Kịch bản “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè” được viết như thế nào?

“Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè” được ra mắt vào mùa hạ tháng 5/2018 đã tạo nên một dấu ấn đẹp cho phim Việt ở thời điểm hiện tại.

Thế nhưng bên cạnh câu chuyện về những nỗ lực của đoàn phim hay khung cảnh nên thơ nơi nước Nhật xa xôi, bạn có bao giờ thắc mắc kịch bản của “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè” đã được viết nên như thế nào?

iDesign mời bạn cùng nghe chia sẻ từ tác giả Phan Lương – một trong ba biên kịch chính của “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè”, hy vọng sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn khác hơn về công việc viết kịch bản phim.


1.

Mình nhận được đề bài Nhắm mắt thấy mùa hè vào cuối năm 2016. Câu chuyện hậu kỳ có lẽ nhiều người đã đọc, và cũng từ câu chuyện ấy, những gạch đầu dòng được vạch ra:

  • Câu chuyện giữa một cô gái Việt Nam và chàng trai Nhật. Cả hai không giao tiếp được vì ngăn cách ngôn ngữ.
  • Bộ phim diễn ra tại Higashikawa – được mệnh danh là Thị trấn Ảnh.
  • Bao gồm tứ “Nếu một ngày” từ phim ngắn “Nếu một ngày”.

Chỉ có nhiêu đó, không quá dài, không quá ít chi tiết. Mình còn nhớ ngay khi nghe qua đề nghị từ Thanh Tân, mình đã thốt lên:

“Phải có một back story* cho cả hai nhân vật chính. Phải có một lý do tại sao cả hai gặp nhau ở Higashikawa.”

*back story: tiền truyện

2.

Mình bắt đầu định hình câu chuyện từ đầu mối ấy: Tại sao hai nhân vật chính lại gặp nhau?

Điều này rất quan trọng, vì hai lý do ấy sẽ đặt ra Intention (Mục tiêu) và Obstacle (trở ngại) cho cả hai nhân vật, từ đó dẫn dắt cả câu chuyện. Lúc này, một câu hỏi khác lại xuất hiện “Ai là nhân vật chính?”. Dù là 1 chuyện tình, rất ít khi cả 2 nhân vật đều là nhân vật chính. Mình chọn góc nhìn của cô gái vì đây là nhân vật người Việt Nam, hay nói cách khác, câu chuyện của Hạ phải đủ để cân bằng với tất cả những yếu tố Nhật Bản của phim, tạo ra sự hài hòa trong bộ phim hợp tác Việt – Nhật đầu tiên. Cô ấy sẽ là nhân vật chính.

Ngay từ đầu, Hạ đã có tên là Hạ – mùa hè, mùa hạ. Trên Facebook mình có một bạn tên Nhật Hà, mình rất thích, nên để tên Hạ là Nhật Hạ – trong mùa hè còn có mặt trời, và Nhật lại cũng có nghĩa là ngày, và Nhật cũng là nước Nhật. À, cái này là ngẫu hứng nghĩ ra thôi.

Mình dành nhiều ngày để suy nghĩ, vì sao Nhật Hạ lại rời khỏi Việt Nam. Khi đi xa, có lẽ đó là một cuộc chạy trốn, nhưng cũng có thể là một chuyến phiêu lưu. Hạ muốn tìm kiếm một điều gì đó, một người quan trọng của mình. Mình không muốn back story của Hạ vẫn là về tình yêu, vì như thế có vẻ quá sến. Vậy chỉ còn 1 động lực to lớn nữa đủ để đẩy nhân vật chính vào chuyến phiêu lưu: gia đình. Hạ muốn khám phá nơi đã từng gắn bó với người cha của mình.

Nhất Minh là tên sếp của mình. Thật ra lúc đó mình lười đặt tên. Mình chỉ muốn định hình trong đầu nhân vật người cha ấy, đặt ở đó và tiếp tục đi đến nam chính đã. Vậy là Nhất Minh có tên Nhất Minh. Về sau lại thấy hợp: chữ Minh là từ Nhật và Nguyệt, cũng là dung hòa giữa mùa hạ và mùa đông, và nhân vật này chính là cầu nối giữa hai đất nước, hai vùng đất, hai tính cách trái ngược nhau giữa Hạ và Akira.

Cuối cùng, Akira xuất hiện. Sản xuất phía Nhật của bộ phim tên là Akira (cũng chính là người đóng vai anh chủ nhà vui tính Taka), đồng thời Akira cũng có nghĩa là Minh. Akira xuất hiện âm thầm, lặng lẽ, nhưng lại là nhân vật được định hình rõ ràng nhất trong đầu mình. Nhưng ngay từ lúc bắt đầu, kết cục của Akira đã được định đoạt. Cái tứ “Nếu một ngày” là một lời tiên đoán ám ảnh, là một điềm báo trước cho số phận của Akira. Và dù sao đi nữa, mình không quen viết một cái kết có hậu.

Có lẽ vì vậy mà câu chuyện của Akira đến khá dễ dàng. Akira đã từng là một chàng trai tài giỏi, nhiều nhiệt huyết, nhưng khi đến Higashikawa, anh đã đi đến đoạn cuối của con đường. Đối nghịch với cuộc tìm kiếm của Hạ, Akira chọn nơi đây như chốn trú ẩn (sanctuary) của mình. Và sẽ không có gì hoàn hảo hơn khi chính Hạ là người quấy nhiễu chốn trú ẩn ấy.

“Em đến đây để nhớ về một người. Anh đến đây để quên đi một người.”

3.

Sau khi Intention của các nhân vật đã rõ ràng, đó là lúc mình bắt tay vào viết khung xương của câu chuyện. Đáng ra cần xác định cả các mâu thuẫn chính (Conflict), nhưng mình thích nhìn thấy các mâu thuẫn từ từ xuất hiện theo nhịp chảy tự nhiên của câu chuyện. Dù sao điểm thuận lợi ở chỗ mình đã có cái kết và khởi đầu.

Mình đặt mục tiêu là phải viết ra toàn bộ các cảnh rất nhanh, không dừng lại quá lâu để suy nghĩ, vì thế nào cũng phải viết đi viết lại. Cho nên câu chuyện ban đầu đại ý là thế này:

  • Hồi 1: Hạ đến Higashikawa vì gia đình cô đã từng đến đây, nhưng cha cô đã bỏ đi từ nhỏ. Hạ ở trọ tại nhà mẹ con Tomoe và Michiko. Hạ gặp Akira, và thấy ảnh anh chụp tại tiệm chụp hình của ông Kimura (Biến chuyển 1).
  • Hồi 2: Hạ năn nỉ Akira dạy cô chụp ảnh. Cả hai chụp ảnh quanh Higashikawa. Biến chuyển Mid-Point* diễn ra khi Hạ gặp lại cha mình, và phát hiện ông đang sống ở đây cùng với vợ sau – bà Tanako. Nhất Minh cố gắng xin lỗi Hạ, nhưng cô không tha thứ cho cha. Akira chia sẻ với Hạ về câu chuyện của mình đã chia tay với người yêu cũ là Sumire (Biến chuyển 2). Cao trào diễn ra khi Akira dẫn Hạ đến chụp hình cho vợ chồng ông Nhất Minh. Qua đó Hạ hiểu về tình yêu của 2 người và tha thứ cho họ.
  • Hồi 3 kết thúc khi Hạ trở về VN. Ông Nhất Minh cũng quay về, và nói cho cô về cái chết của Akira. Cô quay lại Nhật tìm lại hồi ức của anh.

*mid-point: điểm giữa của phim, điểm không thể quay đầu

Sau khi viết xong, mình cảm thấy chưa thật sự thỏa mãn. Đó cũng là lúc outline* được mổ xẻ bởi mọi người trong core team ban đầu. Và ai cũng nhận ra một điều: quá ít lý do để Hạ và Akira đồng cảm và yêu nhau, nhưng lại có quá nhiều thời gian họ dành cho nhau. Cao trào của câu chuyện là sự hàn gắn của Hạ và cha (thông qua Akira), nhưng Intention của Hạ lại không liên quan trực tiếp đến cao trào này – Conflict giữa Hạ và cha xuất hiện quá trễ. Hơn nữa lại có quá nhiều nhân vật, và dường như họ xuất hiện chỉ để tô điểm cho khung cảnh Higashikawa hơn là đóng góp vào câu chuyện – đây vốn là một lỗi sơ đẳng của biên kịch.

*outline: sườn kịch bản

Thế là mình viết lại, và tìm cách đẩy cho mâu thuẫn của Hạ với cha mình xuất hiện sớm hơn: ông Nhất Minh gặp Hạ sớm hơn, và lúc này chính Tomoe là chủ nhà trọ cũng sẽ là vợ ông Minh. Sau đó lại cắt luôn Kimura, và bà Tomoe trở thành chủ của tiệm chụp hình – nơi gắn liền với diễn biến câu chuyện hơn. Dần dần, sức nặng của tuyến nhân vật liên quan đến ông Nhất Minh được tăng lên, nhưng cả hai câu chuyện vẫn tách rời nhau: Hạ – Nhất Minh và Hạ – Akira. Akira và Hạ được thêm thắt một số tình tiết như việc Akira làm mất máy ảnh của Hạ lúc đầu phim, dẫn đến hai người có nhiều động lực để đi cùng nhau hơn.

Nhưng vẫn chưa đủ. Hành trình của Hạ không ‘tự nhiên’ như mình đã tưởng, và mình phải nhìn lại một lần nữa để trả lời câu hỏi:

“Mục đích của Hạ là gì? Điều gì cản trở cô?”

4.

outline vẫn không ưng ý, áp lực của thời gian buộc mình phải bắt tay vào viết kịch bản chi tiết. Do một cơ duyên nhất định, Trà xuất hiện và tham gia vào viết chi tiết cùng với mình. Mình viết Hồi 1, Hồi 3, Trà viết Hồi 2.

Ngay từ đầu mình đã thừa nhận rằng không gánh nổi nhân vật nữ chính như Hạ, và tâm hồn vừa sâu sắc, vừa trải nhiều tổn thương, nhưng cũng mộng mơ thiếu nữ của Trà là yếu tố mấu chốt để câu chuyện được nâng lên một tầm mới. Sau khi viết xong hồi 1, team biên kịch đã xà quần với nhau rất nhiều, và vẫn liên tục nhận phản hồi từ những thành viên khác trong đoàn. Mình với Trà nhận ra rằng sợi dây kết nối giữa Hạ và Akira không chỉ là sở thích chụp máy phim, không chỉ là vùng đất này, mà còn phải là một điều khác.

Trong một lần bàn bạc, có ai đó đã nói rằng cái này không giống như 1 chuyện tình yêu nam nữ, mà giống như câu chuyện gia đình hơn. Mình bỗng ngộ ra rằng: đây đúng là một câu chuyện gia đình, và sợi dây còn thiếu ấy chính là ông Nhất Minh. Và vì lẽ đó, ông Nhất Minh phải biến mất, và chuyến phiêu lưu của Hạ không chỉ để khám phá vùng đất này. Chuyến phiêu lưu ấy là để đi theo bước chân của người cha mà cô đã không nhìn thấy từ nhỏ. Đồng nghĩa với việc, Nhất Minh cũng đóng một vai trò quan trọng với Akira. Lần đầu tiên, bọn mình cảm thấy bức tranh đã trở nên hoàn chỉnh.

Hạ đến đây để tìm cha, nhưng cô lại bị ngăn cản vì cha cô đã qua đời (biến cố 1), nhưng cô không hề bỏ cuộc, cô vẫn muốn tìm cha mình thông qua Higashikawa và Akira, nhưng khi cô sắp đạt được điều đó, chính lựa chọn của ông Nhất Minh đã đẩy Hạ ra xa ông (biến cố 2), và Akira cùng Hạ đã vượt qua trở ngại đó (cao trào).

Bỗng nhiên, Akira trở thành Akira, và Hạ trở thành Hạ. Họ thật sự ở đó, không phải là khung cảnh gượng ép ở bên nhau, mà thật sự gặp nhau tại thị trấn ảnh, cùng gắn bó và đồng cảm với nhau.

Câu chuyện gia đình, kỳ lạ thay, đã hoàn chỉnh câu chuyện tình cảm.

5.

Những mảnh ghép còn lại xuất hiện tự nhiên như chính câu chuyện phải như vậy. Akira thay Nhất Minh gửi bưu thiếp cho Hạ. Duy Anh xuất hiện khá muộn màng, nhưng nhanh chóng giải quyết được khá nhiều bất đồng về ngôn ngữ giữa Hạ và Akira, đồng thời thêm một màu sắc khác cho câu chuyện. Trong kịch bản gốc, cặp đôi Shinichi và Ran là một cặp đôi thuần túy người Nhật, nhưng sau đó đã được tinh chỉnh đề đơn giản hóa kịch bản và tôn thêm nhân vật Duy Anh. Bác Adachi và chú chó Punch, hình bóng của Michiko, sự phản bội mà Hạ trải qua… tất cả những mảnh ghép rơi vào đúng chỗ của chúng.

Có một điểm thú vị là các câu hỏi “Nếu một ngày không nghe, không thấy, không nói và không nhớ” luôn gắn với những sự kiện khác nhau sau mỗi đợt trùng tu kịch bản. Nhưng cảnh mà mình ưa thích nhất là cảnh “không nghe được” – hồi ức về bài hát Nhong Nhong Nhong. Vừa viết, chính mình vừa cảm động, và mình tin chắc đây sẽ là cảnh lấy được nước mắt của rất nhiều khán giả. Nói sao nhỉ, nếu kịch bản không lấy nước mắt, không có twist* và không có kết-thúc-ếu-có-hậu thì đã không phải là kịch bản do Phan viết nữa rồi.

*twist: tình tiết bất ngờ

6.

Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè không phải là một chuyện tình. Đó là một câu chuyện về tình cảm. Tình cảm rung động giữa Hạ và Akira, tình cảm vượt không thời gian giữa Hạ và Nhất Minh, tình cảm day dứt của Nhất Minh và Tomoe… Nhưng trên hết, đó là một câu chuyện về cuộc sống, về một khoảnh khắc chợt đến, chợt đi, chợt hiện về trong những hồi tưởng miên man.

Anh Công luôn nhắc đi nhắc lại rằng mỗi nhân vật trong câu chuyện này đều có “Nếu một ngày” của mình, dù vô tình hay cố ý. Và mình tin rằng, mỗi một khán giả khi xem xong đều sẽ có “Nếu một ngày” của riêng mình. Kịch bản phim dài đầu tay của mình, Trà và anh Công, chắc hẳn sẽ có nhiều thiếu sót, sẽ có những hạt sạn thậm chí là sơ đẳng; nhưng với bọn mình, câu chuyện của Hạ và Akira ở Higashikawa là câu chuyện có thật, là lát cắt đẹp đẽ nhất dành cho những tình cảm không nói nên lời.

Phan Lương
Ảnh:
Fanpage Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè

Đọc toàn bộ series “Tua Phim” tại đây.

Cùng tác giả

#Tag

kịch bản phim. nhắm mắt thấy mùa hè nhật bản phân tích phim tua phim điện ảnh

iDesign Must-try

Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Noh là loại hình nghệ thuật sân khấu sớm nhất ở Nhật Bản và vẫn được biểu diễn cho đến ngày nay. Được phát triển vào thế kỷ 14, Noh…
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
Những gò cỏ nhấp nhô ở Cánh đồng Kurkku đã ngụy trang thành một khu vực thiền định để đọc sách và nghỉ ngơi. Được khai trương vào tháng trước…
Xem Lê Phan vẽ lại những khung cảnh điện ảnh tiêu biểu bằng màu nước
Xem Lê Phan vẽ lại những khung cảnh điện ảnh tiêu biểu bằng màu nước
Dạo quanh Instagram của nam hoạ sĩ trẻ, ánh mắt ngay lập tức vào những khung cảnh tuy quen thuộc nhưng lại ngờ ngợ bởi cách vẽ mới mẻ, đặc…
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Nghệ sĩ người Nhật Bản đồng thời là một cựu thợ làm bánh – Yukiko Morita đã đưa tình yêu bánh mì vào công việc sáng tạo của mình bằng…
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Vì sao heta-uma lại có nghĩa là 'xấu mà đẹp'? Phong cách thẩm mỹ này nhằm ám chỉ điều gì?
Những chú mèo siêu thực trong poster phim Cộng hòa Séc và Ba Lan
Những chú mèo siêu thực trong poster phim Cộng hòa Séc và Ba Lan
Chẳng biết vô tình hay hữu ý, mèo xuất hiện rất nhiều trong những tấm poster phim của Séc và Ba Lan thập niên 1960 - 1970, với đủ hình…