Bước qua quá khứ diệt chủng, xưởng thêu thắp lên hy vọng cho văn hoá, ký ức và phong cảnh của Rwanda
Trong vòng 22 năm, 15 phụ nữ người Rwanda đã đưa khung cảnh quê hương và ký ức của họ lên tranh thêu. Được Christiane Rwagatare thành lập vào năm 1997, một thời gian ngắn sau thảm họa diệt chủng năm 1994, xưởng Savane Rutongo-Kabuye mang đến nguồn thu nhập và con đường sáng tạo cho những phụ nữ Rwanda. Vượt lên trên dấu vết của nạn diệt chủng trong mắt người ngoài, Rwanda trong các tác phẩm thêu này không đau thương mà hiện lên theo một cách rất khác.
Do lịch sử đầy biến động của quê hương, Christiane Rwagatare đã sống lưu vong ở nước ngoài từ khi còn trẻ. Khi cô trở về vào năm 1994, đất nước đã bị tàn phá nặng nề. Năm 1997, khi đến thăm họ hàng ở ngôi làng nhỏ Rutongo, cô nhìn thấy những người phụ nữ bán khăn thêu tay bên vệ đường, và ngay lập tức cảm thấy niềm hy vọng.
Cô nhớ lại tất cả những gì đã học về nghệ thuật khi ở Châu Âu, và biết rằng mình có thể đóng góp một điều tích cực. Cô bèn thông báo rằng sẽ mở một xưởng thêu, và yêu cầu bất cứ ai quan tâm đến nhà thờ của làng vào ngày hôm sau. Và hơn 100 phụ nữ đã đến với các tác phẩm thêu của họ.
Christiane kể lại: “Tôi phải thừa nhận là lúc đó rất hoảng hốt. Tôi phải giải thích với họ rằng không có đủ khả năng để thuê tất cả, vì thu nhập có hạn và căn phòng tôi định thuê từ các linh mục cũng không đủ rộng.” Cô buộc phải chọn và tuyển 15 phụ nữ mà cô cảm thấy có tài năng nhất, và ngay lúc đó xưởng Savane Rutongo-Kabuye ra đời.
Những người phụ nữ ở Kabuye làm việc cùng nhau để tạo ra từng tác phẩm là một mô tả đầy màu sắc về cảnh vật xung quanh họ. Christiane hoặc cháu gái vẽ phác thảo trên giấy, sau đó chuyển lên toan. Cảnh trên tranh được lựa chọn từ văn hóa Rwanda, những thứ mà người thợ thêu nhìn thấy hàng ngày hoặc những hình ảnh bị chôn vùi trong ký ức.
Các sợi chỉ sẽ được chọn tương ứng với màu sắc cần thiết cho mỗi cảnh, và sau đó những người thợ bắt đầu công việc. Họ sử dụng ba màu sắc khác nhau của sợi chỉ trên mỗi cây kim, điều này cho phép tạo ra độ sâu và chi tiết phù hợp với các phong cảnh sống động.
Những bức tranh thêu của phụ nữ Kabuye từng được ít người biết đến bên ngoài địa phương cho đến khi có chuyến thăm tình cờ của Juliana Meehan, một nhà giáo dục người Mỹ. Ngay khi bước vào cửa hàng, cô đã cảm thấy say mê và mua gần hết tranh. Christiane mời vợ chồng Juliana đến xưởng để xem cận cảnh từng tác phẩm được thực hiện như thế nào. Juliana đã hỗ trợ đưa những bức tranh thêu rực rỡ từ ngôi làng nhỏ đến Mỹ, giới thiệu với công chúng qua triển lãm tên Pax RWANDA (Hoà bình ở Rwanda).
Gần đây, khi Juliana trở lại Rwanda, cô đã nói chuyện với từng phụ nữ làm việc trong xưởng để tìm hiểu thêm về câu chuyện của họ. Cô kể lại rằng: “Dù 22 năm sau cuộc diệt chủng đã đi qua, ai cũng có cuộc sống bị ảnh hưởng từ 100 ngày mùa xuân năm 1994, khi gần một triệu người Rwanda bị giết. Và số lượng người vợ góa chồng, mất con nhiều gấp mười lần những người chồng mất vợ. Xưởng thêu đã cho họ điều gì đó để tập trung tâm trí.”
Hầu hết phụ nữ Rwanda được các nữ tu truyền giáo người Bỉ dạy thêu vào những năm 80, rồi hành nghề thêu hoặc làm những công việc khác, nhưng tất cả phải dừng lại khi thảm họa xảy ra. Xưởng của Christiane mang đến cho họ cơ hội một lần nữa được sử dụng kỹ năng này và thể hiện bản thân một cách sáng tạo.
Khi Juliana gợi ý rằng các tác phẩm nên có một số ký tự thể hiện tác giả, những người phụ nữ đã không đưa tên mình, thay vào đó họ ký tên chung của cả xưởng. “Sự lựa chọn không đưa tên riêng và từ chối những lời khen ngợi cá nhân cho thấy sức mạnh của mối quan hệ và ý thức cộng đồng đã được gây dựng trong hai thập kỷ.”
Nhiều người phương Tây khi nhắc đến Rwanda chỉ nghĩ về nạn diệt chủng và những vấn đề mà đất nước phải đối mặt kể từ đó. Tuy nhiên, những bức tranh thêu này thể hiện vẻ tươi đẹp của quê hương dưới góc nhìn của những người bản địa.
Du khách muốn tìm hiểu Rwanda, miền đất của một nghìn ngọn đồi, sẽ muốn xem những thứ gì đó phức tạp và đẹp đẽ hơn nhiều.
Biên tập: 19August