tiền trên nền tảng ấy. Thay vì vậy anh sử dụng nó để cung cấp giá trị cho độc giả. Đổi lại anh có được danh tiếng cho công việc của mình và thậm chí tiếp cận nhiều cơ hội nghề nghiệp rất tốt.
Điều kì diệu luôn ẩn chứa trong những khoảnh khắc mà bạn hoàn toàn chìm đắm trong những điều mình yêu thích. Lúc đó mọi thứ khác đều trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên khi sự tập trung trở nên cạn kiệt và bạn nghĩ quá nhiều về “cơm áo gạo tiền”, sự sáng tạo của bạn sẽ bị thu hẹp.
Và đó cũng chính là lúc mà mục đích làm sáng tạo bị phá hủy.
Bài học: Hãy làm hạt giống chứ đừng là cây cỏ dại.
Bạn cố gắng quá nhiều để trở nên độc nhất?
Cứ nghĩ mà xem, mọi thứ trên mạng đều là sự sao chép của một bản sao chép khác. Không có nội dung nào là hoàn toàn độc nhất. Mỗi nội dung đều có một chút gì đó từ những thứ khác.
Một ngày nọ, bạn tôi than rằng cô không thể bắt đầu một trang viết blog vì không thể nào nghĩ ra được một ý tưởng độc đáo. Trái lại, khi cô đợi ý tưởng độc đáo xuất hiện càng lâu thì cơ hội tìm ra chúng sẽ càng ít ỏi.
Con người đã xuất hiện trong 6 triệu năm nay và gần như mọi ý tưởng đều có sẵn ngoài kia, trong hình hài cụ thể nào đó.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn cứ sao chép kết quả của người khác. Hãy tìm cảm hứng từ những gì bản thân cảm thấy thu hút và mang tinh thần sáng tạo của mình vào đó. Sự sáng tạo của bản thân đến từ những câu chuyện cá nhân, bản chất con người hay bất kì thứ gì độc nhất về bạn.
Bài học: “Đừng cố gắng trở nên độc nhất. Bạn chỉ cần trở thành người tử tế.”
Bạn mong một con đường thẳng?
Dù là việc thay đổi hình dáng cơ thể hay viết một cuốn tiểu thuyết, chúng ta luôn muốn mọi thứ được nhất quán và có thể đo lường quá trình ấy. Tuy nhiên câu chuyện lại không đi theo hướng đó.
Một tuần bạn viết được 5000 từ mỗi ngày, tuần kế tiếp bạn bị mất phong độ với chỉ 200 từ. Một ngày nọ bạn vươn đến đỉnh thành công, bữa khác thì bạn tụt xuống chân núi.
Hành trình đi đến bất kì điều gì to lớn trong cuộc sống đều có muôn vàn thăng trầm.
Bài học: Quá trình phát triển cũng giống như tập Burpees – bạn cần phải cúi mình xuống mặt đất để bật dậy mạnh mẽ hơn.
Bạn vô cùng coi trọng kết quả?
Tôi ghét sự giới hạn về con chữ, nhất là khi kiếm tiền từ điều đó. Tuy nhiên sếp cũ của tôi lại quá cứng nhắc về giới hạn số chữ cho mỗi bài viết. Anh tin rằng số lượng chữ nhất định sẽ giúp anh có xếp hạng cao hơn trên Google.
Là một nhân viên sợ cấp trên, tôi đã cố gắng làm theo quy tắc ấy nhưng đã thất bại. Quyết định lấy kết quả làm trọng tâm của anh ấy chưa bao giờ phù hợp với lựa chọn dựa trên tính logic của tôi. Tôi không chỉ viết bài dựa trên SEO mà còn muốn truyền đạt thông tin hữu ích. Sau này điều đó cho tôi rất nhiều góc nhìn khác nhau.
Việc này cũng tương tự trên bất kì nền tảng nào khác. Dù có giỏi như thế nào, số lượng người xem sẽ gần như không thay đổi trong những tháng đầu tiên, có thể thậm chí là cả năm trời.
Tuy nhiên nếu tập trung nhiều hơn vào quá trình và kiên trì thực hiện, bạn sẽ thấy nhiều thay đổi đáng kể.
Hãy suy nghĩ như thế này: Hãy viết về một chủ đề đang thịnh hành sẽ giúp thu về nhiều lượt xem trong thời gian ngắn dù bạn có hứng thú với chủ đề ấy hay không. Tuy nhiên khi bạn đặt tâm huyết và sức lực để viết về một thứ gì đó mà mình đam mê, sự sáng tạo của bạn sẽ tồn tại bất tử.
Bài học: Thành công là kết quả của việc không giới hạn sức sáng tạo của bản thân.
Bạn đang đợi đúng thời điểm để hành động?
Ngày nay, sự sáng tạo được coi là khả năng mà nhiều người thèm muốn. Các thương hiệu và những nhân vật có sức ảnh hưởng thường phóng đại về điều này. Trong khi đó, hãy yên tâm là phải có sự kết hợp các bộ gen hiếm khác nhau để có thể trở nên sáng tạo.
Tuy nhiên, sự thật là chúng ta đều sáng tạo theo một cách nào đó.
Bạn có nhớ cách mà mình biến những đồ vật trong nhà thành đồ chơi và vẽ lên mọi bức tường trong nhà khi còn nhỏ không? Đó chính là sáng tạo đấy.
Khi còn là đứa trẻ, bạn không bao giờ quan tâm đến quy mô và kích thước của những gì mình tạo ra. Bạn sáng tạo bất kì thứ gì xuất hiện trong trí tưởng tượng của mình. Bạn không suy nghĩ thái quá về về thời điểm cũng như vị trí bắt đầu. Bạn chỉ bắt đầu với nguồn lực hoặc ý tưởng mà mình có lúc ấy.
Thậm chí khi đã lớn, bạn cần tránh việc ngồi đợi cơ hội hoặc thời điểm để bắt đầu cuộc phiêu lưu sáng tạo của mình. Những nhà sáng tạo khác có thể có những nguồn lực hoặc ở trong tình huống tốt hơn, nhưng điều độc nhất vẫn nằm ở trong bạn.
Bài học: Bạn không sáng tạo để cạnh tranh với ai cả. Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay.
Tác giả: Dhruv Sharma
Ngươi dịch: Đáo
Nguồn: Medium