Du hành thời gian cùng ‘Paper peepshow’ - Nghệ thuật tinh xảo bằng giấy đầy hoài niệm

Bảo tàng Victoria & Albert (Anh) chỉ tổ chức một số triển lãm tác phẩm paper peepshows (tạm dịch: nghệ thuật trình diễn bằng giấy) cho đến năm 2016, nơi này nhận được bộ sưu tập lớn được lắp ráp bởi Jacqueline và Jonathan Gestetner (hay còn gọi The Gestetner Collection). Tập hợp trong khoảng thời gian 30 năm, các tác phẩm bao gồm hơn 400 paper peepshow và các thiết bị quang học khác có niên đại từ thế kỷ 19 đến ngày nay.

Mời bạn cùng iDesign điểm qua vài nét nổi bật trong lịch sử, cấu trúc cũng như cách chúng được áp dụng bởi các nghệ sĩ đương đại.



‘Masquerade’, paper peepshow, 1826, London. Ảnh: Dennis Crompton

Paper peepshow là gì?

Paper peepshow tựa như thế giới thu nhỏ mở ra trước mắt bạn. Ngay lập tức, bạn được đưa đến một lễ hội, sự kiện lịch sử hay vùng đất xa xôi, một vở kịch nơi nhà hát bận rộn, một chiến trường hay buổi khánh thành của tác phẩm kỹ thuật vĩ đại nào đấy, một cảnh trong kinh thánh hoặc cuộc triển lãm quốc tế. Các cảnh tượng sặc sỡ và tràn đầy năng lượng mà khi lùi vào khoảng xa, chúng tạo ra một ảo ảnh chiều sâu ấn tượng.

Mỗi paper peepshow bao gồm một tấm ốp giấy (panel) phía trước và phía sau cũng như ở giữa là các bản in được cắt rời, chúng liên kết với nhau bởi nhiều ống thổi (bellow) ở hai bên hoặc trên cùng và dưới cùng. Các tác phẩm trình diễn này trông giống như một cây đàn concertina bị kéo giãn khi được mở ra nhưng lúc đóng lại, bạn sẽ không bao giờ đoán được điều kỳ diệu mà nó chứa đựng. Nó có thể gọn gàng nén lại vào một cái hộp (như ảnh dưới đây) hoặc dễ dàng trượt vào một chiếc hộp dọc.

‘Đường hầm sông Thames ở London’, paper peepshow, khoảng năm 1851, Đức.
Ảnh: Dennis Crompton

Điều làm cho trải nghiệm của tác phẩm trình diễn peepshow trở nên đặc biệt là nó thân mật và mang tính cá nhân. Khi bạn nhìn vào một cái lỗ ngắm (hay còn gọi là peephole), bạn có thể trông thấy cảnh tượng được mở ra và ngay lập tức bị thu hút vào tất cả các chi tiết đáng kinh ngạc của nó.

Một cảnh từ tác phẩm ‘Đường hầm sông Thames ở London’ khi nhìn qua lỗ ngắm, khoảng năm 1851, Đức.
Ảnh: Dennis Crompton

Những phiên bản đầu tiên

Paper peepshow được phát triển từ các tác phẩm cồng kềnh trước đó vào thế kỷ 18, khi mà chúng có thể trượt đều đặn vào một hộp cứng làm bằng gỗ hoặc giấy các-tông, với lỗ ngắm nằm ở một đầu của tác phẩm.

Trong ví dụ dưới đây, một số cảnh đã được kết hợp thành một khung lớn hơn. Cấu trúc nhiều lớp của peepshow được lấy cảm hứng từ các sân khấu thời kì Baroque, khi phần trang trí được vẽ trên một loạt các mặt phẳng song song di chuyển dọc theo các rãnh đặt trên sân khấu.

Nhà hát Engelbrecht, một tác phẩm paper peepshow thực hiện vào thế kỷ 18, Đức.
© Bảo tàng Victoria và Albert, London

Bảo tàng Victoria & Albert có hai ví dụ ban đầu về ‘góc nhìn phối cảnh’ này, như tên gọi mà chúng được biết đến, bởi Martin Engelbrecht, một nhà điêu khắc và nhà xuất bản người Đức. Cả hai tác phẩm ban đầu đều trong một series dành cho các sự giao thương và nghề nghiệp khác nhau: một tác phẩm đưa ta vào xưởng của một nhà in, và tác phẩm còn lại đưa ta vào studio của người họa sĩ.

‘Góc nhìn phối cảnh của một xưởng in’, bản in được tô màu bằng tay, Martin Engelbrecht, khoảng năm 1750, Augsburg, Đức.
© Bảo tàng Victoria & Albert, London
Tấm ốp phía sau của tác phẩm ‘Studio của người họa sĩ’ , bản in được tô màu bằng tay,
Martin Engelbrecht, khoảng năm 1740, Augsburg, Đức. © Bảo tàng Victoria & Albert, London

Cho đến cuối thế kỷ 19, bạn cũng có thể bắt gặp những người đàn ông đi dạo quanh các thị trấn và hội chợ cùng các tác phẩm trình diễn bằng giấy (họ được gọi là peepshow man). Với các hộp peepshow lớn đã được trang bị sẵn, các peepshow man sẽ thu phí người lớn và trẻ em nhìn vào bên trong hộp, trong khi họ thổi hồn cho chúng bằng lời kể và đưa ra những bình luận về cảnh được miêu tả.

Bản in châm biếm dưới đây cho thấy một người đàn ông mải mê với cảnh tượng bên trong chiếc hộp đến nỗi anh ta không nhận ra rằng bản thân vừa bị một người lạ móc túi.

‘Billy’s Raree Show – hay John Bull enlighten’d’,bản in được tô màu bằng tay,
xuất bản bởi S. W. Fores, 1797, London. © Bảo tàng Victoria & Albert, London

Văn hóa đại chúng ở thế kỉ 19

Thời hoàng kim của paper peepshow là vào giữa thế kỷ 19, khi các thiết bị quang học đang vô cùng thịnh hành. Xu hướng bắt đầu ở Áo và Đức, và nhanh chóng lan sang Pháp và Anh.

Chúng thường được sản xuất với giá rẻ nên được bán làm quà lưu niệm tại các điểm du lịch nổi tiếng hoặc thay thế việc trải nghiệm thực tế. Đối với người xem ngày nay, chúng là những thiết bị du hành thời gian vui tươi và có tính tương tác, làm nổi bật những thứ từng hấp dẫn bao người thời xưa.

‘A Peep at the Elephant at the Adelphi Theatre’, paper peepshow, khoảng năm 1829, London.
Ảnh: Dennis Crompton

Có hai điểm tham quan ở London thống trị các kênh tin tức và lọt vào trí tưởng tượng của công chúng, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, trong giai đoạn từ những năm 1820 đến những năm 1850. Đó là công trình Đường hầm sông Thames (Thames Tunnel), bắt đầu vào năm 1825 và hoàn thành năm 1843, và sự xuất hiện lần đầu của Triển lãm lớn (Great Exhbition) năm 1851 – thậm chí, một Cung điện Thủy tinh (Crystal Palace) đã được đặc biệt dựng lên.

Sự phổ biến của hai điểm thu hút này được thể hiện qua số lượng quà lưu niệm, các bản in, chủ đề của chúng trong các đồ vật thời thượng khi ấy, bao gồm cả peepshow, đều ghi dấu và kỷ niệm hai thành tựu này.

Bộ sưu tập Gestetner (The Gestetner Collection) gồm hơn 60 mẫu về Đường hầm sông Thames cũng như mô tả Cung điện Thủy tinh trong Công viên Hyde, và phiên bản tái thiết của Cung điện này tại Sydenham ở phía nam London.

‘Perspectivische Ansicht des Tunnel unter der Themse’, paper peepshow (ảnh trái);
hình ảnh chi tiết ở ngăn trên và dưới (ảnh phải),
khoảng năm 1835, Đức. Ảnh: Dennis Crompton

Đường hầm sông Thames được xây dựng nhằm hỗ trợ thương mại và kết nối các bến cảng được mở rộng ở hai bên sông nằm quá xa các cây cầu tồn tại lúc bấy giờ.

Một kĩ sư có tên Marc Isambard Brunel đã bắt tay vào một dự án liên kết bờ bắc và nam sông Thames, giữa Wapping và Rotherhithe, sử dụng công nghệ mới. Lao đao bởi những khó khăn tài chính và kỹ thuật, đường hầm mất đến 20 năm để hoàn thành.

Khi đường hầm đầu tiên trên thế giới được xây dựng dưới một dòng sông có thể điều hướng, nó lập tức trở thành một điểm đến chính của vô số khách du lịch. Trong quá trình xây dựng, du khách thậm chí còn trả tiền để xem các công nhân đang thi công và đến khi hoàn thành, nó đã biến thành một khu mua sắm sầm uất, đầy những quầy hàng bán đồ lưu niệm dưới mọi kiểu dáng và hình thức.

‘Đường hầm sông Thames’, paper peepshow, khoảng năm 1835, London.
Ảnh: Dennis Crompton

Triển lãm Lớn năm 1851 (nơi là khởi đầu cho sự hình thành bảo tàng Victoria & Albert ở London, lúc đó được gọi là Bảo tàng Kensington) là một sự kiện thu hút các du khách trên khắp nơi tụ về.

Một Cung điện Thủy tinh đã được dựng lên trong Công viên Hyde ở London để chào đón 14.000 nhà triển lãm tham gia trưng bày các công nghệ và tác phẩm nghệ thuật mới nhất từ nhiều quốc gia khác nhau. Các tác phẩm peepshow hoạt động như phần quảng cáo cho cuộc Triển lãm lớn, cung cấp nhiều góc nhìn thú vị cho một công trình kết hợp giữa kính và sắt ấn tượng khi ấy.

Một số tác phẩm peepshow cũng khắc họa Cung điện thủy tinh sau lần Triển lãm, khi nó được tháo dỡ và xây dựng lại tại Sydenham ở phía nam London. Những mô tả này không phải lúc nào cũng chính xác, như trong ví dụ dưới đây, nơi đường sắt mới được xây dựng xuất hiện để vận chuyển khách trực tiếp vào tòa nhà.

‘Nội thất của Cung điện Thủy tinh mới đầy tráng lệ tại Sydenham’, paper peepshow,
khoảng năm 1856, Đức. Ảnh: Dennis Crompton

Bộ sưu tập Gestetner cũng bao gồm các thiết bị quang học khác có định dạng khác nhau. Paris La Nuit là ví dụ, khi nó đi kèm với một loạt các slide hiển thị các góc nhìn của thành phố Paris ban ngày. Tuy nhiên, khi các slide này được lắp vào mặt sau của thiết bị và được nhìn vào một nguồn ánh sáng mạnh, các điểm tham quan bên trong ống ngắm bỗng chốc chuyển thành những cảnh xem về đêm hoặc thậm chí cho thấy những cảnh quan hoàn toàn khác.

‘Paris La Nuit’, paper peepshow, khoảng năm 1860, Paris.
© Victoria and Albert Museum, London
Rue de Rivoli ban ngày (ảnh trái) & ban đêm (ảnh phải), bản in được tô bằng tay,
đây là một phần của tác phẩm peepshow ‘Paris La Nuit’ có từ khoảng năm 1860.
Ảnh: Dennis Crompton

Thế kỉ 20 và Thế kỉ 21

Vào cuối thế kỷ 19, sự phổ biến của các tác phẩm trình diễn bằng giấy – paper peepshow – đã có sự suy giảm.

Tuy nhiên, định dạng này đã được hồi sinh vào những năm 1950, nhưng lần này nó đặc biệt nhắm vào trẻ em. Bộ sách Werner Laurie Show được thiết kế theo cách mà một đứa trẻ có thể biến cuốn sách của mình, với sự trợ giúp của hồ dán và kéo, thành một paper peepshow, ví dụ, mô tả một màn trình diễn của Hồ thiên nga.

Tác phẩm peepshow, ‘Hồ Thiên nga, trong một quyển Werner Laurie Ballet Show’,
(góc nhìn chính diện và phía sau), khoảng năm 1952, London.
Ảnh: Dennis Crompton

Định dạng peepshow cũng được các nghệ sĩ sử dụng gần đây hơn, nhằm tạo ra các cuốn sách dành cho họa sĩ và bộ sưu tập của bảo tàng Victoria và Albert bao gồm một số ví dụ như Fairyland của Leilei Guo (Bắc Kinh, 2009) và Down the Rabbit Hole của Tara Bryan (Flatrock: Walking Bird Press, 2005).

‘Fairyland’, paper peepshow, Leilei Guo, 2009, Beijing.
Ảnh: Dennis Crompton
‘Down the Rabbit Hole’, paper peepshow, Tara Bryan, 2005, Canada.
Ảnh: Dennis Crompton


Dịch: Lệ Lin
Nguồn: vam.ac.uk

Cùng tác giả

#Tag

Heirstory lịch sử nghệ thuật nghệ thuật giấy paper peepshow The Gestetner Collection victoria albert

iDesign Must-try

Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Trong phần cuối cùng của chuỗi bài Hiện thực, chúng ta cùng tìm hiểu các tác phẩm nổi bật và quan trọng đối với trào lưu - được sắp xếp…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Gustave Courbet nói rằng ông vẽ “người thị trường, nặng 180kg, vị linh mục quản xứ, công lý của hoà bình, người mang thánh giá, công chứng viên Marlet, vị…
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Mặc dù lịch sử thiết kế đồ hoạ chỉ chính thức bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, việc tìm hiểu lịch sử nghệ thuật…
Tổng quan dòng chảy lịch sử thiết kế đồ hoạ
Tổng quan dòng chảy lịch sử thiết kế đồ hoạ
Trong ba tháng vừa qua, chuyên mục Lịch sử Thiết kế Đồ hoạ tại iDesign đã ra mắt và giới thiệu đến các bạn một số bài viết chia sẻ…